Dịch giả: Song Phan
11/10/2018
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc (Trung Quốc) đã
chống phá Hoa Kỳ ở biển Đông – ngoại trừ cho tới khi tiến trình này diễn
ra thật rõ thì Washington mới nhận thấy. Cách Trung Quốc đánh phá – dựa
theo binh pháp của Tôn Tử, triết gia thời xưa – là bất chiến tự nhiên
thành (không đánh mà thắng). Do đó Trung Quốc đã tiến hành với các bước đi
thật nhỏ: bồi đắp đảo ở chỗ này, xây đường băng ở chỗ kia, lắp đặt pháo
tên lửa ở chỗ khác, triển khai giàn khoan thăm dò dầu tạm thời ở vùng biển
tranh chấp, lập khu cai quản v.v… Mỗi bước được trù tính để chỉ tạo ra một
sự kiện nhỏ mà không châm mồi cho một phản ứng quân sự từ phía bên kia, vì
Trung Quốc biết rằng họ có thể còn cách cả một thế hệ mới đọ được với Hải
quân và Không quân Hoa Kỳ về khả năng chiến đấu.
Chương mới nhất trong tiến trình này xảy ra hồi đầu
tháng này, khi một tàu chiến Trung Quốc chạy tới chỉ cách tàu khu trục USS
Decatur, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, trong vòng 45 yard ở vùng biển
lân cận đá Gaven.
Trung Quốc không phải là một nước xoàng và khi so
với các mục tiêu chính trị địa chính trị của họ thì các chính sách của họ
đều hoàn toàn có ý đồ. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với biển Đông khá
giống với cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với vùng biển Caribbean trong thế kỷ 19
và đầu thế kỷ 20, khi tìm cách thiết lập sự thống trị chiến lược trên vùng biển
liền kề mình. Sự thống trị vùng Caribbean đã giúp Hoa Kỳ kiểm soát hiệu quả
bán cầu Tây, cho phép nó tạo ảnh hưởng trọng yếu đến sự cân bằng quyền lực ở
bán cầu Đông trong suốt thế kỷ 20. Đối với Trung Quốc, việc họ thống trị biển
Đông trong thế kỷ 21 sẽ có tác dụng không kém hơn thế.
Việc kiểm soát hiệu quả biển Đông sẽ cho Trung Quốc
khả năng tiếp cận tự do với Thái Bình Dương rộng lớn hơn, cho phép Trung Quốc
tiếp tục làm Đài Loan – ranh giới phía bắc của biển Đông – suy yếu và, quan trọng
nhất, biến Trung Quốc thành một cường quốc hải quân hai đại dương. Quả vậy, biển
Đông là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương – khu vực biển quan trọng nhất của thế kỷ 21,
nó vận hành như là hải lộ năng lượng toàn cầu xuyên quốc gia nối các mỏ dầu
khí ở Trung Đông với các khu đô thị trung lưu ở Đông Á. Các hành động quân sự
của Trung Quốc ở biển Đông không tách rời với hành động xây dựng đế chế
thương mại của họ trên khắp Ấn Độ Dương cho đến kênh đào Suez và vùng Đông Địa
Trung Hải.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, Hoa Kỳ là
nước bá quyền hung hăng. Xét cho cùng, Hải quân Hoa Kỳ đưa các tàu chiến từ
Bắc Mỹ đến biển Đông xa xôi, mà theo điểm quy chiếu địa lý của Trung Quốc,
vốn là vùng biển nhà của họ – giống y như biển Caribbean đối với người Mỹ.
Thực tế là Tuần duyên Hoa Kỳ cho tàu bâu vào nhau bên trong và xung quanh
vùng Caribbean cho thấy, theo một cảm giác tâm lý rất thật là Hoa Kỳ có quyền
sở hữu vùng biển này như thế nào. Tin tưởng giống như vậy, Trung Quốc
cũng có tàu cảnh sát biển, cũng như đội tàu đánh cá ở khu vực biển Đông.
Hoa Kỳ phải đối mặt với một thực tế quan trọng: Tây
Thái Bình Dương không còn là một cái hồ của riêng hải quân Mỹ như trong nhiều
thập kỷ sau Thế chiến II. Việc Trung Quốc trở lại vị thế một cường quốc lớn
chắc chắn tạo ra một tình huống đa cực phức tạp hơn. Hoa Kỳ phải ít nhất
dành ra một khoảng trống nào đó cho không quân và hải quân Trung Quốc ở
khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khoảng trống bao lớn là câu hỏi cốt lõi.
Hãy nhớ rằng các đồng minh chính của Hoa Kỳ giáp biển
Đông – Việt Nam và Philippines – không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải
cầu thân với một Trung Quốc lớn hơn, chi phối về kinh tế và ở gần hơn
nhiều. Họ muốn Hoa Kỳ như một đối trọng với Trung Quốc, chứ không phải là
một kẻ thù địch thẳng đuột của Trung Quốc. Họ biết rằng Hoa Kỳ có sự hiện diện
quân sự mạnh mẽ ở châu Á chủ yếu là do chọn làm như thế – làm cho chính
sách của họ không chắc chắn – trong khi Trung Quốc là nguyên tắc tổ chức trung
tâm của khu vực.
Tổng thống Trump đã truyền đạt sự không chắc chắn
vào óc của các đồng minh châu Á của chúng ta nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo Mỹ hiện
đại nào trước đây. Điều này có thể buộc họ phải ký kết những thoả thuận
không chính thức riêng với Trung Quốc. Một quá trình như vậy sẽ núp lén, hiếm
khi được chấp nhận và hầu như không bao giờ xuất hiện trên các trang đầu của
báo chí. Tuy nhiên, một ngày nào đó khi thức dậy chúng ta sẽ nhận ra rằng
châu Á đã thay đổi không thể đảo ngược lại được.
Thật vậy, chiến lược an ninh của Bộ trưởng Quốc
phòng Jim Mattis ở biển Đông đang bị chính sách thương mại của Trump phá hoại.
Đừng bao giờ tin rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng thương mại như một đòn bẫy chống lại
Trung Quốc ở biển Đông, nơi mà Bắc Kinh có một chiến lược lớn dài hạn, rất
có nền móng, trái ngược với ý tưởng bất chợt, ngoằn ngoèo của Trump.
Trừ khi Hoa Kỳ muốn xảy ra một cuộc chiến tranh
bắn nhau ở biển Đông, biện pháp phòng thủ duy nhất chống lại chính sách xâm lấn
dần của Trung Quốc là một hệ thống thương mại tự do và việc xây dựng liên
minh dân chủ của Mỹ khiến vị thế quân sự của Mỹ được củng cố và chống lại hệ
thống đế quốc của Trung Quốc. Sức mạnh không chỉ là về quân sự và kinh tế,
mà còn là về đạo đức nữa. Và với “đạo đức”, trong trường hợp này, tôi không
có ý nói là nhân đạo hoặc đức hạnh. Tôi muốn nói một cái gì đó khó hơn:
Lời nói nhất quán để các đồng minh có thể trông mong vào bạn. Chỉ với những
nước ven biển như Việt Nam và Philippines – chưa nói tới Đài Loan và Hàn Quốc
– nhìn nó theo sự quan tâm riêng của họ để giữ khoảng cách an toàn với Trung
Quốc.
Tóm lại, có một mâu thuẫn trực tiếp giữa chủ nghĩa
dân tộc kinh tế quyết đoán của Trump, với cam kết của chính quyền của ông
trong việc bảo vệ biển Đông. Biển Đông không phải là vùng biển nhà của Hoa Kỳ;
nó là vùng biển nhà của Trung Quốc. Địa lý vẫn còn dính dáng. Và vì Hoa Kỳ
nằm rất xa, hy vọng duy nhất của nó là đưa ra một tầm nhìn khu vực nâng cao,
làm nền tảng cho tầm nhìn quân sự của mình.
***
Kaplan là tác giả của “The Return of Marco Polo’s
World: War, Strategy, and American Interests in the Twenty-first Century” (Thế
giới của Marco Polo quay trở lại: Chiến tranh, Chiến lược và lợi ích của người
Mỹ trong Thế kỷ 21). Ông là một thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới
và là cố vấn cấp cao của nhóm Eurasia.
