Thursday, 22 October 2020

ĐẢO CHÍNH MỘT ĐÊM và TƯƠNG LAI BẤP BÊNH CỦA KYRGYZSTAN (Đỗ Xuân Cang)

 


Đảo chính một đêm và tương lai bấp bênh của Kyrgyzstan

Đỗ Xuân Cang

22/10/2020

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19259-d-o-chinh-m-t-dem-va-tuong-lai-b-p-benh-c-a-kyrgyzstan

 

Kyrgyzstan dường như bình lặng sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 4/10/2020. Khó ai có thể ngờ chỉ trong một đêm (5/10/2020) với khoảng 5-6 nghìn người, tòa nhà Quốc hội đã bị chiếm đóng. Đây có thể gọi là cuộc 'đảo chính' nhanh nhất khi chỉ diễn ra trong một đêm.

 

Tính đến nay, Kyrgyzstan một nước Trung Á với gần 6,4 triệu dân, đã trải qua 3 cuộc đảo chính kể từ ngày tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1991. Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua (ngày 4/10/2020) có 16 đảng chính trị tham gia. Cuộc bầu cử được cho rằng đã áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và diễn ra trong bình lặng. Sau khi công bố 4 đảng có số phiếu vượt 7% được tham gia vào Quốc hội thì ngay sau đó tại quảng trường Ala-Too đã diễn ra cuộc phản đối của một số người dân trong vòng một giờ rồi giải tán. Ngày hôm sau 5/10 cuộc tập trung phản đối đã lên đến 5-6 ngàn người. Sự ôn hòa chỉ mất đi sau khi cảnh sát đến dẹp biểu tình bằng vòi rồng, lựu đạn cay và dùi cui. Kết quả 1 người chết, hơn 600 người bị thương, xe cảnh sát bị đốt, xe cứu thương bị đập, Dinh tổng thống, tòa nhà Quốc hội bị chiếm. Đêm mùng 5, rạng sáng ngày mùng 6 lửa khói đã bốc lên trên nóc nhà ; qua các ô của sổ của tòa nhà quốc hội người ta thấy người biểu tình chiếm đóng, bên trong là cảnh náo loạn, đập phá và cướp bóc.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50515504543_f3b7bd05c2.jpg

Người biểu tình đã đốt phá Nhà Trắng, nơi làm việc của quốc hội và văn phòng tổng thống Kyrgyzstan tối 5/10/2020

 

Ngày 6/10 thủ tướng, chủ tịch quốc hội tuyên bố từ chức, tổng thống cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại và thoái vị. Cựu tổng thống Sadyr Japarov được đưa ra từ nhà tù. Ông từng bị buộc tội tấn công chính quyền, bắt giữ con tin, làm giàu bất chính và xóa tội cho trùm mafia.

 

Tình hình xã hội - chính trị Kyrgyzstan vẫn bất ổn mười ngày sau cuộc tấn công chiếm tòa nhà quốc hội, việc thoái vị hay đề cử người mới phải tuân theo quy trình hợp lý. Tổng thống Sooronbai Jeenbekov đã tái tuyên bố từ chức ngày 15/10 và chờ Quốc hội xét duyệt. Quốc hội đã chấp thuận cựu tổng thống, tù nhân Sadyr Japarov vào vị trí thủ tướng hôm 14/10 và ông đã thành lập chính phủ, bổ nhiệm nội các. Nhưng nguồn cơn của cuộc đảo chính lại chính là Quốc hội. Ba đảng chiếm được đa số phiếu trong 4 đảng tham gia vào Quốc hội mới được cho là thân chính quyền, nên ngay sau cuộc bầu cử 6 đảng khác đã liên kết tẩy chay Quốc hội dẫn đến cuộc đảo chính.

 

Kyrgyzstan được coi là nước có mức độ đân chủ cao nhất trong các nước Trung Á thuộc Liên Bang Xô Viết cũ. Tuy nhiên gần 30 năm độc lập đã trôi qua người dân Kyrgyzstan vẫn chưa hình thành được ý niệm quốc gia.

 

Theo nhà nghiên cứu chính trị Nikita Medkovich thì Kyrgyzstan bị chia rẽ trầm trọng qua ba yếu tố :

 

1. Khủng hoảng xã hội

Chênh lệch giàu nghèo, bất công gia tăng, mức sống giảm mạnh, đặc biệt trầm trọng trong nạn dịch Covid-19. Hệ thống y tế bất lực trước nạn dịch, phải nhờ vào cứu trợ của bác sĩ quân đội Nga. Ba đảng lớn thắng cử được nhìn nhận là tham nhũng và là thân hữu của gia tộc tổng thống Sooronbai Jeenbekov. Trong quốc gia này, không ai còn xa lạ với đại biểu quốc Iskender Matraimo là bố già của gia tộc kiểm soát đường dây ma túy qua Kyrgyzstan, biển thủ công quỹ, mua bán các chức vụ trong chính phủ, cai quản đường dây buôn lậu trốn thuế từ Trung Quốc bằng tất cả mọi biện pháp bạo lực, lừa gạt, tống tiền. Gần một nửa số đại diện của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp… đều không nhiều thì ít mắc nợ gia tộc Matraimo.

 

2. Chia rẽ Nam - Bắc từ thời Xô Viết cho đến nay vẫn chưa được hóa giải

Hai thái cực luôn cạnh tranh nhau là miền Nam bảo thủ, làm nông nghiệp, theo truyền thống tôn giáo bảo thủ trong khi miền Bắc đã đô thị hóa, làm công nghiệp và theo thế tục. Thời cộng sản toàn trị những mâu thuẫn này được giải quyết bằng biện pháp luân phiên lãnh đạo giữa hai miền. Thời nay các đảng phái giành giật, thao túng, đưa gia tộc, đồng hương vào chính quyền và việc mua phiếu cử tri đã trở thành thông lệ.

 

3. Xu thế chính trị

Là quốc gia nhỏ bé tách ra từ Liên bang Xô Viết, Kyrgyzstan khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng từ Liên bang Nga. Các lực lượng chính trị bảo thủ, hoặc độc tài dễ dàng nhận được sự ủng hộ của Putin, ngược lại Putin cũng muốn giữ ảnh hưởng của mình trên đất nước này. Phe đối lập tranh thủ sự hậu thuẫn của Mỹ và Châu Âu. Trước hai cuộc đảo chính cũ 2005 (thường được gọi là cách mạng hoa tulip) và 2010 lực lượng đối lập đã có cuộc tiếp xúc với đại sứ quán Mỹ và Anh. Đối với EU và Mỹ thì dân chủ, quyền tự do biểu đạt là quyền bất khả xâm phạm.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50515508123_1466bd1db4.jpg

Sadyr Japarov, cựu tù nhân chính trị được quốc hội phê chuẩn vào vị trí thủ tướng hôm 14/10

Một mẫu số chung của các nước Trung Á thoát ra từ Liên bang Xô Viết là thừa hưởng văn hóa chính trị độc tài, do đó đã không thoát ra khỏi hệ thống quản trị kiểu cộng sản chứ không vì khát vọng dân chủ hay mong muốn độc lập mà vì chủ nghĩa cộng sản bị đột quỵ. Không còn ảo vọng về thế giới đại đồng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, chỉ còn lại quyền lực và quyền lợi cá nhân. Các thế lực mặc sức tranh giành, cướp bóc tài sản quốc gia, củng cố quyền lực chính trị.

 

Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, các thế lực chính trị Trung Á đều dựa trên công an và các băng đảng. Người dân được tự do kinh doanh nhưng phải chấp nhận cướp giật, bảo kê và nạn băng đảng. Dần dần các băng đảng phình to thành những thế lực hùng mạnh, những bố già mang khuôn mặt mới là đại gia, tài phiệt, sau cùng là chính trị gia. Đặc điểm chung của các quốc gia hậu Xô Viết bước vào giai đoạn độc lập chính trị là thường bị thao túng bởi các nhóm lợi ích. Dù thuộc các đảng chính trị khác nhau nhưng những cấp lãnh đạo quốc gia hoàn toàn chung nhau một tinh thần là gia tộc, đồng hương, lợi ích nhóm. Họ đều sẵn sàng vì quyền lực và quyền lợi gia tộc mà bất chấp các giá trị đạo đức. Cuộc đảo chính lần này chắc chắn có sự góp sức của các thế lực đen tối đó.

 

Các báo chí đều nói đây là cuộc cách mạng lần thứ ba của Kyrgyzstan. Tôi chỉ có thể gọi cả ba là những cuộc đảo chính. Không phải lực lượng nào chống lại chế độ độc tài cũng là lực lượng dân chủ, không phải cuộc lật đổ chế độ độc tài nào cũng là một cuộc cách mạng dân chủ. Chỉ có những lực lượng mang tinh thần dân chủ, thực sự mong muốn đấu tranh thiết lập một nền dân chủ với niềm tin đó là chìa khóa để mang đến thành công chung cho dân tộc mới có thể gọi là lực lượng dân chủ. Cuộc đảo chính không thể gọi là cách mạng khi nó không thể hiện một tư tưởng chính trị mới.

 

Cho đến nay, 29 năm trôi qua, các nước hậu cộng sản Liên Xô chỉ có 3 nước vùng Baltic là Latvia, Litva và Estonia đã gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) là có dân chủ, các quốc gia còn lại vẫn chìm trong độc tài tham nhũng thậm chí chiến tranh như Azerbajan và Armenia. Ngoài Liên bang Xô viết cũ, các quốc gia thuộc thế giới thứ ba như Miến Điện, Venezuena, Ai Cập, Libya, v.v. đã trải qua nhiều cuộc lật đổ và các cuộc "cách mạng màu", dù họ có những lực lượng đấu tranh mang danh dân chủ và dù họ đã thành công trong việc giành được chính quyền nhưng dân chủ vẫn chưa đến. Tại sao vậy ? Bởi vì họ không phải là các lực lượng dân chủ thật sự, dân chủ chỉ là áo khoác, là chiêu bài cho mục đích phe phái.

 

4. Kết luận

Theo tôi, sỡ dĩ Kyrgyzstan cũng như các nước thuộc Liên Xô cũ vẫn không thể chuyển tiếp thành công về dân chủ vì các chính đảng vẫn thiếu vắng một dự án chính trị khả thi cho đất nước. Thiếu hụt về tư tưởng chính trị khiến các chính đảng không thể trở thành những tổ chức chính trị dân chủ đúng nghĩa. Bao nhiêu năm sống dưới chế độ cộng sản, mọi tư tưởng khác biệt với chủ nghĩa Mác-Lê đều bị cấm đoán, thậm chí tiêu diệt. Các cuộc cách mạng (hay đảo chính) diễn ra không được tư tưởng chính trị dẫn đường nên chỉ là các cuộc bạo loạn, đập phá và mọi chuyện đâu lại vào đấy, sau một thời gian ngắn.

 

Việt Nam của chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Kyrgyzstan nếu người dân và nhất là trí thức Việt Nam không ý thức được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị. Phải nhớ rằng, muốn thay đổi chế độ độc tài đảng trị cộng sản hiện nay phải có một cuộc cách mạng tư tưởng đi trước để dẫn đường cho các cuộc đấu tranh chuyển hóa về dân chủ, nếu không thì mọi sự thay đổi chỉ là đập phá và hỗn loạn.

 

Đỗ Xuân Cang

(22/10/2020)

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats