Saturday, 31 October 2020

HỒ SƠ THUẾ CỦA TRUMP (BÀI 6) : LÀM THẾ NÀO TRUMP THOÁT KHỎI NHỮNG RỐI RẮM TIỀN BẠC Ở CHICAGO (David Enrich, Russ Buettner, Mike McIntire và Susanne Craig - New York Times)

 

Hồ sơ thuế của Trump (Bài 6): Làm thế nào Trump thoát khỏi những rối rắm tiền bạc ở Chicago   /  Phần 1

David Enrich, Russ Buettner, Mike McIntire và Susanne Craig  -  New York Times

Dịch giả: T.Vấn

30/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/30/ho-so-thue-cua-trump-vi-lam-the-nao-trump-thoat-khoi-nhung-roi-ram-tien-bac-o-chicago-phan-1/

 

Lời người dịch: Đây là bài thứ sáu trong loạt bài nhiều kỳ về hồ sơ thuế của tổng thống Donald Trump của nhóm phóng viên điều tra New York Times. Đề tài chính kỳ này phân tích những mánh khóe ông ta đã dùng để các chủ nợ phải tha cho các khoản nợ đáo hạn lên tới mấy trăm triệu đô la và những luồn lách ông ta đã sử dụng để khỏi phải trả thuế lợi tức cho chính phủ trên số nợ được tha.

 

 

Khi dự án tòa nhà chọc trời của Trump ở Chicago thất bại, ông ta tìm cách quỵt nợ, kiện ngân hàng, rồi được tha gần hết nợ – nhưng lại tránh né việc đóng thuế lợi tức trên phần lớn khoản nợ được tha.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-39.jpg

Ivanka và Donald J. Trump trong một buổi lễ tại tòa tháp cao tầng ở Chicago năm 2008. Các chủ nợ của Trump đã tha cho ông ta một khoản nợ không thể thanh toán – có liên quan đến dự án Chicago này – trị giá 270 triệu đô la. Nguồn: Charles Rex Arbogast/ AP

 

Viễn ảnh nợ nần đã trở nên hoàn toàn hiện thực khi Trump đến Chicago vào cuối tháng 9 năm 2008 để đánh dấu giai đọan sắp sửa hoàn tất công trình xây dựng tòa nhà chọc trời 92 tầng ở đó.

 

Tình hình tài chính của các công ty lớn cũng như nhỏ, của hàng triệu người Mỹ – tất nhiên trong đó bao gồm cả các công ty của Trump – đang phải đối đầu với bao hiểm nguy bất trắc. Nhưng người đứng mũi chịu sào của dòng họ Trump vẫn tỏ ra hớn hở vui mừng khi đứng trước thềm tòa nhà kiếng lộng lẫy của mình.

 

Ông ta bộc lộ niềm hân hoan tràn đầy: “Chúng tôi rất thích tòa tháp này. Chúng tôi vui sướng với những gì liên quan đến tòa tháp và tốc độ hoàn tất nhanh chóng của nó”.

 

Ông Trump và gia đình ông ta hy vọng, Trump International Hotel & Tower – tên chính thức của tòa tháp – sẽ củng cố danh tiếng của công ty Trump là một trong những nhà phát triển tên tuổi trong thế giới địa ốc dành cho giới thượng lưu.

 

Chẳng may, công trình sang trọng này đã trở thành một danh mục đầu tư thất bại trong sự nghiệp của Trump. Tiến trình xây dựng tụt hậu. Các đơn vị gia cư khó kiếm người mua. Các khu cửa hàng bán lẻ trống trải không người thuê mướn.

 

Mặc dù vậy, với Trump và công ty, thất bại Chicago mở ra một kinh nghiệm khác cho Trump và cũng là một điển hình mới nhất, cho thấy khả năng của ông ta biết cách xoay sở, tạo áp lực mạnh mẽ trên các cơ sở tài chính có máu mặt và nhất là biết khai thác các luật lệ về thuế để làm giảm nhẹ sự thua lỗ tài chính gây nên bởi những thất bại liên tiếp trong kinh doanh.

 

Phân tích hồ sơ thuế liên bang của Trump dựa trên những tài liệu mà New York Times có được, đã tiết lộ một chi tiết mà lần đầu tiên được mọi người biết tới, đó là từ năm 2010, các ngân hàng chủ nợ đã tha cho Trump số nợ khoảng 287 triệu đô la, khoản vay mà ông ta đã không đủ khả năng thanh toán. Phần lớn khoản nợ này có liên quan đến dự án tòa tháp cao tầng ở Chicago.

 

Sự kiện Trump bị thất bại trong dự án ở Chicago và làm cách nào ông ta có thể thoát ra khỏi được mớ bòng bong rối rắm ấy sẽ là một đề tài nghiên cứu trong việc tìm hiểu các phương thức hoạt động doanh nghiệp của Trump.

 

Khi dự án doanh nghiệp gặp trở ngại, Trump cố tìm cách “phủi tay chạy làng” (walk away) khỏi những khoản nợ kếch xù. Đối với phần lớn những doanh nhân hay doanh nghiệp khác, đó là con đường dẫn đến sự suy sụp không tránh khỏi. Nhưng dựa vào những dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump cùng với các tài liệu khác và các những cuộc phỏng vấn, các chủ nợ – do không muốn phải đương đầu với một khách hàng nổi tiếng hay kiện tụng, thích được chường tên, chường mặt trong những tin tức giật gân, nên đã tỏ ra nhiều phần dễ dãi với Trump – đúng như ý ông ta mong muốn.

 

Những đại ngân hàng và các quỹ đầu tư lấy vốn từ nhiều nguồn khác nhau đã tạo cơ hội cho Trump có thêm thời gian để hoàn trả nợ nần. Dữ liệu thuế còn tiết lộ, ngay cả sau khi Trump kiện ra tòa chủ nợ lớn nhất của mình với cáo buộc họ tìm cách gài bẫy để hãm hại ông ta, ngân hàng này vẫn bằng lòng cho Trump vay thêm 99 triệu đô la – nhiều gấp đôi con số mà trước đây công luận được biết tới – để giúp ông ta có tiền trả các món nợ liên quan đến tòa tháp cao tầng Chicago vẫn còn thiếu ngân hàng.

 

Nói chung, các chủ nợ của Trump đã tha cho ông ta gần hết số nợ mà ông ta thiếu.

 

Hiện nay, số nợ được tha nói trên của Trump đang là tâm điểm của một cuộc điều tra về các hoạt động kinh doanh của Trump do bộ tư pháp tiểu bang New York tiến hành. Thường thì một khoản nợ tha lớn như vậy sẽ phải đóng thuế thu nhập không nhỏ vì theo luật thuế hiện hành, nợ tha được coi là thu nhập đánh thuế cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, như đã từng xảy ra khá thường trong suốt sự nghiệp kinh doanh của Trump – theo sự phân tích hồ sơ thuế Trump thực hiện bởi New York Times – có vẻ như ông ta không trả một đồng thuế nào cho khoản nợ được tha, một phần là do khai khấu trừ những lỗ lã khổng lồ từ các kinh doanh khác của Trump.

 

Alan Garten, luật sư trưởng của tổ hợp Trump, khẳng định, công ty và Trump đã khai báo đầy đủ và thanh toán các khoản thuế liên bang liên quan đến khoản nợ tha mà Trump nhận được. Ông ta nói:

 

“Đây là những giao dịch mà các bên liên quan ai cũng tìm đủ cách để đem được phần hời nhất về mình giữa bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và là hệ quả không thể tránh khỏi của thị trường địa ốc đang hoàn toàn tan rã”.

 

Trên màn ảnh truyền hình những ngày Chicago đầy sóng gió ấy, vị tổng thống tương lai đóng vai một nhà phát triển địa ốc gan dạ, liều lĩnh và ánh sáng lung linh kỳ ảo của tòa tháp chọc trời đã trở thành một phần của sự nghiệp kinh doanh đầy kỳ bí, khó hiểu.

Đó là công trình xây dựng lớn nhất của Trump. Và cũng là công trình cuối cùng mà ông ta đứng tên chủ xị.

 

 

Những đồng tiền nằm phía sau dự án

 

Ngay từ thập niên 1990s, Trump đã mơ ước làm chủ một tòa nhà chọc trời ở thành phố Gió Xoáy (Windy City – biệt danh của Chicago, do bởi một trận cuồng phong thổi qua, tàn phá Chicago năm 1876 – ND). Sau đó, Trump viết trên báo Chicago Tribune: “Tôi đã từng nuôi hy vọng ngày nào đó tôi sẽ dựng lên ở Chicago một công trình chưa từng có ai được nghe nói đến”.

