Tuesday, 26 May 2020

HOẢNG LOẠN THÌ CẮN CÀN     (JB Nguyễn Hữu Vinh) 





Giai đoạn này ở Việt Nam, là giai đoạn mà Đảng CSVN đang tiến hành một cuộc đấu đá nội bộ căng thẳng nhất để tiến hành cái gọi là “Đại hội đảng”. Qua cái gọi là “Đại hội” đó, những chiếc ghế quyền lực đã được các phá phái chia chác xong sẽ được trình diễn qua màn bầu cử tại đây.

Ở cái gọi là “Đại hội” đó, khi trống giong, cờ mở và khắp nơi nơi trưng lên các khẩu hiệu đỏ choét, là khi mọi sự chia chác đã xong.

Trong lịch sử đảng CSVN, giai đoạn khốc liệt nhất, căng thẳng nhất không phải là khi hàng ngàn đảng viên lũ lượt kéo nhau vào hội trường để tiến hành màn biểu diễn, mà tất cả đã được sắp xếp, chia chác trước đó một cách cẩn thận bằng những màn đấu đá khốc liệt.

Ở những màn đấu đá đó, có máu, có mạng người, có nhiều những âm mưu thâm độc và nham hiểm nhằm loại bỏ lẫn nhau giữa các “đồng chí”.

Thế nhưng, lần này, giai đoạn đấu đá còn có nhiều yếu tố khác hoàn toàn bất lợi, ảnh hưởng đến sự chia chác, sắp xếp hiện nay.

Những ngày tháng qua, đất nước đang hoang mang đối phó với đại dịch do virus Vũ Hán gây ra, người dân lo lắng về một nền kinh tế vốn kiệt quệ nay đời sống càng khó khăn hơn bởi những vấn đề của cuộc sống thường ngày. Nhà cầm quyền CSVN chỉ biết bằng mọi cách bóp nặn từ xương máu người dân những đồng tiền, cắc bạc cuối cùng bằng thuế má, bằng những đợt “ra quân” kiểm tra người dân tham gia giao thông bất chấp sự rối loạn trật tự xã hội mà mỗi ngày thu về cả chục tỷ đồng từ túi người dân.

Trong khi đó, chỉ riêng một gói cứu trợ cho những người bần cùng trong xã hội được chính phủ đưa ra, thì ngay lập tức đã phát hiện hiện tượng trục lợi và bòn rút cũng như những chiêu trò mị dân, cướp đoạt của chính những cán bộ đảng viên cộng sản.

Đồng thời, các dịch vụ thiết yếu cho đời sống người dân như điện, nước được cung cấp từ những công ty độc quyền nhà nước đều rục rịch tăng giá, trong khi việc tăng tiền lương thì bị trì hoãn đã làm cho đời sống người dân đã khốn khó, lại càng khốn khó hơn.

Và điều ai cũng biết là khi xã hội càng nhiều khó khăn, sự áp bức bóc lột càng lớn thì sự phản ứng càng nhiều. Người Cộng sản hiểu rất rõ điều đó.

Trên Biển Đông, lợi dụng khi cả thế giới đang đối phó với Virus Vũ Hán nhà cầm quyền Trung Cộng đang “thừa nước đục thả câu” bằng việc tăng cường quân sự, gia tăng các biện pháp dọa dẫm, bành trướng về lãnh thổ của Tổ Quốc.

Mới đây, ngày 18/4/2020, Trung Cộng đã ngang ngược lập chính quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là "huyện đảo Tây Sa" đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, của cái gọi là "Nam Sa" đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Cả hai quần đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Một ngày sau, ngày 19/4/2020, Trung Cộng lại tiếp tục có hành động mới: Công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" của hàng chục đảo, bãi đá và thực thể địa lý trên Biển Đông. Trong số này có những điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các "danh xưng tiêu chuẩn" này bao gồm "25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông", đồng thời Trung Cộng còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng.
Trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Giới quan sát nhận định hành động của chính phủ Trung Cộng một lần nữa cho thấy họ sẽ không từ bỏ các âm mưu củng cố chủ quyền vô lý tự vẽ ra trên Biển Đông. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Cộng vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.

Hôm 17/4, Trung Cộng đã “chơi trò vừa ăn cướp vừa la làng” bằng cách đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một tài liệu cáo buộc Việt Nam "đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp".

Đối diện với đời sống xã hội, nhà cầm quyền CSVN không đưa ra được một đường lối, chính sách nào khả dĩ có thể đưa xã hội, đất nước vượt qua giai đoạn này bằng phát triển kinh tế ngoài chuyện đi vay nợ mới trả lãi cho nợ cũ. Để có tiền, thì nghĩ ra nhiều cách bóp nặn người dân.

Nhưng sẽ hết sức khó khăn, để có thể tạo ra nguồn tiền bạc khổng lồ nuôi sống bộ máy “Tứ trùng” cồng kềnh này. Ở đó, chỉ riêng bộ máy đảng, số tiền tiêu tốn đã lớn hơn hẳn số tiền tiêu cho bộ máy nhà nước.

Tất cả từ những giọt mồ hôi nước mắt của người dân, từ những đồng tiền của những người đi lao động như nô lệ ở nước ngoài và cả những cô gái bán dâm khắp tứ xử gửi về nuôi đảng và nhà nước.

Nhưng, mồ hôi rồi cũng cạn, tiền bạc nào cho đủ nuôi bộ máy đảng khổng lồ.

Với Trung Cộng và chính sách xâm lược của nó, đảng biết rõ âm mưu và những cách tiến hành cuộc xâm lược của chúng. Thế nhưng, đảng vào thế “Mở miệng mắc quai” chỉ vì đó là đàn anh, là bạn vàng, là quan thầy và là chỗ dựa cho đảng, là nơi bảo đảm cho sự tồn tại ở vị trí cai trị của đảng.

Vì thế, hoàn cảnh đã đặt đảng vào một vị thế hết sức bất lợi trước quốc dân, và khó xử với đàn anh, quan thầy của mình.

Trước tình hình đó, nhà cầm quyền CSVN bị đặt vào thế hoảng loạn. Khi mà một cái đảng độc tài “Tứ bề thọ địch” thì có nghĩa là tình thế đã đặt vào bước đường cùng.

Khi đến bước đường cùng, thì đảng phải ra tay hành động nhằm để trước hết là trấn an dân chúng bằng nhiều cách, dọa nạt, bắt bớ và cả… khủng bố.

Và điều không thể khác, là họ tiến hành những cuộc bắt bớ, đàn áp khốc liệt đối với những tiếng nói, những người dân, những công dân bất đồng chính kiến có thể cất tiếng nói có thể bóc mẽ, làm ảnh hưởng chung đến những màn trình diễn mà họ sắp biểu diễn.

Chỉ trong một tháng (Từ 23/4 đến 23/5) diễn ra liên tiếp ba vụ bắt bớ những người cầm bút tại Việt Nam gồm Nhà thơ Trần Đức Thạch, Cựu chiến binh; Phạm Thành, Cựu thư ký tòa soạn Đài Tiếng nói Việt Nam và Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập. Những sự bắt bớ dồn dập này cho thấy sự gia tăng đàn áp những tiếng nói đối lập tại Việt Nam trước những vấn đề mà đảng, nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt.

Những người này là những người hoạt động ôn hòa, hoàn toàn không ủng hộ bạo lực hoặc lật đổ. Những căn cứ để bắt bớ họ như "Lật đổ chính quyền nhân dân" hoặc là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là những sự khiên cưỡng và bịa đặt không có cơ sở trên thực tế. Bởi những điều luật và định nghĩa về hành vi phạm tội này không rõ ràng, rất dễ bị suy diễn theo ý chủ quan mỗi người khác nhau.

Rõ ràng đây là phần tiếp theo của một chiến dịch diễn ra từ mấy năm nay: Ngăn chặn mọi người dân đòi quyền tự do của mình như tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội. Tuy nhiên, người dân và những người bị bắt có sợ hãi không là câu chuyện khác. Và mục đích của nhà cầm quyền có đạt hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Chỉ nhìn thái độ của những người bị bắt vừa qua, người ta đã thấy ngay điều này: Khi một dân tộc hiên ngang bước tới nhà tù, thì đó cũng là ngày tàn của chế độ.

Và những sự bắt bớ đó, chỉ nói lên một điều: Khi sự hoảng loạn đến mức tột độ, thì dẫn đến sự cắn càn.

Ngày 25/5/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh








No comments:

Post a Comment

View My Stats