Hiếu
Chân/Người Việt
May 12, 2020
Trong cuộc chiến giành vị trí dẫn đầu trong các
lĩnh vực khoa học và công nghệ, Trung Quốc không từ thủ đoạn nào từ ăn cắp, dọa
dẫm đến mua chuộc. Càng ngày càng có nhiều giáo sư, chuyên gia của các trường đại
học Mỹ rơi vào chiếc bẫy này.
Hôm Thứ Hai, 11 Tháng Năm,
Bộ Tư Pháp Mỹ buộc tội một giáo sư của đại học University of Arkansas tội lừa đảo
vì đã nhận tiền tài trợ của chính phủ Trung Quốc mà không khai báo theo quy định.
Ông Simon Ang, 63 tuổi, bị bắt hôm Thứ Sáu tuần trước và ra tòa hôm Thứ
Hai. Ông là giám đốc Trung Tâm Điện Tử Mật Độ Cao của đại học University of
Arkansas – một cơ sở được thành lập bằng ngân quỹ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ,
chuyên nghiên cứu công nghệ sử dụng trên Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS).
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/05/BL-Gian-%C4%90iep-Trung-Quoc-Trong-Dai-Hoc.jpg
Giáo Sư Simon Ang của
đại học University of Arkansas, người bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.
(Hình: researchfrontiers.uark.edu)
Theo cáo trạng của tòa,
ông Ang làm việc và nhận tài trợ của chương trình Ngàn Tài Năng của Trung Quốc
– một chính sách tung tiền cho các nhà khoa học nước ngoài để lôi kéo họ làm việc
cho Bắc Kinh.
Ông Ang giữ bí mật việc
nhận tiền và cảnh báo một đồng sự không được tiết lộ việc ông cộng tác với
Trung Quốc để ông có thể tiếp tục được nhận tài trợ từ các cơ quan chính phủ
Hoa Kỳ, kể cả Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NASA), mà theo luật ông
không được “bắt cá hai tay” như vậy.
Cáo trạng cho biết ông
Ang nhận được hơn $5 triệu tài trợ của chính phủ Mỹ trong vòng bảy năm nhưng
không báo cáo việc ông làm cho các công ty và đại học Trung Quốc trong lĩnh vực
điện tử, vi phạm quy định của pháp luật.
Một giáo sư khác, Bác
Sĩ Xiao Jiang Li (Lý Tiểu Giang), cựu giáo sư đại học Emory University ở
Atlanta, Georgia, hôm Thứ Sáu tuần trước nhận tội man khai thuế, giấu khoản tiền
nửa triệu đô la mà ông được chương trình Ngàn Tài Năng tài trợ. Ông Lý bị kết án
một năm tù treo và phải đóng $35,089 tiền thuế.
Công tố viện cho biết,
ông Lý, 63 tuổi, tham gia chương trình Ngàn Tài Năng năm 2011 trong lúc đang giảng
dạy tại đại học Emory University, đang nghiên cứu bệnh Huntington – một chứng bại
não do di truyền, theo tài trợ của Viện Y Tế Quốc Gia Mỹ (NIH).
Tại chương trình Ngàn Tài
Năng, ông Lý làm việc cho Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc và Đại Học Tế Nam,
cũng thực hiện đề tài nghiên cứu tương tự, được lãnh ít nhất $500,000 mà không
kê khai với Sở Thuế IRS. NIH biết được việc ông này để hoạt động cộng tác với
nước ngoài ra ngoài hồ sơ xin tài trợ của viện, nên bắt đầu điều tra và dẫn tới
phiên tòa buộc tội.
Hồi đầu năm nay, Bộ Tư
Pháp buộc tội Giáo Sư Charles M. Lieber, chủ nhiệm khoa hóa học đại học
Harvard University, tội man khai về mối quan hệ tài chánh với chính phủ Trung
Quốc, giấu diếm việc tham gia vào chương trình Ngàn Tài Năng và cộng tác với Đại
Học Công Nghệ Vũ Hán.
Trong thời gian này, Bộ
Giáo Dục cũng thực hiện điều tra hai trường đại học Harvard University và Yale
Univeristy về việc không khai báo số tiền tài trợ $375 triệu của chính phủ
Trung Quốc, Nga, Iran và các nước thù địch khác.
Năm ngoái, FBI bắt giữ một
nhà nghiên cứu Trung Quốc tên là Zaosong Zheng (Trịnh Tại Tùng). Ông này
đến Mỹ theo bảo lãnh của đại học Harvard, University, nhưng bị bắt vì đánh cắp
các tế bào ung thư đang nghiên cứu ở Mỹ mang về Trung Quốc.
Những trường hợp kể trên cho thấy, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng
trong giới đại học và nghiên cứu để thu thập những thành quả khoa học mới, “đi
tắt đón đầu,” mà không cần đầu tư nghiên cứu. Trong cuộc đối đầu đa diện với Trung Quốc, chính quyền Donald Trump
đang nỗ lực tìm cách loại bỏ các “chân rết” như vậy của Bắc Kinh cài cắm trong
mọi lĩnh vực đời sống Mỹ, từ kinh tế, truyền thông đến nghiên cứu, giáo dục.
Xưa nay, nhiều người Mỹ vẫn
nghĩ rằng, giáo dục đại học là một cõi riêng, “tự trị,” không liên quan tới
kinh doanh hoặc quốc phòng. Nhưng những vụ điều tra của Bộ Tư Pháp cho thấy một
bức tranh hoàn toàn khác.
Trung Quốc đã bí mật tuyển
mộ các giáo sư – những người có quyền tiếp cận trực tiếp các thông tin khoa học,
các thành quả nghiên cứu mới nhất có được từ nguồn tài trợ của chính phủ Mỹ và
sẽ biến thành tài sản trí tuệ khi được đưa vào sản xuất, thương mại hoặc công
nghiệp quốc phòng, làm việc cho họ.
Đáng chú ý là Trung Quốc
nhắm tới các nhà khoa học đã được “kiểm tra lý lịch” (security clearance), tức
là được tin cậy, có quyền tiếp cận các thông tin khoa học thuộc loại bí mật quốc
gia, lôi kéo họ làm việc với mình. Các giáo sư, nhà nghiên cứu gốc Trung Hoa được
đặc biệt chú ý, nếu từ chối làm gián điệp thì thân nhân, gia đình họ ở Trung Quốc
có thể gặp nguy hiểm.
Song song với các thủ đoạn
thông thường như xâm nhập mạng để ăn cắp dữ liệu (cybertheft), đầu tư mở các Viện
Khổng Tử trong các đại học nước ngoài, lợi dụng các chương trình hợp tác giữa
các cơ quan nghiên cứu Mỹ-Trung, Bắc Kinh ngày càng sử dụng thủ đoạn mua chuộc,
biến các nhà khoa học thành “điệp viên” trong guồng máy tình báo, thu thập
thông tin cho họ.
Thời gian gần đây, dịch
cúm Vũ Hán hoành hành khắp thế giới, thúc đẩy một cuộc đua nước rút trong giới
khoa học để nghiên cứu và bào chế vaccine trị bệnh. Để vượt lên dẫn đầu cuộc
đua, Trung Quốc “sử dụng những tin tặc tài giỏi nhất, những điệp viên dày dạn
nhất vào việc đánh cắp thành quả nghiên cứu của Mỹ,” FBI và Bộ Nội An cảnh báo.
Trung Quốc “đang tìm những tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế công cộng có giá trị
liên quan tới vaccine, điều trị và xét nghiệm coronavirus thông qua các phương
tiện bất hợp pháp,” thông báo của FBI cho biết.
Để ứng phó, FBI và Bộ Nội
An gần đây rà soát các trường đại học và viện nghiên cứu, truy tìm những nhà
khoa học thực tế là người cộng tác thu thập thông tin cho Trung Quốc. Tuy
nhiên, nỗ lực này đang vấp phải sự phản đối của giới lãnh đạo đại học và các hội
sinh viên. Nhiều người cho rằng biện pháp của các cơ quan an ninh Mỹ là hoang
tưởng và so sánh nó với thời kỳ Nỗi Kinh Hoàng Đỏ (Red Scare) mở đầu thời Chiến
Tranh Lạnh trong thập niên 1950. Vài người lên án chính phủ vi phạm tự do học
thuật, hạn chế sự hợp tác giữa các nhà khoa học quốc tế để cùng tìm ra những điều
tốt cho nhân loại.
Tuy nhiên, bài học lịch sử
cho thấy, với một đối thủ thâm độc và tráo trở như Trung Quốc, đề cao cảnh giác
không bao giờ là thừa. Lãnh đạo Trung Quốc thuộc nằm lòng câu nói của đại gian
hùng Tào Tháo trong Tam Quốc Chí: “Thà mình phụ người ta chứ đừng để người ta
phụ mình.”
Đừng để đến lúc bị Trung
Quốc “phụ” rồi mới rút kinh nghiệm và lo ứng phó thì e rằng đã muộn! (đ.d.)
No comments:
Post a Comment