Monday, 25 May 2020

BẢN TIN NGÀY 25-5-2020 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
25/05/2020

Tin Biển Đông

Báo Pháp luật TP.HCM có bài phỏng vấn chuyên gia Hoàng Việt: Tứ sa: Mưu đồ ‘thay áo’ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Việt cho biết, sau phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, yêu sách “đường lưỡi bò” gần như bị phá sản. Bắc Kinh chuyển qua tuyên truyền về “yêu sách Tứ Sa”, đó là: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của VN), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của VN) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield).

Sự thay đổi về yêu sách này chỉ là sự “thay áo” cho phù hợp trước những phản ứng của dư luận quốc tế và thực tế pháp lý, chứ không làm thay đổi bản chất dã tâm của Bắc Kinh trong mưu đồ độc chiếm biển Đông.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc gia tăng hành vi sai trái “chưa từng có” ở Biển Đông, bài trên VOV hôm 24/5, nhận định: “Trung Quốc đang lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để đẩy mạnh một loạt các hành vi sai trái ở mức độ ‘chưa từng có tiền lệ’ trên Biển Đông”.

Bị tố ‘thừa nước đục thả câu’ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ thông tin này, tuyên bố, chính những “quốc gia ngoài khu vực” mới là bên cố tình cản trở quan hệ hợp tác khi liên tục gửi tàu chiến và chiến đấu cơ đến Biển Đông, và còn gọi đây là “ý đồ mờ ám và hành vi không chính trực của những nước này đang gây chia rẽ giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Hôm 25/5, Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông trong tháng 8 nhằm mục đích gì? Ông Lục Lập Thực, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan cho biết, cuộc tập trận không nhằm chiếm giữ bất kỳ hòn đảo nào do Đài Loan kiểm soát vì chúng không còn giữ giá trị chiến lược đối với Bắc Kinh.

Ông Trì Lạc Nghĩa, một nhà quan sát quân sự ở Đài Bắc, nói: “Cuộc tập trận đổ bộ là một phần trong chương trình huấn luyện thường xuyên của hải quân Trung Quốc để đạt được kế hoạch Bắc Kinh, nhằm đưa biển Đông dưới sự kiểm soát của họ”.

Trang Thế giới & Việt Nam dẫn tin từ Bloomberg, hôm 24/5, có bài: Một cuộc Chiến tranh Lạnh đang nóng lên ở Biển Đông. Cựu Đô đốc Mỹ phân tích, “để chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc tuần tra trên biển trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải, nhằm thể hiện rằng đây là vùng biển quốc tế – mà theo cách gọi của luật pháp quốc tế là ‘biển cả’.” Các cuộc tuần tra này đã dẫn đến sự đối đầu Mỹ – Trung trên Biển Đông.



Tin Nhân quyền

Vụ bắt nhà văn Phạm Thành và nhà báo Nguyễn Tường Thụy thu hút được sự chú ý của truyền thông. Hôm qua, các tờ báo lớn trong nước đưa tin cùng một nội dung từ Bộ Công an cung cấp, về việc bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy, tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, khi điều tra mở rộng vụ án liên quan đến ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Nhà văn Phạm Thành (trái) và nhà báo Nguyễn Tường Thụy. Photo Courtesy

Các thông tin này nói rằng, việc bắt và khám xét nơi ở của ông Thụy được tiến hành theo “đúng quy định pháp luật”. Tuy nhiên, những người thân của ông Thụy chứng kiến buổi bắt giữ và khám xét hôm 23/5, mô tả lại hành vi của những người đột kích vào nhà ông Thụy là “lũ côn đồ”. Người con trai ông Thụy thuật lại sự việc qua bài viết: Ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt vô cớ – Buổi sáng kinh hoàng.

Sáng 25/5, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra tuyên bố về vụ bắt giữ này. Tuyên bố viết: “Việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thuỵ là hành vi không thể chấp nhận được, đi ngược hoàn toàn với các quyền tự do căn bản của công dân, cũng như đi ngược lại những cam kết của Nhà nước Việt Nam với Công ước Dân sự – Chính trị và cam kết nhân quyền của Việt Nam khi đàm phán, ký kết hiệp định EVFTA”.

Hội này cũng kêu gọi người dân Việt Nam “ý thức một cách rõ ràng về quyền công dân của mình, đặc biệt là những quyền cơ bản như tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội…hiện đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng và cần nhiều sự đấu tranh ôn hòa nhằm giành lại quyền của chính mình – quyền được làm người”.

Về vụ bắt giam ông Phạm Thành, hôm 24/5, RFA có bài: Bắt blogger Phạm Thành, vì lý do gì? của tác giả Tuấn Khanh, phỏng vấn nhà báo Nguyễn Vũ Bình, lý giải cho những đồn đoán, ông Phạm Thành bị bắt giữ vì cuốn sách “Thế thiên hành đạo hay Đại Nghịch bất đạo”, chỉ trích người đứng đầu đảng CSVN là ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Bình nhận định: “Nếu anh Thành không có cuốn sách về ông Trọng, với mức độ chỉ trích và phản biện dày đặc của anh, cũng có thể anh bị bắt. Có thêm cuốn sách, thì số phận một người tranh đấu đối diện với việc bị bắt có tăng thêm nhiều khả năng như vậy. Tâm lý của người dân thì thường suy đoán, dựa vào những gì dễ thấy nhất thôi.
Việc bắt anh Thành trước đại hội 13, cũng có thể mở ra thêm nhiều hướng suy nghĩ nữa, chứ không riêng gì về cuốn sách. Nó có thể là cái cớ, hoặc nó là một giọt nước tràn ly trong cái nhìn tổng quan của ngành an ninh với bối cảnh chung xã hội Việt Nam lúc này”.



Tuyên truyền phản dân chủ của “báo chí cách mạng”

Báo Công an Nhân dân có bài: Không làm gương cho con cháu, sao còn bẻ lái ngược đường, phê phán nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy đang đi “ngược đường”, và nhắc nhở những người “ở cái tuổi ông bà” hãy làm gương cho con cháu trong việc xây dựng và bảo vệ… chế độ Cộng sản, chứ đừng đấu tranh cho tự do, dân chủ như ông Thụy.

Báo Quân đội Nhân dân cũng có bài ‘té nước theo mưa’: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Bài viết cho rằng những người như ông Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung… đều là những người chống phá cách mạng Việt Nam, được “thế lực thù địch” gọi là “tù nhân lương tâm”.

Thiết nghĩ, vì lương tâm, họ đã đứng lên chống lại “cuộc cách mạng đã đẻ ra chế độ độc tài” mà phải ngồi tù, nếu không gọi là “tù nhân lương tâm”, có lẽ nên gọi là “tù nhân của chế độ độc tài”?

Tạp chí Tuyên giáo có bài nhắc nhở về các nhà báo: Báo chí cách mạng đồng hành cùng dân tộc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhà báo kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội là nhà báo chấp nhận và bằng lòng trước sự kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo ĐCSVN, vì chỉ có chế độ chủ nghĩa xã hội mới lập ra Ban Tuyên giáo để kiểm duyệt báo chí và xử lý đối với các nhà báo đưa tin trái với quan điểm của chế độ.

Báo chí Việt Nam không nên trở lại cái thời tuyên truyền kiểu này. Ảnh: HV CSND

Chỉ có “báo chí cách mạng” mới đặt nhà báo vào vị trí phục vụ chế độ, như “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH”. Mục đích của báo chí là cung cấp thông tin trung thực, giáo dục, khai sáng công chúng, cũng như giúp thông báo các diễn ngôn cần thiết cho xã hội… Báo chí không nên đứng về phe này, phe kia, kể cả phe cầm quyền.

Báo chí Việt Nam có lẽ nên học theo VOA; khi bị Tổng thống Trump chỉ trích, VOA lên tiếng: Đài do chính phủ tài trợ không có nghĩa phải loan tin chính phủ chấp thuận. Bài viết kể lại, những người điều hành đài VOA chấp nhận “mất ghế”, quyết tâm chống lại sự kiểm duyệt của chính phủ Mỹ, bảo vệ mục tiêu thông tin khách quan, không thiên vị, phục vụ công chúng.


Tin nghị trường

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, hôm 25/5, báo chí cho biết, Bộ Tư pháp đã đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế cắt điện nước đối với các cá nhân và tổ chức không chấp hành các quyết định xử phạt hành chính. Không rõ lý do gì mà Bộ Tư pháp lại “chây lỳ” đề xuất này, dù trước đó Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã bác bỏ đề xuất này hôm 10/2.
VnExpress cho biết, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm ủy ban, lý giải, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước, thì không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, thì lòi ra “cái đuôi”, đề xuất cắt điện nước là để cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được nhanh chóng và hiệu quả. Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, là người ủng hộ đề xuất này, cho biết, “khi giải phóng mặt bằng… nhiều trường hợp vẫn chây ì. Lúc này, cắt điện, nước là biện pháp hiệu quả để cưỡng chế thi hành“.

Cũng tại kỳ họp này, một người chưa từng làm thẩm phán xét xử ngày nào cũng leo lên được chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình giải thích: Dự thảo Luật Hòa Giải: Cấm ghi âm, ghi hình là để đảm bảo bí mật, báo Tuổi Trẻ đưa tin hôm 25/5.

Để bảo vệ quan điểm này, ông Bình viện dẫn tới các vụ ly hôn và chia tài sản. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì quy định này còn nhằm mục đích ngăn cản quyền được ghi âm, ghi hình của người dân đối với cơ quan chính quyền khi tiến hành các buổi đối thoại, hòa giải trong thu hồi đất đai.


Vụ mua bảo hiểm xe gắn máy chỉ để đối phó với CSGT

Báo Tuổi Trẻ hôm nay đưa tin: Bộ Tài chính thông báo hỏa tốc về chính sách bảo hiểm xe máy, yêu cầu Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm, sau các phản ánh về thủ tục hưởng bồi thường bảo hiểm quá rườm rà, phức tạp, dẫn đến việc người dân nản chí, bỏ cuộc.

Báo VNExpress có bài: Sẽ giảm thủ tục bồi thường cho bảo hiểm xe máy bắt buộc. Báo này còn cho biết, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ chiếm 6%. Năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, nhưng chỉ chi 45 tỷ bồi thường, điều này cho thấy, bóng dáng “nhóm lợi ích bảo hiểm” đang thao túng chính sách bảo hiểm bắt buộc xe máy, để mang lại siêu lợi nhuận trong loại hình kinh doanh này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats