Thursday, 29 October 2020

VÌ SAO SƠN TINH THỜI NAY RỚT KIẾM? (Gió Bấc)

 


Vì sao Sơn Tinh thời nay rớt kiếm?

Gió Bấc (Blog RFA)

Oct 29, 2020

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/vi-sao-son-tinh-thoi-nay-rot-kiem/

 

Trị thủy là truyền thống của dân tộc Việt có từ thời hồng hoang, trước truyền thống chống Tàu hàng ngàn năm. Truyền thống đó được ghi nhận trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, trong tín ngưỡng dân gian thờ thần núi Tản Viên.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/DD-Son-Tinh-rot-kiem-1-1536x864.jpg

Nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là nhà của cán bộ. (Hình: Facebook Trương Châu Hữu Danh)

 

Với điều kiện địa lý của vùng đất ven biển, chịu ảnh hưởng đới khí hậu gió mùa Châu Á, ngập lụt vào mùa mưa là chuyện bình thường. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương có câu hát rất hay về cái chuyện đến hẹn lại lên đó “Trời hành cơn lụt mỗi năm!” Nhưng chỉ là hành cho cực khổ chứ không phải là tai họa chết người.

 

Trước khi có đảng, Sơn Tinh toàn thắng!

 

Chính những cơn lụt hàng năm là một tác nhân bồi đắp nên những đồng bằng màu mỡ ở hạ lưu sông và vùng duyên hải khắp từ Bắc, Trung, Nam Bộ. Thậm chí ở các vùng trũng miền Nam ngày xưa mỗi năm hai mùa mưa nắng, mặn ngọt, người ta còn gọi thân thương gọi “nước về” là “mùa nước bạc.” Từ bạc ở đây vừa chỉ màu nước phù sa và cũng hàm chứa ý nghĩa bạc vàng.

 

Thời đó, chưa có khoa học, thiếu “sự lãnh đạo của đảng,” chỉ bằng công cụ thô sơ đồ đá nhưng Sơn Tinh của người Việt luôn thắng. Thủy Tinh chỉ đem nước về hù dọa rồi rút đi để lại lớp phù sa màu mỡ cho thế hệ con cháu Sơn Tinh-Mỵ Nương gieo trồng gặt hái gầy dựng cuộc sống ấm no chứ không giết chóc được ai.

 

Thời nay, đã có đảng đưa đường chỉ lối, khoa học phát triển ngang tầm thế giới với điện thoại Bphone của anh Quảng nổ (Nguyễn Tử Quảng) hơn hẳn Apple, với xe VinFast của anh Vượng Râu (Phạm Nhật Vượng) sang hơn Mercedes-Benz,… ấy mà dân Việt cứ phải thua Thủy Tinh. Thua toàn tập từ sinh mạng con người đến tài sản vật chất, mùa màng thất bát. Bản thân Sơn Tinh còn mất tích không biết bỏ xác nơi đâu!

 

Sơn Tinh không chỉ thua ở đồng bằng đất thấp mà thua cả ở vùng núi, vùng cao. Ngay cả các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái cũng bị rơi vào cảnh lũ lụt. Ngày xưa lũ lớn chỉ 60 năm theo chu kỳ lục thập hoa giáp mới có lần mưa bão lớn vào năm Thìn. Gần đây nhất là cơn bão lụt năm 1904 ở miền Nam và năm 1964 ở miền Trung.

 

Ấy vậy mà sau khi đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Sơn Tinh bị thua tơi tả không những không che chắn bảo vệ cho hậu duệ của giống nòi Âu Lạc mà chính thân thể, da thịt của Sơn Tinh bị Thủy Tinh tùng xẻo ra thành từng mảng đã trở thành tai họa chết người vì lở núi, sạt đất.

 

Hai thập kỷ qua hầu như có bão là có lũ, có sạt lở đất, có chết người.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/DD-Son-Tinh-rot-kiem-2-1206x1536.jpg

Hiện trường vụ sạt núi ở xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, sáng 29 Tháng Mười, 2020. (Hình: PL/Tuổi Trẻ)

 

Ai đã hạ gục Sơn Tinh?

 

Mới đây, ổng tổng cục trưởng Tổng Cục Kiểm Lâm đã trả lời báo chí cho rằng lũ lụt xảy ra là do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Ý kiến này chắc hẳn sẽ hợp lòng lãnh đạo đảng, chính quyền nhà nước Cộng Sản vốn quen quan niệm “Thất mùa là bởi thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài đảng ta!”

 

Với người dân và với những người tâm huyết, giới khoa học có trách nhiệm, câu trả lời hoàn toàn đối nghịch.

 

Hơn 10 năm trước nhà văn Nguyên Ngọc đã đăng bài “Nước Mội, rừng xanh và sự sống” trên báo Xuân Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn lý giải nguyên nhân và dự báo thảm họa này. Vốn sống hơn nửa đời người ở duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên, với tình yêu đất yêu rừng yêu người thiết tha, ông đã ghi nhận lý giải thật sinh động mối liên hệ tuần hoàn máu thịt giữa những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên với những dòng sông và những mạch nước ngầm gọi là “Nước Mội” trên những bãi cát ven biển. Rừng Tây Nguyên ngăn giữ nước mưa và núi, đất đai Tây Nguyên nghiêng mình thẩm thấu đưa nước từ đại ngàn ra biển.

 

Đến cuối thập niên 1990, một đại biểu Quốc Hội người dân tộc từng cay đắng phát biểu: “Báo cáo Quốc Hội, chúng ta đã hoàn thành công cuộc phá rừng!” Câu nói ấy tạo ra tiếng vang nhất định nhưng chừng như chỉ được xem là cách nói trào lộng thú vị chứ từ lúc ấy đến nay, cả nước chưa hề có chiến lược, kế hoạch nghiêm túc để bảo vệ, khôi phục rừng nguyên sinh.

 

Những ý kiến kêu gọi bảo vệ rừng, bảo vệ sự nguyên vẹn của hệ sinh thái Tây Nguyên vẫn của một số nhà khoa học, văn hóa chỉ là tiếng kêu vô vọng. Quốc Hội có ra nghị quyết trồng 5 triệu hécta rừng nhưng phần lớn chỉ được triển khai trên giấy. Giỏi hơn nữa, người ta còn có cách đánh tráo khái niệm, xem đất cao su là đất rừng nên cho dù không là 5 triệu mà 10 triệu hay 20 triệu thì vẫn hoàn thành kế hoạch.

 

Ngay lập tức mẹ thiên nhiên đã lên tiếng trả lời. Một trận lũ kinh hoàng ở miền Trung năm 2009 “Cả thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu chìm trong nước sâu. Gần trăm người chết. Ruộng đồng tan hoang.” Đó là nguyên nhân mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết bài báo. Ngay từ 10 năm trước, cũng đã có cách phủi trách nhiệm cho Trời như vậy.

 

Không phải tại trời, chỉ tại phá rừng?

 

Nhà văn Nguyên Ngọc đã phản biện hùng hồn thuyết phục bằng những so sánh thống kê rất thuyết phục:

 

“Một vị có trách nhiệm rất cao giải thích: Ấy là vì biến đổi khí hậu toàn cầu, và lại nữa, vì nhân dân mất cảnh giác. Tại Trời và tại dân, Trời thì ngày càng tai ác, còn dân thì mãi ngu dốt! Có một chi tiết hẳn ở cương vị của ông ấy, ông ấy ắt phải biết nhưng lại không thấy ông nói: năm 2009, ở Phú Yên áp thấp nhiệt đới gây mưa 330 milimét; năm 1991, cũng tại chính Phú Yên này, mưa 1,300 milimét, gấp hơn ba lần. Năm 1991 không có gì đáng kể, năm 2009 lại là tai họa khủng khiếp, vì sao?

 

Ở miền Trung – mà ở cả nước đều vậy – ngày xưa chỉ có lụt và lụt là mùa rất vui, thậm chí thân thiết, mỗi năm lại trở lại một lần, người ta chờ nước lụt, nước lên từ tốn, ruộng đồng được tưới tắm phù sa, cũng là lúc làm ăn rộn rã, có lẽ cũng tương tự như mùa nước nổi ở Nam Bộ thuở nào.

 

Ngày nay không còn lụt, chỉ có lũ. Lũ rất khác lụt, lũ nhà nước đột ngột đổ ập xuống, như thác, hung bạo, nhanh và dữ cho đến nỗi, như vừa rồi, có người đã leo lên trần nhà rồi còn chết ngạt trong ấy vì không kịp dỡ mái để leo lên nữa! Lũ không mang phù sa đến, lũ quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi, và kéo đất đá từ trên rừng xuống lấp hết ruộng đồng.

 

Tất nhiên ngày xưa cũng có lũ, nhưng chỉ trong những năm mưa đặc biệt lớn, cả đời một con người chỉ chứng kiến vài lần. Ngày nay hễ đài vừa báo áp thấp nhiệt đới, thậm chí chỉ áp thấp, là cả nước đã rùng rùng lo chống lũ, sập núi, trôi rừng…

 

Con số 1,300 li năm 1991 và 330 li năm 2009 là con số hùng hồn, nó nói rằng vụ Phú Yên vừa rồi không phải chủ yếu do biến đổi khí hậu toàn cầu, không phải do Trời, như lời giải thích uyên bác của vị quan chức nọ.”

 

Lập luận của nhà văn Nguyên Ngọc cũng là quan điểm chung của giới khoa học già và nhân loại tiến bộ biết thừa nhận sự thật.

 

Nhà báo tự do Trương Châu Hữu Danh từng đi sâu điều tra về tình trạng rừng bị bức tử đã đặt câu hỏi tại sao trong chiến tranh bom đạn tàn phá, quân đội Mỹ dùng chất da cam để khai hoang nhưng rừng U MInh, Tây Nguyên vẫn chừng như nguyên vẹn. Thế nhưng chỉ mấy mươi năm sống trong hòa bình dù đươc đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, Kiểm Lâm, Bộ Đội Biên Phòng bảo vệ tại sao rừng bị phá trắng?

 

Ở thế kỷ trước, rừng nguyên sinh được xẻ thịt lấy gỗ và được cao su hóa, cà phê hóa thành làn sóng kinh hoàng mà vị đại biểu Quốc Hội đã tổng kết là hoàn thành sự nghiệp phá rừng. Đến nay rừng chỉ còn lại một số tàn tích trong các khu bảo tồn. Về danh nghĩa luật lệ, các khu vực này được bảo vệ nghiêm nhặt. Thế nhưng, Thủy Tinh lại có thêm một trợ thủ mới có quyền năng siêu việt hút cạn kiệt nguồn sức lực cuối cùng của Sơn Tinh. Đó là Thủy Điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ trong các vùng sâu thẳm.

 

Đầu tư làm thủy điện nhỏ một vốn đến 40 đồng lời. Ăn gỗ rừng công khai hợp pháp. Chi phí đầu tư thấp lại được bán điện giá cao ngất ngưởng thế nên các đại gia sân sau tha hồ đua nhau làm thủy điện.

 

Chính báo đảng của thành Hồ đã xác nhận điều này “mặc dù ‘ở trên’ đã loại bỏ gần 500 dự án và hơn một năm nay không bổ sung dự án mới vào quy hoạch nhưng ‘ở dưới’ vẫn đang đua nhau điều chỉnh, bổ sung, cấp phép cho thủy điện nhỏ. Các thống kê cho thấy, cứ 1MW thủy điện là mất 10-14.5 hécta rừng. Trung bình mỗi dự án thủy điện nhỏ hình thành sẽ có 125 hécta rừng bị xóa sổ. Như thế, với hơn 500 dự án thủy điện nhỏ đã được phê duyệt như hiện nay, chúng ta đã phải đánh đổi 57,000 hécta rừng.”

