Hiếu
Chân/Người Việt
May 19, 2020
Như chúng tôi đã thưa với
quý độc giả trong một bài trước, cùng với đại dịch COVID-19 phơi bày bản chất
thật của đảng Cộng Sản Trung Quốc, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đi tới
chỗ đổ vỡ, khó mà hàn gắn được, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Chưa bao giờ chính phủ
Hoa Kỳ quyết tâm “thoát Trung” như hiện nay, từ cắt nguồn cung cấp linh kiện
bán dẫn và nhu liệu điện toán cho tập đoàn Hoa Vi (Huawei) đến dự tính lập “quỹ
hồi hương” $25 tỷ để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển sản xuất về nước hoặc
sang các nước khác nhằm tránh lệ thuộc vào hệ thống cung ứng hàng hóa của Trung
Quốc.
Hoa Kỳ không làm chuyện
này một mình. Đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt bất ngờ những mặt hàng thiết yếu
như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, đang làm nhiều quốc gia nhận ra rủi ro của
việc phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất của Trung Quốc. Vì thế, nhiều nước sẽ đi
theo con đường thoát Trung do Mỹ dẫn dắt.
Anh là một ví dụ.
Sau khi ra khỏi Liên Âu,
Anh chủ trương mềm mỏng với Trung Quốc để khai thác thị trường rộng lớn hơn 1.4
tỷ dân cho nền kinh tế Anh. Bất chấp sự phản đối của Washington, London vẫn quyết
chấp nhận cho Hoa Vi tham gia xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) của
nước này, đến mức trong cuộc điện đàm hồi Tháng Hai, Tổng Thống Donald Trump phải
to tiếng với Thủ Tướng Anh Boris Johnson. Nhưng rồi, khi bản thân ông Johnson
phải vô bệnh viện, suýt chết vì COVID-19, thủ tướng Anh suy nghĩ lại và cánh cửa
cho Hoa Vi vào thị trường Anh xem chừng sẽ đóng lại vĩnh viễn.
Nhật là một ví dụ khác.
Cay đắng với Trung Quốc,
Nhật quyết định dành $2.2 tỷ trong kế hoạch kích thích kinh tế hơn $900 tỷ, để
khuyến khích các công ty Nhật chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Muốn đối đầu với Trung Quốc,
bản thân Hoa Kỳ cũng lôi kéo đồng minh và xây dựng quan hệ đối tác. Ý tưởng lập
Mạng Lưới Thịnh Vượng Kinh Tế quy tụ bảy quốc gia (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Tân Tây
Lan, Nam Hàn, và Việt Nam) để ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa bên ngoài Trung
Quốc do Ngoại Trưởng Mike Pompeo đưa ra mới đây đang được các chính trị gia của
cả hai đảng quan tâm và có thể sớm biến thành hiện thực.
“Thoát Trung” đang là xu
thế cấp bách hiện nay.
Âu đó cũng là hướng đi
khó cưỡng của thế giới thời hậu toàn cầu hóa. Lịch sử vận động theo đường xoáy
trôn ốc, loanh quanh rồi cũng trở về tình trạng đối đầu vĩnh cửu giữa hai cực của
nền văn minh, giữa tự do và độc tài, giữa dân chủ và chuyên chế – thay cho cuộc
chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên xô thời trước sẽ là cuộc chiến tranh lạnh
phiên bản 2.0 giữa thế giới tự do và trục độc tài do Trung Quốc làm trung tâm.
***
“Thoát Trung” cũng là đề
tài được giới trí thức ở Việt Nam bàn tán từ lâu, khi nhận ra rủi ro của sự lệ
thuộc toàn diện vào Trung Quốc. Bàn luận rất sôi nổi nhưng chỉ trên bàn phím,
còn thực tế thì ngược lại, dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản, Việt Nam chẳng những
không thoát mà ngày càng lệ thuộc nặng nề hơn vào người láng giềng to xác mà
tham lam cùng cực ở phía Bắc.
Bây giờ, làn sóng dịch
chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc lại thắp lên ngọn lửa hy vọng, dù rất leo
lét, của những người còn ưu tư với thời cuộc. Trong bài viết cho báo Tuổi Trẻ
trong nước nhan đề “Không để mất thời cơ lần thứ ba,” Giáo Sư Trần Văn Thọ, một
nhà khoa bảng về kinh tế học ở Nhật, nhận định: “Do đó, để phòng rủi ro đứt gãy
mạng lưới cung ứng, làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước
khác sẽ mạnh hơn nữa. Ta nhân cơ hội này tích cực tiếp nhận có chọn lọc các dự
án FDI mới để đưa công nghiệp Việt Nam lên cao trong chuỗi giá trị sản phẩm và
từng bước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.” (1).
Hòa với lập luận của Giáo
Sư Thọ, nhất là từ sau tuyên bố về Mạng Thịnh Vượng Kinh Tế của ông Pompeo, nhiều
trí thức trong nước ca ngợi “thời cơ trăm năm có một” cho Việt Nam khi Mỹ chuyển
hệ thống cung ứng hàng hóa ra khỏi Trung Quốc. (Xem tường thuật của VOA tiếng
Việt: Mỹ quyết tâm đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc: Cơ hội ‘trăm năm
có một’ cho Việt Nam?) (2)
Nhưng đây là
niềm hy vọng hay chỉ là ảo vọng? Cần để ý rằng, Việt
Nam là một bản sao thu nhỏ của Trung Quốc ở trình độ lạc hậu hơn nhiều. Cả hai
nước đều theo ý thức hệ và mô hình quản trị cộng sản, đều công an trị, đều chà
đạp nhân quyền, đều tham nhũng từ trên xuống dưới, đều coi kinh tế quốc doanh
là chủ đạo, và đều có hệ thống tư pháp kiểu luật rừng… Việt Nam kém xa Trung Quốc
về phẩm chất nguồn nhân lực và tình trạng hạ tầng giao thông.
Những khó khăn vướng mắc
mà doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt ở Trung Quốc đều có ở Việt Nam với mức
độ tệ hại hơn. Ai dám khẳng định Cộng Sản Việt Nam sẽ ứng xử tử tế hơn, minh bạch
hơn Cộng Sản Trung Quốc khi xảy ra một thảm họa có thể gây hại cho quyền lãnh đạo
độc tôn của họ? Thế thì, có bao nhiêu công ty sẽ chuyển tới Việt Nam làm ăn khi
quyết định rời Trung Quốc? Tránh vỏ dưa để gặp vỏ dừa? Thực tế trong nước cho
thấy, phần lớn các “nhà đầu tư nước ngoài” làm ăn ở Việt Nam – tuy không phải tất
cả – là những tay buôn bất động sản và mồ hôi người lao động, lợi dụng nạn tham
nhũng, cấu kết với nhà cầm quyền cộng sản để trục lợi mà không mang lại sự
thăng tiến cần thiết cho nền kinh tế, công nghệ hay khoa học kỹ thuật của đất
nước – chuyện này khác hẳn với Trung Quốc.
Sự lệ thuộc của Việt Nam
vào Trung Quốc có nguồn gốc rất sâu xa, từ trước khi đảng Cộng Sản chưa ra đời ở
một sân banh Hồng Kông đầu thế kỷ trước, kéo dài qua gần thế kỷ, dù đánh nhau
tàn độc trong cuộc chiến đẫm máu ở biên giới phía Bắc năm 1979, hay ở quần đảo
Trường Sa năm 1988, mà sau đó hai bên vẫn “cộng sinh” để tồn tại giữa một thế
giới ngày càng tự do hóa, dân chủ hóa. Vì thế “thoát Trung” với người Mỹ, người
Anh, người Nhật có thể có khó khăn ban đầu nhưng sẽ sớm vượt qua, còn đối với người Việt, đó gần
như là một ảo vọng, một nhiệm vụ bất khả thi.
Muốn “thoát
Trung” trước tiên phải “thoát Cộng” – chừng nào nước Việt Nam chưa có tự do và dân chủ, chưa xây dựng thể chế
chính trị đa đảng, tam quyền phân lập, kinh tế thị trường tự do và nhà nước
pháp quyền thì “thoát Trung” chỉ là một ước mơ, bao nhiêu cơ hội kinh tế cũng sẽ
đến rồi đi, để lại cho người dân những tiếng thở dài nuối tiếc trong một cuộc sống
ngày càng bế tắc.
------------------
Nguồn:
No comments:
Post a Comment