Tham
vọng của Trung Quốc và thế trận mới ở Châu Á
Hiếu
Chân/Người Việt
Oct 27, 2020
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tham-vong-cua-trung-quoc-va-the-tran-moi-o-chau-a/
Trong lúc nước Mỹ rộn
ràng chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong một tuần nữa thì đảng Cộng
Sản Trung Quốc cũng rộn ràng thực hiện hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung
Ương Đảng lần thứ năm khóa 19 tại Bắc Kinh.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/A1-Tham-vong-Trung-Quoc-1536x1024.jpg
Đảng Cộng Sản Trung
Quốc kêu gọi mọi người dân “Đi theo đảng mãi mãi,” hình chụp bên ngoài một khu
dân cư ở Bắc Kinh hôm 6 Tháng Bảy, 2020. (Hình minh họa: Greg Baker/AFP via
Getty Images)
Ban Chấp Hành Trung Ương
Đảng có khoảng 300 ủy viên, chia nhau lãnh đạo các tỉnh, thành, bộ ngành của cả
nước Trung Quốc, là cơ quan chóp bu về hoạch định chính sách mọi mặt của đất nước;
Ban Chấp Hành Trung Ương sẽ ban ra các nghị quyết rồi Đại Hội Nhân Dân Toàn Quốc,
hay Quốc Hội Trung Quốc có nhiệm vụ pháp chế hóa thành các đạo luật, kế hoạch
và thực hiện các nghị quyết đó.
.
Tham vọng bá chủ của
Bắc Kinh
Hội nghị trung ương lần
này, diễn ra trong bốn ngày đầu tuần, dự kiến sẽ thông qua nghị quyết về kế hoạch
kinh tế năm năm 2021-2015 và Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ công bố một chiến lược
dài hơn, gọi là “Tầm nhìn 2035” đưa Trung Quốc thành cường quốc dẫn đầu thế giới
về kinh tế, công nghệ và quốc phòng; thâu tóm Đài Loan và thống nhất lãnh thổ
Trung Quốc dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản.
Hội nghị được biết cũng sẽ
đặt nền tảng để củng cố quyền lãnh đạo trọn đời của ông Tập, đưa “tư tưởng Tập
Cận Bình” làm môn học bắt buộc giảng dạy trong hệ thống đại học Trung Quốc. Nếu
những kế hoạch này được thực thi thì Trung Quốc không chỉ vượt qua Hoa Kỳ về
kinh tế và quân sự mà còn trở thành ông chủ của thế giới, thành quốc gia trung
tâm (Trung Quốc) mà các nước khác phải thần phục. Thời điểm đó, theo Chủ Tịch Tập
Cận Bình, là vào năm 2049, lúc nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tròn 100 tuổi!
Nội dung kế hoạch năm năm
và chiến lược mới của Bắc Kinh như thế nào thì chưa ai biết và cũng chưa có
thông tin cụ thể nhưng giới quan sát Trung Quốc đều tin rằng, Trung Quốc sẽ
tăng tối đa vốn đầu tư và sử dụng tất cả các biện pháp có được để đẩy mạnh việc
phát triển các ngành công nghệ cao, vượt qua các nước phương Tây và chiếm vị
trí bá chủ “công nghệ của tương lai.” Danh sách các lĩnh vực công nghệ cao đó
đã được Bắc Kinh đề ra trong chiến lược “Made in China 2025” và thực hiện mấy
năm qua, nhưng nay chiến lược này cần được đẩy mạnh hơn nữa để Trung Quốc có thể
“tự túc” trước những biện pháp bao vây và cản trở của Hoa Kỳ.
Trước đây một trong những
biện pháp quan trọng của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ là bỏ tiền
mua lại các công ty nổi tiếng của phương Tây, cộng với việc cưỡng ép các công
ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho người Trung Quốc và thực hiện tấn
công tin học để ăn cắp tài sản trí tuệ của các nước khác. Nhưng nay thì biện
pháp mua lại công ty phương Tây khó mà thực hiện được do nhiều nước từ Mỹ, Úc đến
Châu Âu đều dựng hàng rào ngăn chặn công ty Trung Quốc thâu tóm các công ty bản
địa sở hữu các công nghệ tân tiến liên quan tới an ninh quốc gia. Rất có khả
năng Trung Quốc sẽ dựa nhiều vào hoạt động gián điệp và ăn cắp công nghệ để
theo đuổi mục tiêu; và như thế xung đột giữa Trung Quốc và các nước phương Tây
càng gia tăng cường độ.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đầu
tư lớn vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới. Theo trang
Foreign Affairs, Bắc Kinh đã chuẩn bị đầu tư $1,400 tỷ trong kế hoạch năm năm
2021-2025 nhằm xây dựng hạ tầng mới cho công nghệ trí thông minh nhân tạo,
trung tâm dữ liệu và mạng 5G.