 

Trump đã chọn khu đất nằm trên bờ sông vốn trước đây là nơi tọa lạc trụ sở thấp lè tè của tờ báo Sun-Times, cao 7 tầng. Năm 2001, Trump cho công bố kế hoạch xây dựng một công trình cao ốc lớn nhất nước Mỹ kể từ khi tòa cao ốc 110 tầng của Tháp SEARS hoàn tất năm 1973.

 

Công trình Trump International Hotels & Tower sẽ gồm có 486 đơn vị gia cư, 339 phòng khách sạn cho khách vãng lai mướn, vài nhà hàng, một quầy rượu, 2 nhà đậu xe, một phòng tập thể dục, phòng tắm hơi và hàng chục ngàn bộ vuông dành cho các cửa hàng mua sắm, các nơi tổ chức hội họp công cộng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-40.jpg

Công bố kế hoạch cho dự án tòa tháp vào năm 2003 với kiến trúc sư Adrian Smith. Sau đó, Trump đã viết: “Tôi đã từng nuôi hy vọng ngày nào đó tôi sẽ dựng lên ở Chicago một công trình chưa từng có ai được nghe nói đến”. Nguồn: Scott Olson/ Getty ImagesW

 

Các đơn vị gia cư (condos), có cái trị giá hơn 4 triệu đô la, có vị trí từ đó người ta có thể nhìn được toàn cảnh thành phố Chicago và hồ. Phòng ngủ của khách sạn, ở những tầng phía dưới của cao ốc, cũng được bán như một đơn vị gia cư. Công ty của Trump sẽ kiếm được lợi nhuận từ việc bán những đơn vị gia cư này (cùng với bãi đậu xe) và từ công việc điều hành tòa cao ốc.

 

Để tìm chi phí xây dựng, Trump sắp xếp cho hai công ty L.L.C. (trách nhiệm hữu hạn) của mình – 401 North Wabash Venture (địa chỉ tọa lạc của cao ốc) – và công ty mẹ – 401 Mezz Venture, vay ngân hàng hơn 700 triệu đô la.

 

Trump tìm đến chủ nợ lâu đời của mình, ngân hàng Deutsche Bank, hỏi vay hầu như toàn bộ số tiền cần đến. Từ năm 1998, Trump đã vay hàng trăm triệu đô la từ ngân hàng Đức này. Vì quá nôn nóng thiết lập sự hiện diện trên đất Mỹ, nên Deutsche Bank bỏ sót chi tiết Trump là một khách hàng có quá trình trả nợ không được nghiêm chỉnh.

 

Lần này, Trump cam đoan với các viên chức của Deutsche Bank, trong đó có Dustin Kennedy – con trai của cựu thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Anthony Kennedy – rằng, dự án Chicago là một đầu tư chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận không nhỏ. Để chứng tỏ sự cống hiến toàn diện của gia đình Trump cho dự án, Trump thông báo với ngân hàng, con gái của ông ta, Ivanka sẽ là người chịu trách nhiệm chính sau khi dự án hoàn tất. (Đồng thời, Trump đề cử Bill Rancic, người đoạt danh hiệu The Apprentice năm 2004 làm “chủ tịch” công trình).

 

Deutsche Bank bằng lòng cho 401 North Wabash Venture vay 640 triệu đô la. Trump cũng đồng ý lấy tư cách cá nhân bảo lãnh 40 triệu đô la của món tiền vay. Nếu L.L.C. 401 North Wabash Venture của Trump không đủ khả năng thanh toán nợ, Deutsche Bank có thể đòi trực tiếp 40 triệu từ cá nhân Trump.

 

Trump còn đến hỏi vay 130 triệu đô la từ Fortress Investment Group (FIG)– một hedge fund (quỹ đầu tư huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn là chính khách hàng của mình – ND) và là một công ty cổ phiếu tư nhân. Khoản vay này gọi là vay lửng (mezzanine loan), có nghĩa là Fortress Investment Group chỉ có thể nhận được tiền hoàn trả sau khi Trump đã trả xong món nợ 640 triệu đô la cho Deutsche Bank. Vì tính cách rủi ro gấp bội của nợ lửng, Trump phải chịu tỉ lệ lời khá cao với số vay 130 triệu này. Thỏa thuận vay tiền với FIG còn đòi hỏi 401 Mezz Venture phải trả thêm khoản “lệ phí thanh toán” (exit fee) 49 triệu đô la khi đến kỳ hoàn nợ.

 

Nếu Trump không đủ khả năng hoàn nợ, các chủ nợ của ông ta có quyền tịch thu tòa cao ốc để xiết nợ.

 

Cả Deutsche Bank và FIG đều có kế hoạch chia nhỏ khoản tiền cho vay và bán đi một mớ. Khách mua chủ yếu của Deutsche Bank sẽ là các ngân hàng Mỹ, Âu châu và Á châu. Còn khách mua của FIG phần lớn là các hedge funds, trong đó có Dune Capital Management, một công ty lúc đó vừa mới được thành lập và một trong những chủ sở hữu của nó là Steven Mnuchin, viên bộ trưởng ngân khố tương lai của chính phủ Trump sau này.

 

Các khoản vay nói trên đáo hạn tháng 5 năm 2008. Theo như dự phóng, thời điểm ấy cũng là lúc những lợi nhuận thu được từ việc bán condos, phòng ngủ khách sạn và bãi đậu xe sẽ đem lại đủ tiền mặt để Trump thanh toán nợ vay ngân hàng.

 

Sử dụng một cây bút đen, nét to đậm, Trump ký vào bản thỏa thuận vay tiền ngày 4 tháng 2 năm 2005. Một tháng sau, công việc xây cất được khởi sự.

 

 

Khi chủ nợ đến đòi tiền

 

Công việc xây dựng tiến hành chậm chạp hơn dự kiến. Khu đơn vị gia cư vẫn còn trong tình trạng chưa hoàn tất khi đến kỳ các món nợ đáo hạn.

 

Với tình trạng khủng hoảng tài chính bao trùm khắp nơi trên thế giới, việc đi tìm khách mua cho những căn hộ trị giá nhiều triệu đô la trở nên khó khăn gấp bội. Mùa xuân năm 2008, Trump yêu cầu Deutsche Bank dời lại ngày nợ đáo hạn. Ngân hàng cho Trump thêm 6 tháng.

 

Vào giữa tháng 9, cuộc khủng hoảng mạnh lên dần với tuyên bố phá sản của Lehman Brothers (một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu thành lập từ năm 1847 – ND). Thị trường tài chính chao đảo. Nền kinh tế đứng trên bờ vực một cuộc suy thoái.

 

Khoảng một tuần lễ sau đó, Trump xuất hiện ở Chicago, tham dự buổi lễ đánh dấu công trình xây dựng sắp hoàn tất.

 

Sau khi phát biểu với một đám đông nhỏ, Trump và 3 người con lớn – Ivanka, Donald Jr. và Eric – đặt bàn tay lên một một mặt xi-măng ướt để kỷ niệm buổi lễ. “Tôi không muốn nói với quý vị cảm giác của tôi bây giờ”, giọng Trump như bị một xúc động nào đó làm nghẹn lại, rồi ông ta xòe rộng hai bàn tay ra trước ống kính.

 

Theo một tài liệu từ tòa án New York, vào thời điểm này, có ít nhất 159 đơn vị gia cư chưa bán được. Nhiều đơn vị khác đã có hợp đồng mua soạn xong xuôi, nhưng khách mua chưa ký đóng hồ sơ. Điều đó có nghĩa là hàng trăm triệu đô la mà Trump và gia đình trông vào đó để hoàn trả nợ vay cho Deutsche Bank và FIG vẫn chưa thành hiện thực. Và thời gian đáo hạn của hai món nợ chỉ có 6 tuần lễ ngắn ngủi.

 

Trump cố tìm cách để gia hạn thêm thời gian trả nợ. Lần này, Deutsche Bank trả lời: Không.

Công ty Trump nợ Deutsche Bank khoảng $334 triệu đô la vừa vốn lẫn lãi. Còn với FIG, họ nợ 130 triệu đô la chưa kể tiền lời và lệ phí hoàn nợ.

