Tuesday, 12 May 2020

LỜI NHẬN TỘI & TƯ PHÁP HÌNH SỰ (Võ Văn Quản)




12/05/2020

“[Suy đoán vô tội] là một lý thuyết tốt đẹp. Chúng tôi tin tưởng rằng nó cần thiết, đặc biệt với những người bị buộc tội oan sai.

Nhưng khi rõ ràng đang nắm giữ trong tay một ác nhân, chúng tôi không thể để những khó khăn kỹ thuật giúp kẻ thủ ác trốn chạy khỏi sự trừng phạt thích đáng.”

(Lời của một cảnh sát)

                                                           ***
Trong suốt lịch sử phát triển của tư pháp hình sự, người ta đau đầu vì hai thái cực của công chúng khi họ phản ứng trước tội phạm và trừng phạt tội phạm. 

Công chúng sẽ lên cơn thịnh nộ khi biết về sự tàn độc của hành vi phạm tội. Họ kỳ vọng cách tiếp cận quyết liệt, cách giải quyết quyết liệt. Kẻ thủ ác phải bị trừng phạt thật nhanh, thật nặng. Họ mất kiên nhẫn với những chuẩn mực pháp lý lằng nhằng. Và họ có thể sẽ nổi điên nếu một nghi phạm được trả tự do vì những sai sót tố tụng.

Nhưng cũng chính công chúng, những người mất kiên nhẫn lúc đầu, trở nên hoài nghi và lo sợ khi quyền lợi, sự sống của chính họ được trao cho những nhân viên công quyền, những người mà quyền lực họ sở hữu đôi khi vượt quá khả năng kiềm chế và sự thông thái của bản thân. Chuẩn mực pháp lý lằng nhằng nay lại là chiếc phao duy nhất họ còn có thể bấu víu.

Thật khó để trách móc hai thái cực “tiêu chuẩn kép” này, bởi nó sẽ sống với chúng ta cho đến khi nào hệ thống tư pháp hình sự của loài người còn tồn tại. Giữa những bất định của công lý đám đông và chuẩn mực tố tụng, lời thú tội xuất hiện như một cách để xoa dịu tất cả mâu thuẫn. 

Lời thú tội có thể dùng để khẳng định với đám đông rằng họ đã đúng, rằng sự phẫn nộ của họ là dành cho đúng người. 

Và lời thú tội cũng có thể giúp cơ quan công quyền thoát khỏi kha khá những rắc rối về thủ tục và chuẩn mực tố tụng. 

“Chính miệng anh đã nhiều lần thú tội”  – “Anh không phạm tội thì làm sao có thể kể rành rọt diễn biến phạm tội và động cơ phạm tội như thế”.v.v. 

Lời thú tội trở thành liều thuốc an thần mà cả công chúng lẫn các nhân viên công quyền tìm đến khi họ vấp phải những chi tiết trong vụ án có thể đi ngược lại niềm tin nội tâm của mình. 

Nhưng rồi không khó để nhận ra ngay cả lời nhận tội cũng chỉ là một là một “ông kẹ” khác trong tư pháp hình sự (criminal justice).

Nó có thể bị mua.

Nó có thể bị ép buộc từ một bên thứ ba.

Nó có thể bị mớm từ chính cơ quan điều tra.

Hoặc nó có thể là kết quả của nhiều sang chấn tâm lý mà các nhà tâm lý học vẫn còn đang nghiên cứu…

Một người, vì nhiều lý do, có thể rành rọt kể lại những tình tiết diễn biến của một vụ án phức tạp cho dù họ không thật sự thực hiện nó. Vậy cuối cùng, cần nhận định vai trò của lời nhận tội như thế nào trong tư pháp hình sự?

Vì sao chúng ta sử dụng lời nhận tội?

Theo truyền thống hình sự phương Tây (và có lẽ cũng là gốc của tư pháp hình sự Việt Nam), lời nhận tội được xem là một “bằng chứng tốt” (“good evidence”). 

Giáo sư David Crumps, Đại học Houston (Mỹ), cho biết có ba lý do giải thích cho hiện tượng này:

1.    Lời nhận tội là đóng góp của một bên trực tiếp liên quan đến vụ án, và vì vậy, là một phần không thể bỏ qua của vụ án.     

2.    Lời nhận tội đi ngược lại với lợi ích của người đưa ra tuyên bố; 

3.    Lời nhận tội có bảo đảm hoàn cảnh về độ tin cậy (circumstantial guarantees of trustworthiness), do nó đi ngược lại lợi ích của người tuyên bố ở điểm 2. 

Những thông tin mà lời thú tội đưa ra, nếu có tính mới, thậm chí có thể được so sánh với những sự kiện khách quan mà người ta đã biết đến trước đó. Vì vậy, chúng có giá trị rất lớn trong hoạt động điều tra nói riêng và cơ sở buộc tội nói chung. 

Một lập luận khác ủng hộ vai trò của lời nhận tội là có những loại tội phạm gần như không thể chứng minh, nếu không có lời nhận tội và các tình tiết mà lời nhận tội chỉ ra.

Là một người từng có kinh nghiệm điều tra hỏa hoạn, giáo sư Crumps cho rằng chỉ điều tra nguyên nhân của vụ cháy không thôi đã là bước khó khăn như lên trời, chưa kể đến việc xác định đó có phải là tội phóng hỏa (arson) hay không? Và người phóng hỏa là ai?

Giáo sư Arthur E. Sutherland, Đại học Harvard, từ tận thập niên 60, cũng có cái nhìn khá đồng cảm về vai trò của lời nhận tội. Ông bình luận rằng, trong đại đa số các vụ án hình sự cơ sở, dù được báo cáo hay do cơ quan điều tra phát hiện, dù hành vi tội phạm đã được ghi nhận hay chỉ có nghi vấn là đã được thực hiện, cơ quan điều tra luôn rơi vào thế bị động khi tìm đầy đủ vật chứng khách quan nhằm khép tội hoàn toàn nghi phạm. 

Họ vì nhiều lý do tin rằng một đối tượng nhất định có liên quan đến vụ án. Có thể là từ mối quan hệ nhân thân, mối quan hệ xã hội; các mâu thuẫn của nạn nhân trong vòng nghi vấn trước đó. Ở một số trường hợp khác, bản thân các đối tượng có tiền án, có lịch sử bạo lực hay thực hiện hành vi tương tự trong địa phương, trong vòng giao tiếp của nạn nhân cũng sẽ được điều tra kỹ lưỡng nhằm tìm khả năng có liên quan của họ. Cơ quan điều tra có thể khoanh vùng nhóm đối tượng bằng thời gian, bằng chứng ngoại phạm… 

Đến một thời điểm nào đó trong tiến trình điều tra, cơ quan điều tra tự tin rằng một cá nhân, nhóm cá nhân nhất định đã thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, vì không đủ bằng chứng để hoàn toàn xác thực niềm tin này, họ sẽ tìm cách trích xuất lời nhận tội nhằm xác nhận các giả thiết hay tìm đầu mối vật chứng mới. Một trong số những kỹ thuật khét tiếng nhất và được áp dụng nhiều nhất thường được biết đến tên gọi “Reid techniques”

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về tội phạm học, về tư pháp hình sự đều công nhận vai trò nhất định của lời nhận tội trong hoạt động điều tra. Tuy nhiên, cũng đừng hiểu nhầm rằng họ ủng hộ việc xem lời nhận tội như một công cụ toàn năng. 

Nhận tội: Lời nói dối… chân thật

Hầu hết các yếu tố xoay quanh lời nhận tội đều có thể cho thấy những yếu điểm rất lớn. 
Trước tiên, cũng theo giáo sư Crumps trong nghiên cứu nói trên, bản thân các bản hướng dẫn thẩm vấn (interrogation manuals) hay kỹ thuật thẩm vấn (interrogation tactics) (hợp pháp và chưa bàn đến các biện pháp tra tấn, ép cung bất hợp pháp) mà cơ quan điều tra thường sử dụng đã mang sẵn định kiến dành cho nghi phạm. 

Chúng thường trước tiên là bày tỏ lòng cảm thông với hành vi mà nghi phạm bị cáo buộc thực hiện, đồng thời với việc nói giảm nói tránh mức độ tàn độc của hành vi. Bằng cách này, cơ quan điều tra áp đặt một giả định “đương nhiên” rằng nghi phạm đang bị thẩm vấn chính là người thực hiện hành vi.

Sau khi xây dựng được môi trường thân thiện giả, chiến lược thẩm vấn là nhằm khiến người bị thẩm vấn có những chuyển tải thông tin hoặc ấn tượng sai lệch về hành vi của mình, đẩy họ vào một khung cơ sở để buộc tội: có thể bằng động cơ, căn cứ ngoại phạm, hoặc khiến họ trình bày những tình tiết mới không có trong hồ sơ án trước đó.

Ngay cả khi nghi phạm một mực phủ nhận sự liên can của mình đến bất kỳ tình tiết nào trong vụ án, điều tra viên cũng có thể bẻ lái sang việc nhờ đến sự cộng tác của người này để tìm ra kẻ thủ ác chưa xác định được danh tính. Tuy nhiên, về mặt chủ quan, họ vẫn chỉ đang nhắm vào việc trích xuất những câu nói, những nhận định có khả năng kết tội nghi phạm mà thôi. 

