Friday, 22 May 2020

TỪ CÂU CHUYỆN MUA BẢO HIỂM CHO XE HAI BÁNH (Trân Văn)




Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận
23/05/2020

Trước nay, một trong những câu cửa miệng mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam thường xuyên sử dụng là họ được “nhân dân tin tưởng tuyệt đối”. Tuy nhiên chính thực tế cho thấy, dẫu càng ngày sự “tin tưởng tuyệt đối” của nhân dân đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam càng lớn nhưng điều đó không những không đáng mừng mà còn là ẩn họa!

Số lượng công dân “tin tưởng tuyệt đối” rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thiếu thiện lương. Lợi dụng cả những điều hợp lý, hợp lẽ để mưu lợi bất chính tăng rất nhanh! Tuần này, phản ứng của công chúng thuộc nhiều giới khác nhau, cả trên mạng xã hội lẫn trên hệ thống truyền thông chính thức về chuyện phải mua bảo hiểm cho xe hai bánh gắn máy chính là một ví dụ hết sức sống động…

                                                      ***
Chuyện chủ các phương tiện giao thông, vận tải có động cơ phải mua bảo hiểm vốn là điều có tính tất nhiên trên toàn thế giới. Sở dĩ xứ nào cũng đòi buộc như thế vì việc điều khiển các loại phương tiện giao thông, vận tải có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc của xã hội. Khi điều đáng tiếc xảy ra, không phải đương sự mà các công ty bảo hiểm sẽ phải xuất tiền bồi thường những thiệt hại do khách hàng của họ gây ra, thậm chí bồi thường thiệt hại cho chính đương sự.

Đó cũng là lý do phí bảo hiểm rất khác nhau giữa người này với người khác, loại phương tiện này với loại phương tiện khác, khu vực này với khu vực khác. Người thường xuyên vi phạm luật giao thông hay đã từng gây tai nạn sẽ phải trả phí cao hơn người điều khiển phương tiện giao thông, vận tải chưa bao giờ phạm lỗi hay gây tai nạn nhiều lần. Thậm chí các công ty bảo hiểm có thể từ chối cung cấp dịch vụ của họ cho những khách hàng mà nguy cơ phải trả tiền bồi thường quá cao.

Ở đâu thì điều khiển những phương tiện giao thông, vận tải không có bảo hiểm cũng bị xem là bất hợp pháp, bị phạt rất nặng. Nhờ vậy, chủ các phương tiện giao thông, vận tải phải cẩn trọng khi điều khiển phương tiên của mình. Vi phạm luật giao thông, gây tai nạn không chỉ bị hệ thống công quyền xử lý, mà còn phải trả nhiều tiền hơn cho các công ty bảo hiểm trong một thời gian dài, có khi tới hàng chục năm. Không trả nổi hay mua bảo hiểm mà không công ty nào chịu bán thì hết cơ hội điều khiển phương tiện của mình!

                                                        ***
Tại sao ở Việt Nam, dân chúng lại thù ghét – chỉ trích yêu cầu chủ các xe gắn máy hai bánh mua bảo hiểm kịch liệt như vừa thấy? Báo điện tử VnExpress – một trong những cơ quan truyền thông chính thức - tổng hợp hàng loạt ý kiến từ độc giả để giải thích. không ít độc giả như Xuân Phú cho rằng: Mua bảo hiểm xe hai bánh gắn máy chỉ để tránh bị cảnh sát giao thông phạt. Chẳng mong gì việc được bồi thường khi xảy ra tai nạn. Đó cũng là lý do có những độc giả như Nathan Nguyen thú thật: Mù tịt về quyền lợi.

Nhiều độc giả khác của VnExpress thì than như Hong Thanh: Thủ tục phải hoàn tất để được các công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả tiền vừa chung chung, vừa quá phức tạp và trở thành quá khó khăn để hoàn tất. An Nhiên – một độc giả tự giới thiệu là nông dân - nhận xét: Để đạt được yếu tố “đầy đủ hồ sơ”, khách hàng đã mua bảo hiểm cho xe hai bánh gắn máy chẳng may vướng vào tai nạn vất vả đến nhường nào, khó khăn và tốn kém ra sao?

