31/10/18
Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ
quốc hội Mỹ (Mid-term on 6thNovember 2018). Người dân Mỹ - Mỹ trắng,
Mỹ đen, Mỹ vàng, Mỹ đỏ, Mỹ nhuôm nhuôm… Mỹ nào chẳng là Mỹ ? - nhiều người đã bỏ
phiếu trước qua hình thức gửi thư, họ đã chọn lựa xong, đã dứt khoát tư tưởng
trong quyết định bỏ phiếu cho một trong 2 đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ.
Nền chính trị của Mỹ rất đặc biệt, chỉ có 2 đảng
chính thay nhau nắm quyền điều hành đất nước là Dân chủ (Democratic Party)
thành lập ngày 09/01/1828, còn được gọi là đảng Con Lừa và đảng Cộng hòa
(Republican Party) thành lập ngày 20/03/1854, còn được gọi là đảng Con Voi viết
tắt là GOP (Grand Old Party). Khi Cộng hòa nắm quyền thì Dân chủ trở thành đảng
đối lập và ngược lại.
Hai đảng chính thay nhau nắm quyền điều hành đất nước
là Dân chủ (Democratic Party), còn được gọi là đảng Con Lừa, và đảng Cộng hòa
(Republican Party), còn được gọi là đảng Con Voi
Việc xung đột quan điểm trong chuyện điều hành đất
nước giữa 2 đảng là chuyện đương nhiên vì chủ trương, chính sách về kinh tế,
ngoại giao, quốc phòng, giáo dục, y tế... của 2 đảng hoàn toàn khác nhau, tuy
nhiên đều chung một mục đích : Phục vụ quyền lợi của người dân Mỹ, những người
đã bỏ phiếu (cũng như không) cho họ.
Kể từ khi Tu Chính Án thứ nhất – The First Amendment
được ghi vào Hiến Pháp Mỹ năm 1791 đến nay, chưa một tổng thống Cộng hòa hay
Dân chủ xúc phạm, phỉ báng truyền thông và báo chí tự do cho đến khi ông Donald
Trump nhậm chức tổng thống thứ 45 ngày 20/01/2017.
Bước chân vào Tòa Bạch Ốc, Donald Trump luôn miệng gọi
truyền thông báo chí tự do là kẻ thù của người dân (Enemy of the People) , gọi
những tin tức họ đưa ra là tin giả (Fake News). Noi theo gương ông Trump, một số
bài viết, video clip do người Việt thực hiện cũng lên án truyền thông, báo chí
tự do, đồng thời vận động, kêu gọi người Việt bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa vào
ngày 06/11/2018.
Trong phạm vi bài viết, không phân tích, đánh giá những
bài báo, video đó, chỉ bàn đến nhận định mà “dường như” nhiều người Việt mắc phải
– Đó là nhận định cho rằng đảng Cộng
hòa là đảng chống cộng, tạo ra việc làm , đảng Dân chủ là thiên tả, tạo
ra bọn trộm cướp, thành phần bất hảo (Republican create Jobs, Democratic create
Mobs). Thiên tả ở đây là có khuynh hướng thân cộng, theo chủ nghĩa xã hội…
Cuộc chiến Quốc-Cộng ở Việt Nam kết thúc đã hơn 45
năm. Nhiều hồ sơ về cuộc chiến, nguyên nhân thất bại của người Mỹ, của miền Nam
Việt Nam đã được giải mật, độc giả biết tiếng Anh có thể tìm kiếm dễ dàng bằng
Google Search.
Người Mỹ bắt đầu can thiệp vào chính trường Việt Nam
từ năm 1954 khi Thuyết
Domino được Tổng thống Dwight D. Eisenhower giải thích trong một buổi
họp nội các. Lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương
(Indochina) trong cuộc chiến tranh lạnh (Cold War).
Khi người Pháp đầu hàng Việt Minh trong trận chiến
Điện Biên Phủ, hiệp định Genève được ký kết tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam
chia làm 2 miền Nam-Bắc thành 2 quốc gia với 2 thể chế đối chọi nhau, Cộng hòa
và Cộng sản. Mỹ chính thức thay thế người Pháp, yểm trợ cho miền Nam thành lập
chế độ cộng hòa, chống lại sự bành trướng của chủ thuyết cộng sản.
Trong quá trình 21 năm yểm trợ cho miền Nam chống
quân cộng sản Bắc Việt có tất cả 5 đời tổng thống Mỹ chịu trách nhiệm trực tiếp
tới những chính sách, kế hoạch can thiệp vào cuộc chiến. Đó là Dwight D.
Eisenhower (1953-1961 - Republican), John F. Kennedy (1961-1963 - Democratic),
Lyndon B. Johnson (1963-1969 - Democratic), Richard Nixon (1969-1974 -
Republican), Gerald R. Ford (1974-1977 - Republican).
Trọng 5 tổng thống này, 3 ông Eisenhower, Nixon,
Ford thuộc đảng Cộng hòa, 2 ông Kennedy, Johnson thuộc đảng DC. Tuy nhiên, thời gian Mỹ can thiệp mạnh nhất
nằm trong giai đoạn cầm quyền của đảng Dân chủ 1961-1969, quân số Mỹ tham chiến
tại Việt Nam lúc đó lên đến 540.000 cùng
lúc phong trào phản chiến bắt đầu lên cao . Tổng thống Lyndon
Johnson muốn chiến thắng cộng sản bằng giải pháp quân sự nhưng không thành
công. Khi hòa đàm Paris khai mạc năm 1968, tổng thống Johnson đồng ý ngưng ném
bom miền Bắc.
Sau khi tổng thống Richard Nixon (Cộng hòa) thay thế
Lyndon B. Johnson (Dân chủ) tháng 01/1969, tháng 05/1969 Mỹ bắt đầu giảm bớt
quân số tham chiến ở Việt Nam. Khởi đầu với những trận bóng bàn giao hữu năm
1971 , Mỹ và Trung Quốc tìm cách xích lại gần nhau, cố vấn an ninh của
Nixon là Kissinger và Chu Ân Lai liên tiếp có những cuộc gặp gỡ bí mật.
Bắt tay được với Trung Quốc năm 1972 - thế lực yểm
trợ mạnh nhất cho cuộc chiến xâm lăng miền Nam - Nixon chính thức tìm cách chấm
dứt chiến tranh bằng đường lối thương thuyết, thúc đẩy và ép buộc chính quyền
miền Nam ngồi vào bàn hội nghị, chấp nhận ký kết hiệp định ngưng chiến Paris với
những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho miền Nam trong cuộc bảo vệ tự do, dân chủ
cho đất nước.
Ngày 30/04/1975, miền Nam thất thủ vì không còn vũ
khí, đạn dược, tiếp liệu... Làn sóng người bỏ nước ra đi bắt đầu vào những ngày
cuối tháng tư với trên một trăm ngàn người chạy trốn chế độ cộng sản. Những năm
sau đó, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi bằng đường biển càng ngày càng tăng
cường độ.
Khi làn sóng thuyền nhân dâng cao vào những năm
1978-1979, tổng thống Jimmy
Carter thuộc đảng Dân chủ là người tăng gấp đôi số lượng thuyền nhân được nhập
cư vào Mỹ .
Rất nhiều người trong số
thuyền nhân Việt Nam được nhận vào thời gian này, ngày hôm nay chửi đảng Dân chủ
là thiên tả, thổ tả, thân cộng…
Người Việt ở Mỹ đa số sống tập trung, quây quần,
chùm đụp với nhau ở những thành phố như San Jose, Santa Ana, Westminster,
Garden Grove, San Diego, Los Angeles, San Francisco... đều thuộc California
(CA) và một vài thành phố khác là Houston, Arlington thuộc Texas (TX), Seattle,
Portland thuộc Washington... rất ít khi va chạm quyền lợi, văn hóa, chủng tộc...
với người da trắng nên mang ảo tưởng là ở Mỹ không có kỳ thị.
Nói đến người Việt ở Mỹ là nói đến California vì đây
là tiểu bang giầu nhất nước Mỹ với nền kinh tế đứng
hàng thứ 5 trên thế giới , an sinh xã hội do đó cũng được chính phủ
đài thọ cao nhất nước Mỹ. Người Việt sống ở California đông nhất, hưởng phúc lợi
xã hội cao nhất so với các tiểu bang khác. Ở Quốc hội, đảng Dân chủ chiếm đa số ghế ở cả 2 viện từ
nhiều năm qua, Thống đốc hầu hết là người đảng DC nên mọi chính sách từ kinh tế,
giáo dục đến an sinh xã hội, di trú... gần như đều do đảng DC quyết định.
Tuy nhiên cứ nhìn sinh hoạt chính trị của người Việt
ở thủ đô người Việt tị nạn - Little Sài Gòn – hay San José sẽ thấy đa số luôn
phê bình, chỉ trích, chửi bới đảng Dân chủ là thiên tả, thân cộng… Vậy đâu là
lý do, dữ kiện, facts, data... để cho số người Việt nói trên có kết luận rằng đảng
Cộng hòa là đảng chống cộng, còn Dân chủ là thiên tả ?
Tại sao ? Phải chăng họ muốn từ bỏ những phúc lợi mà
họ đang hường ? Chắc chắn là không ! Vậy thì lý do nào ? Có trời mới hiểu. Ông
Trump và đảng Cộng hòa đang dự trù, tìm cách hủy bỏ Obamacare lần thứ hai nếu đảng
Cộng hòa thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào thứ ba tuần tới
(06/11/2018).
Hai biến cố có nguyên nhân chính trị tiềm ẩn mới nhất
đây, vụ bom thư được gửi tới nhà các lãnh
đạo đảng Dân chủ như Hillary Clinton, Barack Obama .., một số nhân vật
có danh tiếng như tỉ phú George Soros, tài tử Robert De Niro.., những người từng
công khai chỉ trích, phê bình, lên án Donald Trump và vụ xả
súng bắn chết 11 người, gây thương tích nặng nề cho nhiều người khác ở môt
giáo đường Do Thái tại Pittsburgh đều do những kẻ cuồng Trump (Cesar Sayoc và Robert Bowers) là thủ phạm.
Đừng cho rằng những lời nói kích động, khuyến khích bạo lực, kỳ thị chủng tộc của
ông Donald Trump không ảnh hưởng, tác động gì đến những người này.
Có điều gì bảo đảm chắc chắn rằng sẽ không bao giờ
có một vụ xả súng bắn vào trường học, đám đông, chùa chiền, nhà thờ, trung tâm
mua sắm... của người Việt ở San Jose, Santa Ana, Westminster, San Diego,
Houston, Arlington, Seattle… ?
Bầu cho đảng phái nào là quyền tự do chọn lựa của mỗi
người, thế nhưng trước khi quyết định, cũng nên tim hiểu, soi gương, suy nghĩ,
nhìn lại mình để tự hỏi rằng : Ta là ai ? Làm gì trên đất nước này ? Tại sao ta
có mặt ở đây ? Ta đứng ở đâu trong xã hội Mỹ ? Ta chạy trốn cái gì, ta mong muốn
điều gì khi rời bỏ quê hương, đất nước ra đi ?
Thạch
Đạt Lang
(31/10/2018)
No comments:
Post a Comment