Marc
Fisher, Abigail Hauslohner, Hannah Natanson, Lori Rozsa
Dịch giả: T.Vấn
05/05/2020
Tháng
Tư chết chóc. Thây người xếp lớp. Xác những ông già bà cả (những người cha người mẹ)
được bỏ vào từng túi nhựa, rồi chuyển đến thùng lạnh trên những chiếc xe tải đậu
ở giữa sân bệnh viện. Những người ấy từ bỏ cõi đời này không kịp (và không được
có dịp) nói lời từ giã, không được nhìn thấy lần cuối cùng ánh mắt yêu thương
(của người thân), không được một nắm tay quyến luyến.
Tháng
Tư hy vọng. Cơn cuồng điên của cuộc tụ hội những năng lực đầy khát vọng của các
nhà khoa học, các bác sĩ, các y tá trong nỗ lực đi tìm những ngõ ngách dẫn đến
hy vọng. Người không có khả năng chuyên môn thì xắn tay đeo vào đôi găng, cột
chặt khẩu trang, lòng thầm khấn nguyện rằng sự giúp đỡ của mình cho một ai đó
chưa từng gặp mặt trong đời sẽ không dẫn đến kết cuộc tàn khốc của riêng chính
mình.
Tháng
Tư độc ác. Đã từng có những năm tháng tệ hơn như thế trong lịch sử nhân lọai,
nhưng quả thật không có nhiều. Năm 1942, trung bình có khoảng 446 ngàn người chết
mỗi tháng từ tháng 8 cho đến tháng 10 trong cuộc tàn sát hủy diệt người Do Thái
của Đức Quốc Xã. Ở Hoa Kỳ, tháng 10 năm 1918 là tháng chết người nhiều nhất, với
200 ngàn nạn nhân của trận cúm thế kỷ.
Xem ra, con virus hiện nay quả là một tay
đao phủ nhanh tay lẹ chân. Trong chiến tranh Việt Nam, 58.209 chiến binh Mỹ tử
trận trong suốt chiều dài 15 năm từ năm 1960 đến 1975 khi cuộc chiến chấm dứt.
Còn trong trận chiến đại dịch này, chỉ riêng tháng Tư đã có 58.760 người Mỹ bỏ
mạng. Cả hai cuộc khủng hoảng đều tìm cách làm rộng thêm những vết rạn nứt hiện
hữu, làm trầm trọng thêm những phân cách xã hội chính trị của nước Mỹ. Nhưng sự
so sánh phải dừng lại ở đây, nếu không sẽ khập khiễng. Trong cuộc chiến hiện
nay, chúng ta không có súng to đạn lớn, không có phòng tuyến cố thủ. Tất cả những
gì chúng ta có thể làm trong lúc này là ẩn nấp và tìm cách giảm thiểu mọi thiệt
hại.
Con virus làm thay đổi tận gốc
rễ nước Mỹ trong tháng Tư là một tên sát nhân vô hình và xảo quyệt, nó không nhắm
vào hẳn một người nào đó nhưng cùng lúc, nó nhắm vào tất cả mọi người. Con Covid-19 có sức mạnh gây nên những cơn
đau không chịu đựng nổi, khiến cơ thể chúng ta quay lại chống chính chúng ta,
tước đi của chúng ta thứ mà bấy lâu nay chúng ta mặc nhiên thụ hưởng nhiều nhất,
đó là không khí chúng ta thở. Nó cũng thiêu hủy công ăn việc làm, tiền bạc, thực
phẩm.
Và cả những cử chỉ đơn giản nhất của con người:
Nụ cuời giờ đã bị che khuất bởi miếng vải che mặt, ánh nhìn trao nhau không còn
gởi đến nhau được nữa vì chúng ta bị buộc phải ai ở nhà nấy, cái bắt tay giờ chỉ
còn là cho nhau sự nguy hiểm.
Đến cuối tháng Tư, mỗi ngày có hơn hai ngàn
người Mỹ thiệt mạng vì dịch. Số người mắc bệnh đã vượt con số hơn 1 triệu – có
nghĩa là, cứ 325 người Mỹ thì có một người xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Tháng Tư tuyệt vọng
Tháng Tư làm người ta
phát điên lên vì những hình ảnh không rõ nét của những bệnh viện, của những giường
bệnh tạm thời kê ở trên hành lang, giữa lối đi, trong các phòng chứa đồ đạc, của
những ngày, những giờ không hình dạng của các y tá đang tìm cách xoa dịu, trấn
an những bệnh nhân thoi thóp với sự sống.
Sau một ngày làm việc 12 tiếng, chăm sóc người
bệnh mà không biết liệu có cứu nổi được mạng sống của họ hay không, các bác sĩ
đã cố tìm ra vài khoảng khắc trao đổi với nhau qua mạng xã hội, nói cho nhau
nghe những gì họ đã thấy, biết và đã thử làm với các bệnh nhân của mình. Họ hy
vọng, bằng cách nào đó qua những điều tai nghe, mắt thấy, tay làm, họ sẽ cùng
nhau tìm ra được một điều gì hữu ích cho việc chữa trị.
Kathleen Kelly, một y sĩ
trực phòng cấp cứu của Reston Hospital Center ở Bắc Virginia, kể: “Không có
bất cứ một sự đồng thuận nào về việc phải làm cái gì, như thế nào. Bởi vì đây
là một tình hình chưa có ai từng được chứng kiến trước đó”.
Kathleen Kelly, bác sĩ trực phòng cấp cứu bệnh viện
Reston Hospital Center (VA) đứng bên ngoài nhà mình ở Alexandria, VA. Ảnh: The
Washington Post
Để bệnh nhân nằm sấp xuống, cho thở bằng
bình oxy, thử cái này, thử cái nọ, bất cứ cách nào miễn giúp bệnh nhân thở được.
Người bệnh vào bệnh viện thường bị khó thở rất trầm trọng, các y tá đều có thể
nghe được âm thanh khò khè ngay khi họ còn ở cửa phòng cấp cứu.
Không còn công việc thường nhật là tạt bước
vào thăm sức khỏe bệnh nhân. Bây giờ tất cả đều là sự thử thách, một tiến trình
chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ để giúp người chăm sóc bệnh nhân tự bảo vệ chính
mình.
Phải cần đến 5 cặp găng tay để có thể an
toàn cởi bỏ bộ trang phục bảo hộ (khẩu trang, mặt nạ bao mặt, găng tay, quần áo
và giày): Chùi, tẩy sạch chỗ thay quần áo, tháo găng tay, bỏ chúng vào túi giấy,
đeo vào một cặp găng tay khác, lau tẩy sạch chỗ vừa làm, rồi lại lặp lại tiến
trình vừa nói. Phải mất 5 phút để chuẩn bị cho mỗi lần bước vào giường bệnh
nhân.
Kelly kể tiếp: “Nhưng ở trong đó, bệnh
nhân đang cần đến bác sĩ, y tá ngay lập tức. Trước đây, chúng tôi thường tìm gặp
bạn đồng sự để hỏi ý kiến, nhưng bây giờ thì chẳng còn ai có thể chạy đi hỏi ý
kiến ai nữa”.
Có quá nhiều câu hỏi, lại quá ít câu trả lời.
Chẳng hạn: Những bệnh nhân khác đâu rồi? Những người bị bệnh tim, bị phỏng, bị
tai nạn xe cộ? (Ồ! tai nạn xe thì làm sao xảy ra được nữa, có còn ai lái xe nữa
đâu!). Chẳng hạn, có phải người ta bị bệnh thì cũng cố ở nhà, không dám đến bệnh
viện vì sợ lây nhiễm? Ngay đến những bác sĩ chuyên khoa chăm sóc trẻ sơ sinh
cũng đang tự hỏi: Ủa, họ sinh con ở đâu vậy?
Khi người ta đến bệnh viện, tình trạng sức
khỏe phải là tồi tệ lắm.
Kelly, 63 tuổi, khởi sự nghề nghiệp của mình
từ hồi mới có đợt tấn công đầu tiên của HIV, kể tiếp:
“Bệnh tim mà đến cấp cứu quá trễ. Hậu quả
là hệ thống tim mạch bị thiệt hại trầm trọng. Không dám đến bệnh viện vì sợ bị
lây nhiễm, đành rồi, nhưng để đến nông nỗi này thì trước nay chưa từng có. Bệnh
lây nhiễm này quả đáng sợ, đến độ chúng tôi không thể hiểu nổi. Kể cả sau này
khi trận dịch đi qua, tôi cũng không quả quyết là mình sẽ hiểu được những gì xảy
ra hôm nay”.
Đói Không Khí
Tháng Tư là những cuộc truy lùng đáng sợ cho
không khí, thứ cần thiết cơ bản cho sự sống con người.
Shani Evans, 50 tuổi, tưởng rằng chỉ là những
triệu chứng của thời kỳ mình bước vào tuổi mãn kinh. Nóng, lạnh bất thường. Thế
rồi, hai ngày sau, cổ đau rát, đầu nhức, và những cơn ho khan khô khốc. Cái gì
đây?
Bà đang chờ để được phỏng vấn công việc làm
mới – Shani đang muốn đổi công việc từ một cửa hàng Lowe’s này sang cửa hàng
khác cùng công ty, nơi bà sẽ đảm nhiệm công việc trực thuộc Lawn & Garden
Department – Viên bác sĩ vừa khám bệnh qua đường điện thọai, bảo, có lẽ bà bị dị
ứng vì thời tiết.
Mọi việc trở nên tồi tệ hơn thấy rõ. Các triệu
chứng dồn dập, thêm ói mửa, sốt cao lẫn lộn. Shani gọi vào hãng xin nghỉ ốm và
lái xe từ nhà ở Harpers Ferry, tiểu bang West Virginia, đến một bệnh viện cấp cứu
khẩn ở Charles Town cách nhà 15 dặm đường. Ở đây, người ta bảo bà không đủ tiêu
chuẩn để được xét nghiệm Covid-19. Người ta trao cho toa thuốc ho rồi bảo Shani
về nhà nghỉ.
Thế rồi, con virus quái ác tước mất của
Shani hơi thở. Bà than thở: “Chưa bao giờ trong đời tôi cảm thấy mình bệnh nặng
đến như thế!”
13 ngày ròng rã chịu đựng khổ sở, người bạn
thân của Shani, Ronald Grey, đưa bà đi cấp cứu ở phòng cấp cứu bệnh viện
Jefferson Medical Center. Lúc ấy, Shani đang phải hớp từng ngụm hơi thở.
Tháng 4/2020,
Covid-19 lấy đi mạng sống con người nhiều hơn bất cứ nguyên nhân nào khác trong
một tháng Tư điển hình của lịch sử. Ảnh: Washington Post
Y tá trực bệnh viện bảo Shani phải quay trở
lại phòng khám khẩn ở Charles Town. Trong lúc ngồi ngoài bãi đậu xe, Ronald
Grey gọi điện thoại cho phòng khám khẩn, chỉ nhận được câu trả lời, “rất tiếc,
không thể giúp được gì”.
Grey lại quay vào bệnh viện. Người ta đưa
cho ông tờ giấy có ghi số điện thoại của Trung Tâm Phòng Chống Bệnh Dịch Tễ. Có
ai đó bên kia đầu dây trả lời rằng, Shani không đủ điều kiện để được xét nghiệm
Covid-19.
Trong lần thứ ba đến bệnh viện, một y tá ở
đó cho rằng, Shani cần phải được giúp ngay và vội chạy đi tìm một chiếc xe lăn.
Pete Paganussi, viên bác sĩ trực phòng cấp cứu,
chẩn bệnh cho Shani. Bà kể: “Ông ta thật tử tế. Chăm sóc cho tôi hàng giờ
liên tiếp”.
Viên bác sĩ giải thích rằng, điều tốt nhất
ông ta có thể làm cho Shani là luồn ống thở vào phổi Shani để giúp bà thở dễ
dàng, tức là sử dụng máy trợ thở (ventilator).
Pete kể lại: “Khi nghe
tôi nói như vậy, bà ấy vùng dậy và bỏ chạy đi”.
Shani giải thích tại sao mình từ chối cách
điều trị ấy, vì: “Tôi là một con người mạnh mẽ, có thể gọi là cứng đầu nữa.
Tôi sợ phải đeo máy thở vì tôi không muốn bị mất khả năng kiểm soát hơi thở của
mình. Tôi muốn hai lá phổi của mình họat động”. (Trong một nghiên cứu về
các bệnh nhân Covid-19 ở New York, người ta tìm thấy chi tiết 88% những bệnh
nhân sử dụng máy trợ thở bị tử vong).
Shani về nhà. Từng giờ, từng giờ chậm chạp
trôi. Bà uống trà, thỉnh thoảng dùng ống thở (inhaler). Bà làm bất cứ việc gì để
tránh nằm xuống, bởi vì đó là lúc những cơn ho xảy ra bất tận. Bà hút bụi nhà,
lau chùi đồ đạc, bất cứ việc gì để giữ cho mình họat động, giữ cho phổi họat động.
Bình thường ít khi bị tâm lý bất ổn, nhưng bây giờ thì nỗi sợ vượt quá sự tưởng
tượng của Shani. Thời gian cứ như ảo ảnh khi mờ khi tỏ. Trong 7 ngày liên tiếp,
Shani ít khi chợp mắt, mỗi khi vừa thiếp đi thì lại bị những cơn ho đánh thức.
Bà nhớ lại. “Tôi như kẻ mất hồn. Cảm giác
thật hết sức kỳ lạ, quái gở!”.
Bà cố thử xem truyền
hình. Trên cùng một màn hình, Shani bật CNN, FOX và MSNBC. Ôi! không tin được
những gì tai nghe, mắt nhìn.
“Mỗi người nói một đằng, giải thích một nẻo,
không ai giống ai. Tôi chẳng biết mình phải nghe ai, tin ai. FOX thì nói chẳng
có gì ghê gớm. CNN bảo tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng. Ai đúng, ai sai
bây giờ”.
Trong khi đó, bác sĩ Paganussi từ bệnh viện
tiếp tục tìm cách gọi điện thoại cho Shani, để lại lời nhắn. Vẫn không có trả lời.
Ông lo sợ. “Hay bà ấy đã chết rồi!”
Ngày thứ ba từ hôm bỏ bệnh viện về, việc thở
đã tạm dễ dàng, Shani gọi lại cho bác sĩ Paganussi. Bà bảo mình đã tương đối ổn.
“Suốt cả một tháng trường. Dài đăng đẳng!”
