Friday, 30 October 2020

BẦU CỬ MỸ 2020 : TRANH CỬ TẠI CÁC "BANG CHIẾN TRƯỜNG" QUYẾT LIỆT HƠN NĂM 2016 (RFI)

 


Bầu cử Mỹ 2020: Tranh cử tại các ''bang chiến trường'' quyết liệt hơn năm 2016

Phạm Trần  /  Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 30/10/2020 - 11:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201030-bau-cu-tong-thong-my-2020-pham-tran

 

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra căng thẳng cho đến các ngày chót, đặc biệt là tại các bang « chiến trường », khác hẳn với cuộc tranh cử 2016. Từ Washington, ngày 29/10/2020, nhà báo Phạm Trần trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6b710fe8-1a97-11eb-8e6b-005056bff430/w:980/p:16x9/USA_VOtes.webp

Nhiều cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm. Ảnh minh họa : xếp hàng bầu cử tại Durham, North Carolina, ngày 15/10/2020. REUTERS/Jonathan Drake/File Photo REUTERS - JONATHAN DRAKE

 

RFI : Xin ông cho biết tại sao trong bầu cử tổng thống Mỹ, các bang gọi là « bang chiến trường » lại có ý nghĩa rất quan trọng ?

 

Nhà báo Phạm Trần : Điều thứ nhất là trong lịch sử tranh cử, bầu cử tổng thống, thì bao giờ những bang gọi là « bang chiến trường », tiếng Mỹ gọi là Battleground states hay swing states, tức là ở đó các công dân ở đó, cử tri có thể thay đổi quan điểm bất cứ lúc, kể cả vào giờ chót, kể cả ngay tại phòng phiếu.

 

.

RFI : Vào thời điểm hiện tại các bang nào được coi là bang chiến trường chính ? 

 

Nhà báo Phạm Trần : Cũng như các năm trước, mà đặc biệt là năm nay, người ta nêu ra 8 bang Arizona, Florida, Georgia, Michigan, Minnesota, North Carolina, Pensylvannia, Wisconsin.Tôi cũng xin nhấn mạnh là 8 bang này là các bang mà ông Donald Trump đã thắng cử hoặc là sát nút với bà Clinton trong cuộc bỏ phiếu 2016. Điều đáng chú ý khác là trong số 538 phiếu của cử tri đoàn trên toàn quốc nước Mỹ, riêng 8 bang mà tôi gọi là các bang tranh chấp gay gắt là đã chiếm tới 127 ghế rồi. Tầm mức quan trọng của 8 bang này là do như vậy.

 

.

RFI Danh sách các bang này là cố định hay thay đổi tùy theo từng thời kỳ ?

 

Nhà báo Phạm Trần : Nếu so với danh sách của 2016 thì không có chênh lệch bao nhiêu. Ngược lại, người ta có thể thêm vào các bang trước đây vốn 100% nghiêng về phía Cộng Hòa, thì năm nay lại có vẻ nghiêng về phía Dân Chủ. Tỉ dụ như bang Texas, từ muôn đời là Cộng Hòa, bao giờ cũng bỏ phiếu cho Cộng Hòa, năm nay thì khác. Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Joe Biden có nhiều cơ hội lật ngược thế cờ. Tỉ dụ như một bang khác là Alamaba, miền nam nước Mỹ. Khi nói về miền nam, thì 80% đến 100% ủng hộ đảng Cộng Hòa trong suốt chiều dài lịch sử của nước Mỹ.

Ohio cũng bấp bênh cho ông Trump lắm. Ohio năm nay có thể nghiêng về Dân Chủ. Một lý do là vì ông cựu thống đốc đảng Cộng Hòa, John Kasich, công khai tuyên bố ủng hộ ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân Chủ. Ông cựu thống đốc đó nói 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump đã làm hại uy tín cho nước Mỹ, và làm sụt giảm uy tín của đảng Cộng Hòa, so với các tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa tiền nhiệm. Điều này khiến tâm lý của người dân thay đổi. Năm 2016, số cử tri người da đen đi bầu có vẻ không có được đoàn kết, không có được đông đảo. Ngược lại, năm nay 2020, người ta ghi danh đi bầu cử đông hơn. Những yếu tố tôi vừa nói về tâm lý đó hay thực tế về tình trạng dân cư, hay sự thay đổi của người cử tri đã biến Ohio thành bang tranh chấp.  

 

.

RFI Có nhiều người chỉ trích hệ thống bầu cử theo kiểu « đại cử tri ». Trong hệ thống này, việc tranh cử lại chỉ tập trung vào một số bang « chiến trường », có nghĩa là mọi việc đã an bài tại tất cả các bang còn lại. Như vậy, nhiều người cho rằng phải cải tổ hệ thống không có tính dân chủ thực sự này. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại, đó là dân chủ không phải là một hệ thống áp đặt từ trên xuống, mà là một quá trình. Tưởng tượng nước Mỹ theo phổ thông đầu phiếu, mỗi phiếu bầu có giá trị ngang nhau, thì có thể nói thể chế liên bang không còn ý nghĩa nữa, quyền lực của các bang giảm đi rõ ràng. Ông nghĩ sao về các quan điểm này ?

 

Nhà báo Phạm Trần : Mỗi một nước đều có những truyền thống chính trị xã hội riêng. Chuyện của nước Mỹ theo hệ thống cử tri đoàn, đó là truyền thống của nước Mỹ. Vì những khó khăn phức tạp của việc thay đổi chỉ một điều trong Hiến pháp. Ngoại trừ việc một đảng nắm quyền tổng thống, nắm quyền tuyệt đối đại đa số tại Quốc Hội, thì may ra mới có thể hội đủ được các điều kiện cơ bản để thay đổi điều luật trong Hiến pháp, quy định về cử tri đoàn.

Có những nước bây giờ như Nhật Bản, theo hệ thống quân chủ, nhưng bầu cử tự do. Dân chúng bầu cử tự do, nhưng theo truyền thống riêng của họ. Mỗi một quốc gia có một truyền thống riêng. Người dân ở những nước như Hoa Kỳ không muốn thay đổi, bởi hệ thống chính trị của nước Mỹ bao gồm cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Mỗi cấp chính quyền có các quyền hạn được ấn định một cách riêng rẽ trong Hiến pháp. Quyền tự do dân chủ của người dân Mỹ thể hiện ở cả chính quyền trung ương, cũng như chính quyền của mỗi bang. Ngay cả chính quyền của mỗi quận, huyện của nước Mỹ họ cũng độc lập chứ không phải là họ cứ theo cái lệnh của trung ương. Tòa Bạch Ốc không được can thiệp vào luật lệ của mỗi bang. Đấy là nền tảng của các giá trị dân chủ của Mỹ.

 

.

RFI : Những yếu tố nào đáng lo ngại nhất đối với hai phe, có thể mang lại các thay đổi bất ngờ tại các bang chiến trường hiện nay ?  

 

Nhà báo Phạm Trần : Điều lo ngại nhất của bên đảng Dân Chủ là cử tri ít đi bỏ phiếu. Họ lấy cái kinh nghiệm đau thương của 2016, để nói với nhau là không nên lạc quan một cách quá đáng. Không nên nghĩ rằng chúng ta đã thắng theo các thăm dò dư luận, thì như vậy, chúng ta sẽ thắng tổng thống. Bên phía Cộng Hòa cũng như thế. Thành ra hai bên đều có sự dè dặt. Và có sự đắn đo hết sức cụ thể ở chỗ, phải đi vận động, phải nắm được khối cử tri của mình. Vì vậy, trong những ngày sau cùng, trong 72 giờ qua, ông Joe Biden và ông Donald Trump đều tập trung đi đến các bang chiến trường. Có nơi họ đi tới hai ba địa điểm, trong một ngày. Đây là chuyện không hề có trong năm 2016.  

Có hai điều tôi muốn nhấn mạnh thêm. Thật sự là đã có sự đe dọa với cử tri. Tỉ dụ như FBI đang mở điều tra để tìm ra manh mối phát xuất những email, thư nặc danh, gửi đến cho cử tri ở ít nhất là hai bang chiến trường, Arizona và Florida. Những thư nặc danh đó, những cú điện thoại bí mật đó yêu cầu đi bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Người cho rằng thư nặc danh, đe dọa đó đến từ những phe cực đoan ở nước Mỹ. Mức độ gây khủng hoảng như thế nào hiện mình chưa biết được.

Bên cạnh đó, còn một chuyện nữa chưa bao giờ xảy ra. Đó là một số khối cực đoan theo quan điểm da trắng thượng đẳng, võ trang, nói rằng sẽ cử người đến các phòng phiếu quan trọng, để quan sát. Ông Donald Trump cũng muốn cổ võ cho những nhóm đó. Trong khi đó, đã có một phong trào của người da đen, tập bắn súng, mua vũ khí, chụp hình phổ biến lên internet, giống như các nhóm da trắng thượng đẳng. Tôi e ngại, nếu cuộc bầu cử không được kiểm soát một cách gắt gao, thì rất có thể gây ra những xáo trộn, có thể gây ra những cuộc xung đột mà không ai muốn thấy trong nền dân chủ của nước Mỹ. Rất có thể một vài chỗ xảy ra những vụ xích mích, bắn nhau, hay phá hoại bầu cử, cướp phòng phiếu, hay cướp thùng phiếu chẳng hạn. Tình trạng này, tôi chưa bao giờ thấy tại Mỹ.

 

.

RFI : Xin ông cho biết nhận định chung của ông về các thăm dò dư luận ở các bang chiến trường.

 

Nhà báo Phạm Trần : Những cuộc thăm dò dư luận năm nay 2020, mình không biết các hãng thăm dò đó có hỏi tới những người cử tri được gọi là « thầm lặng ». Thật sự ra, khối cử tri thầm lặng đó, hầu hết là da trắng. Mà đó là khối cử tri vững vàng ủng hộ ông Donald Trump. Các thăm dò năm nay vẫn cho rằng những khối cử tri vẫn đứng về phía ông Trump. Hơn nữa ông Trump lại bảo vệ được các thành phần da trắng trẻ tuổi, lao động, không có bằng cấp đại học, ở các vùng kỹ nghệ, ở các vùng thôn quê. Những thành phần đó đã chống lại bà Clinton năm 2016, đem thắng lợi cho ông Donald Trump. Năm nay, người ta thấy rằng thăm dò dư luận trong nhóm người trẻ lao động, không có bằng cấp đại học, người da trắng, thì ông Trump vẫn giữ vững lá phiếu cơ sở của ông ấy. Từ bài học 2016, mình cũng không thể biết chắc diễn biến và kết quả của cuộc bầu cử ngày 03/11 sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng, trong khi dư luận đã nghiêng về phía ông Joe Biden, nhưng người ta cũng phải dè chừng, phải rất thận trọng, đừng coi thường sức mạnh của ông Donald Trump trong khối cử tri cật ruột. Mà khối cử tri cật ruột đó, họ ít nói, họ không nói, họ không đi bầu cử sớm. Các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ, trong thời gian vừa rồi, trong lúc tổng cộng 70 triệu người Mỹ đã đi bầu sớm rồi, thì những người Cộng Hòa cho biết họ chỉ quyết định lá phiếu tại phòng phiếu vào ngày mùng 3 tháng 11 tới mà thôi. Vì vậy các hãng thăm dò dư luận, cũng như các nhà bình luận, các chuyên viên về bầu cử đều thấy rằng, rất có thể ông Donald Trump sẽ lật ngược thế cờ, như ông ấy đã lật ngược thế cờ năm 2016. Cuộc bầu cử năm nay, càng sát ngày bầu cử, không khí càng gay gắt, càng khó đoán được ai sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

 

RFI : Xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats