Thùy
Dương -
RFI
Đăng ngày: 06/05/2020
- 15:42
Vẫn như những ngày qua, báo Pháp hôm nay quan tâm đến
nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, từ cuộc chạy đua bào chế
vác-xin, công tác chữa trị bệnh (báo La Croix), cho đến những khó khăn trong
ngành biểu diễn nghệ thuật trong giai đoạn khủng hoảng (báo Libération). Báo
kinh tế Les Echos lại đặc biệt chú ý đến Trung Quốc, với cả trang nhất, bài xã
luận và nhiều bài phỏng vấn, phóng sự.
« Trung
Quốc : những nỗi ngờ vực gia tăng » là tựa trang nhất của Les Echos. Tâm điểm
của mọi nỗi nghi ngờ của quốc tế cũng như những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ
trong giai đoạn này chính là trung tâm thí nghiệm P4 ở Vũ Hán. Để hiểu hơn về sự
leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, Les Echos đi tìm lời giải đáp
qua 6 câu hỏi:
Mỹ tố cáo Trung Quốc về
những chuyện gì và với bằng chứng nào ?
Đây có phải một thủ đoạn
chính trị hay không ?
Mỹ có thể đáp trả Trung
Quốc thế nào ?
Châu Âu nói gì ?
Phe Dân Chủ Mỹ phản ứng
ra sao ?
Trung Quốc có thể đáp trả
Mỹ bằng cách nào ?
Hiện nay, không chỉ có Mỹ
mà rất nhiều nước muốn đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại dịch bệnh, chuyện
này có khả thi hay không ? Les Echos trích dẫn một số chuyên gia luật quốc tế của Pháp theo đó việc
khởi kiện một quốc gia là rất khó và cũng khó để có thể kết án được Trung Quốc.
Liên quan đến quan hệ giữa
Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Les Echos giới thiệu bài phỏng vấn bà
Valérie Niquet, chuyên gia về châu Á của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, theo
đó Trung Quốc không tôn trọng các cam kết đã ký khi gia nhập định chế y tế của
Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, Les Echos còn
giới thiệu bài phóng sự về cuộc sống của người dân Bắc Kinh thời hậu Covid-19.
Tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ bằng mã QR code, từ tình trạng sức khỏe đến lịch
trình di chuyển…
Bài xã luận của Les Echos
đặc biệt đáng chú ý với hàng tựa để ngỏ: « Virus corona:
Trung Quốc đã thua một trận nhưng … » Cho dù đã đưa khẩu
trang và thiết bị y tế đến khắp nơi trên thế giới, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ
bị thế giới chống đối đến như vậy. 30 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn khiến
nhiều nước phương Tây phẫn nộ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, chế độ Tập
Cận Bình đã gây ra nỗi ngờ vực trên toàn cầu. Theo cây viết xã luận của Les
Echos, cuộc tấn công thô thiển và vụng về của Bắc Kinh chống lại các giá
trị phương Tây đã phản tác dụng và khiến các cường quốc đều chống lại Trung Quốc.
Từ Canberra đến
Washington, Bruxelles, Paris, tất cả đều yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Trung
Quốc trong việc để virus corona lây lan khắp nơi. Châu Âu, thường rất thận trọng,
đã thắt chặt các điều kiện áp đặt cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Một số người
còn nghĩ đến khả năng có biện pháp trừng phạt toàn cầu chống lại Bắc Kinh, thậm
chí là một cuộc đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh với Washington.
Tuy nhiên, Les Echos cũng
lưu ý Tập Cận Bình vẫn còn nhiều lá bài trong tay. Thứ nhất là cuộc chạy đua
tìm vác-xin. Trong số 40 ứng viên tham gia trận chiến toàn cầu này, Sinovac
Biotech của Trung Quốc dường như đang tiến xa nhất. Nhưng việc Trung Quốc để
lây lan virus rồi lại chạy đua để điều chế vác-xin đánh bại đại dịch là điều thật
đáng mỉa mai ! Lá bài thứ hai của ông Tập liên quan đến châu Phi, Trung
Đông và nói chung là tất cả các quốc gia cần tiền để vượt qua khủng hoảng. Nếu
không có sự hỗ trợ của châu Âu và Mỹ, thì trong thời gian tới, Algeri, Ai Cập
và Pakistan có thể sẽ phải kêu gọi Bắc Kinh giúp sức.
Lá bài thứ ba là về công
nghiệp. Liên Hiệp Châu Âu hứa hẹn sẽ hồi hương một số dây chuyền sản xuất chiến
lược quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nguyên liệu thô. Nhưng
sẽ là ảo tưởng nếu Liên Âu nghĩ có thể hồi sinh ngành công nghiệp châu Âu như
50 năm trở về trước. Độc lập về hậu cần với Trung Quốc cũng chỉ là một ảo tưởng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay nhắc nhở chúng ta là thế giới sẽ phải sống chung với
Trung Quốc nhưng không bao giờ được quên bản chất sâu xa của Bắc Kinh.
Mỹ-Trung đối đầu, châu Âu
không nên chỉ làm khán giả
Trong bối cảnh sự huy động
quốc tế là rất cần thiết để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 càng sớm càng tốt,
sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một bất lợi lớn. Kể từ khi trở thành chủ
nhân Nhà Trắng vào tháng 01/2017, Donald Trump coi Trung Quốc là đối thủ chính
của Mỹ, ngoài Iran.
Bị ám ảnh về việc phải
tái công nghiệp hóa đất nước, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh gian lận trong chính
sách thương mại. Trong trận chiến này, chính quyền Trump dùng mọi phương tiện,
chính sách đối nội bao giờ cũng gắn với địa chính trị. Trong những ngày gần
đây, tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc
che giấu sự thật về sự xuất hiện của virus ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nhưng đều
không cung cấp bằng chứng.
Tuy nhiên, La Croix nhận
định chính sự không minh bạch của chế độ Tập Cận Bình đã làm gia tăng nỗi ngờ vực.
Bắc Kinh đã bác bỏ các yêu cầu về việc cho tiến hành một cuộc tra độc lập về nguồn
gốc virus corona. Trung Quốc cũng không hồi đáp đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới
để WHO đến nghiên cứu tận nơi. Mọi tiếng nói chỉ trích chính quyền về cách quản
lý dịch bệnh đều bị trấn áp.
La Croix nhấn mạnh là bên
lề cuộc xung đột tiềm ẩn này, châu Âu không thể cứ giữ vai trò là khán giả. Trước
xu hướng toàn cầu hóa dịch bệnh gia tăng, châu Âu phải sử dụng uy tín của mình
để thúc đẩy hợp tác đa phương và hỗ trợ các tổ chức của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, để tạo ra các quan hệ đối tác canh tân. Điều này có thể
sẽ giúp châu Âu độc lập về chiến lược.
Pháp : Gánh nặng kinh tế
tăng, uy tín quốc tế giảm vì Covid-19
Về nước Pháp, Le Monde lo
ngại là cú sốc do đại dịch gây ra có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ liên minh tiền
tệ, trong khi đó Pháp bị suy yếu do kinh tế sụt giảm nên có thể mất tiếng nói
đoàn kết châu Âu.
Le Monde nhận định khi
nhiều nước châu Âu cùng lâm vào đại dịch, việc quốc tế so sánh các nước dường
như không có lợi cho Pháp. Với mức giảm 5,8% GDP trong quý đầu năm 2020 so với
quý cuối năm 2019, Pháp là nước có GDP giảm nhiều nhất so với các nước lớn
trong khu vực đồng euro. Mức giảm GDP của Pháp nghiêm trọng hơn Đức, thậm chí cả
Tây Ban Nha và Ý. Thế nhưng, bộ trưởng Kinh Tế Pháp vẫn cảnh báo nhìn từ góc độ
kinh tế, khó khăn lớn nhất vẫn đang chờ Pháp ở phía trước.
Suy thoái kinh tế nặng nhất
tại Pháp tính từ hồi năm 1949, theo Le Monde, không chỉ do những khó khăn về cơ
cấu mà còn do cách quản lý khủng hoảng của cả tổng thống Macron và chính phủ của
thủ tướng Edouard Philippe. Bên cạnh sự tập quyền thái quá ở trung ương khiến
Nhà Nước khó điều chỉnh chính sách phù hợp với các địa phương ở những mức độ dịch
bệnh khác nhau, lệnh phong tỏa trên quy mô lớn hơn so với các nước láng giềng,
còn phải kể đến cách quản lý độc đoán của chính quyền trong bối cảnh đất nước
đã bị xáo trộn bởi cuộc khủng hoảng Áo Vàng và phong trào đấu tranh chống cải
cách chế độ hưu trí.
Le Monde nhấn mạnh chính
phủ các nước láng giềng cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự như Pháp,
nhưng họ quản lý khủng hoảng trong không khí ít căng thẳng và ít nỗi ngờ vực
hơn. Theo một cuộc khảo sát tại châu Âu do Viện Ipsos-Cevipof tiến hành, 62%
dân Pháp không hài lòng về hành động của chính phủ, tỉ lệ này ở Đức chỉ là 26%.
64% người Pháp cho rằng hậu quả kinh tế sẽ « rất nghiêm trọng », so
với tỉ lệ 39% tại Đức. Trông chờ mọi điều từ Nhà nước trung ương, nhưng lại chỉ
trích quyền lực của Nhà nước đồng thời từ chối các trách nhiệm ở địa phương, đối
với Le Monde, đây là phác họa hoàn hảo về « căn bệnh phân lập » của
người Pháp.
Trong bối cảnh đại dịch
Covid-19, suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Nhưng lần này, sự suy
thoái đặc biệt nghiêm trọng của Pháp đang đặt khu vực đồng euro, thậm chí cả
Liên Hiệp Châu Âu trước một thử thách vô cùng lớn. Le Monde nhận định khi chính
quyền Berlin và Paris xa cách nhau thêm một chút, khi Pháp đang bị xếp cùng các
nước Nam Âu với tất cả những định kiến tiêu cực, thì thành tích kinh tế yếu
kém càng làm hình ảnh của Pháp thêm xấu đi.
Khủng khiếp hơn nhiều so
với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cú sốc do Covid-19 gây ra có nguy cơ
phá nổ liên minh tiền tệ, vì thế càng cần thiết có các cơ chế vững chắc để
các nước Liên Âu hỗ trợ lẫn nhau. Bài xã luận của Le Monde kết luận bằng một
câu hỏi mở: Emmanuel Macron, người đi đầu về phát huy tình đoàn kết châu Âu, sẽ
còn giữ được vai trò này trong bao nhiêu lâu nữa, nếu nước Pháp vẫn còn « trượt
dốc » ?
Anh Quốc « soán
ngôi » Ý về số ca tử vong hàng đầu châu Âu
Vẫn liên quan đến châu
Âu, Le Figaro nhìn sang Anh Quốc, với 32.313 người chết, láng giềng của Pháp đến
hôm qua 05/05 đã vượt lên Ý để dẫn đầu châu Âu về số ca tử vong vì Covid-19 và
đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Mặc dù chính quyền Anh nhận
định là đỉnh dịch đã qua, số nạn nhân đã giảm nhẹ, nhưng tình hình ở các nhà dưỡng
lão vẫn đặc biệt đáng lo ngại và ngày càng có chiều hướng xấu đi. Theo dự kiến,
vào ngày mai 07/05 chính phủ Anh sẽ xem xét lại các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy thủ tướng Anh sẽ không quá vội trong việc
ngưng phong tỏa. Và công luận cũng ngả về phía ông. Theo một thăm dò ý kiến vào
cuối tuần qua, 67% dân Anh đánh giá vẫn còn quá sớm để mở cửa lại trường học,
nhà hàng và sân vận động.
