Việt
Nam: Mối lo Trung Quốc khiến một bộ phận giới trẻ đặc biệt quan tâm bầu cử Mỹ
Trọng
Thành -
RFI
Đăng
ngày: 28/10/2020 - 15:12
Giới trẻ tại Việt Nam quan tâm đến bầu cử tổng thống
Mỹ năm 2020 không? Người quan tâm đến bầu cử Mỹ có quan điểm ra sao? Điểm
nổi bật là mối lo ngại, thậm chí thái độ thù nghịch với chính quyền Trung Quốc,
khiến một bộ phận thế hệ 8X, 9X đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ, và ủng hộ tổng
thống mãn nhiệm Donald Trump. Thái độ ủng hộ mạnh mẽ này đang gây chia rẽ sâu sắc
trong giới trẻ tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ.
Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) đưa ra một
nhận định chung : « Tỉ lệ các cháu quan tâm đến bầu cử ở Mỹ
không cao lắm đâu. Thứ nhất là do tình hình giáo dục, chính sách tuyên truyền,
quản lý thông tin… của Nhà nước, ở trong một chế độ gọi là ‘‘công an trị’’, làm
cho mọi người, đặc biệt là các cháu thanh niên rất ngại quan tâm đến chính trị.
Số trẻ quan tâm đến chính trị, đến thời vận của đất nước, của thế giới… đến các
giá trị như nhân quyền, là không nhiều ».
Một số bạn trẻ cũng chia sẻ với chúng tôi cảm
nhận chung, là cuộc bầu cử tại Mỹ còn rất ít được giới trẻ nói chung ở Việt Nam
quan tâm, trong lúc thông tin không hẳn đã thiếu. Cùng với cuộc tranh cử 2016,
tranh cử 2020 là cuộc tranh cử thứ hai tại Mỹ được đưa tin khá phong phú tại Việt
Nam, ngay trên truyền thông Nhà nước.
.
Đối đầu
Mỹ - Trung: Tâm điểm tranh luận
Dù sao, cũng có một số bạn trẻ, kể cả người
trẻ làm việc trong bộ máy Nhà nước, sẵn sàng bày tỏ quan điểm mình về cuộc bầu
cử tổng thống Mỹ. Anh Vinh Thu (Hà
Nội), một nhà báo trẻ làm việc trong truyền thông Nhà nước, trong một trao
đổi qua thư điện tử với chúng tôi, với tư cách cá nhân, chia sẻ: « Trong
số bạn bè tôi và những người tôi biết, chỉ những người trên 35 tuổi có hứng thú
nhiều hơn khi trao đổi về những khía cạnh khác nhau của cuộc bầu cử. Có vẻ họ ấn
tượng hơn về ông Donald Trump, nhưng người nào ghét thì cũng đặc biệt ghét ».
Lý do chính nào khiến nhiều người trẻ ở Việt
Nam đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ ? Giáo
sư Hoàng Dũng (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến thế đối đầu Mỹ - Trung : « Thực
ra không phải bản thân vấn đề ông Trump và ông nào đó, mà là do họ nhìn cuộc bầu
cử qua góc độ của người Việt, xem cái này có ảnh hưởng đến Việt Nam
không ? Tôi nghĩ rằng người trẻ mà quan tâm đến việc này cũng không ngoài
quỹ đạo đó đâu. Xem xét cuộc bầu cử này có lợi hay không có lợi cho Việt Nam,
trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay ».
Tin
Trump có thể « chặn đứng » Trung Quốc về kinh tế
Nhà
báo Nguyễn Thiện Nhân (Bình Dương), Hội Nhà Báo Độc Lập, một
tổ chức xã hội không thuộc Nhà nước, nhận xét : « Tôi nghĩ rằng số người
Việt Nam quan tâm đến tổng thống Mỹ trên tổng dân số không phải là con số lớn…
Tôi có sự quan sát với giới trẻ, thông thường nhiều người muốn tổng thống Trump
tái đắc cử, vì ông ấy là người có thể chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì
sự trỗi dậy đó là không lành mạnh. Sự trỗi dậy đó là gian dối. Người ta nói là
sự gian dối đó có thể phá hủy nền kinh tế thế giới. Điều đó ông Trump muốn chặn
đứng ».
Anh
Thang Chu (Bắc Ninh), làm việc trong ngành xây dựng,
chia sẻ : « Với tư cách là một người Việt Nam, tôi rất mong ông
Trump là người chiến thắng. Bởi vì ông ấy đã đưa ra các quyết sách xoay trục.
Không như ông Obama trước đây chỉ là nói hướng đến xoay trục, nhưng trong hai
nhiệm kỳ loay hoay không xoay được trục sang châu Á. Khi ông Trump ông ấy lên
làm, không cần nói nhiều, mà ông ấy đã thực thi quyết sách hướng về châu
Á ».
Trao đổi với chúng tôi qua thư điện tử, chị
Vân Anh, làm việc trong một ngân hàng nhà nước (Hà Nội) cho biết quan tâm
đến bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chủ yếu là về mặt kinh tế, đặc biệt là tác động
của biến động chính trị đến chứng khoán. Theo chị Vân Anh, nhìn chung, chính
sách quyết liệt của ông Trump chống Trung Quốc ảnh hưởng « tốt »
đến kinh tế Việt Nam. Quan điểm của chị Vân Anh cũng khá giống với nhận định
chung của Bạch Huệ, phóng viên trẻ, báo kinh tế VnEconomy, được nhiều người trẻ
dùng Facebook ở Việt Nam chia sẻ: « Khi đại dịch nhấn chìm thế giới,
Trump điên cuồng chống Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị khiến dòng vốn chạy
khỏi Trung Quốc không ngừng. Trump làm địa chính trị thế giới thay đổi như
chong chóng, giấc mơ Trung Hoa bị kìm hãm… Nói chung là ủng hộ Trump, cứ cái gì
lợi cho Việt Nam là ủng hộ thôi ».
Quan điểm
phản bác
Về quan điểm cho rằng chính sách của tổng thống
mãn nhiệm Donald Trump chống Trung Quốc rất có lợi cho Việt Nam, chị Trang Nhung (Hưng Yên), một kỹ sư
tin học, có nhìn nhận hoàn toàn ngược lại :
« Tôi không thấy như vậy, tôi thấy rằng,
trong nhiệm kỳ của Trump, Trung Quốc có vẻ mạnh lên, và lấp đầy những chỗ trống
mà Mỹ đã bỏ lại. Ví dụ, bây giờ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc đã
tăng dần, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước nằm trong khu vực chịu
sự chi phối của Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ cũng không làm cho quan hệ với các đồng
minh tốt hơn (như Canada, Đức…).
Còn đối với Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ không
được lợi nhiều, khi Trump trở thành tổng thống. Trump sẽ không đánh Trung Quốc
cho Việt Nam, như rất nhiều người đang ảo tưởng. Ông ta cùng lắm là đưa ra
một số chính sách, biện pháp giống như kiểu rung cây, dọa khỉ vậy, chẳng có tác
dụng gì về lâu về dài, cũng không biểu hiện ra đấy là một chiến lược gì, để làm
giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trên thế giới cả. Biện pháp tăng thuế đối với
hàng hóa Trung Quốc, có tác động tiêu cực với kinh tế Trung Quốc một phần,
nhưng nó cũng có tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa là biện
pháp ông ta áp thuế lên Trung Quốc cũng không nhất quán, không có chính sách rõ
rệt ».
Chị Trang Nhung tỏ ra rất bi quan khi thấy « đại
đa số » ủng hộ ông Trump trong thời gian qua. Đối với chị, điều
này rất « đáng chê trách, đáng thất vọng », vì như vậy
« sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hy vọng ‘‘dân chủ hay văn minh’’ cho Việt
Nam », bởi hai lý do, đạo đức cá nhân của ông Trump, và khả năng chính
trị của lãnh đạo mãn nhiệm Mỹ. Chị Trang Nhung cũng khẳng định trong thời kỳ
ông Trump làm tổng thống, « tình hình nhân quyền tại Việt Nam
không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi ».
Kỳ vọng
Trump tấn công chế độ toàn trị Trung Quốc
Nếu như về mặt kinh tế hay về Biển Đông, nhiều
người nhìn Việt Nam và Trung Quốc trong thế cạnh tranh, đối địch, thì về mặt
chính trị, nhiều bạn trẻ lại coi Trung Quốc và Việt Nam là đồng minh ý thức hệ
và chiến lược với Trung Quốc của tổng thống mãn nhiệm được hy vọng là có thể tạo
ra các biến chuyển có lợi cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Chị Hằng Lê (Hà Nội), kinh doanh tự do,
là người có quan điểm như vậy :
« Bởi vì hai chính quyền Việt Nam và
Trung Quốc là đồng minh, khả năng cao là ông Trump mạnh tay tấn công Trung Quốc,
như thế thì bản thân chính quyền Việt Nam cũng cảm thấy sợ hãi, như vậy thì nó
cũng tốt cho sự thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam, thúc đẩy các hệ thống
chính trị Việt Nam biến đổi theo kịp xu hướng các nước phát triển. Nếu tôi là
người Mỹ, tôi e rằng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Mặc dù ông ấy có những thứ
không được hay ho lắm. Cả hai ông, Joe Biden và ông Trump, là hai sự lựa chọn không
tốt cho nước Mỹ bây giờ, đều là tệ cả. Nhưng nói theo góc độ bộ mặt chung của
thế giới, nếu 4 năm tới gọi là phẳng lặng, nếu như ông Joe Biden lên thì như vậy.
Nếu như ông Trump lên thì cái này rất khó đoán biết ».
Anh
Quyết Hồ (Hà Nội), một nhà hoạt động nhân quyền, lưu ý
đến một hệ quả bất lợi của cuộc tranh cử Mỹ, đó là làm gia tăng không khí đối
nghịch trong nội bộ giới trẻ Việt Nam, và tâm lý đặt kỳ vọng quá nhiều vào một
nhà lãnh đạo Mỹ, trong chiến lược với Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc
phát triển nội lực của Việt Nam :
« Cuộc bầu cử lần này của nước Mỹ có
điểm tốt là nó làm cho người Việt Nam chúng ta quan tâm đến các cuộc bầu cử, đến
chính trị nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, nó đã làm phân cực rất nhiều
trong những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Các cuộc tranh
luận với nhau dễ trở thành xung đột. Những người từng là bạn bè trên Facebook,
hoặc trong đời sống, có thể dễ dàng tuyệt giao với nhau, hoặc là chửi bới nhau,
chỉ vì họ ủng hộ người khác với mình.
Còn việc chống Trung Quốc hay là chúng ta muốn
thoát Trung hay không, phải dựa vào nội lực của Việt Nam trước tiên. Nếu không
có nội lực, không thể thoát Trung được. Cho nên, dù là ông Donald Trump, ông ấy
có chống Trung Quốc triệt để đi chăng nữa, mà cái tâm lý, cái suy nghĩ, cái tư
duy của người Việt trong nước mình, không có ý muốn thoát Trung, thì một ông
Trump, chứ mười ông Trump thì có lẽ cũng không làm được gì mấy ».
Thiếu
thảo luận về chính sách của nước Mỹ trong ôn hòa
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 không mấy được giới
trẻ ở Việt Nam quan tâm, theo cảm nhận chung của nhiều nhà quan sát. Hiện tại,
thăm dò dư luận độc lập về các vấn đề chính trị không được phép ở Việt Nam, do
vậy khó có được một hình ảnh chính xác về quan điểm của công chúng.
Tuy nhiên, thông tin về bầu cử Mỹ không thiếu.
Điều thiếu hụt quan trọng là các thảo luận đa chiều về bầu cử Mỹ, về chính trị
Mỹ, chính sách của Mỹ với Trung Quốc, với Việt Nam, trên các phương tiện truyền
thông chính thức. Nhiều người cho rằng tâm trạng khá thờ ơ với bầu cử Mỹ cũng gắn
liền với tâm lý thờ ơ hoặc tránh né đụng chạm đến chuyện chính trị nói chung tại
Việt Nam, còn rất phổ biến trong giới trẻ.
Trong số ít những người trẻ quan tâm đến cuộc
bầu cử tổng thống Mỹ, động cơ hàng đầu của đa số họ là do tác động rất lớn đến
Việt Nam, của các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. « Chống »
hay « không chống » Trung Quốc, « chống » có
hiệu quả hay không, là thước đo chính để nhiều người lựa chọn Trump hoặc Biden.
Ghi nhận được nhiều người chia sẻ là, đông đảo người quan tâm đến bầu cử Mỹ ủng
hộ ông Donald Trump. Đối với họ, chính trị gia này là người cứu nguy cho thế giới,
chống lại chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc. Ngược lại, những người phản bác
coi đây là một ảo tưởng, một thái độ cuồng tín rất nguy hiểm, bất lợi cho việc
xây dựng dân chủ, khẳng định nhân quyền.
Ủng hộ hay chống Trump, các lập trường đối
kháng nói trên đang gây phân hóa mạnh mẽ trong xã hội nhỏ bé của giới trẻ tranh
đấu dân chủ ở Việt Nam. Một cách đánh giá về chính sách của nước Mỹ không
quá tập trung vào vai trò cá nhân của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump
khó hình thành trong xã hội Việt Nam, nơi dường như việc trao đổi, thảo
luận bình tĩnh để tìm ra cái dở, cái hay trong quan điểm của mỗi bên chưa trở
thành một nhu cầu thiết thân của nhiều người, và nhất là trong bối cảnh việc
thảo luận về các chủ đề chính trị « nhạy cảm » dễ bị chính quyền
can thiệp. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng mối đe dọa thường trực,
sự lấn lướt, thao túng của Trung Quốc đã đáng sợ đến mức mà nhiều người trẻ Việt
Nam chấp nhận đặt niềm tin vào Donald Trump, như một vị cứu tinh, cho dù không
phải là không biết những mặt xấu của chính trị gia này.
No comments:
Post a Comment