Wednesday, 13 May 2020

NHÂN VỤ TRUNG QUỐC RA LỊNH CẤM ĐÁNH CÁ Ở BIỂN ĐÔNG. . . (Trương Nhân Tuấn)




Trương Nhân Tuấn
13/05/2020

Nếu Việt Nam thật sự muốn “kiện” Trung Quốc thì lịnh “cấm đánh cá” của Trung Quốc trên Biển Đông là lý do cụ thể để Việt Nam đi kiện.

Lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc bắt đầu áp dụng từ năm 1999, thời gian mỗi năm kéo dài từ 1/5 đến hết ngày 16/8/2020. Lịnh cấm đánh cá có hiệu lực ở Biển Đông, trong vùng từ 12 độ vĩ Bắc trở lên, phát sinh từ vùng “kinh tế độc quyền – EEZ” tính bờ biển Phúc kiến đến Quảng Đông, vùng EEZ của Tây Sa (Hoàng Sa) và EEZ của Trung Sa (Scarborough và Macclesfield).

Rõ ràng, lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng kinh tế độc quyền, phát sinh từ bờ biển Việt Nam.

Lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc ngang ngược tương tự cấm Việt Nam đánh cá trên “ao nhà” của Việt Nam.

Việt Nam ngoài việc phản đối miệng “quan ngại” thì hoàn toàn không có biện pháp cụ thể nào khác.

Tình hình “càng để lâu càng khó”. “Cứt trâu để lâu hóa bùn”. Hành vi “khẳng định chủ quyền” của Trung Quốc lâu ngày được quốc tế nhìn nhận như “việc đã rồi”.

Cái “khó” của Việt Nam không phải vì không có lý do phản biện trước tòa, mà khó vì học giả Việt Nam đã tự trói tay mình.

Việt Nam nhìn nhận hiệu lực công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của Phạm Văn Đồng ở khoản “hải phận 12 hải lý”.

Học giả Việt Nam vịn lý do Công hàm PVĐ không nhắc tới HS và TS, do đó Trung Quốc không thể “suy diễn” là Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo này.

Lịnh cấm đánh cá bắt đầu từ năm 1999. Đến nay Việt Nam vẫn không thể đi kiện. Lý do không (hay chưa) đi kiện là vì xác suất thua cao hơn thắng.

Tập quán quốc tế cho thấy Việt Nam có thể giải quyết các tranh chấp “từng phần” với Trung Quốc, như thỏa thuận “vùng đánh cá chung” (như Trung Quốc với Nhật vùng biển Hoa Đông hay Việt Nam và Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Việt). Đến nay hai bên không thỏa hiệp để có vùng “đánh cá chung” khu vực biển Hoàng Sa (và vùng cửa vịnh Bắc Việt) hiển nhiên là Việt Nam đứng vào thế (rất) yếu.

Bởi vì khi Việt Nam chủ trương nhìn nhận hiệu lực công hàm 1958 của PVĐ, mặc dầu chỉ ở khoản “hải phận 12 hải lý”, thì mặc nhiên đã nhìn nhận “hiệu lực trên toàn bộ” công hàm 1958 của PVĐ.

Khác biệt giữa hai bên là “cách diễn giải” nội dung công hàm PVĐ “nhìn nhận và tán thành” cái gì?

Dĩ nhiên là công hàm PVĐ “nhìn nhận và tán thành” nội dung Tuyên bố của Trung Quốc: Hải phận 12 hải lý của Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa.

Học giả Việt Nam tưởng rằng Việt Nam có thể “trụ” được ở khoản “nhìn nhận hải phận 12 hải lý”. Chủ quyền HS và TS nếu thuộc về Trung Quốc thì Việt Nam cũng không mất nhiều.

Học giả Việt Nam “quên” tính một điều là nếu qui chiếu theo “Công ước Vienne 1969 về Luật các công ước”, Luật Quốc tế về Biển 1982 sẽ thay thế Luật Quốc tế về Biển 1958.
Luật biển năm 1958 chỉ có khái niệm về “lãnh hải 12 hải lý” và chưa có khái niệm về hải phận “kinh tế độc quyền” và thềm lục địa 200 hải lý. Công ước Vienne 1969 cho phép Trung Quốc có quyền mở rộng hải phận 12 hải lý ra 200 hải lý, sao cho phù hơp với Luật Biển 1982.

Thấy có học giả hiện nay đang viết bài chứng minh các đảo HS không có cái nào được tính là “đảo”, theo điều 121 khoản (1) của Luật biển.

Làm việc này là “tự bắn vào chân”, Việt Nam mặc nhiên từ bỏ chủ quyền HS, bởi vì yêu sách của Việt Nam qua bản đồ “bụng chửa” đã từng chủ trương HS và TS có hiệu lực của “đảo”, theo điều 121(1).

Trước Tòa Việt Nam có thể yêu cầu Tòa “giải thích và cách áp dụng luật Biển ở Hoàng Sa”. Nhưng Việt Nam không thể “chứng minh” các đảo HS không có hiệu lực là “đảo” theo điều 121 (1). Nếu HS là của Việt Nam thì người Việt Nam không ai làm vậy.

Trong khi đó “lý thuyết” của tôi nhằm hóa giải công hàm 1958 của PVĐ, đề nghị từ hơn 20 năm nay, thuyết “quốc gia chưa hoàn tất”.

Theo thuyết “quốc gia chưa hoàn tất” VNCH và VNDCCH không phải là “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Cả hai VNCH và VNDCCH đều thuộc vào một “quốc gia duy nhứt, độc lập có chủ quyền và thống nhứt lãnh thổ”, đúng theo qui định của hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973.

Lập luận của tôi cực kỳ đơn giản, “chủ quyền” của quốc gia là “duy nhứt và bất khả phân”. Vì vậy “Việt Nam” theo qui định của hai hiệp định Ganève 1954 và Paris 1973 là “Quốc gia – State – Etat” không thể phân chia thành “hai quốc gia” VNCH và VNDCCH.

“Quốc gia -State – Etat” có hai phần: phần thể xác và phần linh hồn. Thể xác là “lãnh thổ, dân chúng, chính phủ và có khả năng thiết lập bang giao với các quốc gia khác”. Phần “thể xác có thể phân chia. Phần “hồn” là “chủ quyền”, là đối tượng (hay chủ thể) của Luật quốc tế. Phần “hồn” chỉ có một, duy nhứt và tối thượng, không thể phân chia.

Quốc gia có “quyền lợi và nghĩa vụ”, đúng theo qui định của công ước Montevideo 1933 và Hiến chương LHQ 1948. VNCH và VNDCCH không phải là “quốc gia”. Ta có thể gọi hai thực thể này là “quốc gia chưa hoàn tất”. Bởi vì hai thực thể VNCH và VNDCCH không hề là “đối tượng” hay là “chủ thể” của Luật quốc tế.

VNCH lúc 1974 bị Trung Quốc đánh chiếm HS. Chính phủ VNCH chạy “hết cách” cũng không thể triệu tập Đại hội đồng LHQ để khiếu nại và kiện Trung Quốc trước Tòa Công lý quốc tế. Lý do thất bại là vì VNCH không có “tư cách quốc tế” và không phải là “đối tượng” của Luật quốc tế. Ngay cả lúc VNCH bị VNDCCH đưa vào vòng nguy khốn tháng tư 1975, VNCH vẫn không thể cầu cứu LHQ.

VNCH không phải là “quốc gia”, không có “tư cách quốc tế”, không phải là đối tượng của Luật quốc tế nên không có “quyền” yêu cầu LHQ can thiệp. Các quốc gia khác cũng không có nghĩa vụ phải giúp đỡ VNCH.

Tương tự, VNDCCH cũng không phải là “quốc gia”. VNDCCH không có “tư cách quốc tế” và cũng không phải là đối tượng của Luật quốc tế. Hiển nhiên công hàm 1958 của PVĐ không phải là một “công văn”, theo nghĩa ràng buộc của công pháp quốc tế. Công hàm 1958 không thể xét dưới ánh sáng của Luật quốc tế.

“Lý thuyết quốc gia chưa hoàn tất” tôi có đề cập sơ lược trong lá thư 2014 gởi lãnh đạo Việt Nam, nhân vụ giàn khoan HD 981. Dĩ nhiên việc làm của tôi không hề có ý giúp cho đảng CSVN mà chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ quyền và lợi ích của các thế hệ Việt Nam trong tương lai.

Lá thư của tôi như viên đá ném chìm trong ao nước, không có một tiếng động hồi âm, cho tôi dịp để phân tích lý thuyết của tôi ra sao.

CSVN tin tưởng vào học giả “đỉnh cao” của mình, tự đưa mình vào thế kẹt, không thể kiện Trung Quốc.

Nếu nói VNCH và VNDCCH là “hai quốc gia độc lập có chủ quyền, Việt Nam sẽ bị Tòa bác đơn từ đầu. Đơn giản vì lập luận ngược nội dung hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973.

Còn nếu chứng minh các đảo HS không có hiệu lực đảo theo điều 121 (3). Việt Nam bị “estopped”, bác đơn từ đầu. Việt Nam đã từng chủ trương y chang như Trung Quốc. Việt Nam không thể “cấm” Trung Quốc có chủ trương giống như mình.

Ngoài học giả Ngô Vĩnh Long, Hoàng Việt, Đinh Kim Phúc… cùng các học giả thuộc nhóm “Quĩ nghiên cứu Biển Đông” là những người tôi “biết”, có các chủ trương “từ 1954 đến 1975 có hai quốc gia độc lập có chủ quyền VNCH và VNDCCH” và “công hàm 1958 của PVĐ nhìn nhận hải phận 12 hải lý”. Không biết tôi có sót tên những ai khác hay không?








No comments:

Post a Comment

View My Stats