Về kinh tế, rất có thể nước
Anh sẽ suy thoái ở mức chưa từng có trong lịch sử. Nhiều nhà quan sát dự báo
GDP quý 1 năm 2020 của Anh sẽ giảm 7%. Một số chuyên gia khác thậm chí còn cho
rằng GDP có thể giảm tới 13%. Khoảng 6,3 triệu người lao động (20% dân ở độ tuổi
lao động) bị thất nghiệp bán phần.
Điều đáng nhạc nhiên là
theo Le Figaro, mặc dù đất nước bị dịch bệnh gây hại nặng nề về nhân mạng và
kinh tế, nhưng thủ tướng Anh Boris Johson vẫn được lòng dân. Theo kết quả một
cuộc khảo sát được công bố vào hôm qua, 60% dân Anh tin tưởng vào chính phủ, so
với tỉ lệ 36% hồi tháng Giêng. Chuyện thủ tướng Anh nhiễm virus, phải điều
trị tích cực trong bệnh viện, đã khiến dân chúng càng thông cảm với ông.
Nơi ở của 1/3 nhân loại có
nguy cơ nóng như sa mạc Sahara
Tập trung vào các vấn đề
do đại dịch Covid-19 gây ra, từ nước Pháp cho đến Anh Quốc, Ấn Độ, Miến Điện …
nhưng báo Le Monde không quên hồ sơ khí hậu. Trong bài viết « Từ
nay đến năm 2070, 1/3 nhân loại có nguy cơ phải sống trong những điều kiện khí
hậu khắc nghiệt », Le Monde trích dẫn kết quả nghiên cứu của một
nhóm nhà khoa học châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, theo đó nếu thế giới không làm gì
để hạn chế lượng khí thải CO2, 3,5 tỉ người trên Trái đất có thể mất vùng khí hậu
thuận lợi mà loài người đã sinh sống và phát triển trong suốt 6.000 năm qua. Kết
quả nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai 04/05 trên tạp chí Mỹ Proceedings of
the National Academy of Sciences.
Bằng cách tổng hợp các dữ
liệu về khí hậu, khảo cổ, nhân khẩu học và nông nghiệp, các nhà nghiên cứu
Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã tìm hiểu điều kiện nhiệt độ, lượng mưa lý tưởng để
con người duy trì sự sống và phát triển : Vùng khí hậu thuận lợi này tập
trung chủ yếu ở vùng ôn đới, nơi nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong
khoảng 11-15°C, trong khi nhóm dân số ít hơn sống ở vùng xích đạo hoặc nhiệt đới
nơi nhiệt độ xoay quanh 20-25°C. Tình trạng này không thay đổi trong suốt sáu
nghìn năm qua, cho dù có hiện tượng di dân.
Tuy nhiên, trong vòng 50
năm tới, loài người sẽ phải hứng chịu sự biến đổi khủng khiếp về khí hậu. Nhóm
chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) từng cảnh báo nếu lượng khí thải vẫn
tăng không ngừng, từ nay đến năm 2070, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 3°C so với thời
kỳ tiền công nghiệp. Thế nhưng, nghiên cứu lần này dự báo đa phần dân cư Trái Đất
sẽ chịu cảnh nhiệt độ tăng thêm tới 7,5°C. Sự cách biệt về con số như trên được
giải thích như sau : Phần đất liền sẽ bị hâm nóng nhiều hơn các đại dương
và dân số tăng chủ yếu ở những khu vực nóng nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng
những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới,
đặc biệt là Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Indonesia và Sudan.
No comments:
Post a Comment