------------------------
VOA Tiếng Việt
10/08/2018
Đưa ra những biện pháp trừng phạt đánh vào những cá
nhân có liên quan và giới tinh hoa Trung Quốc nói chung, tăng cường sự hiện diện
quân sự ở quanh Biển Đông (trong đó có Việt Nam), tiếp tục hỗ trợ các nước nhỏ
nâng cao năng lực trên biển, thực thi quyền tự do hàng hải thường xuyên bên
ngoài các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và tham gia vào các
nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp là các giải pháp Mỹ cần xem xét để đối
phó với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Những đề xuất này được ông Michael Mazza, một nhà
nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện American Enterprise
Institute (AEI) của Mỹ đưa ra trong một công trình nghiên cứu có tựa đề ‘Chiến
lược của Mỹ đối với vùng đông nam Á’ vừa được công bố vào tháng 8 năm 2018.
‘Tam
giác chiến lược’
Tác giả Mazza nhìn nhận rằng ‘bước tiến chậm rãi
nhưng chắc chắn của Trung Quốc trong việc mở rộng kiểm soát trên Biển Đông đã
khiến họ ngày càng có lợi thế hơn trước Mỹ’.
Hiện giờ, Bắc Kinh đã có vị thế tốt hơn để đe dọa
quyền tự do lưu thông trên Biển vốn là nền tảng cho lợi ích thương mại và an
ninh của Mỹ cũng như để thực thi sức mạnh đối với các nước tranh chấp khác để
ép những nước này nhượng bộ bằng các biện pháp đe dọa hay cưỡng ép, theo nhận định
của tác giả.
“Tất cả các bên liên quan, kể cả Mỹ, đang nhanh
chóng tiến đến ngưỡng mà họ phải có lựa chọn một trong hai khả năng: hoặc là chịu
để mặc cho Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, hoặc là phải kháng cự mạnh mẽ.”
Mục tiêu kháng cự đầu tiên là phải khiến cho Trung
Quốc ngưng việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể mà họ kiểm soát trên Biển
Đông. Nếu như việc yêu cầu Trung Quốc phải phá bỏ các căn cứ đã xây để trả Biển
Đông về nguyên trạng như trước là ‘mục tiêu quá tham vọng’ thì trong giai đoạn
hiện nay Mỹ nên dừng lại ở mục tiêu là Bắc Kinh đóng băng mọi hoạt động xây cất
thêm.
Vẫn theo phân tích của Mazza thì Bắc Kinh có thể
thành công trong việc quân sự hóa Biển Đông vì ‘cho đến giờ này, Bắc Kinh không
phải trả một cái giá nào cho hành động của họ’ ngoài việc thanh danh của họ bị
tổn hại ‘một cách khiêm tốn’.
Hiện nay, Bắc Kinh đã xây dựng tiền đồn trên đảo Phú
Lâm (mà họ gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa và trên một số thực thể mà
họ kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc hiện cũng đang kiểm soát bãi
cạn Scarborough mà họ giành được từ tay Philippines hồi năm 2012. Giới quan sát
đang dự đoán rằng không sớm thì muộn Bắc Kinh cũng sẽ tiến hành bồi đắp và xây
dựng trên bãi cạn này. Điều này, theo Mazza, là ‘đặc biệt đáng quan ngại’.
“Nếu Trung Quốc
xây dựng căn cứ ở đó (bãi cạn Scarborough) thì họ sẽ hoàn tất ‘tam giác chiến
lược’ (cùng với đảo Phú Lâm và căn cứ ở Trường Sa),” Mazza phân tích, “Trung Quốc
sẽ có vị thế có thể kiểm soát hầu hết Biển Đông… và dọn đường cho việc thiết lập
vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.”
Nếu điều này trở thành hiện thực thì đó sẽ là ‘thay
đổi mang tính căn bản’ đối với môi trường an ninh trên Biển Đông và sẽ giúp cho
Bắc Kinh ‘tăng cường thách thức quyền tự do lưu thông trên vùng biển và vùng trời
quốc tế’.
