30/10/2018
Trong thực tế, chưa có ai từ bỏ đảng mà bị mất sổ lương hưu, vì nếu chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng là vi phạm pháp luật.
*
Từ bỏ ‘phản dân hại nước’!
Sau tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam rất mạnh mẽ
“Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của
mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi
không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy” của nhà văn Nguyên Ngọc, giáo
sư Chu Hảo - đương sự chính đang bị Ủy ban Kiểm tra trung ương của đảng đe dọa
kỷ luật vì tội ‘suy thoái tư tưởng’ và ‘tự diễn biến’, đã thực sự làm một cuộc
cách mạng đối với bản thân ông: “Càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ
chức chính trị mà mình tham gia đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến
bộ của nhân loại” - tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản của Chu Hảo, ký vào ngày
26/10/2018 và được công bố 3 ngày sau đó.
Rất chia sẻ và xin chúc mừng nhà khoa học Chu Hảo,
nhà văn Nguyên Ngọc và những trí thức khác đã xác quyết từ bỏ 'đường về nô lệ'
và ‘phản dân hại nước’.
Đến
ngày 29/10/2018, đã có ít nhất 11 người tuyên bố bỏ đảng
1. Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
2- Nhà giáo Mạc Văn Trang – Tuyên bố bỏ đảng ngày
26-10-2018
3- Nhà văn Nguyên Ngọc – Tuyên bố bỏ đảng ngày
26-10-2018
4- Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn – Tuyên bố bỏ đảng ngày
26-10-2018
5- Trung Tá Trần Nam – Tuyên bố bỏ đảng ngày
26-10-2018
6- Kỹ sư Hoàng Tiến Cường – Tuyên bố bỏ đảng ngày
26-10-2018
7- Bạn trẻ Nguyễn Việt Anh – Tuyên bố bỏ đảng ngày
26-10-2018
8- Trung úy quân đội Nguyễn Hữu Hiếu – Tuyên bố bỏ đảng
ngày 27-10-2018
9- Nguyên phó chủ tịch quận Bình Chánh Hà Quang Vinh
– Tuyên bố bỏ đảng ngày 27-10-2018
10- Cô giáo Dương Bích hà – Tuyên bố bỏ đảng ngày
27-10-2018
11- Luật sư Lê Văn Hòa – Tuyên bố bỏ đảng ngày
28-10-2018
Vì sao quá ít đảng viên dám bỏ đảng?
Nếu lấy mốc thời gian từ đầu năm 2013 là lúc bùng nổ
phong trào Kiến nghị 72 với khá nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ lòng đảng
đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp để chuyển sang đa đảng, một số ít người dám công khai từ
bỏ đảng từ đó đến nay đã chỉ làm nên một bức tranh ly khai phơn phớt. Con số từ
bỏ quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng đã phản
ánh tâm thế e ngại và e sợ vẫn bao phủ trong tâm não tuyệt đại đa số đảng viên,
mặc dù nhiều người còn giữ thẻ đảng thừa nhận đã quá chán ngán chế độ chính trị
và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Do bị gò bò bởi kỷ luật đảng và sợ ảnh hưởng đến vị
thế chính trị lẫn công việc nên rất hiếm trường hợp đảng viên dám ra đảng trong
lúc còn làm việc, mà chỉ đến khi nghỉ hưu mới có một ít người dám “xé rào”. Cho
tới nay, đây vẫn là một tâm lý bao phủ lên gần 4 triệu đảng viên.
Nhưng có một thực tế là ngay cả một ít đảng viên hưu
trí từ bỏ đảng lại không hẳn xuất phát từ thái độ dứt khoát chia tay ý thức hệ
hoặc phản kháng với một đảng tham nhũng, mà do những người này đã có những hoạt
động bị đảng quy kết là “đa nguyên”, thậm chí “ủng hộ các thế lực phản động”,
nên cấp ủy đảng gây sức ép khai trừ họ. Để tránh bị “hạ nhục”, những đảng viên
này đã chủ động tuyên bố ra đảng trước khi bị khai trừ.
Vào cuối năm 2013, có một đợt đồng loạt từ bỏ đảng
diễn ra với 3 đảng viên (Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên), sau đó
là rời rạc từng người. Rất nhiều văn bản chỉ thị và công văn lẻ chỉ đạo lẫn “vận
động” của các cấp ủy đảng từ trung ương xuống địa phương đã bó chân những đảng
viên chỉ chực chờ thoát khỏi vòng kim cô.
Thậm chí còn xuất hiện một hiện tượng khó tưởng tượng
nếu xảy ra cách đây mười năm: bất chấp một quy định của Điều lệ đảng về việc đảng
viên sẽ bị khai trừ nếu không đóng đảng phí trong 3 tháng liên tiếp, một số chi
bộ địa phương sẵn sàng “tạm ứng” hoặc đóng luôn đảng phí của đảng viên, chỉ với
điều kiện là đảng viên không đòi rút tên khỏi danh sách sinh hoạt đảng nơi cư
trú.
Cho tới nay, công tác “vận động” vẫn tỏ ra hiệu quả
tương đối với một số đảng viên “không biết nên ra hay nên ở”. Cứ thấy đảng viên
nào có biểu hiện “dao động tư tưởng” cấp ủy cơ quan hoặc cấp ủy địa phương lại
tổ chức một đoàn đại biểu, có thể cả với thành phần “ủy viên” là công an, đến
“làm việc” theo phương châm “vừa đấm vừa xoa”. Thể loại răn đe vừa kín đáo vừa
lộ liễu luôn theo cách “Ông rút tên thì không sao, nhưng cũng phải biết nghĩ
cho tương lai con cái mình chứ!”.
Có những đảng viên chẳng mấy quan tâm đến sổ hưu (vì
trong thực tế chẳng có quy định nào tước sổ hưu của những người bỏ đảng, và
cũng bởi những đảng viên này đã có cuộc sống đủ sung túc sau thời làm quan),
nhưng cứ nghe đến chuyện “con cái chúng ta” là lập tức từ bỏ ngay ý định từ bỏ
đảng.
Hiển nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng
viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng là lo sợ bị chính quyền gây
áp lực hoặc trả thù. Khi thấy kết quả thuyết phục và “giáo dục tư tưởng” không
ăn thua, cấp ủy đảng và cơ quan chính quyền liền gây áp lực bằng cách đe dọa cắt
bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ
khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người
thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để
những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc
chưa dám ra đảng.
Thoái đảng và bỏ đảng có bị mất sổ
lương hưu?
Trong khi quá ít đảng viên dám bỏ đảng, tình trạng
thoái đảng lại diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam.
Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ,
công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về
nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở”, thì coi như
không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã “ra đảng”. Cũng có những đảng viên
thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong
chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để
chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định
cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…
Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ
quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác
nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn – có thể
lên đến 50 - 60%, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước
đây và còn chưa tới đáy.
Nếu như những năm trước, có những người muốn bỏ đảng
nhưng vẫn lo sợ bị chính quyền cắt sổ hưu hoặc bị sách nhiễu bản thân và thân
nhân, thì với một số trường hợp bỏ đảng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt gần đây
như ông Võ Văn Thôn – cựu giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, ông Lê Văn Hòa – cựu
chuyên viên Ban Nội chính Trung ương, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà báo Tống
Văn Công - nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động… cho thấy áp lực và thủ đoạn gây
khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm
chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí, xuất thân từ lực lượng vũ
trang như quân đội và công an, cũng muốn công khai bỏ đảng.
Trong thực tế, chưa có ai từ bỏ đảng mà bị mất sổ
lương hưu, vì nếu chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng là vi phạm pháp luật.
Hãy từ bỏ đảng Cộng sản!
Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò
“lãnh đạo toàn diện” trong nhiều qua đã khiến cho rất nhiều đảng viên đi từ thất
vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện”
của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng độc trị và độc tài, chính
là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình
trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn
ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã
man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị,
cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp
dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt
Nam lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu
quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế
vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục
lợi khổng lồ không thương xót đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của
nó lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một
chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ
lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã
hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc
Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng
buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy
cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai
và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng, nhiều đảng viên đã phải nhận chân rằng điều
được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một
cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và
bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, đảng Cộng sản
hiện thời chỉ còn là cái mà nhà văn Nguyên Ngọc đã xác quyết mạnh mẽ chưa từng
có: phản dân hại nước.
Đến lúc này, lời thề trung thành với đảng Cộng sản của
rất nhiều đảng viên đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận. Một khi đảng đã
không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao những đảng
viên còn lương tâm phải tiếp tục trung thành với nó?
Lời thế đó đương nhiên bị xóa bỏ.
Nhưng những người xác quyết xóa bỏ lời thề trung
thành với đảng Cộng sản chẳng có gì phải áy náy, bởi lương tâm họ đã chọn Nhân
Dân, và khi đã từ bỏ đảng, họ vẫn sống và đấu tranh theo đúng lời thề lương tâm
của mình: vì Nhân Dân.
Đất nước này, xã hội này đang tràn ngập những chỉ dấu
bất ổn và chuẩn bị biến động như thời chỉ vài ba năm trước khi Liên Xô sụp đổ
vào năm 1990. Khi đó, đảng Cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5
triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi
mang tính quy luật của lịch sử. Việt Nam cũng đang và sẽ như vậy chỉ trong ít
năm nữa, bất chấp số đảng viên được xem là “trung thành” còn tới gần 4 triệu
người. Và cũng chỉ trong ít năm nữa thôi, sẽ có nhiều hơn hẳn đảng viên không
vì phải chịu sức ép khai trừ mà sẽ hoàn toàn chủ động chia tay với đảng, chia
tay với một chính đảng phi nhân bản để kiếm tìm một bến bờ mới hứa hẹn nhân văn
hơn rất nhiều.
Phạm
Chí Dũng
VOA 29/10/2018
No comments:
Post a Comment