Thursday, 21 May 2020

TRUNG QUỐC GÂY HẤN ĐỂ CO CỤM (Việt Hoàng - Thông Luận)




20/05/20

Sự kiện gây chú ý trên thế giới thời gian qua là việc Trung Quốc đang "gây hấn" với cả thế giới. Đầu tiên là với Việt Nam. Hôm 17/04/2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về Biển Đông, khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của họ và đang bị Việt Nam chiếm giữ bất hợp pháp. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải rút toàn bộ khỏi hai quần đảo này. Trung Quốc đã sử dụng công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng (1958) như là một bằng chứng khẳng định chủ quyền của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết.

Tướng Trung Quốc, Kiều Lương trong một bài trả lời phỏng vấn còn tuyên bố : "Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan và khẳng định thế bá quyền của mình với thế giới".

Báo chí Trung Quốc cũng cho rằng hai nước Trung Á là Kyrgyzstan và Kazakhstan từng thuộc về Trung Quốc.

Trung Quốc bị Nepal phản đối khi cho rằng đỉnh Everest thuộc về Tây Tạng, Trung Quốc.
Mới đây (9/5/2020) đã xảy ra một cuộc đụng độ bằng súng tại biên giới Trung Quốc - Ấn Độ…

Tại Châu Âu, các đại sứ Trung Quốc đã trở thành các "chiến binh sói" khi "gây hấn" công khai với nhiều nước. Trung Quốc vu khống và xúc phạm Pháp là để cho người già chết trong các trại dưỡng lão mà không được chăm sóc. Trung Quốc yêu cầu chính phủ Đức phải lên tiếng công khai cám ơn Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 khiến tổng biên tập báo Bild, Julian Reichelt viết một bức thư chỉ trích đích danh Tập Cận Bình. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển lên truyền hình đe dọa và cáo buộc các phóng viên Thụy Điển đã can thiệp vào nội bộ Trung Quốc qua các bài viết của họ…

Trung Quốc cũng đã khai thác triệt để những khó khăn và bối rối của các nước Châu Âu trong đại dịch Covid-19 để chia rẽ họ bằng chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" và viện trợ y tế dành cho các nước thân thiện với Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang xấu đi nhanh chóng khi chính quyền Úc kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập tìm hiểu về nguyên nhân và nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Trung Quốc phản ứng dữ dội và cho rằng Úc lợi dụng để "tấn công chính trị" nhắm vào họ. Tuy thế đến nay đã có 120 quốc gia lên tiếng ủng hộ tiến hành điều tra độc lập về đại dịch này. Trung Quốc trả đũa Úc bằng cách tăng thuế 80% đối với lúa mạch của Úc và cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty Úc.

Quan hệ Trung Quốc và Úc đang xấu đi. Ảnh Nữ Bộ trưởng ngoại giao Úc Maryse Payne yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về căn nguyên xuất xứ siêu virus Covid-19

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ ngày càng xấu đi thì ai cũng đã rõ. Một đòn giáng mạnh vào chính quyền Trump là việc Trung Quốc không thực thi những cam kết trong thỏa thuận "đình chiến thương mại" ký hồi đầu năm 2020, rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm, đặc biệt là 32 tỉ USD hàng nông sản Mỹ. Trump đe dọa trả đũa nếu Trung Quốc nuốt lời, thậm chí là có thể cắt quan hệ hoàn toàn với Trung Quốc.

Với chừng đấy sự kiện thì chúng ta đã có thể thấy được quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trên khắp năm châu đang xấu đi. Vậy câu hỏi đặt ra là Trung Quốc muốn gì ? Tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy ? Phải chăng Trung Quốc muốn nhân đại dịch Covid-19 để xác lập vai trò bá chủ thế giới thay thế Mỹ ?...

Trước hết, vì sao phải phân tích tình hình thế giới ? Câu trả lời đó là để "dự báo tương lai". Trái với ý kiến của một số người là quan tâm đến thế giới làm gì, tập trung lo cho Việt Nam đi…Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng vì Việt Nam là một nước nhỏ, rất phụ thuộc vào thế giới vì vậy phải quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu về thế giới. Hơn ai hết, Việt Nam phải biết thế giới sẽ đi đâu về đâu, họ nghĩ gì và sẽ làm những gì, trong hiện tại lẫn tương lai. Chỉ khi hiểu rõ và dự đoán đúng hướng đi của thế giới thì Việt Nam mới có được những chính sách và hoạch định đúng đắn cho các kế hoạch phát triển đất nước.

Không có ai có thể đoán đúng được hoàn toàn tương lai nhưng nếu không có những dự đoán tương đối thì Việt Nam sẽ lẽo đẽo chạy theo thế giới và tụt hậu là điều đương nhiên. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra nhiều dự đoán đúng dựa trên những cơ sở rõ ràng và lý luận, phân tích dựa trên những cơ sở đó. Chúng tôi đã dự đoán về tình trạng nguy cấp của nền kinh tế Trung Quốc từ nhiều năm trước, đặc biệt là 3 bài viết về Trung Quốc của ông Nguyễn Gia Kiểng năm 2018 (*).

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì chúng tôi đã nhận định rằng Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại thay vì bành trướng ra thế giới. Dự án Vành đai và Con đường sẽ thất bại sau khi mang lại cho Trung Quốc một đống nợ không thể đòi. Sự thực đang diễn ra như vậy. Không ai còn nhắc gì đến dự án Vành đai và Con đường từ mấy năm nay.

Chúng tôi cũng nhận định là Trung Quốc chỉ khiêu khích và gây rối ở Biển Đông chứ không gây xung đột vũ trang như nhiều người Việt Nam lo lắng vì Trung Quốc là một đế quốc, họ chỉ bành trướng khi mạnh và thường co cụm lại khi yếu và có nhiều vấn đề nội bộ trong nước.

Chúng tôi cũng nhận định rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như giữa Trung Quốc và thế giới chỉ có thể xấu đi, và muốn hay không thì các công ty Mỹ và Châu Âu cũng phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và Trung Quốc sẽ bị thế giới bao vây, cô lập. Lý do cũng dễ hiểu. Trung Quốc đang mạnh lên và có tham vọng trở thành cường quốc số 1 thế giới trong khi vẫn duy trì chế độ độc tài và từ chối mọi giá trị phổ cập về quyền con người. Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã xác định một tham vọng, qua lời của Tập Cận Bình là đến năm 2049, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới trong đó có quân đội. Đây là một đe dọa công khai đối với Mỹ. Theo qui luật Thucydides thì sự tranh hùng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi.

Chính quyền Mỹ dưới thời Obama đã nhận ra điều đó. Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời nhằm mục đích đó. Các cuộc thăm viếng giữa Mỹ và Việt Nam trở nên dồn dập và đỉnh điểm là cuộc viếng thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 và sau đó là của Obama đến Việt Nam tháng 5/2016. Tại Hà Nội, Obama đã tuyên bố rất rõ là Mỹ sẽ luôn ở bên cạnh Việt Nam.

Kế hoạch "bỏ Tàu theo Mỹ" đã manh nha từ đó và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định từ lâu là Đảng cộng sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc "đi theo Mỹ" và các nước dân chủ. Nếu trong những ngày sắp tới Việt Nam có kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc về Biển Đông thì cũng không có gì lạ. Sẽ có nhiều chuyển biến trong quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc và Mỹ trong thời tới.

Quay trở lại với câu hỏi vì sao Trung Quốc lại gây hấn với cả thế giới và để làm gì ? Nếu thực sự cần đến thế giới để giao thương như trước đây thì Trung Quốc có làm như vậy không ? Tất nhiên là không. Trung Quốc không còn cần đến thế giới nữa. Trung Quốc đã lấy quyết định rút lui và co cụm lại. Covid-19 khiến Trung Quốc có lý do để đẩy nhanh quá trình này. Với lãnh thổ rộng lớn và dân số 1,4 tỉ người như hiện nay, Trung Quốc có thể tự cô lập và sống khép kín như Bắc Triều Tiên. Đó là toan tính của Tập Cận Bình.

Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì sự co cụm đó chỉ kéo dài thời gian sụp đổ của Trung Quốc chứ không thể ngăn chặn. Liên Xô cũng rút lui và co cụm lại nhưng chỉ 3 năm sau thì tan rã. Trung Quốc đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới và người dân Trung Quốc đi ra nước ngoài làm ăn, du lịch rất nhiều. Họ càng ngày càng hiểu biết và có sự so sánh giữa Trung Quốc và thế giới. Hơn nữa, có một văn bản bất thành văn là Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền lãnh đạo nhưng phải tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế chấm dứt thì khủng hoảng xã hội sẽ nổ ra và sẽ lan sang chính trị.

Trung Quốc là một thùng thuốc súng sắp nổ. Điều đáng lo ngại nhất là Việt Nam đang sống cạnh thùng thuốc nổ đó. Nếu đất nước không được quản lý bởi một chính phủ có hiểu biết và có viễn kiến thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ đám cháy Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một chính phủ như vậy. Họ không có bất cứ viễn kiến gì mà chỉ biết giữ quyền lãnh đạo đất nước đến đâu hay đến đấy, với mong muốn tồn tại được ngày nào hay ngày đấy. Công hàm của Phạm Văn Đồng là một ví dụ. Một ví dụ nữa là dù đã chọn "bỏ Tàu theo Mỹ" nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng giữ chế độ độc tài toàn trị. Thay vì mở rộng và dân chủ hóa đất nước dần dần thì họ chọn cách siết chặt lại. Chính quyền vẫn tiếp tục bắt bớ và đàn áp các tiếng nói bất đồng. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An bị kết án 11 năm tù vì đã phổ biến những bài hát chống Trung Quốc và cổ vũ cho dân chủ. Với nội bộ thì ngay cả dân chủ tối thiểu trong đảng cũng không còn. Mọi nhân sự cho đại hội 13 đều được "cơ cấu" và lựa chọn từ trước bởi Tiểu ban nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An bị kết án 11 năm tù vì đã phổ biến những bài hát chống Trung Quốc và cổ vũ cho dân chủ.

Thế giới thay đổi nhanh chóng, từng ngày, từng tháng trong khi đó lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước là Đảng cộng sản vẫn mang nặng tư duy của thế kỷ 19, vẫn hô hào kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, một chủ nghĩa bị cả thế giới lên án là tội ác chống lại loài người. Việt Nam không thể có tương lai dưới chế độ này. Câu hỏi là bao giờ thì trí thức Việt Nam mới dám nghĩ và dám tiếp tay ủng hộ cho một giải pháp mới, của một tổ chức chính khác, ngoài Đảng cộng sản ?

Việt Hoàng
(20/05/2020)








No comments:

Post a Comment

View My Stats