Các biện
pháp trừng phạt
Để răn đe hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung
Quốc, ông Mazza đề xuất Mỹ nên áp đặt chế tài đối với các công ty Trung Quốc
tham gia bồi đắp đảo và triển khai các máy bay tác chiến điện tử luân phiên đến
Philippines để phá sóng lực lượng của Trung Quốc. Trường hợp Trung Quốc triển
khai lực lượng ra Đá Vành Khăn mà họ chiếm của Philippines hồi năm 1995 thì
Washington cần đáp trả bằng việc triển khai binh lực ra các thực thể mà Manila
hiện kiểm soát.
Ngoài ra, ông Mezza còn đề xuất Mỹ nên tạm dừng cấp
thị thực du học cho con em các quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc,
treo lại chương trình thị thực đầu tư EB-5 cho các công dân Trung Quốc và cho
phép các quan chức chạy trốn chiến dịch truy quét tham nhũng mang tên ‘Săn cáo’
của Chính phủ Trung Quốc được trú ẩn ở Mỹ. “Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp
lên giới lãnh đạo Trung Quốc,” ông phân tích.
Một biện pháp leo thang đáp trả mà ông Mezza cho rằng
Mỹ nên tính tới là tấn công vào những điều mà Bắc Kinh cho là ‘lợi ích cốt lõi’
của họ - tức là những lợi ích mà Bắc Kinh không thể nào nhượng bộ dù chỉ một
chút và sẵn sàng dùng tất cả các biện pháp, kể cả quân sự, để bảo vệ. Tấn công
vào các ‘lợi ích cốt lõi’, bao gồm Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng, do đó, sẽ
khiến Trung Quốc tổn thương nặng và khiến họ đáp trả quyết liệt.
Theo đó, ông đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ nên công bố
báo cáo về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương và
nêu ra những lập trường có thể của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền này
(riêng về Đài Loan, Mỹ đã có lập trường đối với chính sách ‘Một Trung Quốc’ kể
từ Thông cáo Thượng Hải năm 1972 cũng như đạo Luật về Quan hệ với Đài Loan năm
1979) và thiết lập Viện Mỹ ở Dharamsala để nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và chính phủ
lưu vong Tây Tạng.
Tăng cường
hiện diện quân sự
Để đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, thì bên cạnh
các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) vốn được các chính quyền
Barack Obama và Donald Trump tiến hành nhưng không thường xuyên, ông Mezza còn
đề xuất rằng Mỹ cần thực hiện liên tục quyền tự do hàng hải của tàu bè đi lại
trên Biển Đông.
Ông cho rằng số liệu hiện nay cho thấy mặc dù mỗi
ngày Mỹ ít nhất có từ hai đến ba tàu bè đi lại trên Biển Đông, nhưng con số này
là ‘không đủ’ so với thách thức hiện nay từ Trung Quốc, và rằng sự di chuyển của
tàu bè thông thường sẽ không mang tính khiêu khích đối với Bắc Kinh như FONOP.
Ngoài ra, theo ông Mezza, Washington cần tăng cường
hơn nữa sự hiện diện quân sự, nếu cần có thể thiết lập thêm căn cứ thường trực,
trên Biển Đông để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng việc họ đang tìm cách kiểm
soát vùng biển và vùng trời Biển Đông ‘là vô ích’. Ông Mezza đặc biệt nhắm đến
các đối tác Philippines, Singapore và Việt Nam.
Dưới chính sách xoay trục về châu Á của cựu Tổng thống
Barack Obama để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc (sau này đã bị Tổng thống
Donald Trump bãi bỏ và thay bằng chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự
do), Mỹ đã củng cố mối quan hệ an ninh với các đối tác xung quanh Biển Đông.
Đối với Philippines, vốn là một đồng minh có hiệp ước
của Mỹ, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hợp tác Phòng vệ Tăng cường (EDCA) hồi năm
2014. Nhưng hiệp ước này có nguy cơ bị lung lay dưới thời của Tổng thống
Rodrigo Duterte vốn ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc gặp
tại Manila hồi tháng 11 năm 2017, Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte đã tái
khẳng định mối quan hệ đồng minh có hiệp ước cũng như đảm bảo cam kết với EDCA.
Trong khi đó Singapore ngày càng nổi lên như là một
đối tác an ninh đáng tin cậy của Mỹ đến gần mức độ như là ‘đồng minh không
chính thức’. Họ đã cho Mỹ triển khai máy bay quân sự Poisedon 8 đến lãnh thổ của
họ và cho phép tàu chiến thân cạn (LCS) luân phiên đồn trú.
Còn đối với Việt Nam, chính quyền Obama đã dỡ bỏ lệnh
cấm bán vũ khí sát thương và hỗ trợ tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. Một
giới chức Mỹ gần đây cho VOA biết Hà Nội cũng đã thương thảo hợp đồng vũ khí trị
giá gần 100 triệu đô la với Washington. Ông Mezza dự báo rằng về lâu dài phía Mỹ
có thể bán cho Việt Nam máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.
Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ đối với Việt Nam ‘nên là
căn cứ thường trực hoặc được phép cho quân đội ra vào cảng Cam Ranh một cách
luân phiên’. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ của Hà Nội, hay
còn được biết đến là chính sách ‘3 không’ khiến Washington khó lòng đạt được mục
tiêu này.
“Nếu các nước đông nam Á thật lòng muốn có sự hiện
diện quân sự của Mỹ để có thể thay đổi tính toán của Trung Quốc thì họ cần phải
có bước đi để tạo điều kiện cho sự hiện diện đó,” ông viết.
Nếu Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện ở Philippines
(đông Biển Đông), thiết lập sự hiện diện ở Việt Nam (tây Biển Đông) và với sự
hiện diện sẵn có ở Singapore (nam Biển Đông), thì Mỹ có thể ‘đáp trả nhanh
chóng các vụ việc xảy ra trên các chuỗi đảo tranh chấp hay các hành vi Trung Quốc
quấy rối và tấn công lực lượng hải quân và không quân của Mỹ cũng như của các
nước đồng minh’.
Sự hiện diện dàn trải ở khắp nơi trên Biển Đông như
thế, theo ông Mezza, sẽ phức tạp hóa việc hoạch định chính sách quân sự và tính
toán chính trị của Bắc Kinh do họ phải ‘tính toán đến việc tấn công vào nhiều
quốc gia có chủ quyền’. Ngoài ra, việc rải lực lượng như thế còn có thể giúp
các lực lượng Mỹ có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu xảy ra khủng hoảng.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực
cho các nước đối tác này để họ có thể kiểm soát vùng biển chủ quyền và vùng đặc
quyền kinh tế của họ một cách hiệu quả, ông đề xuất. Mặc dù năng lực quân sự của
những nước này không thể nào bằng được Trung Quốc nhưng việc họ tăng cường khả
năng quân sự có thể khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi có hành động
cưỡng chế.
Tham
gia giải quyết tranh chấp
Trên mặt trận ngoại giao, ông Mezza đề xuất Mỹ nên
tích cực tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với các bên thay vì giữ lập
trường trung lập như lâu nay. “Hóa ra là Mỹ có lợi ích trong việc tranh chấp được
giải quyết như thế nào,” ông nhận định.
Theo ông, nếu như tranh chấp được giải quyết theo
chiều hướng có lợi cho Trung Quốc thì đó sẽ là hồi chuông báo động đối với Mỹ.
“Hãy tưởng tượng nếu như Trung Quốc có thể đảm bảo
chủ quyền với với tất cả các thực thể có tranh chấp trên Biển Đông mà không phải
tốn một viên đạn. Do Trung Quốc có thái độ chống lại các chuẩn mực thông thường
như tự do hàng hải và tham vọng bá quyền rõ ràng của họ ở châu Á thì một thực tế
như thế sẽ là một bước ngoặt không thể nào chấp nhận được đối với Mỹ và các đồng
minh,” ông phân tích.
Trước mắt, một trong những hành động ngoại giao mà Mỹ
có thể làm là hối thúc các bên nhanh chóng hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển
Đông (COC). Kể từ Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử (DOC) được đưa ra hồi năm 2002,
quá trình đàm phán COC đã kéo dài mãi bất chấp sức ép từ phía Mỹ. Một phần lý
do là Trung Quốc không muốn bị ràng buộc bởi các quy định về COC trước khi họ
hoàn tất các công việc xây dựng và bố trí lực lượng trên Biển Đông. Một số các
nhà quan sát còn cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng câu giờ COC cho đến khi họ hoàn
tất bố trí lực lượng trên bãi cạn Scarborough.
Ông đề xuất Mỹ và các đối tác bên ngoài nên khuyến
khích các bên đàm phán trong ASEAN đặt ra thời hạn chót – tối đa là sáu tháng –
để hoàn tất việc đàm phán COC và trong khi đàm phán các bên phải đóng băng việc
xây dựng trên các thực thể. Trường hợp Bắc Kinh không đồng ý thì các nước ASEAN
sẽ bắt đầu một tiến trình ngoại giao mới để đàm phán về các chuẩn mực ứng xử và
tiến tới phân định ranh giới chủ quyền mà không có Bắc Kinh tham gia, theo kiến
nghị của tác giả.
“Bắc Kinh có thể chọn lựa tham gia vào đàm phán hay
chứng kiến các tranh chấp được giải quyết mà không có ý kiến của họ,” ông viết.
“Các nước có tranh chấp sẽ không có bước đi này nếu
như họ không tin vào sự hậu thuẫn của Mỹ. Mỹ nên nói rõ ràng họ sẽ ủng hộ và bảo
vệ các thỏa thuận đạt được miễn là chúng tôn trọng luật pháp quốc tế và xâm phạm
lợi ích của Mỹ.”
*
----------------------------------
Hà Tường Cát - Người Việt
January 26, 2018
Trong một chuyến hải hành được gọi là “để xác định
quyền tự do hàng hải” FONOP (Freedom of Navigation Operation), hôm 17 Tháng
Giêng, khu trục hạm USS Hopper trang bị hỏa tiễn đã đi vào vùng biển Trường Sa
và đến cách bãi san hô Scarborough Shoal 12 hải lý.
Phát ngôn viên Lu Kang, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc,
nói rằng chiến hạm Mỹ vi phạm vùng biển 12 hải lý của đảo Huangyan và “Hải Quân
Trung Quốc sau khi thi hành các thủ tục định dạng theo luật quốc tế, đã phái một
chiến hạm đến yêu cầu tàu Mỹ phải ra khỏi vùng biển.”
Huangyan theo cách gọi của Trung Quốc là bãi san hô
Scarborough Shoal được Philippines xác nhận chủ quyền và đặt tên là Panatag,
nhưng bị Trung Quốc chiếm đoạt năm 2012.
Phát ngôn viên Lu Kang tuyên bố: “Trung Quốc rất bất
mãn với hành động của Mỹ và sẽ sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ
quyền của mình.”
Trong thời chính quyền của Tổng Thống Obama, Trung
Quốc đã nhiều lần mạnh mẽ phản đối các chuyến FONOPs diễn ra từ 2015 đến Tháng
Mười, 2016, nhưng lúc đó Hải Quân Trung Quốc chỉ theo dõi canh chừng không tỏ
ra muốn có hành động trực tiếp can thiệp.
Trong mấy tháng đầu thời Tổng Thống Trump, Mỹ ngưng
các chuyến FONOPs để tránh va chạm Trung Quốc nhằm hy vọng Bắc Kinh tăng áp lực
với Bắc Hàn. Hải Quân Mỹ tiếp tục trở lại những chuyến hải hành FONOPs, từ
Tháng Năm, 2017, chuyến đầu tiên với khu trục hạm USS Dewey đi vào vùng biển 12
hải lý cách Mischief Reef (đá Vành Khăn) do Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Cuối Tháng Bảy, khu trục hạm USS Stethem đi vào vùng
biển quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 và đến
cách đảo Tri Tôn 12 hải lý.
Tới Tháng Tám, khu trục hạm USS John McCain một lần
nữa đi ngang đá Vành Khăn, chỉ cách xa 6 hải lý. Hải Quân Trung Quốc 10 lần
phát tín hiệu cảnh cáo nhưng không phái chiến hạm đến nghênh cản.
Bây giờ sang năm 2018, phản ứng của phía Trung Quốc
có vẻ mạnh mẽ hơn và gia tăng sự thách thức Mỹ. Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan
ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản, gọi Washington là kẻ gây rối, và hành động
vừa qua của Mỹ chỉ khiến cho Trung Quốc buộc phải tăng cường triển khai lực lượng
trên hải lộ tranh chấp. Theo tờ báo, trong tình hình đang được cải thiện ở khu
vực, rõ ràng Mỹ muốn quân sự hóa Biển Đông; “Phản lại nền tảng hòa bình và hợp
tác, chiến hạm Mỹ ngang ngược gây rắc rối đến mức táo bạo liều lĩnh.”
Tờ báo hăm dọa: “Nếu bên hữu quan một lần nữa vô cớ
gây thêm rắc rối và tạo căng thẳng thì Trung Quốc phải đi đến kết luận rằng: Để
bảo vệ hòa bình ở Biển Đông, Trung Quốc cần tăng cường và đẩy nhanh việc tạo dựng
những khả năng ở đây.”
Hoàn Cầu Thời Báo, tờ lá cải do Nhân Dân Nhật Báo
phát hành, trong một bài xã luận nói rằng: “Lực lượng và khả năng quân sự của
Trung Quốc đã gia tăng cùng với việc kiểm soát Biển Đông. Bây giờ Trung Quốc
nên đưa thêm chiến hạm đến đây để ổn định tình thế và có thể thực hiện việc
quân sự hóa các đảo.”
Năm ngoái ở Biển Đông, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo
nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích tổng cộng 290,000 m2, tương
đương 72 mẫu (acres).
Về phía Mỹ, Bộ Quốc Phòng không bình luận về chuyền
đi của chiến hạm Hopper, nhưng Hải Quân Mỹ khẳng định rằng có quyền thực hiện
những chuyến hải hành gọi là FONOP nhằm “thể hiện sự thách thức với tuyên bố chủ
quyền hàng hải quá mức” của Trung Quốc ở Biển Đông. Các giới chức Mỹ xác định rằng
theo luật quốc tế đây là “chuyến đi ngang vô tư” của một chiến hạm nhận biết rõ
lãnh hải đã đi qua nhanh chóng không dừng lại.
Hôm Thứ Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis
nói rằng không phải khủng bố, mà tranh chấp với các cường quốc như Nga và Trung
Quốc, mới là trọng tâm cho an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Hải Quân Trung Quốc phát triển rất nhanh từ đầu thế
kỷ 21 và khả năng hoạt động của hạm đội từ cận duyên đã tiến tới viễn duyên.
Các chuyên gia quốc phòng phương Tây cũng thường nói đến tham vọng của Hải Quân
Trung Quốc tiến tới ngang bằng Hải Quân Mỹ trong sự tranh quyền bá chủ các đại
dương. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế không còn tốt đẹp như thời gian những
năm trước, Trung Quốc sẽ buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và dự án 500
chiến hạm của hải quân không dễ đạt tới. Vả lại Trung Quốc biết rằng trong cuộc
chạy đua vũ trang thời Chiến Tranh Lạnh, Tổng Thống Ronald Reagan đã đánh bại
Liên Xô bằng chi tiêu quốc phòng, và bây giờ Tổng Thống Donald Trump vẫn còn tiềm
năng thắng Trung Quốc như thế.
Tổng Thống Trump hiện nay muốn tăng số chiến hạm chủ
lực của Hải Quân Mỹ từ 272 chiếc lên 350; Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm chiến lược
trong khi Trung Quốc mới chỉ có một và ít nhất tới 2019 hay 2020 mới có thêm
chiếc mới. Nhưng Liêu Ninh hiện tại hay Sơn Đông tương lai thì cũng không thể
so sánh được với USS Gerald Ford trị giá $13 tỷ. Hơn nữa Trung Quốc hiểu rõ là
hải quân của họ không những còn thua Mỹ về lực lượng mà còn kém xa về khả năng
và kinh nghiệm chiến đấu.
Do đó chiến tranh hay đụng độ lớn ngoài Thái Bình
Dương giữa Hải Quân Mỹ-Trung Quốc sẽ chưa xảy ra ít nhất là cho đến giữa thế kỷ.
Hoạt động của Hải Quân Trung Quốc trong tương lai gần sẽ chỉ giới hạn ở Biển
Đông nhắm phục vụ cho kế hoạch lâu dài khống chế toàn bộ Biển Đông, nơi họ có
ưu thế tuyệt đối về sức mạnh so với tất cả mọi nước trong khu vực.
Chiến
lược lấn tới dần dần
Trung Quốc vẫn công khai tuyên bố chủ quyền trên gần
như toàn bộ Biển Đông, bất chấp nguyên tắc và không tuân hành những thỏa thuận
quốc tế. Bồi đắp những đảo nhân tạo là việc làm bất hợp pháp và công pháp quốc
tế về luật biển đã xác đinh rằng đảo nhân tạo không có lãnh hải cũng như vùng đặc
quyền kinh tế. Nhưng đảo nhân tạo của Trung Quốc có hai mục đích chính: (1)
dùng làm đầu cầu để, hợp pháp hay không hợp pháp, lấn dần chủ quyền trong vùng
biển, (2) xây dựng thành căn cứ quân sự tiền tiêu. Những căn cứ nhỏ bé và cô lập
này sẽ không thể nào phòng thủ được nếu chiến tranh với Mỹ, nhưng rất có hiệu
quả trong các chiến dịch xâm lăng ở khu vực.
Phản ứng của Trung Quốc đối với Mỹ ở từng thời điểm,
leo thang hay xuống thang, chẳng qua chỉ là để thích ứng với từng tình huống,
nhưng không ra ngoài chiến lược lấn tới dần dần của Trung Quốc. Vì vậy, không
có gì nghi ngờ về đường lối của Trung Quốc, thắc mắc mà người ta đặt ra là về
chủ trương của Mỹ. Trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Donald Trump năm
2018 liệu ông có quả thật chú trọng đến Biển Đông như từng hứa hay không. Một số
quan sát viên cho rằng ông Trump vẫn nói không muốn nước Mỹ can dự nhiều vào
các vấn đề quốc tế, nhưng ông đã vội vã quyết định cho chuyển tòa Đại Sứ Mỹ về
Jerusalem. Vậy thì Biển Đông có lợi ích gì để ông phải quan tâm đến mức như
Israel hay không?
Ngoài những lời
lẽ phê phán Trung Quốc, chủ yếu về kinh tế, trong thời gian tranh cử, và rồi
sau đó Tổng Thống Trump có lý do để nương nhẹ Trung Quốc; cho đến nay chưa có điều
gì chứng tỏ ông thật sự quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Những hoạt động như
FONOP là do Bộ Quốc Phòng và Hải Quân tiếp tục thi hành và không một quan sát
viên nào ghi nhận Biển Đông là ưu tiên của Tòa Bạch Ốc.
Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của chính quyền Tổng Thống
Trump được công bố hồi Tháng Mười Hai nói rằng: “Những cố gắng của Trung Quốc để
xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trong vùng Biển Đông là sự đe dọa tự do
lưu thông thương mại, đe dọa chủ quyền các quốc gia khác, và tạo bất ổn khu vực.”
Cho tới nay, chính sách của chính quyền Tổng Thống
Donald Trump ở Biển Đông chỉ giới hạn trong việc thực hiện Quyền Tự Do Hải Hành
(FONOPs), mà chính quyền Tổng Thống Barack Obama bắt đầu thực hiện hồi năm
2015.
Vả lại FONOPs không phải là chiến lược toàn diện, nó
không đủ để ngăn chặn Trung Quốc dưới thời Barack Obama và nó cũng sẽ không đủ
như vậy dưới thời Donald Trump.
Người ta
không tin là Tổng Thống Trump có thể có một quyết định gì mạnh mẽ hơn, và trong
tình thế ấy mọi diễn tiến sẽ là có lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tránh va chạm lớn với Mỹ ở khu vực này và
không gây khó khăn cho những nước nào muốn ngả về phía Mỹ. Nhưng Việt Nam và
Philippines, căn cứ trên kinh nghiệm dĩ vãng cũng như tình hình hiện tại, hiểu
rằng không thể nào trông cậy hoàn toàn vào Mỹ, và do đó buộc phải tìm thỏa hiệp
với Trung Quốc tới một chừng mực đủ khôn ngoan để tồn tại và bảo vệ lợi ích của
dân tộc mình. (Hà Tường Cát)
—————-
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment