BTV
Tiếng Dân
26/05/2020
Tin Biển Đông
Bất chấp nguy cơ đối đầu
quân sự với Mỹ, Trung Quốc vẫn quyết chơi tất tay ván bài ở Biển Đông, nhằm gỡ
gạc lại thiệt hại từ đại dịch Covid-19, giải cứu uy tín cho Tập Cận Bình, cũng
như răn đe Đài Loan và các quốc gia khác.
Hôm 25/5, trang tin News của Úc cho biết, Bắc Kinh có hành động quân sự
táo bạo khi Chủ tịch Tập Cận Bình triển khai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông
tham gia khóa huấn luyện ở Vịnh Bohai, sẽ sớm đi về phía nam và cuối cùng sẽ tiến
sâu vào Biển Đông, nhằm tạo ra sự căng thẳng với Mỹ và Úc.
Ngày 26/5, Báo Thanh Niên
có bài: Ý đồ của Trung Quốc khi sắp tập trận lớn trên Biển Đông.
Trung Quốc sắp tổ chức tập trận quy mô lớn, gồm có tàu sân bay đổ bộ lên đảo ở
Biển Đông và vùng biển trong khu vực.
Theo học giả Stephen
Robert Nagy, từ Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada, nhận định, việc tập trận
nhằm thể hiện 3 thông điệp: (1) Trung Quốc muốn người dân nước này thấy sức mạnh
quốc gia vẫn được duy trì sau đại dịch Covid-19; (2) Răn đe Đài Loan; và (3)
Cho Washington biết Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng đối với vùng biển này.
RFI có bài phỏng vấn
chuyên gia Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của
Trường Quân sự Pháp: Trung Quốc lấn, Mỹ làm căng, Việt Nam chờ thời. Ông
Tréglodé nói về chính sách của VN như sau: “Hà Nội đang nêu ra khả
năng đe dọa đối tác Trung Quốc và báo với cộng đồng
quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng làm như Philippines từng làm, có nghĩa là viện đến công lý quốc tế để có thể làm nổi
rõ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Mời đọc thêm: Tàu sân bay Sơn Đông bất ngờ ra khơi, tham gia tập trận ở Biển
Đông? — Cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo rầm rộ sắp tới của Trung Quốc thể
hiện điều gì? (DV). Bài của kỹ sư Dương Ngọc Thái: Biển
Đông trên mạng (VNE). – Đằng sau tuyên bố trồng rau tại Phú Lâm của Trung Quốc (RFA).
– Việt Nam trong chính sách vùng đệm của Trung Quốc (RFA).
Hối lộ ở Việt Nam
nhưng Nhật Bản phát hiện
Báo chí trong nước dẫn
tin từ các hãng truyền thông của Nhật, cho biết, Công ty Tenma của Nhật khai
báo với Tòa án Tokyo rằng, một công ty con của hãng là Công ty TNHH Tenma Việt
Nam đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh, đã hối lộ cán bộ nhà nước Việt Nam với số
tiền khoảng 5,4 tỷ đồng để được miễn truy thu thuế nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng.
Biếm họa của báo Tuổi
Trẻ Cười, vụ công ty Tenma của Nhật hối lộ một số quan chức Việt Nam để trốn
thuế.
Báo Thanh Niên có
bài: Cán bộ thuế, hải quan nhận hối lộ 5 tỉ đồng của công ty Nhật? Bái
viết dẫn nguồn từ báo Asahi Shimbun của Nhật, cho biết, “các
công tố viên Tokyo đánh giá hành vi trên của Tenma vi phạm luật Phòng chống cạnh
tranh không lành mạnh của Nhật Bản, có nội dung nghiêm cấm hối lộ cho công chức
nước ngoài”.
Chiều nay, báo Tuổi Trẻ cho biết, đoàn thanh tra Bộ Tài chính
đang vào cuộc thanh tra Cục thuế Bắc Ninh và Cục Hải quan Bắc Ninh để báo cáo
nhanh cho Thủ tướng về vụ việc.
Hành vi hối lộ xảy ra ở
Việt Nam, gây thiệt hại cho đất nước này, nhưng lại được giới chức nước ngoài
phát hiện, cho thấy năng lực phòng chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam vô
cùng kém cỏi.
Đầu năm nay, Tổ chức Hướng
tới Minh bạch đệ trình báo cáo về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng cho
biết, năm 2019, dù Việt Nam có sự chuyển biến tích cực trong công cuộc phòng chống
tham nhũng, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế
giới có điểm dưới 50. Điều này cho thấy, tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn
đề nghiêm trọng ở Việt Nam.
Cũng liên quan đến tham
nhũng, Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng nay, Thường trực Ban Chỉ đạo
trung ương về phòng chống tham nhũng đã nhóm họp và chỉ đạo nhanh chóng tập
trung điều tra, xử lý nghiêm minh 6 vụ án lớn trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp.
Nguồn: noichinh.vn
Các vụ án được chỉ đạo xử
lý gồm: Công ty Nhật Cường, được dư luận đồn đoán là “sân sau” của Chủ tịch
UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Công ty Gang thép Thái Nguyên, liên quan đến
sai phạm của đương kim Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải; Tổng công ty Nông
nghiệp Sài Gòn, liên quan tới gia tộc Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy thành Hồ;
Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn; Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất
giai đoạn 2 và Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Việt Nam chống tham nhũng
không dựa vào nền tảng pháp quyền và minh bạch thông tin, mà lại phụ thuộc vào
các “chỉ đạo chính trị”. Đó là hành động chống có chọn lọc và chống cho mục
đích thanh trừng phe nhóm.
Mời xem thêm: Nghi vấn Tenma Việt Nam đưa hối lộ: ĐBQH nói gì? (ĐV).
– Nghi án Tenma Việt Nam hối lộ 5 tỉ: “Làm gì có chuyện ấy (LĐ).
– Bộ trưởng Tài chính trả lời ‘nóng’ vụ hối lộ quan chức thuế, hải
quan (VNBiz). – Vụ nghi vấn nhận hối lộ 25 triệu yên: Công an Bắc Ninh vào cuộc
điều tra (DT).
Hoàng Anh Gia Lai
tiếp tục bị tố “tàn phá đất đai của người bản địa Cambodia”
Tối 25/5, báo Phnom Penh
Post của Cambodia đưa tin báo cáo buộc Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tàn
phá đất đai của các cộng đồng người bản địa ở Cambodia, dựa trên thông cáo báo
chí từ tổ chức Công bằng Cambodia (Equitable Campuchia) và Phát triển Toàn diện
Quốc tế (Inclusive Development International) công bố hôm thứ Hai.
Tổ chức Công bằng
Campuchia kêu gọi chính phủ can thiệp vụ tranh chấp đất đai giữa các cộng đồng
bản địa tỉnh Ratanakiri và đại gia cao su Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai. Nguồn:
Equitable Cambodia
Bài báo có tựa đề “Công ty Việt Nam phá hủy đất bản địa”, cho biết, theo
cam kết trong thỏa thuận hòa giải năm 2015, thì HAGL phải trả lại một vùng đất
được cho là linh thiêng của cộng đồng người bản địa ở tỉnh Ratanakkiri. Tuy
nhiên, HAGL lại tiến hành san ủi, “giải phóng mặt bằng” vào tháng Ba vừa qua.
Bài báo trích lời người đại
diện cộng đồng người bản địa, cho biết, “trong khi cộng đồng chờ đợi sự
phê chuẩn chính thức của Bộ Nông Lâm và Thủy sản về việc trả lại đất đã bị trì
hoãn do dịch Covid-19, công ty (HAGL) đã san phẳng hai ngọn núi linh thiêng,
vùng đất ngập nước, khu vực săn bắn truyền thống và khu chôn cất”. Người
này nói rằng, việc giải phóng mặt bằng đã phá hủy rừng già và gây ra tác hại
không thể khắc phục đối với vùng đất có giá trị tinh thần vô giá đối với cộng đồng.
Ông David Pred, Giám đốc
điều hành của tổ chức Phát triển Toàn diện Quốc tế, nói: “…Việc công ty
này (HAGL) lợi dụng đại dịch toàn cầu để san ủi đất đai bản địa một cách bất hợp
pháp là đặc biệt nghiêm trọng”.
Ông Eang Vuthy, Giám đốc
điều hành của tổ chức Công bằng Campuchia yêu cầu “HAGL phải ngừng giải
phóng mặt bằng ngay lập tức, trả lại đất và bồi thường cho tất cả những thiệt hại
đã gây ra cho người dân Ratanakkiri”.
Được biết, năm 2013, tổ
chức vận động bảo vệ môi trường Global Witness công bố báo cáo nói rằng, HAGL đã có các hoạt động “cướp đất”
và “phá rừng” khi hoạt động tại tại Lào và Cambodia. Theo Vnexpress cho biết, hai ngày sau khi Global Witness công bố báo cáo , bầu Đức mất
300 tỷ, và thiệt hại còn có thể tiếp tục gia tăng.
Tin Nhân quyền
Hôm 25/5, Tổ chức Phóng
viên Không biên giới (RFS) ra thông cáo báo chí, yêu cầu chính quyền Việt Nam
phóng thích ngay lập tức hai nhà báo Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy, và kêu gọi
các đối tác kinh doanh của Hà Nội, đứng đầu là EU và Hoa Kỳ, cần gây sức ép, buộc
Hà Nội chấm dứt chiến dịch đàn áp mới này.
Ông Phạm Thành
(trái) bị bắt ngày 21/5 tại Hà Nội. Hai ngày sau, ông Nguyễn Tường Thủy bị bắt
và đưa vào TPHCM. Nguồn: FB Phạm Thành/ DĐ Dân Chủ
Người đứng đầu Văn phòng
RSF tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Bastard, cho biết: “Vụ bắt
giữ gần như đồng thời của Phạm Chí Thành và Nguyễn Tường Thuỵ gửi một thông điệp
vô cùng rùng mình đến tất cả những người đang cố gắng duy trì một cuộc tranh luận
công khai tại Việt Nam…”
Tổ chức này cũng cho biết,
từ lâu Việt Nam đứng gần dưới đáy của bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
Việt Nam đứng vị trí 175 trên 180 quốc gia trong bảng xếp hạng năm 2020.
BBC có bài phỏng vấn các
nhà hoạt động: Giới hoạt động lên án những vụ bắt giữ mới nhất. Tác
giả Quốc Phương đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là dấu hiệu của một ‘chiến dịch’
mới nào đó”? Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan, nhận định: “Tôi không
nghĩ là có chiến dịch nào cả. Việc bắt bớ các nhà hoạt động trong những năm qua
diễn ra gần như đều đều. Cứ lâu lâu họ lại làm một ‘mẻ’, xử tù hết ‘mẻ’ đó;
hoặc đổi chác, phóng thích ra nước ngoài một số người ‘nặng ký’ thì họ lại bắt
tiếp những người khác thế vào. Việc bắt bớ này sẽ vẫn tiếp tục một khi chế độ cộng
sản còn tồn tại.”
Báo Người Việt hôm 24/5
đưa tin, “Hội Nhà Báo Độc Lập vẫn hoạt động dù quyền chủ tịch bị bắt”.
Nguồn tin này nói rằng, dù Chủ tịch Phạm Chí Dũng và Quyền Chủ tịch Nguyễn Tường
Thụy đều bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam, Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam vẫn tiếp
tục hoạt động dựa trên tôn chỉ, mục tiêu thành lập của Hội, nhấn mạnh đối thoại,
phản biện ôn hòa.
Được biết, chiều 25/5, bà
Phạm Thị Lân, vợ ông Nguyễn Tường Thụy, dưới sự đồng hành của một số nhà hoạt động,
đã đi từ Hà Nội vào Sài Gòn để tìm kiếm luật sư và gửi đồ thăm nuôi cho chồng
mình. Đến tối 26/5, bà Lân thông báo trên facebook cá nhân cho biết, đã gửi được đồ thăm
nuôi cho ông Thụy.
Cũng tin nhân quyền, hôm
25/5, Nhà Xuất bản Tự do thông báo, họ đã được ủy quyền phát
hành các tác phẩm của nhà văn Phạm Thành. Theo đó, ấn phẩm “Thế thiên hành đạo
hay đại nghịch bất đạo” của nhà văn Phạm Thành sẽ được phát hành miễn phí dưới
dạng sách điện tử (ebook) tại website của Nhà xuất bản Tự Do trong thời gian tới.
Bằng cách hỗ trợ phát
hành ấn phẩm này, Nhà xuất bản Tự Do khẳng định, sẽ luôn đứng cạnh những người
cầm bút độc lập, những người đã can đảm chống lại kiểm duyệt và bạo quyền.
No comments:
Post a Comment