 

Trump bèn mở chiêu tấn công. Trong một bức thư gởi Deutsche Bank đề ngày 4 tháng 11, ông ta buộc ngân hàng này tội góp phần đưa đến cuộc khủng hoảng tài chính. Chi tiết này rất quan trọng, bởi vì sau đó Trump cho rằng, cuộc khủng hoảng chứa đựng một thứ mà luật pháp gọi là “force majeure” (một tình huống bất ngờ, không đoán trước được đã ngăn cản các bên ký kết một hợp đồng không thể làm tròn trách vụ của mình với bên kia – ND) – một thứ tai họa từ trời, như một thảm họa thiên nhiên – và do đó, cho phép Trump được hưởng thêm thời gian để trả nợ.

 

Vài ngày sau, Trump và công ty đệ đơn kiện Deutsche Bank và FIG tại tòa, cùng với các công ty đầu tư Hedge funds khác đã mua lại các món nợ mà Deutsche Bank và FIG đã cắt nhỏ ra rồi bán lại.

 

Đơn kiện cáo buộc Deutsche Bank đã áp dụng một “kiểu cho vay có tính cách trấn lột” (predatory lending practices) đối với Trump và công ty. Ông ta đòi 3 tỉ đô la bồi thường thiệt hại.

 

Ngay sau đó, Deutsche Bank cũng nộp đơn kiện lại Trump, cáo buộc vị khách hàng lâu đời của mình là một tay chuyên tìm cách quịt nợ (a habitual deadbeat) và yêu cầu Trump phải ngay tức khắc hoàn trả món nợ nay đã đáo hạn.

 

Theo lời kể lại của các viên chức cao cấp từ Deutsche Bank, những người chịu trách nhiệm phía ngân hàng và các luật sư đã tỏ rất giận dữ và thề không bao giờ làm ăn giao dịch với Trump một lần nào nữa.

 

Trong lúc kiện tụng tranh chấp chưa ngã ngũ (sau đó không bao lâu cả hai bên đều “đồng ý tạm hoãn các thủ tục tố tụng” – standstill agreements – tạm dừng các hành động thù địch) – gia đình Trump cố tìm khách mua cho các đơn vị gia cư của tòa tháp.

 

Trong một video clip quảng cáo cho tòa tháp, phát hành tháng 4 năm 2009, Ivanka Trump nói:

 

“Tòa tháp cao tầng đang trong giai đoạn hoàn tất cuối cùng, đã đến lúc quý vị nên chụp bắt ngay cơ hội để có thể làm chủ một cơ ngơi trong tòa tháp mang đậm nét đặc thù Trump có một không hai này. Và không bao lâu nữa, quý vị có thể bước vào cư ngụ ở ngay đây, ngay chỗ này”.

 

(Còn tiếp)

 

-----------------------------------

.

.

Hồ sơ thuế của Trump (Bài 6): Làm thế nào Trump thoát khỏi những rối rắm tiền bạc ở Chicago  / Phần 2

David Enrich, Russ Buettner, Mike McIntire và Susanne Craig  -  New York Times

Dịch giả: T.Vấn

31/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/31/ho-so-thue-cua-trump-vi-lam-the-nao-trump-thoat-khoi-nhung-roi-ram-tien-bac-o-chicago-phan-2/

 

Phần 2 :  Biến nợ đáo hạn thành nợ tha  

 

Tại sao các chủ nợ không xiết tòa tháp để trừ nợ?

 

Việc thực hiện các thủ tục luật pháp để có thể tịch thu tòa tháp vẫn còn chưa được xây dựng xong, hứa hẹn sẽ là một tiến trình tốn kém, có khi dầm dề cả năm trời, nhất là với Trump, một người nổi tiếng chuyên lợi dụng luật pháp để kéo dài các vụ án tranh chấp và gây mệt mỏi cho đối phương. Có vẻ như mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn bằng cách dàn xếp riêng để đi đến những thỏa thuận giữa hai bên.

 

Ngày 28 tháng 7 năm 2010, luật sư của Trump, Deutsche Bank và FIG thông báo cho tòa án biết rằng, họ đã đạt được một thỏa thuận riêng với nhau. Tuy nhiên, những chi tiết về sự thỏa thuận ấy không được tiết lộ.

 

Nhưng hồ sơ thuế liên bang của Trump, cũng như những văn kiện vay nợ nộp tại quận hạt Cook (Illinois) đã cung cấp đầu mối cho những gì đã xảy ra: Trump được tha một món nợ khoảng 270 triệu đô la. Đó là một ân huệ hết sức rộng rãi mà ít có công ty hay cá nhân nào có thể mong đợi được nhận, nhất là khi họ không phải nộp đơn xin tuyên bố phá sản để được luật pháp bảo vệ khỏi sự xâu xé của các chủ nợ.

 

Trước khi Trump cho thấy dấu hiệu không thể trả được nợ, FIG đã hy vọng có thể nhận lại hơn 300 triệu đô la từ công ty của Trump: 130 triệu tiền vốn cho vay và 185 triệu tiền lời cộng với lệ phí hoàn nợ.

 

Nhưng FIG và các thành viên đối tác – gồm Dune Capital của Steven Mnuchin, cùng với Cerberus Capital Management, đồng CEO của công ty là Stephen A. Feinberg – ông này sau đó trở thành người gây quỹ chính cho Trump và khi Trump đắc cử, đã giữ chức chủ tịch một hội đồng cố vấn cho tòa Bạch Ốc – đã nhanh chóng nhận ra rằng, mong đợi ấy là vô vọng.

Cuối cùng, FIG bằng lòng chỉ nhận lại 48 triệu đô la, số tiền này Trump đã chuyển cho công ty vào tháng 3 năm 2012, theo lời những người biết rõ câu chuyện.

 

Hồ sơ thuế của Trump đã khai báo khoản nợ được tha này. Năm thuế 2010, công ty 401 Mezz Venture của Trump khai đã được hủy181 triệu đô la tiền nợ. Hai năm sau, một công ty bảo trợ cho dự án tòa tháp Chicago của Trump, đã khai nhận được khoản nợ tha khác trị giá 105 triệu đô la. Tổng số hai khoản nợ tha này hầu như bao trọn được số tiền Trump đã không thể hoàn lại cho FIG như ký kết.

 

Ở nhiều khía cạnh, sự kiện nói trên cho thấy một sự lặp lại những gì đã xảy ra ở sòng bài Atlantic City một thập niên trước: Một chu kỳ của những món nợ không thể hoàn trả rồi sau đó tìm cách làm cho những chủ nợ mệt mỏi phải mở cho ông ta một lối thoát.

 

.

99 triệu đô la cuối cùng

 

Các công ty của Trump cũng nhận được sự dễ dãi về khoản nợ họ vay của Deutsche Bank.

Thỏa thuận 2010 đã cho Trump thêm hai năm để bán các đơn vị gia cư, các căn hộ của tòa tháp và chỗ đậu xe để hoàn trả các món nợ, theo Steven R. Schlesinger, luật sư đại diện cho tổ hợp Trump trong vụ án ở Chicago, cho biết.

 

Tính đến năm 2012, Tổ Hợp Trump thu về được 235 triệu đô la để trả nợ cho các đơn vị tài chính trước đây họ đã mua lại khoản vay gốc từ Deutsche Bank. Theo tài liệu từ tòa án, trong số này bao gồm nhiều ngân hàng, các đơn vị quản lý tài sản ở Mỹ, Đức, Ái Nhĩ Lan và Trung Quốc.

 

Nhưng sau đó, theo những người liên quan, Trump vẫn còn nợ 99 triệu đô la. Ông ta sẽ tìm khoản tiền ấy ở đâu ra để trả?

 

Mặc dù Deutsche Bank đã thề sẽ không bao giờ làm ăn giao dịch với Trump nữa, nhưng người con rể của Trump là Jared Kushner đã giới thiệu ông ta với viên quản lý tài sản cá nhân của mình đang làm việc ở ngân hàng Deutsche Bank là Rosemary Vrablic. Bà Vrablic, với sự ủng hộ của các sếp lớn trực tiếp, đã đồng ý tái thiết lập sự giao dịch với Trump.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-45.jpg

Rosemary Vrablic, viên quản lý tài sản cá nhân của Jared Kushner tại Deutsche Bank, đã giúp nối lại quan hệ giao dịch của Trump với Deutsche Bank. Nguồn: Michael Nagle

 

Năm 2012 , văn phòng của bà Vrablic đã cho Trump vay hai món nợ với sự thế chấp của tòa tháp Chicago: Một món gần 54 triệu đô la và món kia, 45 triệu đô la, căn cứ trên những văn kiện vay nợ nộp tại quận hạt Cook. Theo những người biết chuyện, Trump đồng ý chịu trách nhiệm cá nhân cho hai khoản nợ mới vay này.

 

Số tiền vay nói trên ngay lập tức được dùng để hoàn trả 99 triệu đô la Trump còn thiếu từ món nợ gốc liên quan đến tòa tháp Chicago. Nói cách khác, một chi nhánh của Deutsche Bank đã cung cấp cho Trump đủ tiền để trả nợ cho một nhánh khác cũng thuộc về Deutsche Bank.

 

Theo một người có cơ hội xem xét các tài liệu lưu trữ ở quận hạt Cook, mùa xuân kế tiếp Tổ Hợp Trump đã trả lại được 55 triệu đô la. Như vậy món nợ còn lại 44 triệu đô la. Cũng theo các tài liệu lưu trữ, năm 2014, Deutsche Bank bằng lòng cho Trump vay thêm 24 triệu đô la và mở rộng thời hạn trả đến năm 2014. Tính chung, đến thời điểm này, Trump nợ ngân hàng 69 triệu đô la. Đến tháng 5/2016, ông ta hoàn trả được 24 triệu đô la.

 

Vào lúc ấy, món nợ tòa tháp Chicago chỉ là một trong những mối quan hệ Trump có với Deutsche Bank. Văn phòng của bà Vrablic còn cho công ty của Trump vay 125 triệu đô la để thực hiện các công việc sửa sang cho khu sân golf Doral và 170 triệu đô la khác cho việc tân trang tòa nhà Bưu Điện cũ ở Washington thành một khách sạn quốc tế nguy nga tráng lệ. Trump cũng lấy tư cách cá nhân để bảo đảm cho các món nợ nói trên.

 

Những sự bảo đảm ấy có lợi cho Trump. Bởi vì chúng sẽ được xem là những khoản đầu tư trong kinh doanh nhằm mục đích khai thuế, có nghĩa là sự bảo đảm ấy sẽ làm tăng thêm những lỗ lã trong kinh doanh mà Trump sẽ dùng để khai khấu trừ, tránh việc phải trả thuế thu nhập trong tương lai. Những hồ sơ khai thuế của Trump cho thấy, ông ta đích thân bảo đảm cho việc hoàn trả tổng số nợ là 421 triệu đô la.

 

Phần lớn số nợ trên thuộc về Deutsche Bank. Tính đến cuối năm 2018, Trump và công ty còn nợ ngân hàng này 330 triệu đô la.

 

 

Giảm thiểu thuế lợi tức phải đóng

 

Khi kết toán tổng số thuế phải đóng hàng năm, sở thuế IRS yêu cầu người trả thuế phải xem những khoản nợ được tha như là thu nhập bị đánh thuế. Viên chưởng lý của New York, Letitia James đang điều tra liệu Trump có làm đúng như luật thuế đòi hỏi hay không.

 

Theo tài liệu thuế của Trump mà New York Times có được, Trump nhận được khoảng 287 triệu đô la nợ được tha, và ông ta đã tìm cách tránh né việc trả thuế lợi tức cho hầu như gần trọn số thu nhập nợ tha nói trên.

 

Trump báo cáo 40 triệu đô la thu nhập nợ tha (income from canceled debts) trong năm 2010. Nhưng với những lỗ lã từ doanh nghiệp, bao gồm 30.8 triệu đô la lỗ từ dự án tòa tháp Chicago – có nghĩa là ông ta không có thu nhập trả thuế (taxable income) trong năm đó.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-46.jpg

Mặc dù có được một số khách hàng nhờ Trump giữ chức vụ tổng thống, tòa tháp Chicago vẫn tiếp tục đi xuống, với các khu cửa hàng bán lẻ trống rỗng và lợi nhuận sụt giảm. Nguồn: Alyssa Schukar/ NYT

 

Trump tránh né việc trả thuế trên khoản 104.8 triệu đô la thu nhập nợ tha bằng một cách mà sau này sẽ làm tăng thuế ông ta phải trả. Thông thường, ông ta có thể khấu trừ tỉ lệ hao mòn của tòa tháp trong một số năm (depreciation) cho đến khi giá trị của tòa tháp – sau khi trừ đi những giá trị hao mòn đã khai mỗi năm – chỉ còn $0. Thay vào đó, ông ta chọn khấu trừ một lần 104.8 triệu đô la như luật thuế cho phép lựa chọn.

