Sunday, 28 October 2018

HAI NĂM ĐẦY HỖN LOẠN NHƯNG VẪN MANG DẤU ẤN CỦA TRUMP (Zing.vn)




Zing.vn
29/10/2018

Nước Mỹ vừa trải qua một tuần đầy hỗn loạn. Có ít nhất 14 quả bom được gửi đến cho các chính trị gia của phe Dân chủ như cựu tổng thống Obama, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Cory Booker,...

Nghi phạm của loạt bom thư này được xác định là cựu vũ công thoát y Cesar Sayoc, một fan cuồng của Tổng thống Trump. Y nhắm tấn công vào tất cả những cá nhân và tổ chức (đài CNN) mà y coi là hay chỉ trích ông Trump. 

Đến ngày Sabbath hôm 27/10, một vụ xả súng của một tay bài Do Thái đã làm 11 người tại một nhà thờ Do Thái ở Pittsburg thiệt mạng. Nghi phạm Robert Bowers là một kẻ thường xuyên chửi bới người Do Thái ở trên mạng xã hội. Nước Mỹ trải qua 72 giờ đầy thù hận và sợ hãi. 

Những thù hận, chia rẽ sắc tộc này dường như bị đẩy lên hơn bao giờ hết kể từ khi tỷ phú Donald Trump nhậm chức cách đây gần 2 năm. Một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông ký làm sốc cả thế giới khi đó là cấm người Hồi giáo từ 7 nước không được vào nước Mỹ.
Ông thường xuyên gọi những người gốc Mỹ Latin là tội phạm, kẻ cưỡng hiếp,... và một lời hứa ông thường đưa ra là bức tường xây ở biên giới với Mexico để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Các nhóm da trắng thượng đẳng và cực hữu thường xuất hiện công khai và nhắm vào người nhập cư nhiều hơn kể từ khi ông Trump cầm quyền. 

Và chia rẽ sắc tộc không phải là hỗn loạn duy nhất kể từ khi vị tỷ phú địa ốc này trở thành tổng thống. 

SỰ HỖN LOẠN KÉO DÀI TRONG CHÍNH PHỦ

Theo tờ New York Times, 14 tháng sau khi ông Trump nhậm chức, có tới 9 sự thay đổi trong 21 vị trí quan trọng nhất của Nhà Trắng. Cũng mốc thời gian đó, ông Clinton chỉ có 3 sự thay đổi nhân sự, ông Obama có 2 và với ông Bush là 1. Tổng cộng đã có khoảng 25 quan chức cấp cao bị sa thải hoặc từ chức dưới thời Tổng thống Trump và điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi về sự ổn định của chính phủ của ông.

Ngoại trưởng Rex Tillerson biết mình bị sa thải qua một dòng tweet của ông Trump, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci bị buộc thôi việc chỉ sau 10 ngày nhậm chức. Bên cạnh đó là rất nhiều trường hợp tự nguyện ra đi, mà gần đây nhất là trường hợp của bà Nikki Haley – Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Ông Trump, cũng trong một dòng tweet, cho rằng lý do cho việc thay đổi nhân sự là vì ông “luôn đi tìm sự hoàn hảo” và khẳng định không có sự hỗn loạn nào trong chính phủ. Nhưng vẫn có những hoài nghi về khả năng lãnh đạo của tổng thống, vì những nhân sự này đều được chính ông Trump chọn lựa khi ông nhậm chức vào tháng 1/2017.

Sự hoài nghi được đẩy lên cao độ vào tháng 9, khi nhà báo kỳ cựu Bob Woodward tung ra cuốn sách gây chấn động “Fear: Trump in the White House” (Nỗi sợ hãi: Trump tại Nhà Trắng). Trong cuốn sách này, tổng thống được miêu tả là có cách hành xử như trẻ con, còn các cố vấn thì tìm mọi cách để “lấy trộm” hoặc giấu giấy tờ để ông Trump không ký hay đưa ra những quyết định được coi là có hại cho an ninh quốc gia.

Trong một đoạn trích từ cuốn sách này, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sau một cuộc gặp với tổng thống được cho là đã thốt lên: “Tôi không hiểu tại sao bất cứ ai trong số chúng ta lại ở đây. Đây là việc tệ nhất tôi từng làm”. Cùng thời điểm với cuốn sách của nhà báo huyền thoại Woodward, tờ New York Times ngày 5/9 cũng có bài viết của một quan chức giấu tên, vẽ lên bức tranh chia rẽ trong nội bộ Nhà Trắng và chỉ trích sự bốc đồng của tổng thống. Bài báo này cũng cho biết có một “phe phản kháng’ đang cố gắng làm việc để ngăn cản những tổn hại mà ông Trump có thể gây ra.

Thời điểm ra mắt cuốn sách của nhà báo Woodward và bài báo đăng trên tờ New York Times đều diễn ra ngay trước thềm bầu cử giữa kỳ. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Tổng thống Trump và phe Cộng hòa.

Về mặt cá nhân, ông Trump cũng trở thành tâm điểm trong vụ điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, nhưng những áp lực này được giải tỏa phần nào khi nền kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu tích cực.

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Báo cáo hôm 16/10 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Mỹ lần đầu trở lại vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong 10 năm qua - một khẳng định thêm rằng kinh tế đã phát triển nhanh kể từ khi ông Trump lên.

Một tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 diễn ra, tờ Washington Postcó bài viết: “Tổng thống Trump có thể phá hủy kinh tế thế giới”. Khi chiến thắng đến gần với ông Trump, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, Paul Krugman, viết trên New York Times cảnh báo vềmột “cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu”. Một nhân vật có tầm ảnh hưởng khác là cựu bộ trưởng Tài chính Larry Summers thì dự đoán suy thoái kéo dài sẽ bắt đầu sau 18 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ ông Trump.

Nhưng 20 tháng đã trôi qua và tất cả những con số đều cho thấy điều ngược lại.

Tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ trong Q2/2018 đạt 4.2%, gần gấp đôi so với 2,2% của Q1 và là tăng trưởng quý tốt nhất trong vòng 4 năm. Dự báo tăng trưởng cho Q3 cũng đã được đưa ra ở mức cao hơn 3%. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi đúng hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3%/năm ông Trump đưa ra khi tranh cử. Tổng thống Mỹ đã không đạt được mục tiêu này vào năm 2017 khi kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,3%.

Các chỉ số chủ đạo của nền kinh tế như S&P500 và Nasdaq đều lập kỷ lục mới trong tháng 9. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, trừ Facebook, đều ghi nhận sự tăng trưởng. Apple và Amazon đã lần lượt đạt thị giá 1 nghìn tỉ USD. Những đại gia công nghệ này đều được hưởng lợi lớn từ chính sách cắt giảm thuế mà ông Trump đưa ra vào năm 2017.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp – một trong những thước đo quan trọng của nền kinh tế, cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan. Tính đến tháng 9, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống còn 3.7%, con số thấp nhất kể từ năm 1969. Nền kinh tế cũng được dự báo sẽ tạo ra thêm 2,5 triệu việc làm trong năm nay, cao hơn so với 2016 và 2017.

Cựu tổng thống Obama trong cuộc vận động cho đảng Dân chủ vào ngày 22/10 tại bang Nevada cho rằng những thành công của nền kinh tế Mỹ hiện tại đã bắt nguồn từ nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên không thể không phủ nhận những tác động tích cực từ chính sách cắt giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát của ông Trump. Geogry Mankiw, nhà kinh tế nổi tiếng từ Đại học Harvard cho biết: “Tôi tin rằng nền kinh tế đã ổn định ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama, và việc giảm thuế đã khiến nó mạnh hơn.”

Tuy nhiên, nền kinh tế khỏe mạnh không phải lúc nào cũng quyết định chiến thắng cho tổng thống. Năm 2014 chứng kiến nền kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng cao nhất trong nhiệm kỳ của ông Obama, nhưng chiến thắng ở cuộc bầu cử giữa kỳ lại thuộc về phe Cộng hòa khi họ có thêm Thượng viện và tiếp tục nắm giữ cả lưỡng viện cho đến nay.

ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI NƯỚC MỸ

Việc đảng Cộng hòa là phe đa số ở Thượng viện từ năm 2014 cũng là một cơ sở để ông Trump có được một thành tựu nổi bật khác trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, đó là việc bổ nhiệm thành công 2 thẩm phán vào Tòa án Tối cao Mỹ.

Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong Chính phủ Mỹ, Tòa Tối cao với 9 thẩm phán có tiếng nói quyết định trong việc giải thích Hiến pháp và kiểm tra các quyết định của tổng thống và quốc hội. Những quyết định của Tòa Tối cao có tác động sâu sắc đến xã hội Mỹ, như việc công nhận quyền phá thai của phụ nữ trong 6 tháng đầu (1973) hay hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (2015).

Các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ giữ vị trí trọn đời trừ khi họ tự nguyện nghỉ hưu, vị trí này được bổ nhiệm bởi tổng thống và cần được Thượng viện thông qua. Từ năm 1895, chưa có tổng thống đảng Dân chủ nào bổ nhiệm thành công thẩm phán Tòa Tối cao khi đảng Cộng hòa nắm Thượng viện. Điều này tiếp tục vào năm 2016, sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào tháng hai, ông Obama đề cử một người có tư tưởng ít bảo thủ hơn là thẩm phán Merrick Garland thay thế vị trí ông Scalia để lại.

Nhưng các thượng nghị sĩ Cộng hòa, đứng đầu là ông Mitch McConnell, phản đối kịch liệt việc bổ nhiệm một thẩm phán trong khi ngày bầu cử tổng thống đang đến gần. Vì phe Cộng hòa là đa số tại Thượng viện, không có một quá trình xem xét nào được diễn ra. Điều này khiến cho Tòa án Tối cao với 8 thẩm phán, 4 người được bổ nhiệm bởi đảng Dân chủ và 4 người được bổ nhiệm bởi đảng Cộng hòa, không thể đưa ra được quyết định ở một số vấn đề và từ chối tiếp nhận xem xét các vấn đề khác.

Bên cạnh việc ngăn cản ông Obama đưa một thẩm phán tự do hơn vào Tòa án Tối cao, hành động của phe Cộng hòa ở Thượng viện cũng đã giúp ông Trump có thêm thứ để hứa với các cử tri. Nhóm cử tri bảo thủ, những người thường phản đối phá thai hay siết chặt sở hữu súng đạn, tích cực đi bầu cho ông Trump vì họ cho rằng đó là cách tốt nhất để ngăn cản những điều này diễn ra trong tương lai.

Và ông Trump một đã thực hiện đúng lời hứa của mình, 10 ngáy sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đề cử thẩm phán Neil Gorsuch, một người cũng có quan điểm bảo thủ, vào vị trị ông Scalia để lại.

Khi một thẩm phán khác là ông Anthony Kennedy xin nghỉ hưu ở tuổi 81 vào tháng 6, đảng Cộng hòa một lần nữa lại có cơ hội để lôi kéo các cử tri nếu có thể đưa một thẩm phán bảo thủ thay thế. Thẩm phán Kennedy, người được bổ nhiệm bởi ông Ronald Reagan, thường ngả theo 4 thẩm phán bảo thủ còn lại trong một số vấn đề nhưng đôi khi ông cũng linh hoạt hơn trong một số vấn đề khác, tiêu biểu là việc ông ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2015.

Điều này dẫn đến việc ông Trump đề cử thẩm phán Brett Kavanaugh, một người có tư tưởng bảo thủ hơn thay thế ông Kennedy. Phe Dân chủ không muốn điều này xảy ra vì thẩm phán Kavanaugh sẽ khiến cho Tòa án Tối cao nghiêng hẳn về phía bảo thủ. Nhưng với việc phe Cộng hòa là đa số, ông Brett Kavanaugh chính thức trở thành thẩm phán tòa án tối cao sau khi Thượng viện phê chuẩn với số phiếu sít sao (50-48), mặc dù ông này bị cáo buộc quấy rối tình dục và phải trải qua một cuộc điều trần đầy ầm ĩ ở Washington DC.

Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnel cho rằng đây là một chiến thắng quan trọng cho phe này trước khi bầu cử giữa kỳ diễn ra: “Không gì có thể khiến những người Cộng hòa đoàn kết bằng tòa án”.

Với việc bổ nhiệm thành công hai thẩm phán bảo thủ lên Tòa án Tối cao, ông Trump đã để lại một dấu ấn lớn trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của mình. Không chỉ làm hài lòng nhóm cử tri bảo thủ, tổng thống đã góp phần định hình tương lai của nước Mỹ, cả ông Neil Gorsuch (51 tuổi) và Brett Kavanaugh (53t) đều có thể làm việc cho đến tận năm 2050 và xu hướng bảo thủ của họ sẽ có tiếng nói quyết định trong các vấn đề chính sách xã hội của nước Mỹ, ít nhất là trong hai thế hệ tới.

MẠNH TAY VỚI TRUNG QUỐC TRÊN MẶT TRẬN KINH TẾ

Không chỉ để lại một di sản với tương lai nước Mỹ, Tổng thống Trump cũng là người góp phấn định hình lại nền thương mại toàn cầu trong những năm tới, sau khi ông đưa ra quyết định áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa từ Trung Quốc.

Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã tỏ rõ sự không hài lòng với thâm hụt thương mại lên tới hơn 300 tỷ USD hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc từ lâu đã áp dụng những luật chơi không công bằng trong thương mại song phương và điều này là không thể chấp nhận.

Khác với hai người tiền nhiệm là Bush và Obama, những người có ý định thành lập một hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) để gây sức ép buộc Trung Quốc cải cách nền kinh tế, ông Trump ngay lập tức rút nước Mỹ khỏi hiệp đình này trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ.