Cơn bệnh tạm qua. Những cơn ho thưa dần, rối
dứt hẳn. Nhưng cảm giác lo sợ vẫn còn dai dẳng, kể cả khi hãng bằng lòng trả
lương cho Shani trong suốt thời gian nằm bệnh, tự cô lập tại nhà. Người bạn
thân, Ronald Grey, vẫn khỏe mạnh. Shani đi làm trở lại.
“Nhưng, về tâm lý, tôi
đã thay đổi hoàn toàn. Tôi không biết làm sao và khi nào tôi có thể quay trở lại
những nơi chốn tôi thường lui tới nữa”.
Bác sĩ của Shani cũng có đồng tâm trạng như
bà. Paganussi cho biết. “Tôi hành nghề bác sĩ từ năm 1985. Chưa bao giờ tôi
lo sợ khi bước chân vào một phòng bệnh nhân. Thế mà! Con virus này đã làm tôi
hoảng thật sự!”
Trước mỗi ca trực, bác sĩ Paganussi đều đọc
một đoạn của Thánh Vịnh 91 cho các y tá cùng làm việc với mình. “Các người sẽ
không phải sợ hãi sự khủng khiếp của đêm tối, không phải sợ hãi những mũi tên
bay trong ban ngày, ngay cả những dịch bệnh săn đuổi các ngươi trong bóng tối,
tìm cách tiêu diệt các ngươi giữa ban ngày. Hàng ngàn kẻ có thể sẽ ngã gục bên
cạnh các ngươi, hàng chục ngàn sẽ chết dưới tay phải các ngươi, nhưng nó sẽ
không bao giờ đến được gần các ngươi”.
Khi Paganussi dứt lời, các y tá vỗ tay hoan
hô.
Im lặng và rùng rợn
Tháng Tư bất
động. Những sân trường lặng lẽ,
xa lộ hoang vu, tiệm quán im ỉm, các văn phòng không một bóng người. Bên ngoài
những căn nhà, người ta bị bó rọ – khẩu trang che kín, tay phủ găng, tâm tư sợ
hãi về một thứ virus lây nhiễm gây tác hại khôn lường.
Cảnh hoang vắng tại
một phi trường ở Mỹ. Nguồn: USA Today
Ngay cả cái chết có vẻ như bất động hơn bình
thường. Không có những nghẹn ngào chia tay bên giường bệnh, không có những vòng
tay ôm cuối cùng, không có những cái đầu chụm vào nhau cùng chia sẻ một nỗi đau
mất mát người thân.
Từ nhà ở khu vực Boston, Shannon, Jean và
Kellie Lynch chỉ có thể nghe qua điện thoại tiếng máy theo dõi bệnh tình của mẹ
trong căn phòng bệnh viện Villages Regional Hospital ở Floria kêu bíp bíp. Viên
y tá trực trong phòng kê chiếc điện thoại sát ngay bên gối của bà mẹ để bà có
thể nghe được các con nói chuyện.
Kellie, 59 tuổi, người con gái lớn nhất của
bà Carol Lynch, bảo mẹ: “Chúng con thương mẹ lắm, mẹ ơi! Nếu bây giờ mà mẹ cảm
thấy quá sức chịu đựng, không thể cầm cự thêm được nữa, mẹ cứ thanh thản buông
xuôi đi nghe mẹ!”
Và rồi, Kellie nói tiếp: “Bỗng nhiên, tiếng
bíp bíp ngưng hẳn”. Carol Lynch hưởng thọ 84 tuổi khi bà nhắm mắt ra đi vì
Covid-19. Bà về cõi một mình. Đó không phải là cách mà những người trong gia
đình Lynch ra khỏi đời này.
Jean, người con gái giữa, 56 tuổi nói. “Trong
gia đình chúng tôi, mọi người đều ở bên cạnh khi có người thân chuẩn bị ra đi”.
Năm 1999, khi người cha của họ, James Lynch
chết vì tai biến mạch máu não, tất cả các con có mặt ở nhà, bên cạnh bố.
Jean, một người hành nghề địa ốc ở
Chelmsford, Mass., nói tiếp. “Chính tay tôi tiêm cho ông liều thuốc mọoc
phin cuối cùng”.
Khi người em gái thứ tư trong gia đình,
Susan, chết vì ung thư máu năm mới 23 tuổi, cha mẹ và chị em họ đều hiện diện
ngay bên cạnh.
Giờ thì người mẹ đã ra đi.
Jean lặng lẽ hỏi. “Mình có thể tưởng tượng
được là mình nằm đó, chờ chết, vây quanh bởi những người đeo khẩu trang kín mặt,
không biết họ là ai?”
Carol Lynch (thứ
hai, từ trái) và các con gái: (Từ trái) Kellie, Shannon và Jean, mừng sinh nhật
của Shannon năm 2018. Ảnh: Gia đình Lynch
Bà mẹ của họ thỉnh thoảng bị chứng viêm phế
quản hành, nhưng ngoài điều đó ra, nói chung bà vẫn khỏe mạnh. Khi bị dính con
virus, bà cứ tưởng đó là chứng bệnh viêm thông thường cũ. Các con khuyên bà nên
đi khám bác sĩ, được bác sĩ bảo: “Chỉ một chút xíu sưng phổi thôi mà!”.
Bà cụ muốn làm các việc chuẩn bị cho lần kỷ
niệm sinh nhật sắp tới của mình. Các con bà nghe được, khuyên bà nên hủy bỏ ý định
ấy đi vì hiện đang có đại dịch.
Kellie cho biết. “Mấy cụ biết được tin tức
là qua đài truyền hình FOX dưới đó. Hễ Trump nói gì thì họ đều tin là đúng cả.
Bà cụ bảo bà có rất nhiều thứ phải mua cho bữa tiệc sinh nhật. Tôi nói: Không,
mẹ sẽ không mua gì hết. Mẹ tôi càu nhàu, than vãn, nhưng rồi thì bà cụ cũng đã
hủy bỏ ý định làm tiệc sinh nhật cho mình”.
Sự suy sụp của bà cụ đến thật nhanh không kịp
trở tay. Một bữa, bà tự gây nên phiền nhiễu cho mình. Bà nấu món thịt bò hầm với
thịt viên đãi bạn bè. Ngày hôm sau, bà sốt cao đến mê sảng.
Kellie – hiện sở hữu một phòng tập thể dục ở
Cohasset, Mass, nơi người em nhỏ nhất của mình cũng đang làm việc – vội bay đi
Florida để đưa bà mẹ về nhà. Nhưng khi đến nơi, bệnh viện đã không cho Kellie
được vào phòng thăm mẹ.
Sau khi Carol Lynch chết vài ngày, Kellie nhận
được cái hũ đựng tro cốt của mẹ.
Kellie kể. “Tôi cứ di chuyển cái thùng đựng
hũ cốt lòng vòng quanh nhà. Cuối cùng, mấy đứa con gái của tôi nhắc: Mẹ, mình
phải mở cái thùng ấy ra chứ! Khi chúng mở được cái thùng giấy, nhìn hũ tro cốt
của mẹ, tôi cảm thấy toàn thân mình run rẩy”.
Kellie đặt hũ tro ở phòng khách, bên cạnh tấm
hình của người đã khuất.
Sẽ không thể có gia đình tụ họp lại. Shannon
hồi tưởng. “Không có tang lễ rình rang, không có canh thức bên quan tài,
không nghi thức tiễn biệt. Khi có nhiều người chung quanh cùng tưởng nhớ người
chết, mình sẽ có thể nói được nhiều điều, sẽ có thể thoải mái biểu lộ nỗi đau,
sẽ có thể khóc đến khô cả mắt”.
Mấy người con gái của bà cụ hy vọng sẽ thu xếp
được một tang lễ nho nhỏ trong gia đình vào khoảng tháng 5, và kể cả một buổi
tưởng nhớ về cuộc đời của Carol Lynch vào tháng 6 ở Florida.
Jean kể lại, cô đã “khóc lóc thảm thiết đến
độ cảm thấy mình bị đau vì khóc. Thậm chí tôi không thể có được một ý nghĩ nào
trong đầu. Một điều như thể tôi đã bị lệch lạc thế nào ấy! Lúc nào tôi cũng
mang một cảm giác nặng nề, khó thở. Tôi chia sẻ với một người bạn. Cô ấy bảo,
‘đó chính là sự đau khổ’!”.
Một trận mưa “đấm”
Tháng Tư
mang theo những cú đấm liên tục, hết cú này đến cú khác. Một trận đòn đánh gục
nhiều gia đình, rồi lại bồi thêm nhiều cú đấm khác.
Miguel và Maria Hernandez là một cặp vợ chồng
chưa bao giờ tách rời nhau. Tình yêu của họ đến muộn – gặp nhau trong một khu
mua sắm khi cả hai đã bước vào tuổi 40s. Cùng sống sót qua cuộc nội chiến ở El
Salvador, cùng dắt tay nhau định cư nơi xứ sở mới, và sau đó là những năm tháng
khốn khổ vì bệnh tật.
Họ định cư tại thành phố Elizabeth, tiểu
bang New Jersey, nơi họ lập nghiệp, nuôi dưỡng con trai. Hiếm khi nào người ta
thấy cặp đôi, Miguel, 77 tuổi, Maria, 80 tuổi, không ở bên cạnh nhau.
Jose, đứa con trai của hai người, hồi tưởng:
“Nếu người ta thấy một trong hai người một mình, thế nào họ cũng sẽ hỏi ‘thế
chồng của bà đâu?’ hay ‘vợ của ông đâu?’ Lúc nào họ cũng quấn quýt bên nhau”.
Trong căn nhà chung, Miguel và Maria sống với
nhau trên lầu. Còn con trai họ, Jose, nay đã có gia đình, sống với vợ và một
con trai tầng dưới.
Mấy năm gần đây, Miguel vật lộn với chứng
ung thư nhiếp hộ tuyến, rồi lại tới bệnh tim. Trong người ông có gắn một cái
máy trợ tim (pacemaker). Đã hai lần ông phải đi cấp cứu vì hỗn loạn tim mạch.
Trận đại dịch xảy đến, cả gia đình đều luôn
cẩn thận đề phòng. Nhưng, đến cuối tháng 3, Miguel đổ bệnh. Là một người thường
xuyên đạp xe đạp nhiều năm, Miguel không còn thiết gì đến ăn uống, vất vả leo
lên thang lầu, đi đứng lảo đảo. Mỗi ngày ông trở nên lẫn lộn, cơ thể khô kiệt.
Đầu tháng 4, Jose, Maria và Miguel ụp khẩu
trang lên mặt, đưa nhau đến bệnh viện.
Ngay lúc Miguel đang được
các bác sĩ khám nghiệm, Maria – vốn bị bệnh suyễn từ lâu, bắt đầu ho. Cả hai đều
được xét nghiệm và kết quả là dương tính cho cả hai. Từ đó, Jose phải đưa bố mẹ
đi đi về về bệnh viện và nhà.
Với Maria phải nằm viện và Miguel được điều
trị ở nhà, Jose như con thoi qua lại giữa niềm hy vọng và sự lo lắng, giữa những
trách nhiệm với cha ở trên lầu và với vợ, Kimberly, con trai 5 tuổi Marius, ở lầu
dưới. Jose phải đeo khẩu trang, thay quần áo khác sau mỗi lần phục vụ cho cha.
Miguel và Maria
Hernandez với cháu nội, Marius. Ảnh: Gia đình Hernandez
Miguel rất khó ngủ. Ông đánh vật với không
khí để thở. Jose kể: “Cha tôi nhắm mắt, có vẻ như ngủ, nhưng hơi thở có vẻ kỳ
lạ. Rồi ông lại mở mắt, ánh nhìn thất thần”.
Jose gọi xe cứu thương. Các nhân viên cấp cứu
xuất hiện trước cửa nhà với trang phục của những người được gọi đến để giải quyết
một trường hợp nhà máy hóa chất bị rò rỉ.
Đến bệnh viện, người ta gắn
cho Miguel một cái máy trợ thở. Ba ngày sau, ông qua đời trong giấc ngủ.
Jose không dám cho Maria biết tin này. Anh
biết rằng nó sẽ đánh gục mẹ mình.
Rồi Jose nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ
bệnh viện. Các bác sĩ ở đó đang sửa soạn gắn máy trợ thở cho Maria. Họ muốn biết
nơi nào trên ngực bà họ có thể thao tác các động tác cấp cứu cần thiết nếu tim
ngưng đập bất ngờ. Bởi vì thao tác CPR trên cơ thể một người già 80 tuổi thì đầy
rủi ro, có thể làm gẫy xương sườn và gây hại khôn lường.
Jose nhớ đến lời mẹ dặn mình nhiều năm trước
lúc bà ngọai qua đời: “Mẹ không muốn người ta cố giữ cho mẹ sống trong khi
thật sự mẹ không thể sống được nữa”.
Lúc này đây, Jose bảo các bác sĩ: không cần
phải làm gì nữa nếu tim ngừng đập.
Như vậy đó, bố mẹ của Jose ra đi. Lấy nhau
37 năm, chết cách nhau 3 ngày.
Ngoài nỗi đau mất cha, mất mẹ, Jose còn phải
đối đầu với chi phí cho việc ma chay của hai người, cả thảy $12.450 cho 2 miếng
đất, 2 quan tài, và 2 thủ tục ma chay khác nhau.
Cả đời mình, Jose làm lụng vất vả với công
việc bảo trì cho một nhà kho. Còn thêm một công việc toàn thời gian giữ an ninh
cho một tiệm bán thực phẩm. Tuy vậy, Jose vẫn chưa biết phải tìm ở đâu ra món
tiền nói trên.
Bà dì của Jose – em gái Miguel – cùng với
các con thiết lập một trang GOFUNDME, quyên góp tiền giúp cho Jose. Họ đưa lên
mạng bức hình một ông già chơi đàn guitar cùng với ban nhạc Mariachi, yêu thích
kể chuyện, yêu thích chơi bài checker.
Khoảng 500 người đã gởi tiền đóng góp – $10
chỗ này, $100 chỗ kia.
Có người còn kèm theo vài chữ. “Không một
ai đáng phải chịu đựng việc lo lắng những phí tổn ma chay trong lúc đang phải nặng
trĩu nỗi buồn mất mát người thân”.
Jose sẽ phải từ từ việc tổ chức ma chay.
Trong căn nhà giờ chỉ còn một nửa nhân số, anh và vợ Kimberly đang lục lọi tìm
một cuốn phim họat hình nhằm giúp giải thích cái chết bất ngờ của ông bà nội
cho đứa con trai 5 tuổi. Cuốn phim duy nhất hiện ra trong đầu họ là cuốn “The
Lion King” có chi tiết con sư tử cha bị giết. Nhưng có vẻ như sự lựa chọn chỉ là
gượng ép.