 

Còn về khoản nợ tha khác trị giá 141 triệu đô la, Trump lợi dụng một điều luật về thuế thông qua sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho phép thu nhập nợ tha được hoãn không phải trả thuế trong 5 năm, sau đó lại được rải đều ra trong 5 năm để khai trả thuế. Từ năm 2014 cho đến 2018, mỗi năm Trump khai 28.2 triệu đô la thu nhập nợ tha.

 

Kết quả, những lỗ lã từ các hoạt động doanh nghiệp đã giúp xóa đi phần lớn thu nhập nợ tha mà Trump đã nhận được. Ông ta không trả đồng thuế nào cho năm 2014; trả $641,931 cho năm 2015; và sau khi nhận được những tín chỉ ưu đãi thuế (tax credit), chỉ trả $750 cho năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, không được rõ năm 2018 Trump đã trả bao nhiều tiền thuế.

 

.

Những món nợ sắp đáo hạn

 

Cũng giống như một số các doanh nghiệp khác, tòa tháp Trump International Hotels & Tower ở Chicago, ở một vài phương diện, đã được hưởng lợi do chức vị tổng thống của chủ nhân.

 

Chẳng hạn như, hồi năm ngoái, một công ty hàng không đang chạy áp lực hành lang với chính phủ Trump để ký kết hợp đồng đã tổ chức một sự kiện ở tòa tháp Chicago này. Và theo báo cáo của Washington Post, Trump đã tham dự một buổi tiệc gây quỹ hồi tháng 10 năm 2019 tại khách sạn ở Chicago, đem lại khoảng $100,000 cho công ty của ông ta.

 

Nhưng vận may của tòa tháp chọc trời Chicago ngày càng khô quắt lại. Năm ngoái, trang The Real Deal đưa tin, những cửa hàng bán lẻ của tòa tháp vẫn trống trơn, không có khách thuê. Doanh thu đi xuống, từ 67 triệu đô la năm 2014 xuống còn 50 triệu đô la năm 2018 và lợi nhuận thu về được đang từ 16.3 triệu còn chỉ 1.8 triệu trong cùng một thời kỳ.

 

Khó khăn vẫn tiếp tục gia tăng cường độ trong năm 2020, đại dịch coronavirus buộc các nhà hàng phải đóng cửa và các nhà hàng của Trump ở Chicago cũng nằm trong số đó. Gia đình Trump đang tìm sự giúp đỡ tài chính từ Deutsche Bank và một số nơi khác.

 

Deutsche Bank đề nghị cho các công ty của Trump tạm ngưng trả tiền lời trên các khoản nợ vay với ngân hàng. Tổ Hợp Trump cho rằng, đề nghị của Deutsche Bank không được rộng rãi cho lắm nên quyết định từ khước.

 

Các món nợ sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024.

 

(Hết)

______

 

Các Tác Giả: David Enrich, Russ Buettner, Mike McIntire và Susanne Craig

 

– David Enrich là biên tập viên về điều tra doanh nghiệp. Ông là tác giả tập sách “Dark Towers” nói về Deutsche Bank và Donald Trump.

 

– Mike McIntire là phóng viên điều tra của NYT, đã đoạt giải Pulitzer về phóng sự điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016; McIntire còn là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu đi sâu vào vấn đề tài chính của các cuộc tranh cử, các vấn đề súng ống bạo lực và tình trạng tham nhũng của hoạt động thể thao ở các trường đại học.

 

– Russ Buettner là phóng viên điều tra của NYT. Năm 2019, Russ và các đồng nghiệp Susanne Craig và David Barstow, đã được trao giải Pulitzer về công trình điều tra phá vỡ huyền thoại của Trump tự cho mình là một tỉ phú tay trắng làm nên (self-made billionaire). Đồng thời, công trình này cũng đã nhận được giải thưởng George Polk Award 2018 về báo cáo chính trị. Trước đó, Russ cộng tác với báo New York Daily News và New York Newsday.

 

– Susanne Craig là một phóng viên điều tra của NYT. Bà chuyên nghiên cứu về sự kết hợp giữa chính trị, tiền bạc và quyền lực chính quyền. Bà đã từng nhận được nhiều giải thưởng trong sự nghiệp báo chí của mình, bao gồm giải Pulitzer năm 2019 với Russ Buettner và David Barstow. Bà Craig phụ trách báo cáo hoạt động của Wall Street cho NYT và hiện là trưởng văn phòng NYT ở Albany. Trước đó, bà làm việc với báo Wall Street Journal và báo Globe and Mail ở Canada.

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats