Wednesday, 28 October 2020

BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO MỸ ĐẾN VIỆT NAM ĐỂ BÀN BẠC NHỮNG GÌ? (Diễm Thi, RFA)

 


Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Việt Nam để bàn bạc những gì?

Diễm Thi, RFA
2020-10-28

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-do-the-us-secretary-of-state-come-to-vn-to-discuss-dt-10282020134554.html

 

Tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam chiều 28 tháng 10 cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 tới ngày 30 tháng 10 năm 2020, theo lời mời của Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Chuyến đi của ông Pompeo được cho biết nhằm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam.

 

Ngày 11 tháng 7 năm 2020 là ngày đánh dấu Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao tròn 25 năm, kể từ sau chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4 năm 1975.

Trong hơn hai thập niên thiết lập mối quan hệ ngoại giao trở lại, Việt Nam và Mỹ mở rộng trao đổi các vấn đề về chính trị và kinh tế. Đối thoại nhân quyền hàng năm bắt đầu từ năm 2006 được tiếp tục sau hai năm gián đoạn. Vào ngày 25 tháng 7 năm 2013, Việt Nam và Mỹ tuyên bố hai quốc gia nâng tầm quan hệ hợp tác đối tác toàn diện. Năm 2016, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam là bà Madeleine Albright. Bà đến Việt Nam ngày 27 tháng 6 năm 1997 và ký Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.

 

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, liệu mối quan hệ giữa hai nước có được nâng lên tầm đối tác chiến lược hay không?

 

Nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp nhận định rằng, đó là việc hai nước sẽ bàn đến nhưng kết quả ra sao thì vẫn phải chờ đến sau ngày bầu cử Mỹ. Tuy vậy, chính sách của Việt Nam là dù ai làm Tổng thống Mỹ thì quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp.

 

Ông Hợp nói về những chủ đề hai bên có thể bàn đến trong nghị trình lần này của chuyến thăm Việt Nam của ông Pompeo:

 

“Chủ đề thứ nhất là vấn đề Indo-Pacific (Ấn Độ - Thái Bình Dương). Cụ thể là việc tuần tra, tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông như thế nào; Hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc chống lại những nỗ lực trái pháp luật của người Trung Quốc ở riêng vùng Biển Đông. Cũng có thể người ta sẽ đặt vấn đề sử dụng một quân cảng, hải cảng như Cam Ranh hoặc Đà Nẵng để mở rộng việc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông trong thời gian tới.

Chủ đề thứ hai là phía Việt Nam mong muốn thuyết phục chính quyền của ông Trump xem xét lại chính sách của Việt Nam về mặt thương mại cũng như tỷ giá. Việt Nam đang muốn giải thích cho phía Mỹ hiểu rằng chính sách tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và đồng tiền Mỹ không nhằm để tạo lợi thế thương mại cho Việt Nam.

Chủ đề thứ ba, hầu như chắc chắn là ông Pompeo sẽ nói chuyện nhân quyền ở Việt Nam thời gian vừa qua. Bắt người dân không đúng, sai pháp luật quốc tế. Cư xử với những người bị bắt không đúng với các công ước của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cũng như hoạt động tư pháp.

Chủ đề thứ tư là họ sẽ bàn về việc làm sâu rộng thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Tất nhiên họ sẽ bàn theo hướng làm sao đưa mối quan hệ này chính thức trở thành mối quan hệ chiến lược.”

 

Còn một vấn đề nữa mà ông Hà Hoàng Hợp đề cập đến liên quan đến đại dịch COVID-19. Theo ông, Việt Nam cũng sẽ nhờ Mỹ cung cấp vaccine cho Việt Nam bởi số vaccine mà Việt Nam đã đặt hàng của Anh và Nga vẫn không đủ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-do-the-us-secretary-of-state-come-to-vn-to-discuss-dt-10282020134554.html/000_1gs7vl.jpg/@@images/b7b9f873-fc2f-48aa-8867-437a3c9941ed.jpeg

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bắt tay Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trước cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC, ngày 22 tháng 5 năm 2019. AFP

 

Ngoài việc trao đổi, hợp tác với Việt Nam về nhiều mặt từ quân sự, chính trị, kinh tế, Hoa Kỳ còn quan tâm đến những những lĩnh vực khác ở Việt Nam như dân sinh, y tế, môi trường, giáo dục với nhiều dự án.

 

Chẳng hạn như Dự án Hòa nhập cho Người khuyết tật Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được triển khai từ năm 2005 nhằm thúc đẩy giáo dục và hòa nhập xã hội cho người khuyết tật trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam.

 

Gần đây nhất là khoản tài trợ gần 4,5 triệu đô la được Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu trong ứng phó đại dịch bùng phát. Khoản tài trợ này được sử dụng cho hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, cung cấp vật tư cho việc giám sát và quản lý ca bệnh COVID-19; kiểm tra y tế tại các cửa khẩu; tăng cường năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng; và phòng ngừa lây nhiễm trong các cơ sở chăm sóc y tế.

 

Liên quan đến môi trường, năm 2009, Hoa kỳ khởi xướng một chương trình đối tác đa quốc gia có tên Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác tại tiểu vùng sông Mekong.

 

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu về biển Đông, cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngoại trưởng Mỹ là tín hiệu tốt cho Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và Mekong trong nghị trình. Ông nói:

 

“Chuyến đi này cho thấy thái độ của Mỹ đối với Việt Nam là rất coi trọng Việt Nam. Điều này tác động rất nhiều tới những chính sách của Việt Nam sắp tới, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Trong vấn đề Biển Đông và Mekong thì cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều có những điểm chung.

Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn trong vấn đề Biển Đông và Mekong trước các hành động của Trung Quốc. Hoa Kỳ thì muốn những quốc gia khu vực này cần phải tuân thủ luật pháp và tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác. Điều này cũng trùng với lợi ích của phía Việt Nam.

Việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ sang lần này, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Suga, cho thấy tín hiệu phía Việt Nam và phía Mỹ sẽ có nhiều hoạt động đẩy mạnh quan hệ hai nước trong thời gian sắp tới.”

 

Sông Mekong chảy qua sáu quốc gia, trong đó Trung Quốc là nước trên vùng thượng nguồn. Trung Quốc đã xây những đập thủy điện lớn và làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh kế của những người dân vùng hạ lưu. Đặc biệt là người Việt Nam do ở cuối nguồn.

 

Rất nhiều lần những khu vực hạ lưu bị hạn hán nhưng Trung Quốc vẫn tích nước trên các đập thủy điện. Đến khi hạ lưu bị lụt thì Trung Quốc lại xả lũ dẫn tới mực nước lụt cao hơn và lũ mạnh hơn.

 

Nếu vấn đề Mekong được mang ra bàn thảo thì đó là điều lợi cho Việt Nam như đánh giá của ông Hoàng Việt:

 

“Trong Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong của Hoa Kỳ thì từ lâu họ muốn rằng phải thúc đẩy phát triển khu vực này. Đặc biệt phải tôn trọng sinh kế và môi trường của những người dân vùng hạ lưu.”

 

Hôm 22 tháng 10 vừa qua, Trung Quốc ký kết thỏa thuận với Ủy hội sông Mekong (MRC) chia sẻ dữ liệu quanh năm về đoạn sông chảy qua phần đất Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi tên là Lan Thương. Trung Quốc còn đồng ý thông báo với các quốc gia trong Ủy Hội Sông Mekong về tình hình nước lũ lên xuống bất thường của con sông này. Chia sẻ dữ liệu về dòng chảy Mekong cũng là yêu cầu được các nước hạ nguồn, kể cả Hoa Kỳ, đưa ra với Trung Quốc từ nhiều năm nay nhưng nước này không thực hiện.

 

Chuyên gia Witoon Permpongsacharoen thuộc Mạng Lưới Năng Lượng và Sinh Thái Sông Mekong, trụ sở tại Bangkok, Thái Lan cho rằng, thỏa thuận ký kết hôm 22 tháng 10 là thủ thuật mới của Trung Quốc nhằm lấy lòng các nước hạ nguồn sông Mekong.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats