28/10/2020
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19346-mau-ch-y-ru-t-m-m
Tổng thống Donald Trump
đã từng tự nhận mình là một "thiên tài ổn định". Nhưng trong thời đại
dịch này, tôi nghĩ danh hiệu xứng đáng với ông hơn cả có lẽ là "Siêu
Nhân" (Superman). Chính ông đã từng nghĩ về mình như thế sau 3 ngày điều
trị tại quân y viện Walter Reed dạo đầu tháng Mười vừa qua. Theo nhiều nguồn
tin khác nhau, trước khi rời khỏi bệnh viện, ông đã có ý định khoác vào người một
chiếc áo thun có vẽ hình "Siêu Nhân" để cho mọi người thấy ông có một
sức mạnh phi thường. Vừa về đến Tòa Bạch Ốc, nơi vẫn còn được xem là một "ổ
dịch", hành động đầu tiên của ông là tháo gỡ khẩu trang ra khỏi mặt. Và tối
hôm đó, ông "tuýt" như sau : "Tôi đã học được nhiều điều về siêu
vi Corona. Có một điều chắc chắn là : đừng để nó khống chế bạn. Đừng sợ nó. Bạn
sẽ đánh bại nó" (1).
https://live.staticflickr.com/65535/50546176942_2c950e83c7.jpg
Tổng thống Donald Trump ra khỏi bệnh viện sau khi
nhiễm coronavirus và tuyên bố : "Đừng sợ nó ! Bạn sẽ đánh bại nó !" -
Ảnh của Alex Brandon / AP
Phải nhìn nhận rằng tổng
thống thứ 45 của Hoa Kỳ có sức mạnh của một "siêu nhân" : 74 tuổi,
béo phì...vậy mà chỉ trong 3 ngày nằm bệnh viện đã "đánh gục" siêu vi
Covid-19 và trở về nhà cảm thấy khỏe mạnh và trẻ trung hơn cách đây 20 năm !
Tôi cùng tuổi với Tổng thống
Trump, nhưng cho dù tập thể dục mỗi ngày và rất kỷ luật trong việc ăn uống, vẫn
không có được sức mạnh của "siêu nhân" như ông. Ở tuổi tôi mà chẳng
may bị Covid-19 chiếu cố thì kể như tới số ! Hiện chưa có thuốc chủng. Còn thuốc
Remdesivir, dù được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Hoa Kỳ chuẩn
thuận để chữa trị Covid-19, cũng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên khắp thế
giới để một thường dân già như tôi có thể với tới nếu chẳng may bị đại dịch chiếu
cố. Cho nên, dù cho ở Úc Đại Lợi của tôi chỉ còn lác đác một vài trường hợp bị
lây nhiễm, tôi vẫn thấy sợ. Và tôi biết sợ ! Chính vì sợ cho nên mỗi khi gặp
đám đông, như đến một phòng mạch của bác sĩ hay đi siêu thị, lúc nào tôi cũng
thủ sẵn một khẩu trang. Tôi lo cho tôi và tôi cũng cảm thấy phải biết nghĩ đến
người khác. Nếu có một "thiên thần tốt hơn" trong con người đang ráo
riết hoạt động để giúp cho họ chiến đấu chống lại Covid-19, tôi nghĩ
"thiên thần" đó phải là tấm lòng vị tha.
Nói đến các nước thành
công trong cuộc chiến chống lại đại dịch, ai cũng nghĩ đến Tân Tây Lan, Úc Đại
Lợi, Nam Hàn, Nhựt Bản, Đài Loan và ngay cả Việt Nam. Ít được nhắc đến, nhưng
nhiều nước Phi Châu, cách riêng các nước thuộc vùng Hạ Sahara, cũng đã thành
công đáng kể trong cuộc chiến này. Theo Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh của Hoa Kỳ,
tại Cộng hòa Niger, quốc gia bị xem có lẽ là nghèo nhứt thế giới, cho tới nay
chỉ có khoảng 1.200 người bị nhiễm Covid-19 và 69 người bị thiệt mạng vì dịch bệnh
mà thôi.
Thiếu hạ tầng cơ sở y tế
và nghèo đói, lẽ ra những nước nghèo ở Phi Châu như Niger phải là những nơi bị
lây nhiễm và tử vong nhiều nhứt thế giới. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Nhiều nước Phi Châu đã bỏ
xa Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống dịch bệnh nói chung. Rút kinh nghiệm từ đại dịch
Ebola, Chính phủ Senagal đã cho thiết lập một trung tâm khẩn cấp để đối phó với
đại dịch Covid-19. Người dân đã có thể biết được kết quả của việc xét nghiệm chỉ
trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Chính phủ cũng thiết lập một hệ thống truy tìm nguồn
gốc phát xuất và giây chuyền lây lan của đại dịch. Mỗi bệnh nhân đều được nằm một
giường riêng trong bệnh viện hay bất cứ bệnh xá nào. Với dân số 16 triệu người,
nhưng Senegal chỉ có 302 người bị thiệt mạng vì đại dịch.
Nhiều nước khác ở Phi Châu cũng đạt được những kết quả khả quan như thế
trong cuộc chiến chống đại dịch. Với 12 triệu dân, Rwanda chỉ có 26 người chết
vì đại dịch. Trên toàn thế giới, cứ 10 người chết vì đại dịch Covid-19 thì có 5
người là người Mỹ, Âu Châu có 2.3 người, nhưng Phi Châu chỉ có 0.26 người.
Các nhà khoa học, cách
riêng các chuyên gia y tế và những người hoạch định chính sách tại Phi Châu và
bên ngoài Phi Châu đã đưa ra nhiều yếu tố để giải thích về sự thành công của
Phi Châu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Nhiều người cho rằng sở dĩ tại
Phi Châu, cách riêng vùng Hạ Sahara, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp là bởi vì
thiếu phương tiện xét nghiệm, người Phi Châu có nhiều yếu tố di truyền mạnh, tỷ
lệ dân số trẻ cao, người Phi Châu thích sinh hoạt ngoài trời, các chính phủ có
những chính sách phòng chống dịch bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, xem ra không có yếu
tố nào có thể mang lại câu trả lời thỏa đáng.
Theo Tiến sĩ Paul
Stoller, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học West Chester, Tiểu bang
Pennsylvania, Hoa Kỳ và hiện đang nghiên cứu về sắc tộc Songhay tại Cộng hòa
Niger, các quan hệ xã hội giữa người Phi Châu như tại Niger rất khác với các
quan hệ xã hội tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn, tại Niger là nơi mà người Songhay đã phải
đương đầu với những tác hại của nghèo đói, chết yểu vì các thứ dịch bệnh như sốt
rét, sán lải, mù mắt, dịch tả, sưng màng óc...người ta luôn trong tư thế sẵn
sàng để đối phó với bệnh tật và đối phó với tinh thần tập thể.
Ở một nơi mà đói kém là
chuyện thường ngày, dân chúng lúc nào cũng chuẩn bị nhiều lương thực hơn số lượng
họ cần. Bất cứ người khách lạ nào đi vào một vùng quê ở Niger cũng đều được mời
dùng bữa. Trong những năm đói kém vì hạn hán, các kho dự trữ được mở ra để giúp
cho những gia đình túng đói. Khi gặp lũ lụt, người dân luôn mở rộng vòng tay để
đón tiếp và trợ giúp những người mất nhà cửa. Khi có người bệnh nặng, bà con
láng giềng quyên góp để giúp chữa chạy. Vị tha và bác ái không phải là điều xa
lạ trong xã hội Mỹ, nhưng vẫn không được thực hành trong cuộc sống mỗi ngày như
tại Phi Châu. Theo tiến sĩ Stoller, vị tha là một liều thuốc cần thiết để đối
phó với nghèo đói và những thách đố của nghèo đói (2).
Những nước nghèo và nói theo ngôn ngữ của tổng thống Trump, những nước
"hố xí" như Phi Châu đã có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Còn ở cái quốc gia vĩ đại
nhứt thế giới như Hoa Kỳ thì sao ? Mới đây, với trên 8 triệu người bị lây
nhiễm và trên 230.000 người chết, đương kim Đổng lý văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark
Meadows đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ "ngưng" kiểm soát dịch bệnh, nghĩa là
để mặc cho Covid-19 lây lan và cướp đi mạng sống của người dân. Phản ảnh cung cách đối phó của Tổng
thống Trump, nhiều viên chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ chủ trương : "Cứ
để mặc cho con siêu vi lây lan rồi chúng ta sẽ đạt được "miễn dịch cộng đồng".
Cứ để mặc cho người già và bệnh hoạn chết rồi chúng ta sẽ thấy được tương lai hậu
đại dịch".
Không nơi đâu người ta thấy
rõ sự thể hiện của chủ trương trên đây cho bằng chính cách hành xử của Tổng thống
Trump và những cuộc vận động bầu cử của ông. Mặc cho những lời cảnh cáo của các
chuyên gia y tế, ông vẫn quyết định tổ chức những cuộc tập trung đông đảo những
ngưởi ủng hộ ông. Phần lớn những người có mặt trong các cuộc tập trung lại theo
gương ông để không đeo khẩu trang và tuân giữ giãn cách xã hội. Ông tuyên bố : "Tôi hãnh diện được
làm một người Mỹ. Tại đây, ít nhứt tôi biết tôi tự do".
Thách thức các chuyên gia
y tế, ông nói : "Dân chúng đã mỏi mệt vì Covid. Tôi đang có được những
đám đông này. Họ nói "Dù thế nào đi nữa, hãy để cho chúng tôi yên". Họ
chán lắm rồi. Họ mỏi mệt vì cứ nghe Fauci và tất cả những tên ngu dốt
này".
Tựu trung, qua những lời
phát biểu trên đây, Tổng thống Trump đã cổ súy cho một quan niệm về tự do của
riêng ông. Với ông, tự do
có nghĩa là có quyền không màng đến những qui định được thiết lập vì công ích
hay đúng hơn quyền không quan tâm đến người khác (3).
Với một quan niệm như thế
về tự do thì đương nhiên những ý niệm như vị tha, đồng cảm, cảm thông...sẽ chẳng
có ý nghĩa gì. Tôi không ngạc nhiên tại sao một quốc gia giàu có, với một đội
ngũ chuyên gia y tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ lại đứng đầu thế giới về con số
bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Hoa Kỳ quả là một quốc
gia có nhiều điều kỳ lạ, khó hiểu đối với tôi. Mới đây, có một bản tin "lạ"
xem ra ít được chú ý tới. Đó là việc chính Tổng thống Trump công bố một tuần lễ
gọi là "Tuần Lễ Nhân Cách" kéo dài từ ngày 15 đến 23 tháng Mười vừa
qua. Ngay từ lời mở đầu, Tổng thống Trump đề cao đạo đức, trách nhiệm cá nhân,
sự liêm chính và những đức tính khác làm nên tinh thần độc nhứt vô nhị của Hiệp
Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông đề cao sự tử tế và những hy sinh vô vị lợi. Ông kêu gọi
: "Chúng ta phải quyết tâm xây dựng cuộc sống của chúng ta và của các cộng
đồng trên nền tảng của đạo đức để mang lại sức mạnh cho chúng ta, cho gia đình
chúng ta, cho các cộng đồng của chúng ta và Đất Nước chúng ta".
Trong tuyên ngôn, ông
vinh danh rất nhiều thành phần trong xã hội, cách riêng các nhân viên y tế và
binh sĩ. Ông nói đến gương cảm thông cần có trong các gia đình. Ông nhấn mạnh đến
việc dạy dỗ về đức hạnh trong trường học.
Tổng thống Mỹ kêu gọi :
"Trong suốt tuần lễ này, chúng ta cam kết phải tử tế hơn, yêu thương hơn,
cảm thông hơn và đức hạnh hơn" (4).
Tôi ngạc nhiên quá đỗi
khi đọc những lời kêu gọi trên đây. Có khôi hài và mỉa mai không khi một người
không có một nguyên tắc đạo đức nào lại lên giọng kêu gọi xây dựng nhân cách,
thực hành những nguyên tắc đạo đức và sống cảm thông và tử tế ? Nếu không
có chữ ký của Tổng thống Trump ở cuối bản tuyên ngôn, tôi nghĩ sẽ chỉ có Đức Đạt
Lai Lạt Ma hay một nhà lãnh đạo tinh thần nào đó mới có đủ sự lương thiện để
dám thốt lên những lời như thế.
Tôi tự hỏi, nếu ông thực
sự muốn nói lên những lời lẽ chân thành trên đây, tại sao ông lại không thể tỏ
ra một chút gì sự cảm thông hay chia sẻ nỗi đau đớn của các nạn nhân của đại dịch
và gia đình của họ. Nhiều tháng qua, hình ảnh và tin tức liên quan tới ông tràn
ngập trên các phương tiện truyền thông, thế nhưng tôi chưa thấy được một giây
phút nào của tình người, của "máu chảy ruột mềm" nơi ông.
Học làm người, học những
điều mà Tổng thống Trump gởi tới người dân trong "tuần lễ nhân cách"
đòi hỏi không chỉ một tuần trong năm mà cả một đời người để học. Đại dịch
Covid-19 nhắc nhở tôi điều đó mỗi khi thấy con số nạn nhân tăng lên.
Dẫu là "siêu
nhân" thì hẳn cũng phải là người !
Chu Văn
(28/10/2020)
---------------------
Chú thích :
2.https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-path-well-being/202010/coronavirus-and-the-wisdom-others.
No comments:
Post a Comment