Trên mạng xã hội và diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thức, không ít người khẳng định như Lê Minh: Ai gây ra tai nạn cũng tự tìm cách bồi thường cho nạn nhân. Không có tiền thì đi vay. Không vay được thì bán xe mà bồi thường. Chưa thấy ai gây tai nạn mà ung dung ngồi chờ bảo hiểm bồi thường thay cho mình. Chính vì vậy loại bảo hiểm này chỉ hay và nhân văn trên lý thuyết, còn trên thực tế thì... Lê Minh bỏ lửng không kể tiếp bởi thực tế khiến ai cũng có thể kể theo y hệt ý Lê Minh.

Có độc giả như Vothien góp thêm: Tôn chỉ, mục đích của bảo hiểm là nhân đạo, là quản lý rủi ro, là biện pháp bảo vệ các chủ thể trước các tổn thất về vật chất, tinh thần kể cả tính mạng con người nhưng ở Việt Nam có một số loại hình bảo hiểm không rõ ràng như bảo hiểm xe hai bánh gắn máy. Vì các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm không cung cấp đủ, rõ ràng những thông tin cần thiết, nên người ta không dễ dàng chấp nhận loại hình bảo hiểm này.

Cũng đã có những độc giả như NTB bảo rằng: Ở nước ngoài, khi xảy ra tai nạn, chủ phương tiện chỉ việc gọi công ty bảo hiểm đến hiện trường. Mọi thứ (chụp hình, định giá, thỏa thuận đền bù,… nói chung là hồ sơ, thủ tục) đều do công ty bảo hiểm lo từ A-Z. Chủ xe chỉ việc ký xác nhận. Làm được như vậy chẳng cần phải tổng kiểm tra, người dân sẽ tự nguyện mua bảo hiểm, không chờ bắt buộc nhưng… Không phải cứ nước ngoài làm được thì ta cũng làm được (1).
     
                                                         ***

Việt Nam đã buộc chủ các xe hai bánh gắn máy phải mua bảo hiểm từ lâu. Dư luận về loại bảo hiểm vừa đề cập đột nhiên tăng nhiệt sau khi Bộ Công an công bố quyết định “Tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc từ 15 tháng 5 đến 14 tháng 6” (2) và CSGT có quyền chặn bất kỳ loại phương tiện nào, bất kể người điểu khiển có vi phạm luật giao thông hay không để kiểm tra. Thế là công chúng liên tưởng đến việc CSGT sẽ phạt những người đi xe hai bánh gắn máy không mua bảo hiểm.
Tại sao công chúng lập tức liên tưởng đợt Tổng kiểm tra với kinh doanh bảo hiểm và tại sao tập quán có tính chất quốc tế (buộc chủ các phương tiện giao thông, vận tải có động cơ phải mua bảo hiểm) bị rất nhiều người Việt lên án là một kiểu “cài cắm” vào Luật Giao thông đường bộ do các công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm đứng ở phía sau giật dây (3)? Chẳng riêng thường dân, một số sĩ quan công an đã nghỉ hưu như Đại tá Nguyễn Như Phong cũng khuyến cáo: Không nên để CSGT làm thuê cho bảo hiểm (4).

Trước sự phẫn nộ của công chúng thuộc nhiều giới, ông Phong còn đề nghị Bộ Công an xem xét thấu đáo, chỉ đạo không phạt những người điều khiển xe hai bánh gắn máy chưa mua bảo hiểm mà chỉ nhắc nhở. Ông Phong tin rằng, cần làm như thế để dân không gọi công an là “thằng”, là “bọn” (5). Việc một tập quán quốc tế hết sức phổ biến như buộc chủ các phương tiện giao thông, vận tải có động cơ phải mua bảo hiểm bị người Việt đồng thanh chỉ trích, bác bỏ rõ ràng hết sức khác thường!

Có quá đáng không khi bảo rằng đó là minh họa về việc đảng không… được mà đang… bị “nhân dân tin tưởng tuyệt đối” là hết sức bất lương? Một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bị “nhân dân tin tưởng tuyệt đối” là có thể bị nhóm này, nhóm kia chi phối, lũng đoạn, lúc nào cũng sẵn sàng đem mọi thứ, kể cả những thứ mà thiên hạ cho rằng hợp lý, cần thiết ra bán sỉ và lẻ thì đáng… “hồ hởi, phấn khởi” hay đáng lo? Khi sự “tin tưởng tuyệt đối” của nhân dân theo hướng đó gia tăng, đã đáng gọi là mạt kỳ chưa?


---------------------------

Chú thích












No comments:

Post a Comment

View My Stats