Friday, 26 October 2018

BẢN TIN NGÀY 26-10-2018 (Báo Tiếng Dân)




26/10/2018

Tin Biển Đông

Bộ Ngoại giao VN phản đối kế hoạch tập trận bắn đạn thật của Đài Loan trên Biển Đông, theo Zing. Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của cơ quan này cho biết: “Mọi hoạt động của các bên tại quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định”.

BBC dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc lãnh thổ”. Ông Ngụy Phương Hòa nói: “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc lãnh thổ, dù đó là Đài Loan hoặc tại Biển Đông”. Về Biển Đông, ông Hòa cho biết, Bắc Kinh phản đối hành động phô diễn sức mạnh quân sự của thế lực “thế lực bên ngoài” ở vùng biển này, ám chỉ Hoa Kỳ và các đồng minh.

Vẫn là giọng điệu quen thuộc của kẻ “ăn cướp còn la làng”. Với tham vọng như vậy, chính Bắc Kinh đang khiến nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình càng trở nên xa vời.


Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 lãnh đạo

Chiều qua, Quốc hội công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 lãnh đạo cao cấp, ngoại trừ TBT, CNT Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng, với lý do “mới nhậm chức, chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định” để lấy phiếu tín nhiệm. Ba người đầu bảng là CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân, TT Nguyễn Xuân Phúc và PTT Phạm Bình Minh. Ba người đội số là ba Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Thể và Nguyễn Chí Dũng.

Báo VN Finance đưa tin: Lấy phiếu tín nhiệm: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận 137 phiếu ‘Tín nhiệm thấp’. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dù có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (137 phiếu), nhưng vẫn có 140 phiếu tín nhiệm cao và 194 phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cao cấp 2018

Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc bình luận: “Hoá ra nhân dân không còn tin ông, liên tục lên án ông, luôn luôn xem thường khả năng lãnh đạo của ông. Nhưng những đại biểu quốc hội, được gọi là đại diện cho nhân dân lại không nghĩ thế. Cho nên dù mang tiếng đội sổ, tui nghĩ ông cũng mãn nguyện rồi vì ông cần gì biết nhân dân đang nghĩ gì về ông, ông chỉ cần đồng nghiệp, đồng đảng, đồng đại biểu còn tín nhiệm ông là ông còn hi vọng ngồi ở ghế ấy một thời gian nữa…

Zing có bài: Bộ trưởng Giáo dục nói gì về kết quả phiếu ‘tín nhiệm thấp’? Ông Nhạ nói: “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo“.
Còn lâu mới có chuyện chủ động xin từ chức khi không còn đủ uy tín. Tốn bao nhiêu tiền mới ngồi được vào những cái ghế đó, vợ con, người nhà trông đợi kiếm thật nhiều, không chỉ gỡ vốn, mà còn có lời nữa. Chẳng vì cái vụ bỏ phiếu khơi khơi đó mà đi từ chức.
GS Chu Hảo bị kỷ luật
Theo Thông cáo Báo chí Kỳ họp 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức bị kỷ luật vì xuất bản một số sách có nội dung “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy“.
Thông báo nói rằng, ông Chu Hảo “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước“. Và ông đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’… làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội“, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Vì sao Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật? Vì sách của NXB Tri Thức “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước“, nếu sách viết như sách của “Nhà xuất bản Sự Thật” thì chắc ông Chu Hảo không bị kỷ luật. Nhưng sách của NXB dù mang tên “sự thật” mà chẳng thấy sự thật đâu cả, nên người dân không đọc, chỉ dành cho các lãnh đạo đảng vì nó không trái với quan điểm, chủ trương của đảng.
VOA có bài: GS. Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘suy thoái tư tưởng chính trị’; trí thức phản ứng. Theo bài viết, những cuốn sách có nội dung “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng” hóa ra là những cuốn như “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, “Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền” của John Locke, “Nền Dân Trị Mỹ” của Alexis De Tocqueville… đều là “sách gối đầu giường” của những người muốn tìm hiểu về tri thức dân chủ.
Thái độ sợ sách, nhất là sách chứa tri thức khai phóng, nhân bản, là một trong các đặc điểm của những kẻ độc tài từ xưa đến nay, từ Tây sang Đông. Xưa ở Trung Quốc có Tần Thủy Hoàng đốt sách, nước Đức thời Quốc xã cũng đốt sách, giờ nước Việt Nam dưới thời ông “vua đầu bạc” cũng phỉ báng sách quý.
Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam, theo RFA. TS Nguyễn Quang A, một trong những trí thức ủng hộ GS Chu Hảo, cho rằng, “hệ thống chính trị đang cai trị ở Việt Nam đã hư hỏng đến mức không còn sửa chữa được, và những người ở trong đảng cộng sản hãy còn thái độ chần chừ sẽ quyết định từ bỏ đảng”.
Nhà báo Mặc Lâm viết: Chúc mừng ông, Giáo Sư Chu Hảo. Bài viết bàn về nỗi sợ của quan chức cộng sản trước tri thức dân chủ: “Sách của nhà xuất bản Tri Thức phát hành rất đa dạng nhưng mảng chính trị có thể nói là chiếc gai nhọn nằm trong những chiếc giày lóng lánh của Đảng gây khó chịu cho toàn hệ thống một cách âm ỉ nhất”.


Thêm 5 tướng công an và cựu Phó Tư lệnh Quân khu 7 bị kỷ luật

Vụ các cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa “bảo kê” đường dây cờ bạc trực tuyến của Phan Sào Nam, Ủy ban Kiểm tra TƯ đề nghị kỷ luật thêm 5 tướng của Tổng cục Cảnh sát. Cơ quan này cho rằng “Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát đã vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc” và đề nghị kỷ luật trung tướng Nguyễn Công Sơn, trung tướng Nguyễn Văn Ba, thiếu tướng Lê Đình Nhường, thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ và thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh.

Về mục đích thật sự của màn kỷ luật một loạt lãnh đạo công an, BBC đặt câu hỏi: Dàn lãnh đạo cũ của Tổng cục Cảnh sát bị kỷ luật? Trong bài có đoạn: “Trong một năm qua, nhiều tướng công an đã bị kỷ luật, trong chiến dịch được xem là nhằm ‘khôi phục niềm tin’ vào cơ quan công an Việt Nam”. Song song với việc thanh trừng là chiến dịch tinh giản bộ máy công an.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định kỷ luật cựu Phó Tư lệnh Quân khu 7. Cơ quan này cho biết, thiếu tướng Phan Tấn Tài, trong thời gian làm Phó Tư lệnh Quân khu 7 “đã ký hợp đồng chuyển nhượng 2 khu đất quốc phòng do Quân khu 7 quản lý, sử dụng cho doanh nghiệp khi chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Nhân quyền ở Việt Nam

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tân chủ tịch nước VN trả tự do cho Trần Thị Nga, theo RFA. Tổ chức này gửi thư ngỏ khẩn cấp kêu gọi “mọi người trên thế giới viết thư gửi cho tân Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga”, trong tình hình người thân bà Nga cho rằng bà đang gặp nguy hiểm trong trại giam.

Bài viết lưu ý: “Lần cuối cùng bà Nga gọi về cho chồng mình hôm 17/8 cấp báo việc những ngày qua bà liên tục bị người cùng trại giam gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và thậm chí bị dọa giết”.

BBC có bài: Hội Cờ đỏ và lời kêu cứu của một linh mục. Linh mục Đặng Hữu Nam kể về tình hình sách nhiễu tôn giáo ở Giáo xứ Mỹ Khánh: “Ông Lê Đình Thọ, Hội trưởng Hội Cờ đỏ xóm Quỳnh Khôi đã ba lần đột nhập vào nhà thờ Giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, nơi tôi đang quản nhiệm, đe dọa giết tôi”.

BBC bàn về dự thảo Nghị định An ninh mạng Việt Nam: ‘Đổi mà chưa đổi’. Bài viết dẫn lời nhà báo Huy Đức nhận định về luật An ninh mạng: “Phạm vi dữ liệu người dùng bị buộc phải lưu trữ ở Việt Nam vẫn còn rất rộng – gần như toàn bộ dữ liệu của mạng xã hội và các dịch vụ online – chi phí của nền kinh tế để thi hành luật là vẫn vô cùng lớn và vô lý”.


Bí mật nhà nước?

Xung quanh dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước: Đại biểu e ngại tác động ngoài ý muốn, theo trang VnEconomy. Ông Trương Trọng Nghĩa phân tích: “Thông tin nào là bí mật và thông tin nào là bí mật nhà nước? Nếu chúng ta làm không khéo và chúng ta mở quá rộng thì không ai dám làm gì cả. Bởi vì người ta rất sợ vi phạm”.

Báo VnExpress đưa tin: Đề xuất đưa thông tin thân thế lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào diện mật. Làm thế này chẳng khác nào nhà cầm quyền muốn bảo vệ cả những quan chức khai gian tuổi tác, lý lịch để củng cố “uy tín”, sự nghiệp. Nếu luật này được thông qua, sẽ càng có thêm những kẻ bất tài, gian lận, lưu manh… tìm cách leo lên làm lãnh đạo cao nhất, để giật chế độ này sập nhanh hơn.

Báo Giáo Dục và Thời Đại kêu gọi: Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cá nhân, nhưng không giải thích rõ người dân nợ nần gì đám lãnh đạo phá nhiều hơn làm đó, để phải bảo vệ “bí mật” của họ.


Kinh tế bất ổn

BBC có bài phỏng vấn LS Federick Burke: Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’. Ông Burke phân tích: “Khi Hoa Kỳ áp thuế đối với thép từ Trung Quốc, nếu Việt Nam sản xuất ra sản phẩm dùng thép của Trung Quốc thì họ có thể phải chịu thuế quan này. Có thể lấy ví dụ mặt hàng tủ bếp sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu nhưng lại dùng nhiều thép Trung Quốc chẳng hạn”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Nỗi lo nợ nước ngoài tăng vượt trần. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cảnh báo: “Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP năm 2018 tăng, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP) ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài”.


Vụ đổi 100 đô bị phạt tiền khủng

Vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu: Chủ tiệm vàng nói ‘vụ việc chưa ngã ngũ’, theo VietNamNet. Trước việc UBND TP Cần Thơ quyết định tịch thu “20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo” để “chuyển vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, chủ tiệm vàng Thảo Lực nói: “Câu chuyện này chưa ngã ngũ mà cơ quan Nhà nước đã xử lý hàng hóa của chúng tôi”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Ngồi trên trời làm luật cho hạ giới!? Đối với Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bài viết cho rằng đó là “quy định bất hợp lý” đã khiến dư luận phẫn nộ trong vụ người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong “rất nhiều điều khoản pháp lý bất khả thi, có mà như không” ở Việt Nam.

Trang PetroTimes đặt câu hỏi vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, vì sao đến 8 tháng mới có quyết định xử phạt? Theo đó, vụ người thợ điện Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD được lập biên bản ngày 30/1/2018 nhưng đến gần đây mới có quyết định xử phạt. Phía công an giải thích lòng vòng: “Vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm nên chuyển sang cơ quan điều tra để xác minh làm rõ có hay không hành vi trốn thuế”.

Họ không nói thật rằng họ muốn dọa để người dân phải mang USD ra “nộp” ở các điểm quy đổi thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước, nên đành tranh thủ một sự việc đã xảy ra trước đó hơn 8 tháng.

Trong khi đó, người dân vẫn mua bán USD thoải mái ở ‘phố vàng’ Sài Gòn, theo báo Tiền Phong. PV Tiền Phong cho biết: “Một số tiệm vàng có vẻ thận trọng, dè dặt khi có khách yêu cầu đổi USD nhưng không tiệm nào từ chối. Không chỉ đổi USD, khách hàng có nhu cầu mua USD cũng được đáp ứng”.

Báo Người Lao Động có bài: Mua hay bán USD là ra tiệm vàng! Theo đó, một quy định vớ vẩn với mức phạt vô lý không thể khiến người dân từ bỏ thói quen mua bán ngoại tệ. Đã qua rồi cái thời người dân sợ hãi đến mức răm rắp làm theo những quy định trời ơi chính phủ. Vấn đề là: Nếu đã phạt nặng anh Cà Rê, sao không phạt luôn hàng vạn người dân làm giống như anh Cà Rê mỗi ngày?


***





No comments:

Post a Comment

View My Stats