Thursday, 22 October 2020

HOA KỲ và CHÂU ÂU : BỐN NĂM RẠN NỨT QUAN HỆ (Thanh Phương - RFI)

 


 

NỘI DUNG :

Hoa Kỳ-Châu Âu : Bốn năm rạn nứt quan hệ

Thanh Phương  -  RFI

.

Nghị Viện Châu Âu trao giải thưởng nhân quyền Sakharov cho lãnh đạo đối lập Belarus

Trọng Thành  -  RFI

 

====================================

 

 

Hoa Kỳ-Châu Âu : Bốn năm rạn nứt quan hệ

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 22/10/2020 - 11:40

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201022-hoa-k%E1%BB%B3-ch%C3%A2u-%C3%A2u-b%E1%BB%91n-n%C4%83m-r%E1%BA%A1n-n%E1%BB%A9t-quan-h%E1%BB%87

 

Trong lịch sử, chưa bao giờ quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh châu Âu lại bị rạn nứt trầm trọng như dưới thời tổng thống Donald Trump. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/d0c6b618-1331-11ea-b367-005056a99247/w:980/p:16x9/2018-11-30t153620z_1108977537_rc15977348d0_rtrmadp_3_g20-argentina-family-photo_0.webp

Tổng thống Emmanuel Macron (T) và tổng thống Donald Trump tại thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Achentina 2018. Reuters

 

Mục tiêu tấn công ưa thích của ông Donald Trump trong bốn năm ở Nhà Trắng chính là nước Đức, một trong những đồng minh truyền thống của Washington ở châu Âu.

 

Berlin luôn bị tổng thống Trump chỉ trích là một kẻ « chi trả không sòng phẳng », vì đã không đóng góp tài chính đúng mức cho việc Hoa Kỳ bảo vệ an ninh cho nước Đức. Đây chính là lý do mà tổng thống Trump đưa ra để biện minh cho quyết định rút gần 12 ngàn quân nhân Mỹ ra khỏi nước Đức. 

 

Ngay cả trước khi lên làm tổng thống, ông Trump đã kịch liệt chỉ trích nước Đức và thủ tướng Angela Merkel, nhất là chính sách nhập cư quá hào phóng của bà, mức thặng dư mậu dịch của Đức đối với Mỹ, và mức chi tiêu quân sự bị xem là quá thấp.

 

Thật ra thì bất hòa giữa Mỹ dưới thời tổng thống Trump với nước Đức không chỉ thuần túy về mặt chính trị, mà giữa cá nhân ông Trump với nữ thủ tướng Angela Merkel cũng chưa bao giờ có sự đồng cảm. Như nhận xét của ông Bruce Stokes, nhà nghiên cứu của viện Chatham House, Merkel là một phụ nữ có cá tính rất mạnh, cho nên luôn làm cho ông Trump lúng túng. Còn theo ghi nhận của bà Sudha David-Wilp, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức German Marshall Fund of the United States, bản thân thủ tướng Đức cũng không hề cố gắng kết thân với tổng thống Trump, khác với các lãnh đạo châu Âu khác như tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

 

.

Trump xem thường Macron

Mặc dù trong những lần gặp đầu tiên, hai lãnh đạo Mỹ Pháp đã tỏ vẻ rất “tâm đầu ý hợp”, thế nhưng theo lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, tổng thống Donald Trump đánh giá rất thấp tổng thống Emmanuel Macron.

 

Ông Bolton đã tiết lộ như trên khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL nhân dịp xuất bản cuốn sách gây chấn động của ông « Căn phòng mà mọi chuyện đã xảy ra : 453 ngày trong Phòng bầu dục với Donald Trump ». Vào đầu tháng 10, trên đài phát thanh France Info,  cựu cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ cũng đã từng nói : «Tôi không nghĩ là Trump thật sự tôn trọng Macron. Tôi tin là có rất nhiều lãnh đạo ngoại quốc mà ông Trump không tôn trọng »

 

Đúng là Trump xem thường tổng thống Pháp đến mức bây giờ quên cả chức vụ của ông. Cuối tuần qua, tổng thống Mỹ đã gọi nhầm (trừ phi ông cố tình làm thế) ông Macron là « thủ tướng »

 

.

Quan hệ Mỹ- Châu Âu xấu đi

Nhưng không chỉ đối với Đức hay Pháp, mà toàn bộ quan hệ giữa Hoa Kỳ với châu Âu đã không ngừng xấu đi trong bốn năm qua.

 

Trả lời hãng tin AFP, nhà phân tích Sudha David-Wilp, German Marshall Fund of the United States, nhận xét: “ Vị tổng thống Cộng Hòa công khai tỏ thái độ coi thường Liên Hiệp Châu Âu. Chưa bao giờ một vị tổng thống Mỹ lại xem Liên Hiệp Châu Âu như đối thủ".

 

Đã không biết bao nhiều lần các nước châu Âu bất bình vì những tin nhắn Twitter, những phát biểu và những quyết định của tổng thống Trump : chỉ trích khối NATO, rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Paris về khí hậu, rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định về hạt nhân Iran, gây chiến tranh thương mại với châu Âu, ủng hộ Brexit.

 

Theo nhiều nhà quan sát, sự nghi kỵ giữa nước Mỹ của Donald Trump với châu Âu sẽ để lại nhiều hậu quả. Chưa bao giờ hình ảnh của Hoa Kỳ dưới con mắt của người dân châu Âu lại xấu như thế, theo kết quả một cuộc thăm dò của viện Pew Research Center : tại Anh Quốc, vốn vẫn là đồng minh « đặc biệt » của Washington, chỉ có 41% số người được hỏi là có ý kiến tích cực về nước Mỹ, một tỷ lệ thấp chưa từng có. Còn tại Pháp, tỷ lệ này thấp hơn 10 điểm, trong khi ở Đức chỉ có 26% đánh giá tốt nước Mỹ.

 

Trong nhiều hồ sơ, Washington thậm chí còn đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết hoặc đưa ra các nghị quyết đối chọi để áp đặt quan điểm của họ đối với các nước châu Âu, điều mà cho tới nay Hoa Kỳ chỉ làm với các đối thủ của mình.

 

.

Hạt nhân Iran : Bất đồng sâu đậm

Nếu như có một hồ sơ mà dưới thời tổng thống Trump, châu Âu và Hoa Kỳ bất đồng hoàn toàn với nhau, thì đó chính là Iran.

 

Giữa tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã đơn phương tuyên bố tái lập các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Iran, vốn đã được bãi bỏ vào năm 2015, đổi lại việc Teheran cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng không chỉ có Nga, mà cả các nước châu Âu ký kết hiệp định hạt nhân Iran cũng đã chỉ trích kịch liệt quyết định của Mỹ, bởi vì đối với họ Washington không còn là một bên ký kết nữa, sau khi vào năm 2018, tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, vì cho rằng hiệp định được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama là bất lợi cho nước Mỹ.

 

Trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Macron đã dõng dạc tuyên bố : Pháp và hai đồng minh châu Âu, Anh và Đức, dứt khoát không ủng hộ việc Hoa Kỳ tái lập các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran. Đối với tổng thống Pháp,  "chiến lược áp lực tối đa" mà chính quyền Trump thi hành sau khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran đã không giúp ngăn chận những hoạt động gây mất ổn định của Teheran, cũng như không bảo đảm được là nước này sẽ không trang bị vũ khí nguyên tử. Có thể nói là trong quá khứ, chưa bao giờ hố sâu ngăn cách hai bờ Đại Tây Dương lại lớn như thế.

 

Ngay cả Anh Quốc, đồng minh trung thành nhất của Hoa Kỳ, cũng chống đối "anh cả". Như nhận xét của ông Pascal Boniface, giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược IFRI, « đây là lần đầu tiên mà Anh Quốc đối đầu với Mỹ trên một hồ sơ mà ngành ngoại giao Hoa Kỳ xem là thiết yếu ». Luân Đôn đã kiên quyết giữ nguyên lập trường bất chấp sự thúc ép ngày càng mạnh của Washington.

 

Bất hòa lên đến mức mà ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng chỉ trích các nước châu Âu là « không dám đụng đến móng tay của Iran » và đã « chọn ngả theo các giáo chủ ».

 

.

Vẫn cần đến liên minh với Mỹ

Thật ra thì đối với các nhà nghiên cứu, như giáo sư Bertrand Badie, Viện Nghiên cứu Chính trị Paris ( Sciences Po), về cơ bản, ưu tiên của toàn bộ các nước châu Âu là duy trì liên minh với Mỹ, vì họ cần đến liên minh này, do Liên Hiệp Châu Âu không thể có được một chính sách quốc phòng hay ngoại giao chung.

 

Giáo sư Badie cho biết nhiều nước châu Âu hy vọng chiến thắng của ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden sẽ đưa cường quốc hàng đầu thế giới trở lại với các cơ chế đa phương mà nước này đã rời bỏ và chiến thắng này sẽ giúp hàn gắn liên minh giữa các nước phương Tây.

 

Ông Pascal Boniface cũng cho rằng nếu Biden đắc cử, một trong những ưu tiên của ông sẽ là sửa chữa những mối quan hệ căng thẳng, thậm chí đã bị tổn hại giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ.   

 

Tuy nhiên, theo nhận định của bà David-Wilp, cho dù ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden có đắc cử, tình hình sẽ chỉ thay đổi một phần mà thôi. Lý do là vì, tuy Biden ý thức là cần phải khôi phục quan hệ tốt với các nước đồng minh châu Âu, trước mắt ông sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức trong nước, mà trên hết là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

 

Còn đối với nhà nghiên cứu Bruce Stokes, Viện Chatham House, dù ai đắc cử tổng thống Hoa Kỳ lần này thì cũng sẽ không có chuyện quan hệ Mỹ-Âu trở lại như trước đây. Tuy nhiên, ông dự báo là có khả năng Washington và Bruxelles đề ra một mối quan hệ mới.

 

Dầu sao thì nếu ông Donald Trump có lại giành chiến thắng trái với dự báo qua các cuộc thăm dò, châu Âu sẽ không bị bất ngờ giống như cách đây 4 năm. Và ngay cả dưới nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump, vẫn có thể là Hoa Kỳ và châu Âu sát cánh với nhau, nếu đó là vì lợi ích chung của hai bên.

 

Trả lời AFP gần đây, quan chức Đức đặc trách quan hệ Mỹ-Âu Peter Beyer, cho rằng châu Âu và Hoa Kỳ sẽ phải đoàn kết với nhau để đối phó với thách thức to lớn nhất hiện nay, đó là Trung Quốc.

 

------------------------------------------------

.

.

Nghị Viện Châu Âu trao giải thưởng nhân quyền Sakharov cho lãnh đạo đối lập Belarus

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/10/2020 - 15:26

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201022-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-trao-gi%E1%BA%A3i-th%C6%B0%E1%BB%9Fng-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-sakharov-cho-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-belarus

 

Hôm nay, 21/10/2020, Nghị Viện Châu Âu vinh danh lãnh đạo đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaia, với giải thưởng nhân quyền mang tên nhà vật lý nguyên tử, nhà tranh đấu nhân quyền người Nga Andrei Sakharov. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/1eb2d73c-146a-11eb-b15c-005056a964fe/w:980/p:16x9/AP20296379292239.webp

Nghị Viện Châu Âu trao giải nhân quyền Sakharov 2020 cho lãnh đạo đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, ngày 22/10/2020. AP - Sergei Grits

 

Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, Josep Borrell, gửi thông điệp trên Twitter : « Liên Hiệp Châu Âu hoan nghênh lòng dũng cảm của bà, và hậu thuẫn hoàn toàn các mục tiêu mà bà hướng đến ».

 

Nhân dịp Nghị Viện Châu Âu trao giải Sakharov cho nhà đối lập Belarus, ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, định chế đại diện cho 27 thành viên Liên Âu, « kêu gọi chính quyền Belarus trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, và tổ chức cuối đối thoại quốc gia mở rộng cho mọi thành phần tham gia ».

Phát biểu sau khi Nghị Viện Châu Âu công bố giải thưởng, tại Đan Mạch, lãnh đạo đối lập Belarus nhấn mạnh : « Đây không phải là phần thưởng cho cá nhân tôi, mà là để vinh danh mọi người dân Belarus ». Lãnh đạo đối lập Belarus hiện đang sống lưu vong, để tránh bị chính quyền trả thù.

 

Giải thưởng được trao cho bà Svetlana Tikhanovskaïa, đúng vào lúc phong trào đối lập đang phải liên tục đối mặt với các đàn áp của chính quyền tổng thống Loukachenko, từ nhiều tháng nay. Phong trào đối lập đòi bầu cử minh bạch và cải cách dân chủ tại Belarus đang bước vào giai đoạn đặc biệt căng thẳng.

 

Chủ Nhật 18/10 vừa qua, hàng chục nghìn người tiếp tục tuần hành, như từ nhiều tuần này, bất chấp đe dọa sử dụng đạn thật để giải tán biểu tình của cảnh sát.

 

Trong một thông điệp đưa ra hôm Chủ Nhật 18/10, lãnh đạo đối lập Belarus ra kỳ hạn cho tổng thống Alexandrei Loukachenko từ chức trước ngày 25/10, đồng thời kêu gọi dân chúng tiếp tục « cuộc tranh đấu ôn hòa và kiên định ».

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats