Wednesday, 31 October 2018

TRÍ THỨC ĐÍCH THỰC PHẢI LÀ NGƯỜI KHƯỚC TỪ “TÍNH ĐẢNG” (FB Phạm Lê Vương Các)





Nhớ hồi năm 2010 khi tôi còn học ở Đại học Luật TP.HCM, một ông thầy đã cho sinh viên lớp chúng tôi tranh luận cởi mở về điều 88 BLHS về tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Kết thúc buổi học, ông thầy không đưa ra quan điểm kết luận, mà để cho mỗi sinh viên tự đánh giá về điều luật này qua sự tranh luận của chính các bạn.

Trên phương diện cá nhân, ông chỉ thổ lộ rằng chính ông cũng đang vi phạm vào điều 88 BLHS vì trong máy tính và kho sách ở nhà ông đang lưu trữ rất nhiều tài liệu được xếp vào dạng “tuyên truyền chống nhà nước.”

Ông giải thích là vì ông làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về thể chế chính trị và pháp luật nên ông cần phải đọc rất nhiều tài liệu phản ánh các hệ tư tưởng của các trường phái chính trị khác nhau. Trong đó phần lớn tác phẩm chính trị nguyên bản ông đặt mua từ nước ngoài về có nội dung phê phán, chống đối quyết liệt về Chủ nghĩa Xã hội.

Câu chuyện lo ngại của ông cho thấy rõ ràng giới học giả, tri thức Việt thật sự không an toàn khi tiếp cận nguồn tài liệu xung đột với “tính Đảng”, dù nó chỉ phục vụ cho mục đích học thuật. Sự mất an toàn trong một môi trường học thuật buộc phần lớn các học giả, trí thức khi giảng dạy, nghiên cứu, hay xuất bản sách phải đào tìm cho mình các hầm hố trú ẩn trước bầy “chó săn tư tưởng” đang lùng sục khắp nơi.

Hầm hố trú ẩn đó không khác gì ngoài việc chui vào “tính Đảng”- một thuộc tính mà tri thức cuối cùng mang lại chỉ là sự tô vẽ và củng cố cho một chế độ chuyên quyền toàn trị.

“Tính Đảng” làm bóp nghẹt không gian tự do học thuật. Làm các luận thuyết chính trị nằm ngoài “tính Đảng” không có môi trường nảy nở và phát triển. Nền tri thức bám víu vào sự cố hữu của “tính Đảng” chỉ là tri thức chết.

Từ đây có thể nói rằng, người trí thức đích thực là người dũng cảm khước từ “tính Đảng” khi tiếp cận kho tàng tri thức nhân loại, trực tiếp đặt mình vào vai trò là một Sứ giả rao giảng tri thức bằng một tư tưởng tự do, và gián tiếp đưa mình vào vị thế đối lập với sự chuyên quyền toàn trị của chế độ.

Đánh giá lại toàn bộ di sản của giáo sư Chu Hảo cho thấy, ông thật sự là một trong những Sứ giả rao giảng tri thức tinh hoa từ nhân loại cho Việt Nam. Ông là một Sứ giả tự do của các nhà tư tưởng hiện đại như John Locke, Alexis De Tocqueville, Adam Smith, John Stuart Mill, và Friedrich von Hayek…

Như ở bất kỳ một chế độ chuyên quyền toàn trị nào, Sứ giả rao giảng tri thức tự do luôn bị xem là mối đe dọa cho giới cầm quyền, và bị săn đuổi như những thành phần siêu phản động đang ngấm ngầm truyền bá những tư tưởng chống lại thế lực đương quyền.

Những rủi ro về pháp lý và chính trị mà giới học giả, trí thức Việt Nam đang phải đối mặt là khá rõ ràng khi tiếp cận với các hệ tư tưởng ngoài khuôn khổ học thuyết Marx-Lenin. Việc tấn công vào họ trong môi trường học thuật không phải bằng các biện luận khoa học, mà bằng sự “quy chụp chính trị” đã thật sự giết chết nền tri thức của nước nhà.

Sự quy chụp chính trị rõ ràng cho thấy khoa học, lẽ phải, và chân lý không đứng về phía những kẻ quy chụp.

Khi các thuộc tính của tri thức không còn, điều chúng ta được viết, được đọc, được giảng và được hàm thụ chỉ là sản phẩm của tri thức chết. Tri thức chết là tri thức để đào luyện con người thành một công cụ chuyên chế, được xây dựng thông qua sự cưỡng bức tư tưởng, và áp đặt thi hành bằng các biện pháp trừng phạt khi chúng ta nói nó là một điều sai lầm hay dối trá.







No comments:

Post a Comment

View My Stats