14/05/2020
Có bạn tag mình vào xem
stt của GS.TS Lịch sử Phạm Hồng Tung, ảnh đính kèm. Ý ông giáo sư muốn đề cao
tinh thần dân tộc, mong muốn thống nhất của phe Cộng sản VN, đồng thời phỉ báng
phía đối lập là VNCH và coi thường tính dân tộc của phe Cộng sản Đông Đức khi họ
tỏ ra không muốn thống nhất.
Là GS.TS lịch sử quốc
doanh, nên ông Tung tỏ ra không biết gì về sử của phía bên kia, cũng là lẽ thường,
như mình vẫn nhận xét. Phía Cộng sản, nhất là các ông giáo già dạy Lịch sử, hầu
như không biết gì về phe đối lập, nhưng thường vẫn rất tự tin chửi bới, mạt sát
người ta như thật.
Khi Hiệp định Geneva đang
đàm phán thì phía Quốc gia VN cực lực phản đối việc chia cắt đất nước cho dù là
tạm thời. Vì thế QGVN không chấp nhận ký Hiệp định. Sau khi hiệp định được ký
thì Thủ tướng Diệm của QGVN cho treo cờ rủ một ngày ở miền Nam.
Thực ra trước khi ký Hiệp
định, cả hai bên đều đã xác định là sẽ không có tổng tuyển cử. Phía Cộng sản
thì đã dự trù nên đã có kế hoạch cài người và chôn giấu vũ khí lại miền Nam từ
khi họp hội nghị Liễu Châu cùng TQ, để chuẩn bị ký Hiệp định Geneva. Sau đó
phía TQ cũng hối thúc VNDCCH cần làm cải cách ruộng đất trước năm 56, là cách để
thanh lọc dân tộc, biến VNDCCH chỉ còn màu đỏ, tiện cho việc tổng tuyển cử.
VNCH cũng biết vậy nên tố
cộng, diệt cộng và kiên quyết không chấp nhận tổng tuyển cử với lý do là họ
không ký Hiệp định và miền Bắc đã phá Hiệp định trước rồi.
Điều đó không hề đồng
nghĩa với việc QGVN và VNCH sau này không có mong muốn thống nhất. Những ví dụ
sau đây chứng tỏ điều đó:
Khi người Pháp bàn giao lại
dinh Norodom cho QGVN làm dinh thủ tướng, ông Diệm cho đổi tên ngay thành dinh
Độc lập và đại lộ trước dinh cũng đổi tên từ Norodom thành đại lộ Thống nhất.
Trước đó, khi người Pháp
nghĩ tới giải pháp Bảo Đại, họ và phe Quốc gia phải thuyết phục cựu hoàng về nước
làm quốc trưởng. Thì yêu cầu tiên quyết của ông là Pháp phải trả lại Nam Kỳ bằng
văn bản chính thức cho VN. Đây là điều mà VNDCCH không thể đàm phán với người
Pháp. Vì lúc đó Nam Kỳ vẫn là một thuộc địa của Pháp. Cuối cùng Tổng thống Pháp
Auriol phải chấp thuận trả lại Nam Kỳ cho VN bởi hiệp ước Elysee, sau đó Quốc hội
Pháp chấp thuận từ bỏ Nam Kỳ, hủy bỏ hiệp ước 1874 đã ký với nhà Nguyễn. Kể từ
đó, Nam Kỳ mới chính thức được thống nhất với 2 kỳ còn lại bằng văn bản pháp
lý. Đấy không là công sức thống nhất VN của phe Quốc gia là gì?
Giai đoạn đệ nhất Cộng
hòa có câu khẩu hiệu: “Lấp sông Bến Hải, Bắc tiến, diệt cộng quân, thống nhất đất
nước”. Tất nhiên đây mới là khẩu hiệu chứ VNCH chưa đánh ra Bắc bao giờ. Nhưng
đó cũng là mong mỏi thống nhất của họ.
Trong dinh Độc Lập treo bức
tranh của KTS Ngô Viết Thụ có dòng chữ “Cẩm tú sơn hà. Thái bình thảo mộc” với
hình ảnh 3 miền Bắc Trung Nam, thể hiện sự thống nhất đất nước.
Ông Diệm có phải là tay sai cho ngoại bang như lời
ông Tung không?
Chắc chắn là không. Ông
Tung viết câu này để chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về lịch sử của mình. Năm 32 tuổi,
khi đang là tuần phủ, ông Diệm được vua Bảo Đại mời làm thượng thư Bộ Lại, Bộ
quan trọng nhất của triều đình. Ông đưa các yêu sách với người Pháp để đòi tăng
quyền tự trị cho người Việt. Tất nhiên Pháp không chịu, ông từ chức về làm dân.
Đó không hề là điều đơn giản, vì thế người ta mới gọi ông Diệm là chí sỹ. Thế
có phải là tay sai cho Pháp không?
Sau này, ông vận động với
người Mỹ và vua Bảo Đại để được làm thủ tướng cuối cùng của QGVN. Lúc đó ông bộc
lộ rõ việc chống Pháp, thậm chí người Pháp còn muốn thay thế ông mà không được.
Do người Mỹ ủng hộ ông Diệm.
Khi làm Tổng thống VNCH rồi,
ông Diệm luôn tỏ ra ngang bướng trước sự can thiệp của người Mỹ, không muốn Mỹ
can thiệp sâu vào VNCH. Chính vì thế nên Mỹ bật đèn xanh cho các tướng lật đổ
ông. Thế có phải là tay sai ngoại bang không? Hỏi tức là trả lời.
Bên nào mới luôn kêu gào chiến tranh?
Ông Tung cho rằng VNCH mới
luôn kêu gào chiến tranh! Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Miền Nam chưa hề
đánh ra Bắc bằng quân bộ. Họ thống nhất với Mỹ về việc không tấn công miền Bắc,
vì e ngại TQ can thiệp, một phần lớn vì nếu Mỹ không đồng ý thì họ không đủ
quân lực để đánh ra Bắc. Họ có kêu gào chiến tranh thì cũng chỉ là tự vệ ở miền
Nam thôi. Phía chủ động gây chiến và chuẩn bị cho chiến tranh từ trước khi ký
HĐ Geneva và Hiệp định Paris đều là quân Cộng sản.
Nếu tự tin là bầu cử sẽ
thắng thì tại sao lại cần gây chiến như vậy? Cứ chung sống hòa bình như ở Đức để
chờ cơ hội tuyển cử thì có sao đâu?!
Ông Tung có nhắc tới ông
Khánh để ví dụ về tuyển cử sau Hiệp định Paris cho thấy ông chẳng hiểu gì về
VNCH. Ông Nguyễn Khánh đã lưu vong từ năm 64 và chẳng hề có ý định quay lại
tranh cử. Chắc ông Tung nhớ mang máng rồi viết cho nó vần!
Người Cộng sản Đức có mong muốn thống nhất hay
không?
Quay sang nước Đức, ông
chê người đồng chí Cộng sản Đông Đức vì muốn chia tách nước Đức. Nhưng thực tế
cuối cùng thì việc phá vỡ bức tường Berlin lại là do phía Đông Đức chủ động
không cản trở người dân Đông Đức sang Tây Đức. Thế là chính người dân Đông Đức
đã phá vỡ bức tường ô nhục dưới sự bật đèn xanh của lãnh tụ Cộng sản Đông Đức.
Như vậy tức là những người
đồng chí của ông Tung đã thống nhất được nước Đức bằng giải pháp ôn hòa. Đó là
niềm tự hào của dân tộc Đức. Còn VN thống nhất bằng bạo lực, cưỡng bức, với hậu
quả dân tộc VN bị chia rẽ nặng nề, thì ông Tung lại lấy làm hãnh diện. Có lẽ
ông hãnh diện vì hiện tại được thoải mái chửi bọn “bán nước” mà chúng nó chả
cãi được câu nào!
Muốn có kiến thức khách
quan về lịch sử nước nhà thì đừng hi vọng gì vào các sử gia quốc doanh. Nhất là
với những “cụ” ngoài 50 tuổi.
------------
Phạm Tứ Kỳ
Ảnh: FB Phạm Tứ Kỳ
No comments:
Post a Comment