« America
First ! » của D.Trump hay chính sách đề cao lợi ích của Mỹ ?
Minh
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 29/10/2020 - 10:26
Ngày 03/11/2020, người dân Mỹ bầu chọn một tổng thống
mới giữa hai ứng viên là Donald Trump – tổng thống sắp mãn nhiệm thuộc phe Cộng
Hòa – và Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, thuộc đảng Dân Chủ. Đây cũng là dịp
để điểm lại chính sách đối ngoại của một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Một nhiệm vụ
mà giới quan sát đánh giá là không kém phần cam go
Tổng thống Mỹ
Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống ngày
01/11/2019. AP - Rogelio V. Solis
Mỗi tổng thống, khi kết
thúc một nhiệm kỳ đều muốn để lại một dấu ấn trong chính sách đối ngoại. Với
người tiền nhiệm Barack Obama, người ta có thể nói đến « học thuyết
Obama » được thể hiện rõ ở ba sự kiện tập trung chủ yếu trong nhiệm kỳ
thứ hai : Từ chối oanh kích Syria năm 2013 sau vụ chế độ Damas dùng vũ khí hóa
học tấn thường dân ; Khởi động bình thường hóa quan hệ với Cuba vào cuối năm
2014 và Ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna tháng 7/2015.
Thế còn Donald Trump, vị
tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thì sao ? Nhiều nhà quan sát cho rằng thật hoài
công tìm thấy một sự gắn kết chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của Donald
Trump. Quả thật, ngoài một số suy nghĩ ám ảnh cá nhân, ông Donald Trump dường
như không đề xuất một chính sách đối ngoại nào thật sự.
Bốn năm ông Trump ngự trị
ở Nhà Trắng là bốn năm thế giới hồi hộp theo dõi những dòng tweet nhắn, những
tuyên bố trái ngược trong cùng một hồ sơ quốc tế cũng như là giữa ông với các cố
vấn. Đó cũng là bốn năm nền
ngoại giao Mỹ bị mô tả là « hỗn loạn » và « bốc đồng ».
Đối ngoại và Đối nội
phải là « một » !
Thế nhưng, một số chuyên
gia cho rằng sẽ thật là sai lầm khi nói là Donald Trump không có một chính sách
đối ngoại cụ thể. Nhà báo Renaud Girard, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho
báo Le Figaro năm 2019 từng khẳng định nền ngoại giao của Trump tựu chung ở cụm
từ : Mục tiêu tái tranh cử !
Mục tiêu này của ông được xoay theo bốn trục chính : Bổ nhiệm người vào
Tòa án Tối cao, Di dân, Đối nội và Đối ngoại. Từ bốn điểm này, người ta thấy rõ là mỗi quyết định, mỗi tuyên bố của
ông Trump đều có cùng một đích ngắm duy nhất : Cử tri Mỹ. Dĩ nhiên,
mối bận tâm bầu cử, ở một số thời điểm cụ thể nào đó trong nền ngoại giao Mỹ, đều
có thể nằm trong số các tiêu chí để ra quyết định, nhưng Donald Trump là một vị
tổng thống sử dụng thường xuyên, có hệ thống, yếu tố hướng nội này.
Do vậy, theo quan điểm của
bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc nghiên cứu văn phòng cố vấn German
Marshall Fund of the United States, chi nhánh tại Paris, trên đài France
Culture, đây chính là một điểm gắn kết chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của
Donald Trump: « Ông Trump liên kết được các phát biểu của mình với
chính trị trong nước. Ông ấy cuối cùng đã xích lại gần hơn với người dân Mỹ, đã
tìm được một cách thức mới để nói những vấn đề quan hệ quốc tế và vai trò của Mỹ
với người dân. Ông thực hiện điều đó sao cho những thách thức quốc tế phải được
hiểu rõ trên bình diện chính trị trong nước. »
Cách thức này đã được
nguyên thủ Mỹ thể hiện rất rõ trong ba hồ sơ quốc tế lớn : Bắc Triều Tiên,
Afghanistan và Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel, Các Tiểu Vương
Quốc Ả Rập Thống Nhất và Barhein. Dù rằng kết quả đạt được từ ba hồ sơ đó còn
phải được đánh giá lại, nhưng đối với nguyên thủ Mỹ, hình ảnh đưa ra có tầm
quan trọng lớn và có sức biểu tượng cao, bởi vì đó còn là một thông điệp mà
Donald Trump muốn gởi đến cử tri Mỹ : « Quý vị thấy đó, tôi đã làm
được điều mà những người tiền nhiệm không làm được ! »
Những tuyên bố thiếu
nhất quán ?
Không hẳn là thế !
