Saturday 9 May 2020

MỸ : COVID-19 LÀM SỐ NGƯỜI THẤT NGHIỆP LÊN MỨC CAO NHẤT TỪ GẦN 100 NĂM (Thu Hằng - RFI)




NỘI DUNG :
Thu Hằng  -  RFI
.
Người Việt Online

=================================================
.
Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày: 09/05/2020 - 12:10

Hoa Kỳ tiếp tục phải chống chọi với hai đại nạn : Covid-19 và thất nghiệp. Virus corona đã khiến hơn 77.000 người thiệt mạng tại Mỹ, tăng thêm 1.635 ca trong vòng 24 giờ, và hơn 1,28 triệu người bị nhiễm, theo số liệu tối 08/05/2020 của đại học Johns Hopkins. Chỉ trong tháng Tư, virus corona đã khiến 23,1 triệu lao động Mỹ mất việc làm. Đây là con số kỷ lục kể từ thập niên 1930.

Theo số liệu của bộ Lao Động Mỹ công bố ngày 08/05, được AFP trích dẫn, tỉ lệ thất nghiệp 4,4% trong tháng Ba đã tăng lên 14,7% (23,1 triệu) vào tháng Tư. Ngoài ra, số người làm việc bán thời gian cũng tăng gấp đôi, hiện là 10,9 triệu người.

Ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, ông Joe Biden, chỉ trích « thảm họa kinh tế » của chủ nhân Nhà Trắng. Trong khi đó, tổng Donald Trump tỏ ra lạc quan : Năm 2021 sẽ là năm đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.

Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :

 Những số liệu thống kê này rất được trông đợi. Tổng thống Donald Trump khẳng định « không ngạc nhiên » và trấn an : Số việc làm đã mất sẽ quay trở lại và sẽ sớm trở lại. Về tỉ lệ thất nghiệp, ông cho rằng « Thậm chí cả phía đảng Dân Chủ cũng không chê trách ».

Tuy nhiên, thông tin trên đã nhanh chóng bị ông Joe Biden bác bỏ. Từ nhà riêng, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ bình luận về thống kê của bộ Lao Động.

Ông nói : « Đó là một thảm họa về kinh tế, kinh khủng nhất so với tất cả những gì chúng ta đã trải qua từ nhiều thập niên qua, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì lẽ ra kết quả đã không đến mức tồi như vậy.

Donald Trump đã không biết chuẩn bị đối phó đại dịch này và đã chậm trễ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước chúng ta khỏi thảm kịch kinh tế, sắp chạm đến mức tồi tệ nhất.

Dịch Covid-19 gây ra một thách thức kinh tế rất lớn. Nhưng cuộc khủng hoảng này đã tác động đến chúng ta mạnh mẽ hơn, kéo dài lâu hơn, vì trong suốt ba năm gần đây, Donald Trump đã phá những nền tảng cơ bản của sức mạnh kinh tế đất nước chúng ta ».

Đảng Dân Chủ yêu cầu thông qua một kế hoạch cứu trợ khẩn cấp mới cho những người dân Mỹ bị cuộc khủng hoảng kinh tế tác động mạnh mẽ. Đảng đối lập cũng bác ý tưởng hạ thêm thuế, được tổng thống Mỹ đề nghị.

---------------------------------------------------------------
.
Người Việt Online
May 9, 2020

FORT WORTH, Texas (NV) – Câu chuyện của ông Michael Bowen, chủ nhân công ty Prestige Ameritech, có trụ sở tại Fort Worth, Texas, cho thấy sự thờ ơ trong việc chuẩn bị chống dịch COVID-19 của giới chức chính phủ Mỹ.

Công ty Prestige Ameritech, chuyên sản xuất khẩu trang y tế N95, có thể xuất xưởng 1.7 triệu chiếc mỗi tuần, theo tường thuật của nhật báo The Washington Post hôm Thứ Bảy, 9 Tháng Năm.

Một hiện tượng bất thường bắt đầu xảy ra từ giữa Tháng Giêng, khi đơn đặt hàng qua mạng cho Prestige Ameritech chợt tăng vọt khủng khiếp, từ những xứ xa xôi như Hồng Kông.

Ông Bowen cho biết trong thời gian trước, đơn đặt hàng qua mạng chỉ vào khoảng $2,000 một năm, bất chợt tăng lên đến $700,000 trong vài ngày.

Kỹ nghệ gia Bowen cảm thấy ngay lập tức một mối đe dọa to lớn cho an ninh y tế nước Mỹ.

Ông Michael Bowen và ông Dan Reese, cùng sáng lập công ty Prestige Ameritech để sản xuất mặt hàng khẩu trang N95 từ năm 2005, ở thời điểm mà 90% sản phẩm này dùng cho ngành y tế Hoa Kỳ đều được sản xuất từ nội địa, cho đến thời điểm đảo ngược, khi 90% mức sản xuất tại Hoa Kỳ bị chuyển ra ngoại quốc vì giá nhân công rẻ.

Không tính đến việc tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu đặt hàng gia tăng ở ngoại quốc, ngày 22 Tháng Giêng, ông Bowen liên lạc bằng điện thư đến các viên chức cao cấp của Bộ Y Tế Hoa Kỳ, vì nhận ra sự nguy hiểm khi loại hàng vô cùng thiết yếu để bảo vệ nhân viên y tế này đều tùy thuộc sự sản xuất ở ngoại quốc.

Ông viết trong thư: “Chúng tôi còn bốn hệ thống sản xuất còn đang để không, khởi động lại rất khó khăn và tốn kém nhưng rất hữu ích trong hoàn cảnh khẩn cấp trước mắt.”

Cùng ngày, bà Laura Wolf, giám đốc Phòng Bảo Vệ Hạ Tầng Cơ Sở Quan Yếu, trả lời lại qua email: “Trong vị trí chính quyền, tôi nghĩ chúng tôi chưa có được câu trả lời cho ông.”

Từ phản ứng của những viên chức trong những ngày sau đó, ngay cả ông Robert Kadlec, phụ tá bộ trưởng về chuẩn bị tình huống khẩn cấp, cho ông Bowen cảm giác không ai quan tâm đến những vấn đề nghiêm trọng mà ông nêu lên.

Tuy nhiên ông Bowen vẫn kiên trì.

Ngày 23 Tháng Giêng, ông lại viết thêm một điện thư: “Chúng tôi là công ty sản xuất khẩu trang nội địa cuối cùng của đất nước. Điện thoại đặt hàng từ ngoại quốc gọi tôi liên tục. Tôi không cần phải làm ăn với chính phủ. Tôi chỉ muốn các ông biết là chúng tôi có thể là một cơ sở dự phòng trong trường hợp xấu nhất xảy ra khi dịch bùng nổ. Trước khi là một nhà kinh doanh, tôi là một người yêu nước.”

Không có viên chức nào hồi đáp đề nghị của ông Bowen.

Mãi cho đến tận hôm nay, hệ thống có thể sản xuất 7 triệu khẩu trang một tháng của Prestige Ameritech vẫn bỏ không.

Câu chuyện của ông chủ hãng làm khẩu trang Michael Cohen được tiết lộ trong 89 trang tố cáo bị trù dập của Bác Sĩ Rick Bright, người vừa bị bãi nhiệm chức giám đốc chuyên trách nghiên cứu dược phẩm và vaccine thuộc Bộ Y Tế. Ông là người bất đồng trong việc đặt ưu tiên vào việc dùng thuốc trị sốt rét chữa COVID-19 của Tổng Thống Donald Trump.

Trong bản tố cáo, ông Bright cáo buộc Phụ Tá Bộ Trưởng Robert Kadlec và vài viên chức khác trù dập và thuyên chuyển ông sang một vị trí thấp hơn vì ông đặt ưu tiên kiến thức khoa học trên yêu cầu chính trị. (MPL) (đ.d.)





No comments:

Post a Comment

View My Stats