Ở đất nước này có bao nhiêu người đã đi qua cuộc đời
mà không làm gì khác hơn là nói láo và viết láo.
*
Tác giả Võ Văn Quản
vừa có bài viết hơi bất ngờ và khá thú vị (“Bốn Nhân Vật Dân Sự Xuất
Sắc Của Việt Nam Cộng Hòa Có Thể Bạn Chưa Diết”) trên Tạp
Chí Luật Khoa:
·
Giáo sư Nguyễn Văn Bông
·
Bộ trưởng Cao Văn Thân
·
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy
·
Nhà báo Từ Chung
Xin được ghi lại đôi ba
đoạn chính về nhân vật cuối:
“Từ Chung là biên tập viên, là cây bút của tạp
chí Chính Luận, một
trong những tờ báo độc lập được đón đọc và nể trọng nhất miền Nam Việt Nam thời
điểm bấy giờ… Sự trỗi dậy của tờ báo phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chủ trương của
ông Đặng Văn Sung, một dân biểu có tiếng, và hoạt động quản trị của thư ký –
biên tập viên Từ Chung.
Cuối năm 1965, sau nhiều
loạt bài chỉ trích hành vi tấn công dân thường và các hoạt động quân sự không
phù hợp của phe Việt Cộng, Đặng Văn Sung và Từ Chung nhận tối hậu thư của phe
này: một là im lặng – hai là chết.
Vài ngày sau khi nhận được
tối hậu thư, Từ Chung thay mặt tòa soạn viết thư trả lời phe Việt Cộng đăng
trên Chính Luận. Theo ghi nhận của ‘Vietnam
Information Notes’ do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu trữ, Từ
Chung khẳng định rằng Chính Luận là một tờ báo trung lập và từng
vạch trần tất cả sai phạm của mọi bên trong chính trường miền Nam, song duy chỉ
có Việt Cộng là đưa ra kiểu đe dọa vô pháp như vậy. Ông khẳng định: Các anh có
thể giết chúng tôi, nhưng tinh thần của chúng tôi sẽ còn sống mãi. Ngày 30
tháng 12 năm 1965, sau hai năm quản lý tờ báo, Từ Chung bị Việt Cộng (nhiều khả
năng là biệt động Sài Gòn) bắn chết ngay trước cửa nhà ông bằng bốn phát đạn.”
Nhà báo Thụy
Giao cho biết thêm chi tiết: “Từ Chung là anh cả trong một gia
đình gồm bảy anh em trai, thế nhưng chỉ có hai người anh lớn trong nhà là Vũ Mạnh
Sơn Nhất Huy và Vũ Mạnh Sơn Nhị Hoàng vào được miền Nam, năm người em phải ở lại
miền Bắc với cộng sản sau năm 1954. Từ Chung mất đi để lại một vợ trẻ và bốn
con thơ, cháu lớn nhất mới 12 tuổi…
Từ Chung đỗ tú tài tại Hà Nội, vào Nam, ông được học
bổng du học tại Thụy Sĩ năm năm và đậu bằng Tiến Sĩ Kinh Tế tại Fribourg năm
1961. Về nước, ông được Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Ðại Học Huế mời
giảng dạy tại trường Luật, và sau đó được mời làm ủy viên trong Hội Ðồng Cố Vấn
Kinh Tế nhưng ông từ chối vì yêu nghề viết báo.
Từ Chung viết rất nhiều thể loại, từ điểm sách, văn
chướng, văn hóa đến chính trị, kinh tế v.v… nhưng nổi tiếng nhất là các bài xã
luận về kinh tế. Từ Chung là người Việt Nam đầu tiên đã giản dị hóa môn học khô
khan khó hiểu là kinh tế học, đưa môn học này về gần với quần chúng bình dân.
Những bài xã luận của Từ Chung về kinh tế được độc giả thuộc mọi trình độ khác
nhau, từ các ông giáo sư đại học, các chuyên viên kinh tế thượng thặng đến các
cậu sinh viên, các bà nội trợ đều thấu hiểu tường tận những biến chuyển kinh tế
có ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Những bài viết xã luận về kinh tế của ông thường
được một số trí thức gọi đùa là ‘mục kinh tế chợ’ đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi
tầng lớp giai cấp và thế hệ độc giả khác nhau. Về dịch thuật, Từ Chung có dịch
cuốn ‘Bí Danh’ (Secret Name) của Lâm Ngữ Ðường.”
Ký giả Lê
Thiệp kết luận: “Lập trường chống cộng của Chính Luận rất rõ rệt
và đối với người Cộng sản thì đây là một mối nguy phải được dập tắt. Họ chọn
cách dễ nhất là bạo lực. Ðặc công Việt Cộng đã bắn gục Từ Chung khi ông trên đường
về nhà. Ba vị ký giả từng ký vào bản văn hứa sẽ không lùi trước nỗ lực đóng góp
cho vận mệnh đất nước, ông Từ Chung là người đầu tiên đã trả giá cho nỗ lực đó
bằng chính sinh mạng của mình.”
Từ Chung sinh năm 1924,
bị giết chết vào năm 1965. Tám năm sau (1973) thì một nhà báo khác, Lê
Anh Hùng, mới mở mắt chào đời. Tuy giữa hai người là một khoảng
cách thời gian dài đến nửa thế kỷ nhưng sự nghiệp cầm bút của họ
lại không khác nhau là mấy – theo tường trình của Charlie Campbell ( “Internet
Censorship Is Taking Root in Southeast Asia”) đọc được tạp chí Time,
số phát hành hôm 18 tháng 7 năm 2013:
“Mỗi lần cầm bút là Lê Anh Hùng nghĩ đến ba đứa con thơ. Người
đàn ông 38 tuổi này đã hai lần vào tù, vì viết blog về nhân quyền
và nạn hối lộ, hiện đang sống phấp phỏng trong căn nhà của ông ở Hà
Nội. Tuy thế, ông nói, ‘Tôi biết điều mình lựa chọn là nguy hiểm
nhưng tôi chấp nhận trận chiến này.” Every time Le Anh Hung
starts to write he thinks of his three young children. The 38-year-old has
already been imprisoned twice for blogging about human rights and corruption
from his home in Hanoi and lives half-expecting another fateful knock at the
door. And yet ‘I’m not scared,’ he says, ‘I know what I choose to do is
risky but I accept the fight.”
Chung cuộc, theo RFA:
“Hôm 1 Tháng Tư, 2019, blogger Lê Anh Hùng, người bị Cơ Quan An Ninh Điều Tra bắt
giữ vào ngày 5 Tháng Bảy năm ngoái với cáo buộc ‘Lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước’ nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào bệnh
viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.”
Một năm sau, vào ngày
9 tháng 3 năm 2020, đến lượt một nhà báo khác (Trương Duy Nhất) ra tòa
(lần thứ hai). Ông bị tuyên phạt 10 năm
tù, tổng cộng (2 lần) là 12 năm chẵn. So với mấy viên đạn
dành cho nhà báo Từ Chung thưở trước thì phương thức mà nhà đương
cuộc Hà Nội loại trừ những tiếng nói đối lập hiện nay – xem ra –
“nhẹ nhàng” và “nhân văn” hơn thấy rõ. Phải dụng công đưa nạn nhân vào
nhà thương tâm thần, hay ra toà xử (tới đôi ba bận) hẳn hòi. Thiệt
là điệu nghệ hết biết luôn!
Theo như thư lời của
TBT Nguyễn
Phú Trọng thì đây là cách “tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo
Việt Nam, giới báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ.” Trừ khử mọi ngòi bút đối
lập cho khỏi vướng thì đúng là Đảng đã “tạo điều kiện thuận lợi
cho giới báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ” rồi. Chỉ có điều đáng
tiếc là tuy được độc quyền (múa gậy vườn hoang) nhưng đội ngũ
cầm bút quốc doanh cũng chả thực hiện được điều chi tốt đẹp, nếu
chưa muốn nói là ngược lại.
Sau ba năm làm đặc phái
viên cho A.F.P. tại Việt Nam, từ 1994 đến 1997, một nhà báo ngoại quốc đã
có nhận xét như sau:
“Dân Việt dùng báo Nhân
Dân để đi cầu, chớ còn tin tức thì họ nghe từ chương trình phát thanh tiếng Việt
của đài BBC, RFI và VOA. Vietnamese may have found Nhan Dan useful in the
bathroom, but for information they turned to their radios and the Vietnamese
language services of BBC, RFI and VOA.” (Robert Templer. Shadows
And Wind. Penguin Group. New York: 1988, 165).
Và đó là chuyện của
thế kỷ trước. Tháng ba vừa qua, giữa mùa dịch coronavirus, nhìn hình
ảnh người dân VN đổ xô mua giấy đi cầu người ta mới biết rằng công
dụng của báo Nhân Dân ở trong bathroom hay restroom cũng
không còn nữa. Tuy thế, ngày 06/4/2020
vừa qua, đồng chí TBT (to be) Trần Quốc Vượng vẫn thản nhiên “thông báo
kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính
trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.”
FB Lưu
Trọng Văn chất vấn:
Xin ông Vượng hỏi ngay vợ con và các cháu của ông có
ai đọc báo Nhân Dân không?
Xin ông hỏi mấy cảnh vệ và lái xe của ông chắc chắn
đều là đảng viên xem có ai đọc báo Nhân Dân không?
Rõ ràng là hai câu
hỏi dễ. Chùi cũng chả ai dám, nói chi đến đọc!
Tưởng Năng Tiến
5/2020
5/2020
No comments:
Post a Comment