BTV Tiếng Dân
11/05/2020
Nghỉ học vì đại dịch Covid-19 nhưng trường vẫn thu học
phí, phụ huynh phản đối
Sáng ngày 11/5, một nhóm phụ huynh đã tụ tập trước cổng
Trường Tiểu học Tư thục Nội trú – Bán trú Nhật Tân, có địa chỉ tại số 3 Lê Văn
Thọ, phường 9, quận Gò Vấp, Sài Gòn, để phản đối việc thu học phí bất hợp lý
trong mùa nghỉ đại dịch Covid-19.
Một số phụ huynh
căng biểu ngữ phản đối việc thu học phí trước cổng trường. Ảnh: Facebook Thầy Carrot
Theo phụ huynh có con em học tại trường này cho biết,
số tiền học phí trong ba tháng nghỉ đại dịch, từ tháng 2 đến tháng 4 được nhà
trường thông báo thu từ 50% đến 80%, với khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các phụ
huynh nói rằng việc thu học phí như vậy là không thỏa đáng vì nhà trường không
tổ chức học online mà chỉ gửi bài qua app SHUB.
Các phụ huynh cũng cho hay, trong thời gian con em họ
nghỉ học vì đại dịch, nhà trường đã phó mặc hoàn toàn việc học và dạy cho các
phụ huynh ở nhà, nên họ không chấp nhận với mức thu học phí do nhà trường đưa
ra.
Được biết các phụ huynh đã thu thập chữ ký kiến nghị,
và đề nghị nhà trường tổ chức một phiên họp chất vấn và giải trình. Tuy nhiên
phía nhà trường vẫn chưa có thông tin phản hồi chính thức.
Vụ việc này không phải là cá biệt, tình trạng phụ
huynh bức xúc, tập trung trước cổng trường để phản đối việc thu học phí trong mùa dịch đã xảy ra
tại nhiều trường tư trên đại bàn TP. HCM, kể từ khi có quyết định cho học sinh
quay trở lại trường vào đầu tháng 5.
Báo CAND: “Thế lực thù địch” xuyên tạc vụ án Hồ Duy Hải!
Hôm nay, trong mục “Chống diễn biến hòa bình” trên
báo Công an Nhân dân có bài: “Lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để xuyên tạc”, của tác giả Lê
Thế Cương, Học viện Chính trị CAND. Bài báo cho rằng, nhiều cơ quan truyền
thông quốc tế, các trang “phản động” hải ngoại và mạng xã hội, như BBC, Tiếng
Dân… đã lợi dụng diễn biến xét xử giám đốc thẩm vụ án, để tung các bài viết,
phân tích theo hướng “suy diễn, xuyên tạc”.
Bài viết có đoạn: “Ngay sau khi Hội đồng thẩm
phán TAND tối cao bác kháng nghị của VKSND tối cao, trên báo Tiếng Dân đã đăng
tải nhiều bài phân tích theo chiều hướng tiêu cực một cách có chủ đích, suy diễn
vô căn cứ kết quả phiên tòa. Họ luận điệu rằng: Công lý và số phận của Hồ Duy Hải
có phải là đã ưu tiên quan trọng nhất? ‘Y án’ không đơn giản chỉ để cứu uy tín
chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình…”
Báo CAND còn cho rằng, những bài viết của các trang
“phản động” đó là “tung hỏa mù, suy diễn một chiều”, nhằm mục đích “miệt thị
chế độ, nền tư pháp, cơ quan tố tụng; khoét sâu nỗi đau gia đình bị can, quy kết,
suy diễn, chính trị hóa vụ án; kích động, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của
nhân dân”, chứ không phải 17 vị thẩm phán trong phiên tòa Giám đốc thẩm,
cùng bản chất “nhà nước pháp quyền XHCN” đã làm mất niềm tin của nhân dân, như
ý kiến công luận đã nêu ra trong suốt mấy ngày qua.
Đảng Cộng sản Việt Nam họp hội nghị Ban chấp hành Trung
ương
Sáng ngày 11/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng
Cộng Sản Việt Nam (số 1A, đường Hùng Vương, Quận Ba Đình, Hà Nội), đã diễn ra
phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, do
ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, kiêm Chủ tịch nước chủ trì.
Theo trang tin Trung ương Đảng Cộng sản cho biết, tại Hội nghị lần
này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng
công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026; Và một số
vấn đề quan trọng hướng tới Đại hội Đảng khóa XIII.
Theo chương trình, Hội nghị này sẽ kéo dài trong 4
ngày, từ ngày 11/5 đến 14/5.
Đáng lưu ý, bên trong hành lang của phiên họp này,
dư luận đặc biệt chú ý đến hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng bắt tay thân mật với
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình – là chủ tọa phiên tòa giám đốc
thẩm, bác kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải cách đây
vài hôm.
Ông Nguyễn Phú Trọng
bắt tay thân mật với ông Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TTXVN
Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung
ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ Đại hội Đảng, thi hành các quyết định
của Đại hội Đảng. Cơ quan này hiện có khoảng 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy
viên dự khuyết, đứng đầu là Tổng bí thư. Bộ chính trị và Tổng Bí thư đều do cơ
quan này bầu ra.
Bí thư xã giết người, đốt xác, tạo dựng hiện trường giả
Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đăk Nông cho biết, công an tỉnh này
đã bắt giữ một nghi can giết người, đốt xác, tạo hiện trường giả là Đỗ Văn
Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, hôm 10/5.
Chiếc xe của ông
Minh cháy rụi, bên trong có thi thể biến dạng. Ảnh CTV báo Thanh Niên
Báo Pháp luật TP. HCM dẫn lời
Cơ quan cảnh sát Điều tra, bước đầu đã xác định, động cơ giết người, dựng hiện
trường giả của nghi can Đỗ Văn Minh là nhằm chiếm đoạt số tiền bảo hiểm hơn 18
tỉ đồng.
Theo nguồn tin này cho biết, ông Minh có mua một gói
bảo hiểm với số tiền lớn, mỗi năm đóng hơn 200 triệu đồng. Nếu ông Minh chết
thì gia đình sẽ nhận được số tiền khoảng 18 tỉ đồng từ bảo hiểm.
Để thực hiện kế hoạch của mình, nghi can Minh đã đào
trộm mộ của một người chết vừa được chôn khoảng một tuần tại nghĩa trang xã Quảng
Khê (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) với ý định thế thân cho mình. Tuy nhiên,
sau khi đào được một ít đất, Minh đã từ bỏ ý định trên vì quá mệt.
Sau đó, Minh nảy sinh ý định giết anh Vương (là cháu
vợ của mình). Khoảng 0 giờ ngày 4/5, Minh dùng rìu đánh nạn nhân Vương tử vong,
sau đó bỏ thi thể vào trong ô tô chở đến quốc lộ 28, xã Đắk Som, huyện Đắk
G’long, và đốt xe nhằm tạo hiện trường giả là một vụ tai nạn.
“Nghi can lên kịch bản và giả hiện trường rất kỹ
càng nhằm qua mặt cơ quan chức năng, đánh lừa dư luận, bảo hiểm. Việc trục lợi
bảo hiểm bằng cách giết người, thay xác để vợ con được hưởng số tiền bảo hiểm
là điều lần đầu tiên xảy ra, chưa có tiền lệ”, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk
Nông nhận định với báo Pháp luật TP.HCM.
No comments:
Post a Comment