Monday, 26 October 2020

BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO và QUỐC PHÒNG MỸ ĐẾN ẤN ĐỘ THẮT CHẶT LIÊN MINH CHỐNG TRUNG QUỐC (Trọng Nghĩa - RFI)

 


Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ đến Ấn Độ thắt chặt liên minh chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 26/10/2020 - 13:49

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201026-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ngo%E1%BA%A1i-giao-v%C3%A0-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%E1%BA%AFt-ch%E1%BA%B7t-li%C3%AAn-minh-ch%E1%BB%91ng-trung-qu%E1%BB%91c

 

Ngày 27/10/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper sẽ gặp gỡ hai đồng nhiệm Ấn Độ S Jaishankar và Rajnath Singh tại New Delhi trong khuôn khổ cơ chế đối thoại “2+2” để bàn về các vấn đề chiến lược và an ninh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/62d9d214-1788-11eb-b303-005056a98db9/w:980/p:16x9/AP20298714169555-1.webp

Ảnh tư liệu : Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper chuẩn bị tham dự một cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington DC, ngày 21/09/2020. AP - Patrick Semansky

 

Chuyến công du Ấn Độ của hai nhân vật hàng đầu trong lãnh vực an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nhằm tăng cưởng quan hệ chiến lược với một nước đang đối đầu với Trung Quốc, củng cố thêm liên minh đang hình thành để chống lại Bắc Kinh.

 

Phát biểu trước lúc ông Pompeo lên đường qua Ấn Độ, chặng đầu tiên trong một vòng công du Nam Á và Đông Nam Á (ông Pompeo cũng sẽ sang Sri Lanka, Maldives và Indonesia), ông Dean Thompson, một quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp, chuyên trách vùng Nam Á và Trung Á đã khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực thắt chặt quan hệ thiết yếu với đồng minh và đối tác, nhấn mạnh cam kết dấn thân sâu hơn vào vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về công cuộc đối tác bền vững vì sự thịnh vượng của toàn khu vực.”

 

Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã có những bược tiến đáng kể, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, quốc phòng. Theo các nguồn tin báo chí, nhân dịp này hai nước dự kiến ký Thỏa Thuận Hợp Tác và Trao Đổi Cơ Bản (BECA), tạo tiền đề để Ấn Độ mua drone vũ trang của Mỹ, một loại vũ khí cần thiết nhắm đối phó với Trung Quốc.

 

Ngoài ra, hai bên được cho là sẽ cố gằng thể chế hóa quan hệ giữa các cơ quan tình báo quốc phòng, nâng cấp thỏa thuận liên lạc COMCASA từng cho phép hai nước bước đầu chia sẻ thông tin tình báo. Nếu đạt được thỏa thuận mới, hai đồng minh sẽ có thể chia sẻ thông tin tình báo giữa các lực lượng lục quân, hải quân và không quân về diễn biến của tất cả vấn đề quốc phòng từ Biển Đông đến vùng Ladakh.

 

Theo lời các quan chức Ấn, nhân chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, Ấn Độ dự kiến ký một thỏa thuận cho phép New Delhi tiếp cận với những dữ liệu vệ tinh nhạy cảm của Mỹ giúp tăng cường việc chống tên lửa và drone.

 

Ngoài hợp tác song phương Mỹ- Ấn, Mỹ cũng đang thúc đẩy cơ chế đa phương Bộ Tứ bao gồm cả Mỹ, Ấn, lẫn Úc và Nhật, một cơ chế mà ngoại trưởng không ngần ngại cho là một bức tường ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Đối với chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, việc củng cố nhóm Bộ Tứ là một chính sách ngoại giao thực thụ chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nội bộ của Mỹ.

 

Theo ông Poling: “Đúng là lời lẽ chống Trung Quốc của ông Pompeo phần lớn là vì bầu cử, nhưng việc củng cố Bộ Tứ, thắt chặt quan hệ với Đài Loan, tăng cường thái độ quan ngại về Biển Đông… là đề xuất của cả giới hoạch định chính sách chuyên nghiệp lẫn giới làm chính trị.

 

Dụng tâm củng cố liên minh chống Trung Quốc không chỉ được thấy qua chuyến thăm Ấn Độ, mà còn thể hiện qua các chặng tiếp theo trong chuyến công du của ông Pompeo.

Ông sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Sri Lanka trong hơn một thập niên qua, trước khi ghé quần đảo Maldives. Đây là 2 nước nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương đã vay nợ chồng chất của Trung Quốc cho những dự án hạ tầng cơ sở to lớn. Tại hai nước này, ngoại trưởng sẽ khuyến cáo giới lãnh đạo tránh bị sập bẫy nợ Trung Quốc.

 

Chuyến công du kết thúc tại Indonesia cũng không phải là ngẫu nhiên vì cường quốc Đông Nam Á này cũng đang bị Trung Quốc lấn lướt ở vùng đặc quyền kinh tế của mình sát Biển Đông.

 

                                                          ****

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Mỹ-Ấn : Washington thúc giục New Delhi liên kết chống Bắc Kinh

 

Sau ngoại giao, Bộ Tứ hợp lực quân sự kiềm chế Trung Quốc

 

Khác biệt cách nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, Quad thiếu chiến lược chung đối với Trung Quốc

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats