Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 31-10-2018
Giá
xăng dầu tăng cao khiến dân Pháp bất bình ; thủ tướng Đức chuẩn bị ra đi khiến
tương lai châu Âu rơi vào bất định là một số tựa lớn trang nhất các báo Pháp
hôm nay, 31/10/2018. Gây ấn tượng nhất là Libération, báo động về « cuộc
đại diệt chủng sinh giới », nhân báo cáo của Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF).
Libération có bài phỏng vấn nhà sinh học Gilles Bœuf phân tích về nguồn gốc của
thảm họa và khả năng hành động của con người.
"Không có thiên nhiên, không có tương lai" : Khẩu hiệu trong một
cuộc tuần hành tại Marseille, ngày 8/9/2018.REUTERS/Jean-Paul Pelissier
« Từ chim chiền chiện cho đến voi »
: 60% các giống loài có xương sống đã biến mất trong khoảng thời gian từ 1970 đến
2014, là ghi nhận trong báo cáo của WWF. Trả lời Libération, nguyên giám đốc Bảo
tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp Gilles Bœuf lưu ý là cho dù về mặt ngắn
hạn tuyệt chủng chưa xảy ra đối với đa số các giống loài, nhưng tốc độ diệt
vong là khủng khiếp. Thế hệ con cháu chúng ta chắc hẳn sẽ không còn được nhìn
thấy những loài vật đáng yêu như hươu cao cổ, hay voi. Và không chỉ các động vật
to lớn, mà những loài lưỡng thê nhỏ bé, vốn có mặt ở khắp mọi nơi, như ếch
nhái. Tương tự với loài chuồn chuồn, một sinh vật kỳ diệu có khả năng bay với vận
tốc 90km/h, với rất ít năng lượng, và cùng một lúc nhìn được tứ phía.
Theo nhà sinh học Pháp, sở dĩ có cuộc đại diệt chủng
sinh giới hiện nay là do ba tính xấu của con người : Tham lam vô độ, kiêu ngạo
và thiển cận.
Các loài vật bị tuyệt diệt, hoặc bởi con người muốn
sử dụng chúng cho các sản phẩm tiêu dùng, như sừng tê giác rất được ưa chuộng
trong ngành dược học cổ truyền Trung Quốc (hôm 29/10/2018, sau một thời gian cấm,
chính quyền Trung Quốc cho phép buôn bán trở lại các sản phẩm với thành phần từ
tê giác và hổ - người viết), hoặc do môi trường bị ô nhiễm và bị thôn tính. Nhà
sinh học Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng rừng ở khắp nơi trên thế giới bị
biến thành nơi canh tác nông nghiệp quy mô lớn, ví dụ như cho đậu tương biến đổi
gien ở Brazil hay Achentina, dùng cho chăn nuôi gia súc, một thảm họa đối với đất
đai và sinh giới. Rừng ở Indonesia, ở Malaysia bị biến thành đồn điền trồng cọ,
để cung cấp nguyên liệu cho động cơ chạy bằng xăng sinh học, đe dọa làm tuyệt
diệt loài vượn orang-outang, hay hổ Sumatra.
Giải
pháp duy nhất : « Tái hòa giải » với thiên nhiên
Con người đã ảo tưởng là có thể sống không cần đến
thiên nhiên, trong khi bản thân sự tồn tại của cơ thể con người đã là hiện thân
cho sự đa dạng sinh học, với bao nhiêu tế bào, vi khuẩn tồn tại cộng sinh.
Nguyên giám đốc Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp nhấn mạnh là : loài
người không thể phá hủy được sự sống, bởi các biểu hiện của sự sống sẽ vẫn tồn
tại, cho dù loài người có không còn nữa. Nhưng rất có thể là, với đà diệt chủng
hiện nay, con người sẽ biến mất cùng với các loài động vật có xương sống, với
các loài thực vật quen thuộc trong vườn nhà của chúng ta. Biến đổi khí hậu khiến
tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
« Giải pháp duy nhất », theo ông,
đó là « tái hòa giải nền kinh tế mới, được cân nhắc một cách kỹ lưỡng,
với thiên nhiên ». Tình hình hiện nay là « đã quá trễ để có
thể bi quan ». Không ai biết được thời điểm nào thảm họa sẽ là
« không thể đảo ngược ». Chỉ có một cách duy nhất là hành động
khẩn cấp.
*
Dân chúng bị bỏ rơi, lãnh đạo dân túy
xuất hiện
Về nguồn gốc sâu xa của sự trỗi dậy của các thế lực
chính trị cực đoan đe dọa môi trường, sinh thái hiện nay, nhà sinh học Pháp dẫn
lời nhà triết học Edgar Morin : « Khi những người cầm quyền bỏ mặc một
bộ phận lớn dân chúng ở bên lề xã hội, thì chỉ cần một ‘‘guru’’ (hay một người
lãnh đạo có sức mê hoặc) đầu tiên đến, ông ta sẽ dành chiến thắng ».
Đó là trường hợp lãnh đạo cực hữu Jair Bolsonaro ở Brazil vừa đắc cử tổng thống,
hay chiến thắng của hai đảng dân túy tại Ý mới đây…
Bài xã luận của Libération, mang tựa đề « Đe
dọa », nhấn mạnh tình thế rất nan giải của nhân loại hiện nay, khi cộng
đồng quốc tế cần đến các nỗ lực phối hợp, thì các thế lực dân tộc chủ nghĩa, thờ
ơ với mọi việc diễn ra ngoài biên giới quốc gia, đang trỗi dậy ở khắp nơi.
*
Đóng góp phi thường của thiên nhiên cho
kinh tế
Không chỉ là bệ đỡ cho sự sống của con người, đa dạng
sinh học còn có đóng góp quyết định vào nền kinh tế nhân loại. Báo Le Monde dẫn
thêm một con số của báo cáo WWF gây bàng hoàng : đóng góp của « các
loài côn trùng và chim chóc thụ phấn » cho nông nghiệp hàng năm tương
đương với 125.000 tỉ đô la, gấp 1,5 GDP toàn cầu (chưa tính đến các đóng góp
khác của thiên nhiên – người viết). Nhà môi trường Pascal Canfin bình luận :
« nếu phải trả tiền cho dịch vụ này, mô hình kinh tế hiện nay của chúng
ta sẽ phá sản ».
*
Merkel rút khiến Macron và Liên Âu suy
yếu ?
Tuyên bố sẽ không tái ứng cử vào chức thủ tướng của
lãnh đạo Đức Angela Merkel, vào năm 2021, gây bàng hoàng. Le Figaro có bài
« Merkel rút khiến Macron và Liên Âu suy yếu ».Đối với châu
Âu, tuyên bố ra đi của thủ tướng Merkel là một tin buồn rơi đúng vào thời điểm
đầy khó khăn. Liên Hiệp Châu Âu mất đi một trong hai lãnh đạo chủ chốt (người
còn lại là tổng thống Pháp Emmanuel Macron), trong khi các nền móng của ngôi
nhà châu Âu đang rung chuyển, do các phong trào chống hệ thống, cùng lúc với việc
Nga và Mỹ tung ra các đòn tới tấp, và Anh Quốc thì chuẩn bị rời khỏi con tàu
chung.
Tình hình hiện nay là trái ngược hẳn với tháng
5/2017, khi tổng thống Emmanuel Macron vừa đắc cử. Nhiều người hy vọng là Liên
Âu sẽ tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế, với sự cộng tác khăng khít của
cặp Pháp – Đức, bởi tân tổng thống Pháp đã coi việc tái khởi động châu Âu là ưu
tiên trong chính sách đối ngoại. Trong những tháng tới, cuộc chiến nhằm khẳng định
vị trí lãnh đạo mới trong nội bộ đảng CDU của bà Merkel chắc chắn sẽ gây khó
khăn cho các phối hợp giữa Đức với Pháp, đặc biệt trong các cam kết về tài
chính.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng đưa ra các góc nhìn hoàn
toàn khác. Theo đó, quan hệ Pháp – Đức kể từ khi tổng thống Macron đắc cử thật
ra cũng không hề suôn sẻ. Từ nhiều tháng nay hợp tác Paris – Berlin đã giảm tốc,
do các vấn đề nội bộ của Đức, nhất là các hậu quả do chính sách mở cửa cho người
nhập cư, và quá trình thành lập chính phủ liên minh, kéo dài trong nhiều tháng.
Ngược lại, chính trị gia Jean-Dominique Giuliani, chủ
tịch Quỹ Robert Schuman, nhìn các diễn biến ở Đức với con mắt lạc quan. Theo
ông, nếu bà Annegret Kramp-Karrenbauer, một người có quan điểm thân châu Âu, kế
nhiệm chức chủ tịch CDU của Merkel, thì việc hợp tác với Pháp có thể sẽ thuận lợi
hơn nhiều. Bên cạnh đó, không còn bị ràng buộc vào các áp lực bầu cử, thủ tướng
Đức có thể sẽ được rảnh tay để cải cách Liên Âu.
Le Figaro cũng lưu ý là dự án châu Âu không thể do một
người, hay một quốc gia duy nhất dẫn dắt. Câu trả lời cho vấn đề này chắc chắn
sẽ được quyết định với kết quả của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới, cử
tri sẽ ra phán quyết về số phận của các đảng phái chính trị truyền thống.
*
Thủ tướng Đức đến muộn : Buổi họp báo kỳ
lạ của Merkel
Về phần mình, bài « Buổi hoàng hôn kéo dài của
Angela Merkel » của Le Monde đặc biệt chú ý đến diễn biến của cuộc họp
báo hôm 29/10 vừa qua tại Berlin, với nội dung được báo trước là thủ tướng
Merkel sẽ thông báo không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo đảng CDU, mà bà liên tục đứng
đầu từ năm 2000.
Trái ngược với thói quen luôn luôn đúng giờ, thủ tướng
Đức lần này đến trễ đến 15 phút. Bởi nội dung chính đã được thông báo trước, bà
Merkel dành thời gian để chăm chút mái tóc và trang điểm. Tiến sĩ vật lý Angela
Merkel đã bình thản điểm lại những sự kiện đã dẫn bà đến quyết định ra đi, quyết
định tách rời chức vụ thủ tướng ra khỏi chủ tịch đảng. Một quyết định có thể dẫn
đến nhiều khó khăn trong việc thực thi quyền lực.
Theo Le Monde, thủ tướng Merkel muốn chuẩn bị kỹ lưỡng
cho thế hệ lãnh đạo mới, tránh không để rơi vào tình trạng như người tiền nhiệm
Helmut Kohl, và cũng là người đỡ đầu về chính trị của bà trước đây. Trước mắt
Angela Merkel và đảng CDU sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức : Bầu cử châu
Âu tháng 5/2019, cùng với bốn cuộc bầu cử nghị viện bang cũng vào năm tới.
*
Pháp : Xăng tăng giá, dân kêu gọi phong
tỏa đường xá
Giá cả xăng dầu tăng cao tại Pháp là nguồn gốc bất
bình đang dâng cao. La Croix cho hay hôm qua, 550.000 người ký tên vào một chỉ
trích trên mạng. Một số lời kêu gọi phong tỏa đường xá trên toàn quốc ngày
17/11 tới, để phản đối chính phủ.
La Croix có bài giải thích chi tiết về lý do tại sao
dân chúng lại bất bình. Việc giá xăng dầu tăng gây phản ứng mạnh tại các vùng
nông thôn, nơi thu nhập thường thấp và xe hơi gần như là phương tiện duy nhất.
Thị trưởng một địa bàn nhỏ tỉnh Ille-et-Vilaine ước tính, mức độ tăng giá hiện
nay khiến nhiều người phải trả thêm tổng cộng đến hơn 1.000 euro/năm.
Cuộc khủng hoảng tăng giá đang dần dần mang tầm vóc
chính trị. Đảng Cộng Sản Pháp lên án các tập đoàn xe hơi « tống tiền »,
cựu bộ trưởng Môi Trường Ségolène Royal cũng chỉ trích chính sách tài chính thô
bạo của chính phủ. Nhiều lãnh đạo đảng cánh hữu LR đòi ngừng tăng thuế, trong
lúc lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen ủng hộ kêu gọi xuống đường.
Về lý do sâu xa của việc giá cả xăng dầu tăng cao,
La Croix thẩm định là, phần trách nhiệm chủ yếu thuộc về phần thuế má tăng, chiếm
60% giá cả cuối cùng. Dự kiến thuế đánh vào xăng dầu, đặc biệt là thuế cacbon sẽ
còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Dự kiến chính phủ sẽ tăng thuế
cacbon lên 86 euro một tấn, vào cuối nhiệm kỳ, tức gần gấp hai lần so với hiện
nay (Thuế cacbon [TICPE] để kìm hãm việc sử dụng năng lượng hóa thạch mang lại cho
ngân sách 11 tỉ euro trong năm 2017, và dự kiến là 19 tỉ vào năm 2019).
Bên cạnh vấn đề thuế là giá xăng dầu trên thị trường
quốc tế cũng tăng mạnh, do căng thẳng quốc tế, nhất là liên quan đến Iran và
Venezuela, hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Giá một baril dầu hiện giờ là 80 đô
la, so với 50 đô la hồi đầu năm, và 30 đô la năm 2016.
*
Trợ cấp cho gia đình khó khăn và
"đi lại bền vững"
Vẫn về vấn đề tăng giá xăng cho thuế môi trường, La
Croix trong một bài viết khác cho biết, chính phủ Pháp không thay đổi đường lối
hiện nay, được khởi sự từ thời chính phủ của đảng Xã Hội (vốn được đưa ra vào
thời điểm giá dầu thấp hơn nhiều), nhưng tìm cách hỗ trợ các gia đình khó khăn,
đặc biệt về chi phí sưởi ấm, và cải thiện điều kiện cách nhiệt, để tiết kiệm
năng lượng. Quốc Hội Pháp cũng đang chuẩn bị dự luật liên quan đến « trợ
cấp cho đi lại bền vững » (forfait mobilité durable) để khuyến khích mọi
người đến nơi làm việc bằng xe đạp, hay đi cùng xe đồng nghiệp, nhằm hạn chế
khí thải.
Theo ông Pierre Cannet, chuyên gia về phát triển bền
vững ở WWF, càng nhanh chóng chuyển sang các phương tiện ít ô nhiễm hơn, ít
phát khí thải hơn, thì người dân sẽ càng ít phụ thuộc hơn vào tình trạng giá
xăng dầu biến đổi thất thường.
*
Lo ngại cho sức khỏe tổng thống Pháp
Theo Le Figaro, lần đầu tiên kể từ khi tổng thống
Pháp để lịch trống liền bốn ngày trong tuần. Cụ thể là sau buổi ăn trưa với các
dân biểu tỉnh Hauts-de-France hôm qua, thứ Ba, 30/10. Cho đến cuối tuần, tổng
thống Macron sẽ dành thời gian để « hoàn toàn nghỉ ngơi » với
gia đình, trước đợt tưởng niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất.
*
Đổi giờ châu Âu : Khó thống nhất trong
năm tới
Trong lĩnh vực xã hội, Les Echos chú ý đến cuộc họp
của các bộ trưởng Giao Thông châu Âu hôm thứ Hai, 29/10, không ủng hộ chủ
trương của Bruxelles là mỗi quốc gia phải quyết định giờ cố định ngay từ năm tới.
Bộ trưởng Giao Thông Áo, quốc gia chủ tịch luân phiên Liên Âu, cho rằng, nếu điều
này buộc phải làm ngay trong năm tới, đa số các nước sẽ phản đối. Thời gian hợp
lý là 2021, để có thời gian chuẩn bị. Việc mỗi quốc gia đưa ra quyết định chọn
giờ cố định theo giờ mùa đông hay giờ mùa hè riêng rẽ, có thể khiến tình trạng
giờ giấc ở toàn châu Âu rơi vào rối rắm, đó là dự báo của bộ trưởng Áo Norbert
Hofer.
No comments:
Post a Comment