Và dù cho có nhiều ý kiến hoài nghi, Tổng thống Mỹ vẫn quyết định áp thuế 25% lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, và sau đó là mức thuế 10% lên lượng hàng hóa khác trị giá 200 tỷ USD, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế lên tất cả những hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặc dù việc áp thuế là cách làm của ông Trump, nhưng các chính trị gia ở cả 2 phe Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và yêu cầu thành lập liên doanh sẽ ảnh hưởng tới các ngành kinh tế quan trọng của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren cho rằng chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong hai thập kỷ gần đây đã đi sai đường. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện là ông Chuck Schumer cũng tuyên bố ông ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Trump.

Tiến sĩ Gary Shilling, nhà phân tích kinh tế nổi tiếng và là người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng cho vay mua nhà vào năm 2008, cho rằng: “Không ai thắng cuộc chiến thương mại trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài… nước Mỹ sẽ tốt hơn”. Ông cho rằng thế giới đang trong giai đoạn toàn cầu hóa và không chỉ Trung Quốc, các nước khác cũng có thể sản xuất và với tư cách là người mua, nước Mỹ có thể mua hàng hóa từ nơi khác.

Chưa thể biết được kết quả cuối cùng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng việc ông Trump cho thấy một thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc so với những người tiền nhiệm cũng là một dấu ấn của Tổng thống Mỹ trong 2 năm đầu nhiệm kỳ. Trung Quốc đã đáp trả với việc áp thuế lên một số nông sản nhập khẩu từ Mỹ, điều này sẽ gây ảnh hướng tới một bộ phận nông dân – nhóm cử tri quan trọng của đảng Cộng hòa.

NHỮNG CHUYỂN BIÊN Ở BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Dấu ấn lớn nhất trên mặt trận ngoại giao của ông Trump chính là việc mở ra đàm phán hòa bình ở bán đảo Triều Tiên, điều tưởng chừng xa vời khi cả Mỹ và Triều Tiên đều có những hành động gia tăng căng thẳng vào năm 2017.

Tháng 9/2017, Triều Tiên thử có vụ thử hạt nhân lần thứ 6, khiến cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải họp khẩn cấp vào ngày hôm sau. Tổng thống Trump liên tục đưa ra những đe dọa trên Twitter trong khi truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng cáo buộc ông Trump “gây chiến”.

Tình hình trên bán đảo tiếp tục diễn biến căng thẳng, ông Trump tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Đến tháng 11, Triều Tiên có vụ thử tên lửa liên lục địa lần thứ 3.

Nhưng mọi thứ chuyển biến nhanh chóng kể từ kỳ Thế vận hội mùa đông diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc, đầu năm nay. Triều Tiên thể hiện thiện chí khi gửi các quan chức cấp cao đi cùng đoàn vận động viên nước này. Một tháng sau, ông Trump gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Đên tháng 4, một hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp mặt trực tiếp, tuyên bố kết thúc xung đột và dự định ký kết một hiệp định hòa bình vào cuối năm.

Đến tháng 6 tại Singapore, ông Trump đi vào lịch sử với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên, hai bên cam kết xây dựng quan hệ, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Mặc dù ông Trump phải nhận nhiều chỉ trích ở nước Mỹ về việc đã không áp đặt những mốc thời gian cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa, nhưng mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng vào lúc này. Tổng thống Moon Jae In đã gặp lãnh đạo Kim Jong Un một lần nữa tại Bình Nhưỡng và mối quan hệ liên Triều đang dần được cải thiện.

Bà Kang Kyung Wha, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc trả lời phỏng vấn của đài CNN cho rằng “Điều này đạt được là nhờ Tổng thống Trump” và ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Mỹ trong việc góp phần hiện thực hóa hòa bình trên bán đảo.

Chỉ hơn một năm sau khi nhậm chức, ông Trump, người thường có những phát ngôn hiếu chiến, lại được gắn liền với một cốc mốc lịch sử trong quá trình mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, một điều mà những người tiền nhiệm của ông không đạt được.

Ông Trump vẫn là tổng thống duy nhất sau thế chiến 2 chưa vượt qua được cột mốc 50% tỷ lệ ủng hộ. Điều này cho thấy nội bộ nước Mỹ vẫn đang có sự chia rẽ sâu sắc.

Nhưng về phần ông Trump, tổng thống Mỹ đã có những dấu ấn nhất định trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, và những đánh giá của các cử tri về màn trình diễn này sẽ được tiết lộ vào tuần sau, tại cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6/11 này.





No comments:

Post a Comment

View My Stats