Vì sao Ngoại trưởng Pompeo viếng thăm Việt Nam lần này
Ngô
Hoàng Thao
2020-10-28
Thông tin từ Chính phủ Việt
Nam hôm nay, ngày 28/10/2020 cho biết, nhận lời mời từ Phó Thủ tướng kiêm Bộ
trưởng Bộ Ngoại gia Việt Nam Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Pompeo sẽ có chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày
29-30/10/2020.
Trong thông báo này còn
cho biết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm thiết
lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ giấu tên cho biết, chuyến viếng thăm Việt
Nam lần này của ông Pompeo không nằm trong lịch trình có sẵn, mà rất đột ngột. Chính vì vậy, các nhân viên ngoại giao của cả
hai bên đều phải “vắt chân lên cổ” vì thời gian chuẩn bị cho chuyến viếng thăm
này chỉ trong vòng có ba ngày.
Chuyến viếng thăm bất ngờ
này của ông Pompeo cho thấy sự “quan tâm, ưu ái” của chính phủ Hoa Kỳ dành cho
Việt Nam cùng với sự “dịch chuyển” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đối với Mỹ, Việt Nam vẫn
là quốc gia có mức thâm hụt thương mại lớn. Thặng dư thương mại của Việt Nam với
Hoa Kỳ, từ mức 33,96 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 44,3 tỷ đô
la trong chín tháng đầu năm nay, theo dữ liệu hải quan của Việt Nam. Còn theo dữ
liệu từ Mỹ thì thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng 11% giữa tháng 7 và
tháng 8 vừa qua với mức thâm hụt lên đến gần 7,6 tỷ USD, và là mức tăng 38,9%
so với cùng kỳ 1 năm trước đó. Vì vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia nằm trong danh
sách Hoa Kỳ phải “trừng phạt”. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn thể hiện thái độ mềm mỏng
đến khó tin với Việt Nam, cho dù chính sách của Tổng thống Trump là phải ưu
tiên về cân bằng thương mại.
Hôm thứ Hai vừa qua, Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ quan điểm trước việc Hoa Kỳ đang tiến
hành điều tra các cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Thủ tướng Phúc cho biết
Hoa Kỳ cần “đánh giá khách quan hơn về thực tế ở Việt Nam” và “Việt Nam không sử
dụng chính sách tỷ giá hối đoái để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc
tế”.
Chuyến viếng thăm Việt
Nam của ông Pompeo diễn ra sau khi ông ta có chuyến công du 4 nước châu Á, bao
gồm: Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.
Trong bối cảnh Trung Quốc
liên tục có các hành động căng thẳng, uy hiếp các quốc gia khu vực Đông Nam Á,
cùng với căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục diễn tiến đến hồi cao trào, chuyến đi tới
Việt Nam lần này của ông Pompeo với mong muốn thúc đẩy quan hệ với các đồng
minh và đối tác tại khu vực châu Á, trong nỗ lực chống lại các đe doạ từ Trung
Quốc.
Trong số các quốc gia
Đông Nam Á, Indonesia luôn là đối tác được Hoa Kỳ coi trọng vì với vị thế chính
trị cũng như thực lực quốc gia của mình, Indonesia luôn là “anh cả” của khu vực
Đông Nam Á và khối ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được coi là “ngôi sao đang
lên” trong chính trường khu vực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vừa qua cũng
tạo được nhiều ấn tượng, cho dù trong diễn biến ảm đạm của Đại dịch COVID-19.
Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đã kiểm soát thành công Đại dịch.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc lên tiếng về vấn đề Biển
Đông trong sự đe doạ từ các hành động hung hăng của Trung Quốc ở đây. Khác với
một Philippines dưới thời Tổng thống Duterte thay đổi chính sách xoành xoạch
trước vấn đề biển Đông, chính sách biển Đông của Việt Nam luôn ổn định và nhất
quán. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy vấn đề
Biển Đông trước các diễn đàn đa phương. Việt Nam cũng là quốc gia có lịch sử
lâu đời trong việc đối phó thành công trước các âm mưu đe doạ thôn tính từ
Trung Quốc.
Chính vì vậy, Hoa Kỳ đã
tìm thấy ở Việt Nam những yêu cầu cần thiết cho một đối tác quan trọng để có thể
cùng với Hoa Kỳ chống lại các đe doạ của Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ cũng đã công
khai ý định muốn Việt Nam trở thành một “cường quốc tầm trung”, từ đó có thể
nâng cao khả năng phòng thủ của Việt Nam trước các đe doạ từ Trung Quốc.
Việt Nam đã tìm thấy được
ở Hoa Kỳ những điểm chung trong lợi ích chiến lược của cả hai bên. Mục tiêu lớn
nhất của Việt Nam là phát triển kinh tế, điều này cũng phù hợp với mục tiêu của
Hoa Kỳ. Việt Nam cũng mong muốn một trật tự quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế,
chính vì vậy, Việt Nam đã ủng hộ các quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề biển Đông
dưới góc độ này.
Các vấn đề mà hai bên sẽ
trao đổi trong cuộc gặp này, bao gồm: Vấn đề Mekong, vấn đề Biển Đông, các kế
hoạch liên quan đến Bộ Tứ (The Quad) và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình
Dương tự do và rộng mở.
Vấn đề Mekong là vấn đề
mà Việt Nam đang rất lo ngại, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới
đã cho thấy sự suy giảm nguồn nước từ thượng nguồn Mekong, nơi mà Trung Quốc đã
cho xây nhiều con đập khổng lồ để chứa nước cho các dự án thuỷ điện của họ. Và
các con đập này là nguyên nhân gây ra sự hạn hán và lũ lụt ở vùng hạ nguồn
Mekong. Việc suy giảm nguồn nước cộng với mực nước biển dâng đã khiến vùng hạ
nguồn Mekong bị đe doạ nghiêm trọng, mà Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam là
nơi bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Đã có nghiên cứu cảnh báo trong vòng 30 năm nữa,
Đồng bằng Sông Cửu Long có thể sẽ biến mất. Trung Quốc gần đây cũng đã hứa hẹn
trong việc cung cấp các thông tin thuỷ văn từ khu vực thượng nguồn Mekong cho
các quốc gia hạ nguồn, tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến rất nhiều lời hứa từ
lãnh đạo Trung Quốc, nhưng thực tế thì không vậy. Trong đó có lời hứa từ ông Tập
Cận Bình về việc không quân sự hoá các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường
Sa.
Vấn đề Biển Đông đặc biệt
quan trọng đối với cả hai bên. Đối với Việt Nam, Biển Đông luôn là lợi ích sống
còn của Việt Nam. Việc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, luôn có các hành động
đe doạ, ức hiếp Việt Nam cho dù ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là
điều không thể chấp nhận.
Đối với Hoa Kỳ, Biển Đông
là một trong ba mặt trận (bao gồm chiến tranh thương mại; chiến tranh công nghệ
và vấn đề Biển Đông) mà Hoa Kỳ thấy Trung Quốc đang dùng vũ lực để đe doạ, bất
chấp luật lệ và quy tắc quốc tế.
Với các kế hoạch liên
quan đến Bộ Tứ, mặc dù biết Việt Nam có chính sách “bốn không một tuỳ” vốn tiếp
nối từ chính sách “ba không” trước đó, nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn mong muốn sự ủng hộ
tích cực của Việt Nam dành cho Bộ Tứ, đồng thời Việt Nam sẽ đóng một vai trò
năng động, mạnh mẽ và tích cực hơn nữa trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình
Dương tự do và rộng mở. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sẽ là một “thành viên theo
sát” (shadow member) trong chiến lược này.
Chuyến viếng thăm này
cũng đánh dấu một sự “chuyển dịch” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Người
ta có thể so sánh lễ kỷ niệm 70 năm quan hệ Việt - Trung vào hồi đầu tháng 10,
diễn ra trong lặng lẽ. Trong khi các hoạt động chào mừng 25 năm quan hệ Việt -
Mỹ được tiến hành rầm rộ và kéo dài với nhiều hoạt động khác nhau.
------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do
No comments:
Post a Comment