BINH CHỦNG
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2161265810673504
Đất nước ta ở vào vị trí
địa lý mà năm nào cũng phải đối mặt với bão lũ. Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Mức
độ tàn phá đều ở mức khủng khiếp cho đến rất khủng khiếp. Đó là sự thật trong
quá khứ. Đó sẽ là điều không tránh khỏi trong tương lai với cường độ lớn hơn.
Cho nên, không bàn về quá khứ. Không chỉ trích nguyên nhân quá khứ làm trầm trọng
tai hoạ bão lũ. Chỉ nói đến biện pháp phòng chống bão lũ cho tương lai.
I.
PHẢI BẰNG MỌI CÁCH BẢO VỆ RỪNG VÀ KHÔI PHỤC LẠI RỪNG
Những bức ảnh vệ tinh, mà
bất cứ ai cũng có thể chụp được bằng điện thoại cầm tay cho bất cứ địa điểm
nào, đã làm hoảng sợ đến cả người vô tâm nhất về sự trơ trọi của rừng Việt Nam.
Không phải bom Napalm trong chiến tranh, không phải hoả hoạn hay bão lũ, mà chính con người mới là kẻ thù
nguy hiểm nhất của rừng Việt Nam.
Bốn thập niên gần đây là
bốn thập niên rừng Việt Nam bị tàn phá nặng nề nhất. Sự tàn phá có thể ví với sự
diệt chủng – khi mất gần hết rừng tự nhiên.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNN, tính đến ngày
31/12/2019 diện tích đất có rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha (146.000km2),
trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Diện
tích đất có rừng đủ tỷ lệ tính độ che phủ là 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ khoảng
41,89% diện tích toàn quốc. Nhưng đó là con số tự động viên. Vì không phải có
cây thì gọi là rừng. Diện tích rừng đúng nghĩa của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều.
Rừng tự nhiên là rừng nhiều
tầng với các cây cao to giữ vai trò trụ cột che phủ, bảo vệ toàn bộ các tầng
phía dưới và mặt đất. Khi những cây cao to nhất trong một khu rừng tự nhiên bị
đốn làm gỗ, thì “phòng tuyến” quan trọng nhất bị tan biến. Nhìn bằng mắt thường
và chụp ảnh vệ tinh thì khu rừng vẫn có màu xanh, nhưng đã mất đi các chức năng
chính của rừng tự nhiên. Cây to bị đốn đi thì nước trút xuống, không ngấm thành
nước ngầm, trôi đi, dẫn đến lũ lụt và sạt lở. Không có mạch nước ngầm thì toàn
bộ môi trường sống bị ảnh hưởng, nhất là nước cung cấp trong mùa khô cho con
người, cây trồng, và động thực vật.
Vai trò vô cùng quan trọng
khác của rừng tự nhiên nhiều tầng là vai trò điều hoà thành phần không khí, nhiệt
độ, độ ẩm cho môi trường sống. Các cây to bị đốn đi thì các chức năng vừa nêu bị
giảm sút ở mức độ áp đảo. Đó là điều vô cùng nguy hại cho môi trường sống.
Cho nên, khi khu rừng tự
nhiên bị đốn hết các cây cao to để lấy gỗ, thì diện tích rừng tuy vẫn được
tính, nhưng khu rừng đó mất đi vai trò rừng tự nhiên. Trừ các khu rừng nằm
trong diện bảo tồn, ở
Việt Nam có thể nói, không còn rừng tự nhiên nữa. Các rừng mới trồng
– cần cả trăm năm mới có được phần nào vai trò của rừng tự nhiên.
Chưa kể đến một vai trò
quan trọng khác của rừng tự nhiên nhiều tầng – chính là quốc phòng. Trong thời
đại vệ tinh soi được đến từng m2 trên mặt đất, bắn đúng bất cứ mục tiêu di động
nào nhờ định vị vệ tinh, thì rừng tự nhiên nhiều tầng là bức màn che vô giá.
Huỷ diệt rừng Việt Nam
chính là con người.
Sau đây xin liệt kê vắn tắt
các “kẻ thù” chính của rừng Việt Nam.
1. Nạn phá rừng lấy gỗ
Trong sự huỷ diệt rừng tự
nhiên của Việt Nam từ sau năm 1975 thì nạn phá rừng là một trong những nguyên
nhân chủ chốt. Theo thống kê của FAO, Việt Nam là nước có nạn phá rừng đứng thứ 2 thế giới, sau Nigeria.
2. Lấn chiếm đất ở và sản xuất
Một “kẻ thù” hung hãn
khác của rừng tự nhiên, ngoài lâm tặc, chính là sự di dân và mở rộng đô thị.
Những năm thập niên 50,
60 và 70 ở thế kỷ trước, miền Bắc đã đưa hàng triệu người từ miền xuôi lên miền
ngược – đánh dấu cuộc xâm chiếm rừng lần thứ nhất.
Từ thập niên 80 của thế kỷ
trước cho đến hiện nay – là cuộc xâm chiếm rừng lần thứ 2 với cường độ hung hãn
gấp bội. Chỉ tính riêng các tỉnh Tây Nguyên dân số đã tăng từ 5-6 lần với hơn 5
triệu người di dân và sinh ra từ di dân. Ở khắp các tỉnh có rừng, suốt từ Nam tới
Bắc, mọc ra nhan nhản các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ với diện tích mỗi
ngày một mở rộng. Rừng bị đẩy lùi khắp mọi nơi. Đây là nguyên nhân thứ 2 làm
cho rừng tự nhiên bị lụi tàn.
3. Dự án
Nguyên nhân thứ 3 làm cho
rừng kiệt quệ chính là các dự án. Chưa bao giờ có nhiều dự án vẽ ra để giành đất
đai tài nguyên nhiều như bây giờ. Các dự án phát triển, dưới mọi hình thức, đã
trở thành “con thú dự án” gặm nhấm từng khu rừng lớn. Các dự án đã lấy đi hàng
triệu ha đất rừng.
4. Thuỷ điện
Theo thống kê chưa đầy đủ,
cả nước có 385 công trình thuỷ điện đang vận hành trong tổng số 818 dự án được
phê duyệt. Không dự án thuỷ điện nào mà không lấn chiếm diện tích rừng, từ vài
trăm ha cho đến hàng chục ngàn ha. Từ đó để thấy đã có hàng triệu ha rừng bị hy
sinh cho thuỷ điện.
Trong các dự án phá rừng,
thì thuỷ điện là “một con thú dữ”. Bởi khác với các dự án khác, thuỷ điện không
những phá rừng, mà còn đắp đập ngăn nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì các hồ
thuỷ điện lưu giữ khoảng 56 tỷ m3 nước – chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ
chứa nước trong cả nước. Các hồ chứa nước của thuỷ điện cắt được lũ trong mùa
mưa nhỏ, nhưng tạo nên lũ lớn hơn vào mùa mưa. Các hồ chứa nước của thuỷ điện
ngăn cản sự tuần hoàn tự nhiên của nước, làm mất sự cân bằng sự phân phối nước
trên bề mặt và dưới lòng đất, từ đó dẫn đến sự biến đổi toàn bộ hệ thống sinh
thái.
Ở mặt khác, các hồ chứa
nước của thuỷ điện còn tiềm ẩn nguy hiểm làm nứt vỡ các mạch địa chất, dẫn đến
động đất. Hồ chứa nước thuỷ điện Hoà Bình lớn đến 9,45 tỷ m3 cùng với hồ chứa
nước thuỷ điện Sơn La dung tích 9,26 tỷ m3 là những bể nước khổng lồ có khả
năng làm nứt vỡ các mạch địa chất. Hà Nội và vùng Tây Bắc sẽ đợi chờ nhiều động đất hơn trong tương lai.
Sự nguy hiểm của thuỷ điện
lớn đến mức ở nhiều nước đã hạn chế thuỷ điện, và phá bỏ dần các công trình thuỷ
điện đang vận hành.
Cho nên, điều đầu tiên là phải bảo vệ rừng tự nhiên. Phải có biện pháp
để chống lại 4 kẻ thù nêu trên của rừng tự nhiên. Tiếp đến là phải có biện pháp
mạnh mẽ để trồng rừng mới.
Bảo vệ được rừng tự
nhiên. Trồng được nhiều rừng mới. Đó là những di sản quý giá mà thế hệ trước phải
để lại cho thế hệ sau. Của hồi môn – không có gì quý hơn môi trường sống.
II.
NHÀ PHÒNG CHỐNG BÃO LŨ
Mất rừng tự nhiên là yếu
tố số 1 dẫn đến lũ mỗi ngày một lớn hơn trên đất nước chúng ta. Mất rừng tự
nhiên làm tăng thêm lũ, làm tăng thêm nạn sụt lở, làm giảm khả năng chống bão
lũ. Ở mặt khác, sự biến đổi khí hậu do ảnh hưởng từ mất rừng tự nhiên sẽ dẫn đến
mưa bão mỗi năm thêm thất thường và dữ dội hơn. Từ đó để thấy, trong tương lai,
chúng ta sẽ phải đối mặt với tai hoạ lũ mỗi năm một lớn hơn.
Năm nào cũng lũ ngập
tràn, năm nào cũng chạy lũ, năm nào cũng cứu trợ, tại sao chúng ta không nghĩ
ra các biện pháp sinh sống được trong lũ?
Đã hàng chục năm qua,
chính quyền chưa bao giờ đặt bài toán chống chạy lũ, sống cùng lũ. Bây giờ là
đã quá chậm, nhưng còn hơn không bao giờ, phải giải quyết bài toán sống chung với
lũ.
Như vậy, các ngôi nhà sống
trong lũ phải được xây dựng:
– Tránh được sụt lở nguy
hiểm;
– Không phải chạy lũ;
– An toàn trong lũ;
– Sống được trong lũ;
– Không mất tài sản;
– Trâu bò và gia cầm an
toàn khi lũ đến;
– Đi lại được trong lũ.
Khi xây dựng được các
ngôi nhà trên cho dân thì đó là lúc hết chạy lũ. Lúc đó cả xã hội sẽ không phải
lo cứu trợ thường xuyên hàng năm vì lũ. Cả xã hội sẽ không mất đi hàng triệu tỷ
đồng vì lũ. Và quan trọng hơn là không mất đi sinh mạng của đồng bào.
Tương tự như vậy là các
nhà dân vùng ven biển phải đối mặt với bão. Hàng năm cả chục cơn bão lớn đổ vào
nước ta. Không thể bốc hàng chục triệu dân đi nơi khác sinh sống. Nhất là hàng
chục triệu ngư dân cần biển để mưu sinh. Và quan trọng nữa, đất nước rất cần
ngư dân để bảo vệ biển.
Chính quyền cũng chưa bao
giờ đặt vấn đề này thành vấn đề hệ trọng để giải quyết. Vấn đề này không thể giải
quyết trong 1 năm, nhưng nó có thể giải quyết cơ bản trong vòng 1 chục năm. Chỉ
bởi chưa bao giờ đặt nó ra trên bàn một cách nghiêm trọng.
Vấn đề nhà phòng chống
bão lũ, rừng phòng chống bão lũ là vấn đề lớn – cần có một diễn đàn rộng hơn,
mà không thể gói gọn ở đây trong 1 trang viết.
III.
SỰ KÉM HIỆU QUẢ TRONG CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO BỊ LŨ LỤT
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(MTTQVN), qua thực tế nhiều năm, đã thể hiện sự kém hiệu quả trong cứu trợ đồng
bào bị lũ lụt.
1. Về tài chính và vật chất
cứu trợ, mọi sự huy động đều nhờ vào chính quyền chỉ đạo các cơ quan đoàn thể
nhà nước đóng góp. Không có chính quyền, cụ thể là Nhà nước, thì MTTQVN rất khó
quyên góp được tài chính và vật chất để cứu trợ. Đó là thực tế.
2. Việc tổ chức cứu trợ của
MTTQVN được tiến hành chậm, không kịp thời. Bộ máy rất cồng kềnh, không hiệu quả.
3. Tiền cứu trợ và vật chất
cứu trợ bị thất thoát.
4. Không biết được kết quả
công khai của đóng góp cứu trợ.
Chính các điểm 2,3,4 nêu
trên đưa đến điểm 1. Nó lý giải tại sao những người đóng góp ủng hộ đồng bào bị
lũ lụt muốn trực tiếp đến tận nơi giao cho người bị thiên tai mà không muốn qua
MTTQVN.
IV.
THÀNH LẬP BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Sự không hiệu quả của
MTTQVN trong cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai cho thấy sự cần thiết phải ra đời
một tổ chức chuyên nghiệp được tin cậy.
Thiên tai là giặc. Thiên
tai xẩy ra thường xuyên hàng năm khắp mọi nơi – nhiều hơn chiến tranh. Vậy tại
sao không có lực lượng chuyên nghiệp tinh nhuệ để đối phó?
Đã đến lúc phải thành lập
BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Quân đội để bảo vệ tổ quốc.
Quân đội để bảo vệ nhân dân. Quân đội là nơi nhân dân có thể tin cậy.
Một BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG
THIÊN TAI chuyên nghiệp sẽ rất tinh nhuệ trong cứu giúp đồng bào vùng bão lũ.
Một BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG
THIÊN TAI chuyên nghiệp sẽ cứu được nhiều mạng sống, tránh được những thiệt mạng
không đáng có.
Một BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG
THIÊN TAI chuyên nghiệp sẽ đảm bảo tiền và vật chất cứu trợ đến địa điểm cứu trợ
kịp thời và không thất thoát.
Thiên tai là giặc. Năm
nào cũng có thiên tai. Xin đừng chần chừ nữa!
No comments:
Post a Comment