Những giả định thiên vị, có định hướng của quá trình hỏi cung không chỉ là vấn đề duy nhất của việc dựa dẫm vào lời nhận tội. 

Các nhà tâm lý học hình sự nay đều đã đồng thuận rằng môi trường tách biệt với thế giới bên ngoài, áp lực nặng nề trong quá trình bị hỏi cung cũng như yếu tố về tuổi tác, giới tính, sức khỏe tâm thần, kinh nghiệm sống… hoàn toàn có thể dẫn đến những lời nhận tội bừa. 

Nhà tâm lý học của trường Đại học Harvard – Hugo Münsterberg – được xem là nhà khoa học đầu tiên đặt vấn đề với khái niệm lời nhận tội không đúng sự thật (untrue confession) từ tận năm 1908. 

Ông kể lại vụ án vào năm 1906 nơi một phụ nữ bị cưỡng bức và giết hại, chỉ cách nhà nghi phạm nửa con phố. Chàng trai trẻ và cha của mình phát hiện ra các xác vào buổi sáng khi cả hai chuẩn bị ra chợ cho công việc bán thảm thường nhật. Vì lý do nào đó, chàng trai trẻ bị đưa vào diện tình nghi. 

Cương quyết phủ nhận trong vài giờ đầu thẩm tra, anh ta bất ngờ thú nhận tội sau một số áp lực từ phía cơ quan điều tra. Càng về sau, lời kể của chàng trai càng chi tiết, dù thực chứng cho thấy chúng không hoàn toàn trùng khớp với hiện trường vụ án. Cơ quan điều tra thì luôn khẳng định đó là hiện tượng bình thường của kẻ phạm tội do trí nhớ của họ đã bị xáo trộn và ảnh hưởng mạnh sau khi thực hiện hành vi. Riêng theo Hugo Münsterberg, đây là hiện tượng tâm lý học tạm dịch thành phân ly tâm lý (psychological dissociation) và đề xuất thông tin vô thức (autosuggestion) rất có khả năng xảy ra đối với nhiều cá thể trong xã hội khi bị đẩy vào tình trạng căng thẳng thần kinh. 

Cách tiếp cận này dần được chú ý nhiều hơn trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ gần đây. Trong vài thập niên hoạt động của dự án phi lợi nhuận lừng danh có tên gọi The Innocence Project và với gần 400 cá nhân được giải oan, đến hơn ¼ trong số đó đã tự nguyện nhận tội, dù trên thực tế họ không làm bất kỳ hành vi phi pháp nào bị cáo buộc.

Nhiều nghiên cứu thực chứng của giáo sư tâm lý học Saul Kassin của trường đại học John Jay College of Criminal Justice, một trong những tượng đài của áp dụng tâm lý học trong tư pháp hình sự hiện nay, đi tiên phong trong việc chứng minh những biện pháp tra khảo, lấy cung hiện đại và hoàn toàn hợp pháp, vẫn có thể khiến cho nghi phạm thừa nhận hành vi phạm tội.

Ví dụ, trong một nghiên cứu về phản ứng của nghi phạm, khi được điều tra viên giả vờ mớm rằng có nhiều thông tin mới đang được giải mã và sẽ nhanh chóng bổ sung vào hồ sơ vụ án (như dấu vân tay, ADN, vết máu, nơi cất giấu của hung khí…), Kassin kỳ vọng rằng các nghi phạm sẽ phủ nhận sự liên can của mình mạnh mẽ hơn nữa. Song hoàn toàn ngược lại, rất nhiều người đột ngột nhận tội. 

Sau đó, ông tìm hiểu được, nghi phạm nhận tội như vậy đơn giản tin rằng những thông tin mới khách quan sẽ tự động giúp họ giải oan, nên họ nhận tội để hạn chế khả năng phải dự những buổi lấy cung dài hơi và đầy áp lực từ phía cơ quan điều tra.

                                                      ***
Giữa thập niên 1980, “cơn địa chấn” DNA và các công nghệ sinh trắc học được giới thiệu đến khoa học hình sự thế giới đã làm thay đổi hoàn toàn cách người ta tiếp cận với lời nhận tội. Hiện trường và vật chứng nay có thể nói lên những thông tin không ai có thể che giấu, còn lời nhận tội chỉ được xem là một công cụ bổ trợ nhằm tìm kiếm thêm thông tin khi cần thiết. 

Giữa thế kỷ 21, chúng ta còn hỏi câu “Không làm gì sai sao lại nhận tội” thì quả thật đang làm uổng công hàng thập kỷ phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ứng dụng trong ngành tư pháp hình sự thế giới. Và đấy là vẫn chưa kể đến hàng loạt những sai phạm về bức cung, nhục hình vốn đã trở thành cơm bữa trong hệ thống điều tra Việt Nam hiện đại.






No comments:

Post a Comment

View My Stats