Sunday, 3 May 2020

CÁC VẤN ĐỀ CỦA VIỆT NAM (Trần Nam Chí)




Trần Nam Chí
03/05/2020

Cảm nghĩ sau khi đọc bài của ông Nguyễn Khắc Mai: “30 tháng 4: Cột mốc diễn biến của Cộng sản Việt Nam“, đăng trên Tiếng Dân 30-04-2020.

                                                     ***

Ngày 30/4/1975 đánh dấu một chặng đường lịch sử quan trọng ở Việt Nam: Đất nước thống nhất, thế nhưng dân tộc ta phải trả một cái giá vô cùng đắt cho sự thống nhất này.

Ngược lại, ở Đức, phải đợi 45 năm sau chiến tranh, nước Đức mới thống nhất một cách tuyệt vời, dân Đức không phải mất đi hàng triệu mạng người cho công cuộc thống nhất này. Riêng Bắc Hàn – Nam Hàn hiện vẫn còn bị chia đôi.

Từ khi thống nhất đến nay, Việt Nam vẫn còn trong tiến trình cởi trói, thoát dần những hậu quả của cuộc chiến tranh giành độc lập và chiến tranh Nam – Bắc.

Như nhận xét của ông Nguyễn Khắc Mai, CSVN cởi trói không phải vì tự họ nhận thức phải làm như vậy, mà vì tình hình kinh tế, xã hội trên thực tế buộc họ không còn sự lựa chọn nào khác. Họ thay đổi không phải vì ý chí, mà vì tình thế. Họ đã gây ra bao nhiêu đoạn trường, bao nhiêu tổn thương và bỏ phí quá nhiều thời gian, nhưng dù sao đi nữa, sự thay đổi của họ, có còn hơn không.

Vì mâu thuẫn cốt lõi này mà 45 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, người Việt vẫn chưa có độc lập thật sự, chưa thống nhất lòng dân, không nhất trí khi chọn thể chế hiện tại. Dù không còn chiến tranh nữa, nhưng Nhà nước nắm quyền vẫn luôn nhìn thấy kẻ thù trong dân. Kẻ thù đó là thành phần xã hội muốn có tự do, dân chủ, nhân quyền trên đất nước. Nhiều người trong số họ chối bỏ thể chế toàn trị, cho nên Nhà nước xem họ là “thế lực thù địch”, bỏ rất nhiều công sức và tiền của để ngăn chận, áp bức, quấy nhiễu, trừng phạt họ.

Tóm lại, Việt Nam chưa thống nhất được lòng dân, chưa thống nhất về mục tiêu chung của đất nước. Chưa có sự nhất trí giữa nhà nước và người dân. Cả nước không một lòng, một dạ với nhau. Nhà nước nghiễm nhiên không nhìn ra sự cần thiết để có một cuộc thảo luận với dân, nên không cho phép mọi hình thức thảo luận. Vấn đề ở đây là đảng CSVN hôm nay có đủ thế và lực để tiếp tục theo đường lối này mãi hay không, sau khi “đổi mới” năm 1986?

Một số người đặt kỳ vọng vào Ðại hội đảng lần thứ 13 để có câu trả lời. Nhưng ông Nguyễn Ðình Cống nhận xét, các văn kiện chuẩn bị cho đại hội đảng này không thỏa đáng với nhu cầu của đất nước.

Ông Cống cũng không đồng ý với cách chuẩn bị nhân sự. Khả năng của hệ thống và phẩm chất cán bộ sẽ không thay đổi. Ảnh hưởng xấu của kinh tế và tài chánh sẽ tăng chứ không giảm. Chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng và chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc không đạt kết quả như ý nguyện.

Trong các thập niên sắp tới, vì nhu cầu phát triển, Việt Nam buộc phải hội nhập càng sâu và xa vào thị trường thế giới. Đường lối này không chỉ mang lợi cho nền kinh tế Việt Nam, mà cũng sẽ đòi hỏi khả năng thích ứng, ăn nhịp từ nhà cầm quyền. Nhu cầu cần chuyên viên kinh tế, chuyên viên các ngành thông hiểu luật chơi thế giới càng cao.

Hãy thử góp ý với ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc về các ưu tư của hai ông Nguyễn Khắc Mai và Nguyễn Đình Cống.

Chưa bàn đến thể chế, mà chỉ nói về nhân lực, nhân sự. Ðể có nhân sự có khả năng, nhà nước chỉ cần tổ chức thi cử và thủ tục chọn người một cách công bằng. Ðể chọn lựa được người liêm chính, phải cho người ngoài đảng đảm nhận các chức vụ quan trọng. Chế độ hiện nay thường cổ súy học tập, rèn luyện đạo đức cán bộ và phát động các phong trào thi đua. Nhà nước thường lặp đi lặp lại phương hướng này, có nghĩa cách tuyển chọn chưa đem lại kết quả mong muốn.

Nước ta có hơn 90 triệu dân. Chỉ tiếc là, hàng chục triệu khối óc này đã không đóng góp nhiều cho đất nước, bởi họ sống dưới sự “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” của đảng CSVN. Nếu giới trẻ Việt Nam thấy họ được trọng dụng, chắc chắn họ sẽ tự rèn luyện để nâng cao khả năng, đem sức mình ra giúp nước, chẳng những có lợi cho bản thân họ, mà còn giúp ích cho xã hội và đất nước nữa.

Ðất nước Việt Nam thanh bình, Việt Nam đang phát triển. Người dân có điều kiện và phương tiện học hỏi thường xuyên, không như trong giai đoạn chiến tranh. Chỉ cần bỏ chính sách “phân biệt đối xử”, tài năng khắp nước sẽ thi nhau nở rộ. Qua đó có được sự tranh đua tự nhiên, nhân sự của đảng cũng có trình độ và trách nhiệm hơn.

Về vấn đề tự do báo chí, chỉ cần nhà nước cởi trói cho 800 tờ báo lề đảng, cho phép họ được điều tra độc lập, giám sát các quan chức địa phương, thì những vụ tham nhũng nhỏ, các vụ cưỡng chiếm đất đai của dân, nhũng nhiễu, hiện tượng “xưng hùng xưng bá” của cán bộ địa phương, ở các tỉnh thành, sẽ giảm bớt rất nhiều.

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng cũng mang lại nhiều lợi ích. Các giáo hội không được hoạt động, dân chúng không được theo tín ngưỡng, hành đạo theo ý muốn của mình, dẫn đến một thành phần dân chúng không nhỏ đâm ra mê tín dị đoan. Nếu dân được phép hành đạo tự do, tệ nạn xã hội sẽ giảm, đời sống bình an hơn, công an sẽ bớt việc. Chưa kể đến các hoạt động xã hội quý báo của các giáo hội mà một nhà nước, bất kể thuộc thể chế nào, cũng không làm tốt hơn được.

Thể chế chỉ là một mô thức tổ chức xã hội thích hợp, nhằm phục vụ người dân và quyền lợi quốc gia đó trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thể chế có thể được sửa chữa hay thay đổi khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, thích ứng với những thách thức mới. Thể chế do con người tạo ra để phục vụ con người, phục vụ đất nước. Con người là nhân tố quan trọng, lại càng quan trọng hơn khi đất nước đó chưa có truyền thống dân chủ, chưa có văn hóa nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau.

Theo Max Weber, nhà xã hội học người Ðức, một người làm chính trị cần có đủ 3 đặc tính: Thứ nhất là có tinh thần trách nhiệm. Thứ hai là khả năng nhận định sự việc đúng đắn, hợp lý, không nhất thiết phải biết nhiều, biết tất cả mà phải có óc nhận định, phán đoán. Và thứ ba là sự đam mê công việc chung, cần chọn lãnh đạo ham thích công việc, hoạt động hăng say, phục vụ cho cộng đồng và đất nước. Các tiêu chuẩn này có thể được dùng để chọn cán bộ chiến lược.

                                                         ***
Sau dịch cúm Corona kinh tế, xã hội Việt Nam sẽ đi về đâu? Trung Quốc đang theo đuổi quốc sách “Một vành đai, một con đường”. Họ làm chủ Biển Ðông và bành trướng sang Ấn Ðộ Dương. CSVN có cách đối phó nào với bá quyền Trung Quốc, ngắn hạn và trung hạn? Chính sách ngoại giao “ba không” của ông tướng Nguyễn Chí Vịnh không thể giữ biển Đông, cần phải thay đổi ngay lập tức.

Việt Nam dựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi dân tộc, nếu không phải là đoàn kết dân tộc, yếu tố tối cần thiết vì sự sống còn của quốc gia? Khi đất nước lâm nguy, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, thì sự đoàn kết toàn bộ người dân trên quốc gia đó càng cần thiết hơn nữa. Vì vậy, tiến trình “Phi Cộng sản” theo ông Nguyễn Khắc Mai càng phải làm mạnh hơn để nội dung đoàn kết, có ý nghĩa cụ thể, tạo ra sức sáng tạo, sức mạnh.

Mặc dù tính chính danh của đảng CSVN bị lung lay, lòng tin của dân chúng dành cho đảng đã không còn, CSVN đã và đang nắm quyền nhiều thập niên, nên họ phải chịu trách nhiệm đối với sự hưng thịnh của đất nước. Thành phần tiến bộ của đảng nên thấy lợi thế và cơ hội của đảng cầm quyền để thay đổi Việt Nam theo ý của họ.

Ðể chuẩn bị sẵn sàng cho những thập niên sắp tới, các lực lượng XHDS và thành phần vận động cho phong trào dân chủ Việt Nam cần nhận ra các chỗ yếu của xã hội toàn trị, vạch ra phương cách và mục tiêu phát triển cho Việt Nam. Cần vạch ra phương hướng, hầu đáp ứng nhu cầu của đất nước, cũng như tình hình phát triển ở Á châu và trên thế giới.




No comments:

Post a Comment

View My Stats