Nhiều nhà quan sát cho rằng Donald Trump có một sự kiên định đáng nể trong việc
thể hiện lập trường. Trong suốt các cuộc vận động tranh cử năm 2016, và trước
đó trong những lần phát biểu trước công chúng những năm 1980, cũng như là khi
đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump không ngừng tấn công các định chế,
các tổ chức đa phương quốc tế. Nguyên thủ Mỹ muốn đoạn tuyệt với « nguyên
trạng » hiện nay. Ông đặt lại vấn đề ý tưởng « chủ nghĩa ngoại
lệ » từng được ví như là một trong những công cụ tạo nên « quyền
lực mềm » của Mỹ.
Trong nhãn quan của chủ
nhân Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã bị các nước đồng minh lường gạt, toàn cầu hóa gây thiệt
hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông chỉ trích những người tiền nhiệm đã để cho những nước
khác lợi dụng sự hào phóng của Mỹ và thiếu tôn trọng nước Mỹ. Tất cả những điều
đó đã góp phần làm suy yếu nước Mỹ trên thế giới. Do vậy, nước Mỹ dưới thời
Donald Trump không tìm cách bảo vệ một trật tự và những giá trị tự do mà chỉ
đơn giản bảo đảm thế ưu việt quân sự và kinh tế trước các đối thủ.
Điều gây lo ngại cho các
đối tác quốc tế chính là tính cách khó lường, một nét đặc trưng của chính quyền
Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ lần lượt đơn phương đưa ra các quyết định « trên
phương diện đối ngoại bất kể đó là về Iran, Syria, Afghanistan, hay như thoái
lui khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí..., mà không tham vấn bất kỳ đồng minh nào
và ưu tiên chủ nghĩa đơn phương hay song phương qua việc chọn một kiểu ngoại
giao gây sốc, trực diện như trong trường hợp Bắc Triều Tiên », theo
như phân tích của nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ thuộc German Marshall Fund.
Một sự tiếp nối
Tuy nhiên, theo quan điểm
của nhiều nhà quan sát, đường lối đối ngoại này của ông Donald Trump phần nào
cũng cho thấy rõ có sự thay đổi cách nhìn về thế giới của đảng Cộng Hòa trong bốn
năm qua. Các cuộc tranh cãi đã diễn ra trong nội bộ đảng Cộng Hòa về một số chủ
đề đối ngoại cho dù đó là vấn đề cuộc chiến thương mại, thái độ cứng rắn với
Trung Quốc hay triệt thoái quân khỏi nhiều chiến trường thời kỳ hậu 11/09/2001.
Bởi vì, theo đánh giá của chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer « đôi
khi chính đảng Cộng Hòa cũng muốn chứng tỏ là còn ‘diều hâu’ hơn cả Donald
Trump đối với Trung Quốc, Nga, với các đồng minh châu Âu đặc biệt là trong vấn
đề công nghệ như vụ mạng 5G, Hoa Vi… ».
Mặt khác, giới phân tích
ghi nhận dù có những sự đoạn tuyệt với các nền ngoại giao truyền thống từ
phương pháp, cách tổ chức nhân sự hay trong phong cách lãnh đạo, nhưng chính
sách đối ngoại của Donald Trump vẫn có một sự tiếp nối trong một số vấn đề do
có sự đồng thuận giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.
Theo nhà nghiên cứu
Alexandra de Hoop Scheffer, khi quan sát giai đoạn Obama/Trump và hậu Trump thì
người ta thấy rõ « ông Donald Trump đã thúc đẩy nhanh rất nhiều khía cạnh
chính sách đối ngoại của Obama trong nhiều hồ sơ, từ ‘xoay trục sang châu Á’,
các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ và theo một cách nào đó, một giọng điệu cứng
rắn hơn đối với các đồng minh, nhất là đồng minh châu Âu trong hồ sơ
Afghanistan. Vấn đề chia sẻ gánh nặng chi phí cũng không phải là mới, ông Trump
chỉ làm phồng to vấn đề lên vì chưa có một đời tổng thống nào làm cả. Do vậy, nếu
ông Biden có đắc cử, ông ấy sẽ thực hiện cùng một kiểu áp lực. »
Thế nên, vẫn theo quan điểm
của nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ, bất kể ai là người đắc cử, trong một số hồ sơ, chủ
nhân Nhà Trắng tương lai vẫn duy trì cùng một đường lối. Cuộc chiến thương mại
Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp diễn. Thời kỳ dễ dãi với Trung Quốc đã qua.
Đối với bà Alexandra de
Hoop Scheffer, ở đây có một điểm lý thú : Chính Donald Trump là người đưa
ra bảng tổng kết về điều được gọi là « di sản của chiến tranh lạnh »,
hậu quả của sự lơ là và quá ngây thơ từ những vị tổng thống tiền nhiệm cũng như
nhiều nước phương Tây, tạo đà thuận lợi cho Trung Quốc đi lên thành cường quốc,
mà sai lầm lớn nhất là cho phép Bắc Kinh được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO).
Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng
« mong muốn ‘thanh toán’ sự kế thừa đó khi nói rằng ‘‘quý vị thấy đó,
chúng ta đã quá chú tâm vào việc phô trương sức mạnh, nhất là quân sự Mỹ trên
nhiều mặt trận và trong thời gian này chúng ta đã để cho Trung Quốc mở rộng ảnh
hưởng và trỗi dậy như là một trong những siêu cường cạnh tranh với Hoa Kỳ’’.»
Trung Quốc, Nga và EU :
Quan hệ Đối tác – Đối thủ ?
Nếu với Trung Quốc là một
đối thủ, Donald Trump đã có những lời lẽ gay gắt, thì với châu Âu dù là đồng
minh, nguyên thủ Mỹ cũng không nhẹ nhàng hơn. Vì sao Donald Trump có thái độ cứng
rắn, nghiêm khắc trong khi mà châu Âu có thể có một vai trò có lợi cho Mỹ trong
cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ?
Về điểm này, giới quan
sát tại Pháp đều có chung một nhận xét : Không riêng gì Donald Trump, từ đời
các tổng thống tiền nhiệm, Hoa Kỳ luôn duy trì một thái độ mâu thuẫn với Liên
Hiệp Châu Âu. Đó vừa là một đồng minh trong một số hồ sơ quốc tế lớn nhưng cũng
vừa là một đối thủ cạnh tranh, thế nên phải luôn tìm cách gây chia rẽ.
Chỉ có điều khác với những
người tiền nhiệm, quan điểm này được ông Donald Trump thể hiện một cách công
khai, đôi khi có phần thô bạo khi đánh giá « Liên Hiệp Châu Âu như là một
đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác. Đó còn là một kẻ thù của Mỹ, thậm chí
còn tệ hơn cả Trung Quốc », theo như giải thích của bà Alexandra de
Hoop Scheffer.
Vậy còn trong mối quan hệ
Nga-Mỹ thì sao ? Nhà Trắng mỗi khi đổi chủ đều tuyên bố phải « Reset
- làm lại từ đầu » mối quan hệ song phương giữa hai nước. Donald
Trump không là một ngoại lệ, thậm chí ông có nhiều phát biểu rất thân thiện với
Nga nhưng mối quan hệ vẫn luôn trong trạng thái băng giá.
Về điểm này, nhà nghiên cứu
về Mỹ thuộc German Marshall Fund trước hết nhìn nhận cũng giống như với Trung
Quốc, đây là những mối quan hệ phức tạp. Bởi vì, « đó vừa là một đối
tác trong một số chủ đề, một đối tác ràng buộc như trong một số mặt trận ví dụ
Syria, Libya hay ở Trung Phi, khu vực mà Nga đang trở thành một tác nhân cực kỳ
quan trọng. Nhưng trên bình diện chiến lược, địa chính trị đó còn là một đối thủ.
Làm thế nào tìm được một chính sách có thể cân bằng giữa hai khía cạnh này là một
điều cực kỳ phức tạp.(…) Những kiểu mối quan hệ này, thật sự mang tính đối ngẫu :
Đối tác – Đối thủ, rất là khó xử lý. Thế nên, người ta mới có điều gọi là một sự
tách bạch trong quan hệ với những nước này. Chúng ta phải hợp tác với họ trong
một số chủ đề chiến lược, môi trường, nhưng đồng thời phải đối đầu với họ trong
một số hồ sơ khác. »
Từ những phân tích trên,
bà Alexandra de Hoop Scheffer tóm tắt như sau về chính sách « America
First ! » của Donald Trump : « America First ! Đó là
một chính sách làm rõ các lợi ích của Mỹ. Nghĩa là một nước Mỹ không úp mở,
công khai bảo vệ các lợi ích của mình trên hết. America First cũng chính là một
nước Mỹ luôn tìm cách đối thoại hay đàm phán lại những thỏa thuận không chỉ với
các đồng minh mà cả với những đối thủ chừng nào nước Mỹ vẫn luôn là một cường
quốc hàng đầu. Những gì chúng ta thấy hiện nay là gì ? Nước Mỹ hiện vẫn là
một siêu cường quân sự, nhưng trên nhiều lĩnh vực khác để có thể là một cường
quốc kinh tế, công nghệ thì chính ở đó Hoa Kỳ bị cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí bị
Trung Quốc qua mặt. Điều này dẫn đến những hốt hoảng, phải thương lượng và đàm
phán lại với những nước như vậy. »
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Hoa
Kỳ-Châu Âu : Bốn năm rạn nứt quan hệ
Bầu
cử Mỹ 2020: Vì sao Joe Biden khiến Bắc Kinh lo sợ ?
Biển
Đông: Mỹ vẫn cứng rắn với Trung Quốc dù tân tổng thống là Biden hay Trump
No comments:
Post a Comment