.
Thách thức không
nhỏ
Tham vọng của đảng Cộng Sản
là rất lớn, nhưng tình hình bây giờ đã khác xa so với lúc ông Tập Cận Bình lên
nắm quyền năm 2012, Trung Quốc không còn có thể tự tung tự tác như trước. Đại dịch
COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán, chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hồng
Kông, chính sách gây hấn với các láng giềng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và trên
núi Hy Mã Lạp Sơn đã làm cho chiếc mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” rớt xuống, đảng Cộng
Sản và ông Tập Cận Bình hiện nguyên hình là một chế độ chuyên chế phản dân chủ.
Đối ngoại, Trung Quốc
không chỉ phải đối phó với sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên tất
cả các lĩnh vực, sự lạnh nhạt và chống đối của khối Liên Minh Châu Âu mà một thế
trận bao vây Trung Quốc cũng đang hình thành ở Châu Á. Đối nội, Bắc Kinh cũng gặp
đầy dẫy khó khăn và thách thức, một phần do tình trạng phân hóa sâu sắc và bất
bình đẳng giữa các vùng miền, giữa miền duyên hải giàu có do tận dụng được cơ hội
kinh tế của toàn cầu hóa với vùng nội địa mênh mông nhưng nghèo khó; phần khác
do tư tưởng cực quyền của ông Tập Cận Bình, thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay
một cá nhân, đã gây phản ứng chống đối ngấm ngầm trong tầng lớp chính trị tinh
hoa của Trung Quốc, nhất là trong giới lãnh đạo các tỉnh thành đạt được thành
công về phát triển kinh tế.
Nhìn lại con đường phát
triển của Trung Quốc có thể thấy rằng Trung Quốc sẽ không có thành tích ngày
nay nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, kể từ khi bộ đôi Nixon-Kissinger khởi sự
bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung, mở cửa cho Bắc Kinh vào Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc trong thập niên 1970 cho đến việc cấp quy chế “tối huệ quốc” (MFN)
cho Trung Quốc và kết nạp Trung Quốc vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm
2001. Người Mỹ ngây thơ tin rằng, kinh tế phát triển sẽ giúp Trung Quốc “dân chủ
hóa,” trở thành một “thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng các dân tộc trên
thế giới.
Nhưng ảo tưởng đó đã bắt
đầu tan vỡ từ những năm cuối của nhiệm kỳ Tổng Thống George W. Bush. Cả chính
phủ Bush và chính phủ Obama, bị vướng vào những cuộc chiến tranh triền miên ở
Trung Đông, bị khủng hoảng tài chính, đã không có đủ “đạn dược” để chiến đấu chống
Trung Quốc, một quốc gia đang nhanh chóng trở thành đối tác thương mại hàng đầu
và nguồn cung cấp đầu tư tài chính cho Mỹ. Chung quy cả Bush và Obama đều phải
tiếp tục duy trì chiến lược “kết giao” (engagement) với Trung Quốc dù ông Obama
đã từng đưa ra sáng kiến “xoay trục” (pivot) sang Châu Á để ứng phó với Bắc
Kinh.
Chiến lược đó thay đổi
nhanh chóng khi ông Donald Trump lên làm tổng thống. Không chỉ công khai tuyên
bố một thời đại “cạnh tranh giữa các siêu cường,” chính phủ Trump còn phát động
cuộc thương chiến tổng lực chống Trung Quốc, mở rộng ra tất cả các lĩnh vực, kể
cả quân sự bằng việc bố trí lực lượng hải quân ở Biển Đông và gia tăng tần suất
các cuộc hành quân bảo vệ tự do hàng hải ở đó.
.
Tứ Cường Quad hay
NATO Châu Á
Chính phủ Trump thường bị
giới học giả phê phán là thiếu một chiến lược nhất quán và thiếu sự cộng tác của
đồng minh trong cuộc chiến đấu chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều đó có
phần không chính xác, nhất là sau khi Hoa Kỳ tích cực làm hồi sinh ý niệm về Tứ
Cường (Quadrilateral Security Dialogue, Quad) – một sáng kiến bị lãng quên của
cựu Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, mà nội dung cốt lõi là ngăn chặn sự bành trướng
của Trung Quốc ở Đông Á.
Ông Abe đưa ra ý niệm Tứ
Cường từ năm 2007 trong một bài diễn văn tại Quốc Hội Ấn Độ khi ông nói tới “sự
hội tụ của hai đại dương” trong đó “hòa bình, ổn định và tự do hàng hải của
Thái Bình Dương không thể tách rời hòa bình, ổn định và tự do hàng hải của Ấn Độ
Dương.” Ông kêu gọi Ấn Độ và Úc phối hợp hình thành “Đối thoại an ninh Tam Cường”
nhưng cơ chế này nhanh chóng bị tan rã một phần do phản ứng mạnh của Bắc Kinh,
do lập trường “không liên kết” của đảng Quốc Đại (Congress Party) cầm quyền ở Ấn
Độ và cả xu hướng thân Trung Quốc của Thủ Tướng Úc Kevin Rudd – nhà lãnh đạo đầu
tiên của Úc nói được tiếng Quan Thoại.
Một thập niên sau, Trung
Quốc đã không còn “giấu mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối) như lời dặn của
ông Đặng Tiểu Bình mà trở thành mối đe dọa cho hòa bình và ổn định của khu vực,
tầm nhìn “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của ông Abe nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của
chính quyền Trump; Tam Cường trở thành Tứ Cường (Quad) Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ,
bao quát một khu vực “từ Hollywood tới Bollywood” như cách nói của Đô Đốc Harry
Harris, tư lệnh Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hồi Tháng Chín, Thứ Trưởng
Bộ Ngoại Giao Mỹ Stephen Biegun nói rõ Quad là một cộng đồng gắn bó “các bên có
cùng hệ giá trị và quyền lợi, kết hợp các lợi ích và hành động theo một thể thức
có tổ chức” vào lúc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương “đang thiếu những cơ cấu đa
phương mạnh mẽ” và ông không giấu giếm ý định hình thành một NATO Châu Á (Asian
NATO) lấy Quad làm cốt lõi – tức là một mạng lưới các đồng minh và đối tác của
Mỹ cùng có một mục tiêu chung là đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Cho đến nay, Quad chưa phải
là một liên minh quân sự, nhưng các động tác gần đây cho thấy một sự mở rộng
nhanh chóng sự hợp tác về hải quân và nhiều lĩnh vực khác giữa các nước thành
viên Quad. Nhật Bản và Ấn Độ vừa ký kết hiệp định quân sự cho phép quân đội hai
nước chia sẻ các căn cứ hậu cần và dịch vụ của nhau sau khi Ấn đã ký những hiệp
định tương tự với Mỹ và Úc cách đây vài tháng.
Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Mười,
Mỹ và Ấn ký hiệp định quân sự và tổ chức đối thoại quốc phòng và ngoại giao 2+2
giữa hai nước sau khi những cuộc đối thoại và hiệp định tương tự giữa Mỹ và Úc
đã được thực hiện mấy năm nay cho phép Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đặt căn cứ đồn
trú tại Darwin – cực Tây Bắc nước Úc để canh chừng Biển Đông.
Bốn nước Quad gần đây
cũng thường xuyên phối hợp tập trận hải quân không chỉ ở Biển Nhật Bản, Biển
Đông mà cả ở Ấn Độ Dương và Vịnh Arab. Trong một diễn biến gây bất ngờ, chính
phủ Ấn Độ đã tặng tàu ngầm lớp Kilo cho hải quân Miến Điện – chiếc tàu ngầm đầu
tiên của Miến – để cùng kiểm soát vùng vịnh Bengal giữa lúc quan hệ Miến Điện-Trung
Quốc có dấu hiệu xấu do Bắc Kinh ủng hộ các lực lượng dân quân ly khai ở miền bắc
chống lại chính phủ trung ương Miến Điện.
Không bó hẹp trong lĩnh vực
an ninh-quân sự, các nước Quad còn nhắm tới kinh tế-thương mại. Đại dịch
COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung ứng các hàng hóa thiết yếu làm cho mọi người
nhận ra rủi ro của sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản và Mỹ đã có những biện
pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển ra khỏi Trung Quốc, trở về nước hoặc đầu
tư vào các nước Đông Nam Á; Ấn Độ kiểm soát và cấm nhiều hoạt động của các công
ty Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, còn Úc đã quyết “trả
đũa” sự chèn ép kinh tế của Bắc Kinh bằng lệnh cấm xuất than đá sang Trung Quốc,
buộc Trung Quốc phải thương thảo với Mông Cổ để tìm nguồn than đá thay thế.
Xa hơn nữa, Mỹ đã đề nghị
ý tưởng Quad Mở rộng, hoặc Quad+3 (thêm New Zealand, Nam Hàn và Việt Nam) và
xây dựng “Chuỗi Cung Ứng Bền Vững” (Supply Chain Resilience Initiative) để bảo
đảm hệ thống cung ứng toàn cầu, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Kinh tế và an
ninh là hai mặt của một tờ giấy, không thể nào tác động tới mặt này mà không đụng
tới mặt kia; trong ý nghĩa đó, Quad sẽ không chỉ là một NATO Châu Á mà là một
trật tự mới, một thế trận mới nhắm tới cô lập Trung Quốc.
.
Thế trận mới ngăn
chặn Trung Quốc
Tân Thủ Tướng Nhật Bản
Yoshihide Suga – được cho là sẽ kế thừa đường lối của người tiền nhiệm Shinzo
Abe – ngay sau khi nhậm chức đã chủ trì hội nghị Tứ Cường tại Tokyo, sau đó thực
hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam và Indonesia. Trọng tâm của
chuyến đi là ký kết các thỏa thuận hợp tác về an ninh biển, theo đó Nhật sẽ
cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho hai nước Đông Nam Á và
thuyết phục họ tham gia nhóm Tứ Cường mở rộng. Báo Asia Nikkei của Nhật nói rõ
chuyến đi của ông Suga là nhằm mở rộng liên minh kiềm chế Trung Quốc cho dù điều
đó có làm cho Bắc Kinh tức giận.
Ngay sau chuyến thăm của
ông Suga, hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ, Mike Pompeo và Mark Esper,
cũng thực hiện chuyến viếng thăm chính thức tới Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và
Indonesia – các đảo quốc có vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến hàng hải Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương. Trọng tâm chuyến đi của các ông Pompeo và Esper không
gì khác hơn là vận động, mở rộng mạng lưới đồng minh và đối tác cùng kiềm chế
Trung Quốc. Kết hợp các chuyến đi của các nhà lãnh đạo Nhật và Mỹ, không khó để
nhận ra một thế trận đang dàn ra ở khu vực Đông Á, hình thành một vòng cung
trên biển canh chừng mọi động tác của Trung Quốc.
Tất nhiên Bắc Kinh không
ngồi im chịu trận. Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây cũng công
du Malaysia và Singapore, tìm cách lôi kéo các nước có cộng đồng Hoa kiều đông
đảo này đứng vào trận tuyến chống Mỹ của Trung Quốc, nhưng điều đó xem chừng
khó có thể xảy ra vì cả Singapore và Malaysia một mặt có quan hệ kinh tế-an
ninh khá mật thiết với Hoa Kỳ, một mặt muốn duy trì vị thế “trung tâm” của
ASEAN trong các vấn đề an ninh Biển Đông nên không sẵn sàng đứng về một phía
trong cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới hiện nay.
Như vậy, chính phủ Mỹ của
Tổng Thống Donald Trump đã không những không đơn thương độc mã trong cuộc chiến
đấu với chủ nghĩa bành trướng của đảng Cộng Sản Trung Quốc mà đã có chiến lược
và hành động thực chất để chặn đứng tham vọng bá chủ của Bắc Kinh. Người dân Mỹ
sắp bỏ phiếu bầu tổng thống, hiện chưa rõ ông Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ thứ
hai hay không nhưng hầu như giới phân tích chính trị đều đồng ý rằng, cho dù ai
ngồi vào vị trí ông chủ Tòa Bạch Ốc thì đường lối cứng rắn với Trung Quốc mà
chính quyền Trump đã khởi động vẫn sẽ được tiếp tục, thậm chí được gia tăng cường
độ.
Rõ ràng bối cảnh quốc tế
và khu vực hiện nay và trong một tương lai gần không thuận lợi cho kế hoạch
bành trướng của Trung Quốc cả về an ninh lẫn kinh tế công nghệ. Đảng Cộng Sản
Trung Quốc và lãnh đạo Tập Cận Bình rõ ràng có nhiều tham vọng lớn lao, nhưng
như chuyện Cao Biền dậy non trong truyện cổ tích, việc bộc lộ quá sớm các tham
vọng đó đang gây khó khăn và thách thức cho chính Trung Quốc, một cường quốc
đơn độc, không có bạn bè đồng minh vì chỉ muốn thu phục các chư hầu! [qd]
No comments:
Post a Comment