Jose và Kimberly đành dẹp bỏ ý định kể cho
con trai nghe về cái chết của ông bà nội mà nó vẫn gặp hàng ngày, vẫn thường
chơi chung và xem phim họat họa chung với nhau. Nhưng sớm muộn gì thì nó cũng sẽ
hỏi ông nội bà nội đâu rồi? Ông bà đã đỡ bệnh chưa?
Ngập sâu trong khủng hoảng
Tháng
Tư mất mát hư hao.
Việc làm bốc hơi đâu mất. Tài khoản ngân
hàng cạn kiệt dần dần. Các tiệm bán rượu bia nhìn thấy doanh số tăng vọt, cũng
như các nhà thuốc tây mỏi tay pha chế các toa thuốc an thần và đường dây nóng gọi
cấp cứu tự tử luôn bận rộn. Những quầy thực phẩm trống trơn bỗng trở thành quen
thuộc nơi một xứ sở vốn dĩ tự hào mình lúc nào cũng luôn luôn đầy ắp đủ thứ.
Ở vùng thung lũng California, được gọi tên
dĩa rau trộn của đất nước (nation’s salad bowl), Yiling Cui đặt cho trang trại
của mình cái tên là Khu Vuờn Vĩnh Cửu. Trong hai thập niên qua, cái tên có vẻ
như đã được đặt một cách không thể thích hợp hơn. Bà trồng các loại củ cải Pháp
nhỏ nhắn, dành cho bữa ăn điểm tâm, những bụi xả, cộng thêm 6 loại rau thơm
khác nhau cho những nhà hàng cao cấp của thành phố San Francisco.
Nông dân Yiling Cui đang chuẩn bị rau trồng ở nhà
đem bán hôm 16 tháng 4. Ảnh: Melina Mara/ Washington Post
Như rất nhiều nhà kinh doanh nhỏ khắp nơi
trên đất nước, Cui cảm nhận được dấu ấn của lệnh yêu cầu mọi người ở nguyên
trong nhà hầu như chỉ trong một đêm ngắn ngủi. Với các nhà hàng tạm đóng cửa,
55 khách hàng của Cui bỗng nhiên biến mất. Đứng trước 5 mẫu đất trồng rau, bà
không biết phải làm gì với chúng.
Bà chuyển sang trồng các thứ rau có thể phục
vụ cho những người láng giềng của mình. Sau khi nhổ sạch các thứ cây đặc sản,
bà bắt đầu gieo những thứ cây trái người ta hay mua để nấu nướng ở nhà: Cà rốt,
hành lá, đậu ve.
Cui, 67 tuổi, rao hàng trên Facebook, đến tận
nơi những cửa hàng rau trái địa phương. Hàng xóm hoan hỉ mua rau đậu của Cui –
họ lái xe đến trại, bấm nút mở bửng xe, và Cui đặt vào đó thùng thực phẩm. Tuy
vậy, thu nhập trong việc bán rau đậu quá khiêm tốn so với trước đây bà bán rau
thơm cho các nhà hàng.
Bà không có việc gì để làm cho hai người phụ
việc theo mùa của mình. Giờ chỉ Cui và người cùng hợp tác phụ nhau làm các công
việc đồng áng nặng nhọc, mà lại là việc chẳng vui thú gì: Họ đào vất đi những
thứ trước đây nằm trên các dĩa thức ăn trị giá mỗi dĩa $30 trong những nhà hàng
sang trọng vùng Vịnh.
Cui triết lý: “Việc của ngày mai chỉ có
thể nghĩ đến được vào tối hôm nay. Tôi vẫn cứ phải cố gắng, đến đâu hay đến đó.
Ít nhất, mình có thể ăn được những gì mình trồng”.
***
Trong căn nhà của gia đình Andrea Osorio ở
thành phố San Antonio, tiểu bang Texas, chủ nhà đang ươm hột giống trồng đậu,
cà chua và bí đao ở trước nhà; còn phía sau vườn thì dành để xây chuồng nuôi
gà.
Như thế vẫn chưa đủ. Sau khi đã trừng phạt
các con về tội đã ăn mất hơn hai quả trứng, sau khi đã tính toán xem các khoản
nợ nần, và sau khi đã cho gia đình ăn cùng một món đậu liên tiếp trong 5 ngày,
Andrea lui về một góc phòng để ngồi … khóc.
Nỗi hoảng sợ cứ mỗi ngày thắt chặt thêm với
tháng Tư qua đi mà vẫn chưa tìm được việc làm, chưa tìm ra được cách nào để đem
thực phẩm về nhà. Đêm nay, Andrea hầu như không thể thở được.
Hơn 20 triệu người nạp đơn xin trợ cấp thất
nghiêp
Trước cơn đại dịch, Andrea không phải bận
tâm kiểm soát việc ăn uống trong nhà. Dù không có giấy tờ cư trú hợp pháp, bà vẫn
có thể tìm cách lo ăn cho gia đình Mỹ gốc Mễ của mình. Nếu công việc có vẻ khan
hiếm, bà mẹ của 4 đứa con sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa. Thường thì bà kiếm được khoảng
gần $500 bạc mỗi tuần trong công việc lau chùi nhà cửa cho khách hàng ở San
Antonio để phụ vào với đồng lương công nhân xây dựng của chồng.
Trước đây, người cha 75 tuổi của Andrea,
Victorio, thỉnh thoảng vẫn kiếm được chút việc này việc nọ để đem tiền về nhà.
Trước đây, đứa con nhỏ nhất, Osvaldo, một đứa trẻ bụ bẫm 10 tuổi, thỉnh thoảng
có lén thuổng một thỏi bánh, viên kẹo, bà mẹ nhìn thấy cũng giả vờ lờ đi. Trước
đây, Andrea thỉnh thoảng gởi về cho mẹ mình ở Mexico khoản tiền dư ky cóp được.
Giờ thì, ánh mắt bà mẹ soi mói nhìn các con
mỗi khi chúng bước vào bếp. Giờ thì, ông lão 75 tuổi đứng nghiêm sau mỗi bữa ăn
để trịnh trọng nói lời cám ơn con gái của mình.
Andrea bảo: “Mới đầu,
tôi nghĩ, rồi mình cũng sẽ vượt qua được thôi. Nhưng 2 tuần đã trở thành 3 tuần,
rồi 4 tuần. Giờ thì ai mà biết được đến bao giờ tôi sẽ lại có thể kiếm được việc
làm nữa đây? Tôi khóc, nhưng không bao giờ công khai trước mặt gia đình. Tôi chờ
đến khi mọi người đi ngủ, khi tôi chỉ còn một mình”.
Người chồng của Andrea, Oscar Sanchez Sr.,
ra khỏi nhà mỗi sáng trước 7 giờ để làm cho xong cái mái một căn nhà nghỉ dưỡng
ở cách đó vài dặm đường. Andrea nói, ít nhất thì cũng còn có khoản thu nhập ít ỏi
đó.
Gia đình Osorio thanh toán tiền bill bằng những
đồng bạc lẻ. 10 đô la cho tiền mua trả góp chiếc xe. 100 đô la cho tiền thuế.
20 đô la tiền nước và điện. Những cư dân ở Mỹ không có giấy tờ hợp lệ không được
lãnh tiền chính phủ trợ cấp $1.200 một đầu người. Họ cũng không thể nộp đơn xin
trợ cấp thất nghiệp. Với quá ít tiền kiếm được vào nhà, lần đầu tiên họ phải
vét sạch thức ăn cất giữ trong tủ đông lạnh.
Trong lúc chồng đi làm, Andrea còn phải giúp
đứa con nhỏ nhất làm bài tập ở nhà. Ở trường, nó học lớp đặc biệt dành cho trẻ
chậm hiểu, và phải theo một lớp có phụ đạo riêng. Nhưng giờ thì cha mẹ thằng bé
không thể nào trả được khoản thù lao cho thầy giáo phụ đạo nữa.
Từ Mexico, Andrea đến San Antonio khi còn ở
tuổi thiếu niên, võ vẽ chút vốn liếng Anh ngữ nhưng vẫn xoay sở để tốt nghiệp
trung học phổ thông nơi đây, và còn muốn đi học cao hơn nữa. Nhưng, bà bảo,
không có giấy tờ hợp pháp có nghĩa là không còn có cơ hội nào để học thêm được
nữa.
Bà lấy chồng, rồi thoát được anh chồng vũ
phu sau khi vừa mới làm mẹ, rồi nuôi được hai đứa con lớn vào đại học. Tấm bằng
tốt nghiệp đại học của con gái bà là hình ảnh người ta nhìn thấy trước nhất nơi
cửa chính của căn nhà khi bước vào.
Với Andrea,
tháng Tư có nghĩa là nước mắt, chùi lặng lẽ hằng đêm ở một góc phòng.
Nhưng không phải mỗi ngày
của tháng Tư đều ảm đạm như thế. Ông chủ của Oscar Sanchez rộng rãi trả thêm
cho ông chút đỉnh. Cũng có hôm, có người gọi điện thoại đề nghị Andrea giúp làm
vài việc. Một hôm, Oscar mở hộp thư trước nhà, thấy trong đó có phong bì đựng
$240.
Lần đầu tiên trong tháng Tư, hôm đó bữa cơm
gia đình Andrea có mùi thịt.
Những giờ học đã mất
Tháng Tư gia đình bị buộc phải quây quần lại
bên nhau và thứ tự các vai trò trong nhà đã thay đổi – Cha mẹ trở thành thầy cô
giáo, học trò lui cui tìm cách tự học lấy các bài vở còn sót lại của năm học,
những dịp lễ lậy ăn mừng tưởng nhớ tạm bị bỏ qua một bên.
Tay trái nắm lấy tay con gái nhỏ 5 tuổi,với
những ngón tay phải Laura Simons lướt qua những phương trình Vật lý.
Laura Simons, giáo
viên môn Vật Lý, với con trai Oliver 17 tháng tuổi, trước nhà ở Springfield,
VA. Con gái, Chloe 5 tuổi, đang đứng từ trong nhìn ra. Ảnh: Alyssa Schukar/
Washington Post
Trên máy tính của con gái, đặt kế bên máy
tính của mẹ, một cô giáo cao giọng hát “Days of the week, days of the week!”.
Cô giáo bảo các đứa học trò lớp măng non điệu đàng của mình rằng, hãy reo vui
lên vì “ngày hôm qua là thứ Năm”, có nghĩa hôm nay là thứ Sáu rồi.
Đứa bé gái nhỏ, Chloe Simons, giật tay mẹ
mình. Nó bảo nó không hiểu: “Sao họ lại reo hò vậy?”.
Lúc này đây, Laura còn 1 tiếng 44 phút nữa
là cô phải vào Zoom (một ứng dụng phần mềm giúp mọi người hội họp với nhau qua
đường truyền internet) để bắt đầu tiết học của môn Vật Lý cao cấp (AP Physics).
Dù vậy, cô cũng tạm rời mắt khỏi công việc chuẩn bị của mình mà liếc sang màn
hình máy tính con gái.
Cô nói với con gái: “Bình thường nếu con
đi học ở trường, thì thứ Bẩy và Chủ Nhật là hai ngày con được nghỉ ở nhà”.
Chloe đã quên mất những ngày cuối tuần rồi
sao? Khái niệm cuối tuần đã không còn hiện hữu ở đây nữa. Ranh giới giữa trường
học và nhà cô ở Springfield, Virginia, giữa công việc và gia đình – một ranh giới
mà cô đã từng đánh vật để vượt qua trong suốt một thập kỷ dạy học ở trường công
lập thành phố Alexandria – nay cũng đã hoàn toàn biến mất.
Trong suốt tháng Tư, cô giáo Laura 37 tuổi,
mỗi buổi sáng trong tuần đều hướng dẫn các lớp học của mình “on-line”, với
Chloe ngồi dưới chân và Oliver, đứa con trai 17 tháng tuổi, được cô ôm trong
lòng.
109 đứa học trò lớp Vật Lý của cô giáo Laura
đều biết con trai Oliver của cô giáo thích ném bất cứ vật gì nó tìm thấy được
trong ngăn kéo thấp nhất trên bàn học xuống dưới đất, và Chloe thì hay làm văng
tung tóe các thứ bánh ngọt trên bàn. Đã có lần, Laura phải hủy bỏ lớp học của
mình giữa chừng vì hai đứa con ở trong tình trạng hỗn loạn không kiểm soát được
nữa.
Cuối tuần, Laura xuống tầng nhà dưới – soạn
giáo trình, chấm bài tập học sinh. Trong khi đó, chồng cô, một kỹ sư cầu đường
cũng đang tạm làm việc ở nhà, trông coi hai đứa trẻ.
Cô tự hỏi, liệu mình có thể tiếp tục như thế
này được bao lâu nữa?
Cô cúi xuống nhặt món đồ chơi của Oliver,
giúp nó tập sự chú ý vào chỉ một thứ một lúc. Cô liên tưởng đến bài học Vật lý
về động lượng góc (angular momentum) cô dạy học trò ngày hôm đó. Lẽ ra cô phải
cho chúng đến đứng xung quanh cái bàn xoay. Lẽ ra cô phải đưa cho chúng tập
quay những niềng xe đạp quanh trục. Và lẽ ra cô sẽ phải phá lên cười khi nhìn
thấy vẻ ngạc nhiên của lũ học trò khi chúng đưa tay quay niềng.
May mắn thay, bài thi môn Vật lý cấp cao đã
được điều chỉnh lại – như mọi thứ khác trong cuộc sống hàng ngày của Laura – và
không còn xóay trọng tâm vào sự quay vòng nữa. Nhưng, dường như vẫn có gì không
được ổn.
Mới đây, Laura đã thêm hai câu hỏi vào các
bài tập cho học sinh: “Các em có khỏe không?” “Cuộc sống của các em hiện nay
ra sao rồi?”.
Một em trả lời. “Em nhớ trường học quá!
Chưa bao giờ em nghĩ sẽ có ngày mình thốt ra câu này”.
Một em khác: “Khỏanh khắc nửa đêm là lúc
em làm được nhiều việc nhất!”.
Nửa đêm cũng là khoảnh khắc Laura hay giật
mình thức giấc, vì những cơn mơ đầy nỗi ám ảnh từ những lo lắng ban ngày: Lo
cho bà mẹ 70 tuổi vốn đang ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường. Hay cảm giác lạnh
người khi tưởng tượng Chloe và Oliver sẽ sống như thế nào nếu chẳng may cả cô lẫn
chồng mình đều bị vướng virus và qua đời. Cộng thêm nỗi ưu tư dai dẳng: Bằng
cách nào cô có thể tiếp tục dạy môn Vật Lý nếu như trường học vẫn chưa mở cửa lại
vào mùa Thu năm nay?
Laura tự bảo mình. Tốt nhất là bây giờ nên
chú tâm vào việc kết thúc khóa học năm nay.
40 học sinh đang tham dự lớp học qua Zoom của
cô. Laura nhấn nút quay món đồ chơi của con trai cho nó quay như điên cuồng, rồi
lật úp nó lại. Cô nói. “Cảm giác lạ thật. Nó cưỡng lại mình. Đây chính là động
lượng góc của môn Vật lý cao cấp”.
Cặp mắt của một học sinh lớp 12 mở tròn xoe.
Có đứa đưa cả hai tay lên khỏi đầu.
Laura bật cười. “Cô nhìn thấy não các em
đang động đậy trên nét mặt. Cô nhớ vô cùng những nét mặt ấy”.
Não lòng và hy vọng
Tháng Tư buồn nản và não lòng. Thể thao ngừng chơi. Hai
kẻ yêu nhau ngừng hôn. Các trường học đóng cửa. Các trận đấu hủy bỏ. Thế nên,
những mầm mống tài năng chỉ có thể được nuôi dưỡng từ xa.
Đầu tháng Tư, Cy Harwood, một infielder sáng
chói của đội bóng chày Huntingtown High ở miền nam Maryland, chưa chịu chấp nhận
rằng mùa bóng cuối cùng của mình với đội trường đã kết thúc. Cậu tin rằng mọi
chuyện rồi sẽ trở lại bình thường một cách nhanh chóng. Cậu tập tạ trong tầng
dưới của nhà mình; tập ném bóng với bố trước sân bãi đậu xe; chạy bộ xung quanh
khu hàng xóm; cùng với sự nung nấu trong lòng rằng mình sẽ cùng với các bạn quyết
đem về cho trường chức danh đội bóng vô địch của tiểu bang.
Nhưng đến giữa tháng Tư, Thống đốc Maryland
cho kéo dài thêm lệnh “ở trong nhà” qua 15 tháng 5. Harwood lôi điện thoại ra,
thảo vội một tin nhắn gởi đến nhóm bạn trong đội bóng chày của mình:
“Đây là tin xấu nhất cho chúng ta. Tôi ước
gì chúng ta có thể thi đấu cho hết mùa giải và có cơ hội đem chiến thắng về trường.
Lúc nào tôi cũng sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho bất cứ anh em nào cần đến”.
Phần cuối quả là đứt ruột. Cậu là một trong
những đội trưởng của đội bóng và từng biết các bạn cầu thủ trong đội từ hồi cậu
mới được 6 tuổi. Và năm nay được coi là năm cuối cùng của bọn họ.
Harwood đã có cơ hội thử thách lập vài kỷ lục
trong đội bóng trường – ném bóng, chụp bóng, chạy ghi bàn – như lời huấn luyện
viên của cậu. Cuối mùa hè năm ngoái, cậu đã cam kết sẽ chơi cho đội bóng của
Salisbury University – cách nhà khoảng 2 tiếng lái xe – sau khi tốt nghiệp
trung học. Nhưng đến mùa thu thì có vài trường đại học tỏ ý quan tâm đến tương
lai của Harwood. Đến tháng 3 năm nay, cậu gọi Salisbury University để xin được
hủy lời cam kết. Trường cũng đã chấp thuận sau một cuộc trò chuyện khá dài với
huấn luyện viên.
Sau đó 3 tuần, với sự bành trướng của đại dịch
Covid-19, khiến các mầm non thể thao vừa tốt nghiệp trung học đôn đáo khắp nơi cho
một cơ hội thực hiện ước mơ vào đời của mình. Harwood phải gọi lại Salisbury
University cho một cuộc nói chuyện còn khó khăn hơn: Cậu bảo huấn luyện viên đội
bóng rằng cậu xin lỗi đã quyết định sai lầm khi hủy bỏ lời cam kết gia nhập đội
trước đó và một lần nữa, xin được trở thành thành viên của đội. Họ bằng lòng nhận
Harwood trở lại.
Suốt tháng Tư, Harwood ở trong nhà, chơi
video game bóng chày, xem phim tài liệu thể thao, mỗi ngày dành ít nhất 3 giờ
cho việc tập luyện thể chất – cử tạ, ném bóng, chạy bộ và một con mắt hướng về
trường đại học.
Chỗ đứng một thời vang bóng của Harwood với
đội bóng chày trường trung học Huntingtown đã không còn được như xưa nữa.
Cậu ngậm ngùi: “Khi mình không có mặt, tất
nhiên mọi chuyện phải khác đi. Không có cách nào để cứu vãn được nữa. Mình đành
chấp nhận thôi”.
Cách đây khoảng 700 dặm đường, nơi thành phố
Sparta, tiểu bang Michigan, tháng Tư mùa xuân đã về. Chim chóc hót vang. Hoa nở
rực góc vườn. Vậy mà có rất nhiều người đành tự giam mình bên trong khung cửa
tìm cách gieo những hạt giống hy vọng.
Mùa xuân của Kendyl Bjorkman đến với những
khát khao nhiều điều mới lạ. Cô bé cùng với hai em gái của mình nấu, nướng,
chơi bài, cố quên những buổi học online nơi khu vườn sau nhà, mỗi khi có thể.
Kendyl, nữ sinh lớp 9 vừa tròn 14 tuổi của
trường trung học thành phố Sparta, quyết tâm trải qua những ngày tháng của trận
dịch bằng cách trỗi lên khỏi sự ươn lười của cảm giác chán chường, của cảm giác
bị đối xử bất công.
Kendyl Bjorkman, 14
tuổi, tại nhà ở thành phố Sparta, Michigan. Ảnh: Evan Cobb/ Washington Post
Cô bé nói: “Ngày tháng dài dằng dặc, lại
thêm cảm giác cô đơn”. Nhưng cô bé không muốn 10 năm sau nhìn lại quãng đời
này của mình mà thú nhận, “suốt ngày tôi chỉ ngồi xem YouTube”.
Kendyl và hai chị em của mình, một người 17
tuổi và người kia 9 tuổi, viết lời và tự thu thanh các bài hát về đại dịch.
“Stay at home,
stay at home, can’t go to school anymore (ở nhà, ở nhà, không thể đến trường được nữa rồi)”.
3 chị em cùng hát (nhại lời) theo với điệu nhạc phim “Let it go” trong cuốn
phim họat hình “Frozen” của hãng Disney Film.
“Stay at
home, stay at home, soccer season is no more”.
Lệnh cấm (ra khỏi nhà) tưởng chừng như từ trời
rơi xuống. Kendyl than: “Mới đó, hôm thứ Năm ấy, rồi thì không trở lại trường
được nữa. Cháu không nghĩ mọi chuyện sẽ trở lại bình thường như cũ. Nếu có, hẳn
phải mất nhiều thời gian lắm”.
Mỗi sáng, cô bé dành thì giờ cho việc học
khoảng 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ. Việc học khá bận rộn, phần lớn là như vậy. Để
làm cho nếp sống mới dễ chịu hơn, mình phải tự tạo ra sự thỏa mãn của riêng
mình.
Cô bé tư lự: “Mình phải biết thích thú với
sự có mặt của những người khác”. Gia đình cô bé – mẹ là một cô giáo, hiện
làm việc từ nhà, cha cô vẫn thường phải có mặt trong văn phòng ở sở y tế địa
phương – đang chơi game trong nhà. Còn mấy đứa con gái thì ra ngoài. “Ở
ngoài vườn cảm thấy dễ chịu hơn, ngồi trong nhà hoài buồn lắm”.
Kendyl thức dậy mỗi sáng lúc 8 hay 9 giờ gì
đó – khoảng thời gian ngủ thêm được nồng nhiệt đón nhận nếu so sánh với trước
đây chuông đồng hồ báo thức lúc 6 giờ – mặc vào đôi giày chạy, phóng ra khỏi
nhà, sải mình trên những con đường vắng tanh, tập luyện cho những cuộc thi thể
thao không biết bao giờ sẽ được tổ chức.
Không đi học, không đến nhà thờ, bạn bè chỉ
là những khuôn mặt xuất hiện trên màn hình điện tử. Thế nên, cô bé Kendyl cất
giọng hát: “Stay at home, stay at home, will I ever be set free?” (Ở
nhà, ở nhà, liệu có bao giờ tôi sẽ được trả tự do?”
Niềm khao khát phục sinh
Tháng Tư cầu nguyện. Cho nỗi niềm khát khao
cuộc phục sinh.
Eugene “Gene” Campbell phát hiện ra mình vướng
covid-19 mấy ngày sau khi tròn 89 tuổi. Mọi người lo ngại rằng đó có thể là dấu
hiệu của sự kết thúc.
Gene là một trong hơn 120 cư dân già yếu, bệnh
tật, xét nghiệm dương tính với Covid-19 của Life Care Center của TP Kirkland, một
nhà dưỡng lão gần Lake Washington, ở về phía đông bắc thành phố Seattle, cũng
là nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên của nước Mỹ. Ở đây đã có hơn 40 người tử
vong vì bệnh dịch.
Eugene “Gene”
Campbell, 89 tuổi, đang rời bệnh viện ở Washington State hôm 20-4-2020 sau 6 tuần
chữa trị. Ảnh: Lindsey Wasson/ Washington Post
Gene được đưa đến đây hồi tháng Hai để chuẩn
bị giai đoạn phục hồi sau cơn tai biến mạch máu não. Nhưng chẳng bao lâu sau
đó, sốt cao và những cơn ho dai dẳng đã hành hạ Gene. Người ta phải đưa Gene đến
bệnh viện.
Ở phòng cấp cứu của bệnh viện Swedish
Edmonds, các con trai hoảng hốt của Gene chỉ có thể nhìn thấy cha mình run rẩy
vì những cơn ho sặc sụa, qua lớp cửa kính dầy cộm.
Todd Campbell, một trong 3 người con trai của
Gene, kể: “Trông bố tôi có vẻ cô đơn thế nào ấy!”
Vài ngày sau, các triệu chứng dần dần giảm bớt.
Viên tổng y sĩ toàn quốc Hoa Kỳ Jerome Adams đã biểu dương trường hợp của Gene
trong một cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc, như là một bằng chứng cho thấy người
già yếu dù vướng phải con virus Covid-19 vẫn có thể được chữa lành.
Nhưng đến tháng Tư, Gene vẫn còn phải bị
cách ly trong một căn phòng ở bệnh viện. Ông cần phải trải qua hai lần xét nghiệm
âm tính với virus nữa mới có thể được phép về nhà với vợ, bà Dorothy 68 tuổi,
hiện ở Vineyard Park, một trung tâm dưỡng bệnh ở thành phố Bothell gần đó.
Gene ao ước: “Tôi chỉ muốn ra khỏi chỗ
này”. Ông phải chịu đựng nhiều lần xét nghiệm rất khó chịu, nhưng kết quả vẫn
chưa ổn định. Trong tháng Tư, sau khi lần xét nghiệm thứ sáu với kết quả dương
tính lần nữa, Gene từ chối việc tiếp tục xét nghiệm.
Todd bảo cha: “Đây là tấm vé để bố bước
ra khỏi chỗ này. Nếu bố từ chối, bố sẽ phải kẹt ở đây lâu lắm”.
Không ai trong gia đình nhớ được đã có lần
nào thấy Gene bị bệnh – hay nằm chỗ một mình.
Ông đã từng là chủ tịch học sinh trường
trung học Lynden High School niên khóa 1949. Ông hát trong ban hợp ca nhà trường,
là đội trưởng đội bóng bầu dục. Kỷ yếu nhà trường năm đó đặt cho ông cái tên
“nhà quản lý bẩm sinh”. Tốt nghiệp đại học, ông được gọi nhập ngũ, kế đó kết
hôn với Dorothy, dạy các con cách lau chùi bát đũa, làm việc siêng năng và cách
để dành tiền. Nơi sở làm, ông leo dần lên đến chức chủ tịch công ty phát hành
sách giáo khoa – một công việc mà ông không thích lắm – đem tiền về lo cho gia
đình.
Todd, 59 tuổi, kỹ sư công nghệ, nói về cha:
“Điều ưu tiên số một cha tôi dạy chúng tôi là phải sống còn bằng mọi giá”.
Gene chỉ nói với các con bằng hành động. Ông
chưa bao giờ nói với các con: “Bố yêu các con!”.
Khi các con trai đưa bố đến nhà dưỡng lão, họ
nói “chúng con yêu bố”, và tìm cách “khích” để ông nói lại như vậy.
Charlie, 61 tuổi, một y tá về hưu, kể lại. “Ổng
nói ‘ờ, okay’!”. Rồi ông cười, vừa huơ tay chào các con.
Kế đến là cuộc xâm lăng của con virus. Không
được phép thăm viếng, họ chỉ có thể tiếp xúc với bố bằng điện thoại.
Một đêm, Gene bảo các con rằng, ông quyết định
không ăn uống gì nữa. Ông cho rằng “cuộc sống của ông từ nay trở đi không
đáng để sống nữa”. Các con ông gác máy rồi khóc.
Nhưng đến sáng hôm sau, Gene vui vẻ nói rằng
ông vừa ăn xong bữa điểm tâm, chỉ tiếc món trứng hơi nguội một chút.
Tháng Tư từ từ qua đi, kết quả xét nghiệm có
cái dương tính, có cái âm tính, dường như đã làm Gene thay đổi: Ở cuối mỗi cuộc
gọi, ông nói với các con: “Bố yêu các con!”.
Cuối cùng, ngày 17 tháng 4, Gene nhận được
tin vui: Hai lần xét nghiệm mới đây nhất cho thấy âm tính với virus.
Với nụ cuời hé nở đằng sau khẩu trang, các
con trai của Gene đến đón bố rời bệnh viện về nhà bằng chiếc xe Toyota của
Todd.
Trong tất cả những phức tạp của cuộc sống
bao trùm bởi đại dịch, trong bao nỗi tuyệt vọng đến não người, trong niềm vinh
quang của mỗi cuộc sống sót nhỏ nhoi, Tháng 4 vẫn là sự sống.
Gene vẫn còn phải trải qua hai tuần lễ tự
cách ly ở nhà, nhưng trước hết ông có được 30 phút ngồi chung xe với hai con
trai Todd và Charlie. Họ đang nghĩ đến một dịp lễ Giáng Sinh cả gia đình cùng tụ
hội, hay một trận game của đội bóng chày nhà Seattle Mariners, mấy bố con cùng
tham dự.
Chắc chắn sẽ có những cuộc gọi điện của các
con cho bố. Họ sẽ nói với bố: “Con yêu bố!”. Và chắc chắn họ sẽ được
nghe ông nói lại: “Bố yêu các con!”
No comments:
Post a Comment