 

Những “sát thủ nội gián” bức tử Sơn Tinh

 

Thế lực nào đã tiếp sức sản sinh ra Thủy Điện? Báo đảng cũng không hề giấu diếm mắng yêu: “Để thủy điện nhỏ gây nhiều hệ lụy như hiện nay có trách nhiệm của chính quyền các địa phương và bộ ngành liên quan. Trong đó, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn được giao trách nhiệm giữ rừng đã làm gì, ở đâu khi các dự án được cấp phép xây dựng công khai trong khu bảo tồn, giữa lõi rừng già dù đã có đủ chủ trương, chính sách bảo vệ rừng? Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã ở đâu trong vấn đề đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện nhỏ khi để xây dựng phải phá rừng, tận diệt khoáng sản, đe dọa đa dạng sinh học…? Bộ Công Thương có kiểm tra, rà soát, đề nghị chính quyền địa phương loại bỏ những dự án không cần thiết? Bộ Xây Dựng có kiểm tra, đảm bảo tính an toàn hồ đập tại các dự án thủy điện nhỏ và vừa?”

 

Báo đảng chỉ rút cái dây kinh nghiệm chung chung về trách nhiệm các bộ ngành, còn nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã chỉ ra đích danh với đầy đủ vật chứng những “sát thủ nội gián” đầy quyền uy đã ám trợ Thủy Tinh đó là những quan chức địa phương nhất là quan chức ngay chính ngành Kiểm Lâm.

 

Trên Facbook cá nhân nhà báo Hữu Danh đã đăng hình ảnh dinh thự nguy nga làm toàn bằng gỗ quý của “Khổng Trung – chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Quảng Trị – tỉnh đang bị lũ lụt kinh khủng do bọn lâm tặc và thủy điện góp phần. Nhà Trung, từ cổng, rào đến nội thất đều bằng gỗ quý hàng trăm, ngàn năm tuổi đưa từ rừng nguyên sinh về. Tổng cộng khoảng 80 m3 gỗ quý như giáng hương, gõ đỏ… Căn nhà toàn gỗ quý này tọa lạc tại xã Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/DD-Son-Tinh-rot-kiem-3-1536x866.jpg

Căn nhà gỗ khi ông Trần Ngọc Quang còn đương chức chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. (Hình: Facebook Trương Châu Hữu Danh)

 

Nhà báo Hữu Danh cũng đăng tải hình ảnh dinh thự gỗ của một ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện ở Đắk Lắk “sát nách Hạt Kiểm Lâm. Những cây cột tròn cực lớn, toàn gỗ căm xe, cà chít được ồ ạt chở về. Những tấm ván nguyên khối gỗ hương, gỗ cẩm cũng được tập kết. Những bộ bàn ghế lớn đến mức phải vài chục người khiêng cũng được xe tải loại lớn đưa về nhà ông.”

“Trên khắp dải đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là nhà của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, những món đồ gỗ, nhà gỗ này càng trở nên vô giá.

Một thực tế là, nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều.

 

Những căn nhà xa hoa này, được đánh đổi bằng mạng dân.

 

Quý vị ngủ có ngon không, khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?”

 

Trận chiến năm nay chỉ mới hồi 1, chỉ mới xáp trận mà đã có hơn trăm người chết, hàng ngàn nhà cửa, hàng hécta đất đai hoa màu bị tiêu tan. Bão còn tiếp tục, con số thiệt hại này mới chỉ là quà ra mắt. Sẽ còn bao nhiêu thiệt hại nữa để lót đường cho Thủy Tinh rước cô dâu dự án Thủy Điện, gỗ quý về nhà quan chức?

 

Sơn Tinh thời có đảng không chết mới là chuyện lạ?

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats