Chris Buckley - The New York Times
10-26-2018
Bằng chứng trực tuyến cho thấy Tập Cận Bình và những
nhà lãnh đạo cao cấp khác đã áp dụng một chính sách mới khắc nghiệt
Rukiya Maimaiti, một quan chức phụ trách công tác
tuyên giáo địa phương ở miền viễn tây của Trung quốc, đã cảnh báo các đồng nghiệp
rằng họ phải tự rèn luyện mình cho một công tác đầy khó khăn, vất vả: giam giữ
một số lượng lớn người Duy-ngô-nhĩ (Uighur) và các dân tộc thiểu số Hồi giáo
khác.
Vị nữ quan chức này nói với các đồng nghiệp rằng
Chính phủ Trung quốc muốn thanh lọc, tẩy não khu vực Tân Cương khỏi những tư tưởng
“cực đoan”, và những người Duy-ngô-nhĩ (Uighur) thế tục như họ phải ủng hộ chiến
dịch vì lợi ích của người dân.
Bà Maimaiti, một quan chức của đảng cộng sản (TQ) hiện
đang công tác tại miền biên giới phía tây Tân Cương, trong một tin nhắn được
lưu truyền trực tuyến có nói rằng “Phải quán triệt một cách sâu sắc rằng nhiệm
vụ này là để cứu giúp những người thân của bạn và gia đình của bạn. Đây là một
loại công tác giáo dục đặc biệt trong một thời điểm đặc biệt”.
Nhóm người tụ tập bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo sau
buổi cầu nguyện buổi tối ở thành phố cổ ở Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc. Gần
1/2 trong số 24 triệu người trong vùng là người dân tộc Uighur. Ảnh: NYT
Lời cảnh báo của bà là một phần của một bằng chứng,
thường được tìm thấy trên các trang web phổ biến của chính phủ (TQ), che giấu
nguồn gốc của một chiến dịch sâu rộng nhất của Trung quốc kể từ thời Mao - và
xác lập cách thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác (của
TQ) đã đóng một vai trò quyết định trong sự bành trướng nhanh chóng của chiến dịch
này ra sao.
Trong một chiến dịch mà đã bị khắp nơi trên thế giới
lên án từ, hàng trăm ngàn người Uighur và những người thiểu số Hồi giáo khác đã
bị cầm giữ trong các trại “cải huấn” (“transformation” camps) trên khắp Tân
Cương trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, theo lời kể lại của các cựu tù nhân và
những người thân của họ.
Bắc Kinh nói rằng đó là các cơ sở cung cấp các tiện
ích đào tạo nghề và giáo dục pháp lý cho người Duy Ngô Nhĩ và đã bác bỏ mọi cáo
buộc rằng đã thực hiện các vụ bắt giữ hàng loạt.
Nhưng các bài phát biểu, các báo cáo và các tài liệu
trực tuyến khác đã cho thấy một tình hình rõ ràng hơn so với các báo cáo trước
đây về việc các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung quốc đã tiến hành và ngày càng
gia tăng chiến dịch truyền bá nhằm mục đích xóa bỏ tất cả những biểu hiện nhỏ
nhẹ nhất của đức tin Hồi giáo và bất kỳ một khát vọng nào của một vùng đất của
người Uighur độc lập.
Ông Tập đã không công khai tán đồng hoặc bình luận về
các trại (cải huấn) này, nhưng ngay sau khi đến thăm Tân Cương vào năm 2014,
ông đã ra lệnh chuyển hướng một cách căn bản trong chính sách làm suy yếu bản sắc
riêng biệt của người Duy Ngô Nhĩ và đồng hóa họ vào trong một xã hội bị thống
trị bởi đa số người Hán.
Sau đó, trong lúc các báo cáo chính thức cảnh báo rằng
các kết quả là không được như mong muốn, ông Tập đã tái chỉ định ông Trần Toàn
Quốc (Chen Quanguo = 陈 全 国), 62 tuổi, bí thư đảng ủy thuộc
phái cứng rắn tại khu tự trị Tây Tạng gần đó, để thực hiện vai trò là người đứng
đầu trong cuộc đàn áp tại Tân Cương. Ông Trần Toàn Quốc đã được thăng tiến vào
Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, một kiểu hội đồng lãnh đạo của đảng (cộng sản
TQ) điều hành toàn bộ mọi hoạt động của Trung quốc. James Leibold, một chuyên
gia về Tân Cương tại Đại học La Trobe ở Úc, cho biết: “Điều đang diễn ra tại
Tân Cương là sự tàn bạo xuyên suốt (the leading edge) của một chính sách dân tộc
mới, khắc nghiệt hơn trong ‘thời đại mới’ Tập Cận Bình của sức mạnh Trung quốc”.
Chính quyền Trump đang cân nhắc các biện pháp trừng
phạt nhằm chống lại các quan chức và công ty Trung Quốc can dự, dính líu tới hoạt
động của các trại tẩy não, cải huấn này, một động thái có thể mở rộng sự xung đột
giữa Washington và Bắc Kinh đối với các tranh chấp từ thương mại, quân sự cho tới
nhân quyền.
Một ủy ban lưỡng đảng (của Quốc hội Mỹ) đã chỉ ra rằng
ông Trần Toàn Quốc và sáu quan chức khác là những mục tiêu tiềm năng.
Hồi tuần trước, rõ ràng là bị rúng động bởi những lời
chỉ trích quốc tế, chính quyền (khu tự trị) Tân Cương đã ban hành các quy định
sửa đổi về việc đấu tranh chống các tư tưởng cực đoan (“deradicalization”) mà lần
đầu tiên cho phép thành lập các trại cải huấn này một cách rõ ràng.
Chen Quanguo, từng là người đứng đầu ở Tây Tạng trước
khi đến Tân Cương. Ở Tây Tạng, ông nhận được lời khen về việc thúc đẩy chính
sách và dập tắt các cuộc biểu tình. Ảnh: NYT
Lo ngại về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và chủ nghĩa
dân tộc của các dân tộc thiểu số, Bắc Kinh từ lâu đã duy trì sự kiểm soát chặt
chẽ đối với Tân Cương, nơi mà gần một nửa số dân 24 triệu người là người Duy
Ngô Nhĩ. Trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2014, lực lượng an ninh (TQ) đã phải
vật lộn với một loạt các cuộc tấn công bạo lực chống chính phủ mà họ đổ lỗi cho
những người ly khai thuộc sắc dân Uighur.
Ông Tập đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên và duy nhất
của mình với tư cách lãnh đạo quốc gia đến Tân Cương vào tháng 4 năm 2014. Vài
giờ sau khi kết thúc chuyến thăm kéo dài bốn ngày ấy, các kẻ tấn công đã sử dụng
bom và dao giết chết ba người và làm bị thương gần 80 người khác gần một nhà ga
ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương. Cuộc tấn công được nhìn nhận như là một
sự phản đối đối với ông Tập, người vừa mới rời khỏi thành phố và thề sẽ sử dụng
bàn tay sắt để chống lại người Uighur, những người phản đối sự cai trị của
Trung Quốc.
“Điều này dường như đã được Tập Cận Bình nhìn nhận
như một sự hạ nhục”, Michael Clarke, một học giả tại Đại học Quốc gia Úc, một
nhà nghiên cứu về Tân Cương cho biết như vậy.
Một tháng sau, ông Tập kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ công
tác để làm cho những người Uighur trở thành những người trung thành với dân tộc
Trung quốc thông qua việc giảng dạy bằng tiếng Trung Quốc, các ưu đãi kinh tế
và sự định cư xen kẽ (của người Hán) với người các dân tộc thiểu số do nhà nước
tổ chức. Ban lãnh đạo cũng đã phê duyệt một chỉ thị về việc thiết lập một sự kiểm
soát chặt chẽ hơn đối với Tân Cương (nhưng chỉ thị này) chưa được công bố.
“Tăng cường sự nhận thức của công chúng của mỗi một
dân tộc đối với tổ quốc (TQ) vĩ đại, đối với bản sắc dân tộc Trung quốc và văn
hóa Trung quốc”, ông Tập đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp về Tân Cương vào
thời điểm đó. “Phải có nhiều hơn những tiếp xúc tộc người, những trao đổi và sự
pha trộn sắc tộc”.
Một năm sau khi ông Tập đến thăm Tân Cương, các tài
liệu cho thấy rằng đảng (cộng sản TQ) đã bắt đầu xây dựng các trại “cải huấn” để
cảnh báo những người thiểu số Hồi giáo về những tai họa của sự quá khích tôn
giáo và chủ nghĩa ly khai dân tộc.
Tại thời điểm đó, các trại (cải huấn) có quy mô
tương đối nhỏ; nhiều người bị giam giữ chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, các
phát biểu và báo cáo chính thức cho thấy như vậy. Nhưng (lúc đó) chưa thấy có
các chỉ dẫn nào cho thấy rằng các trại này vận hành như thế nào.
Bằng cách áp dụng một đường lối cứng rắn hơn tại Tân
Cương, ông Tập đã tán đồng một cách có hiệu quả một nhóm các học giả và các
quan chức Trung Quốc ủng hộ việc chỉnh sửa các chính sách lâu dài của đảng (cộng
sản TQ) đối với các dân tộc thiểu số.
Đã nhiều thập kỷ, đảng (cộng sản TQ) kìm kẹp người
Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm tộc người khác trong một sự kiểm soát
chính trị chặt chẽ đồng thời cũng cho phép một không gian nhất định để giữ gìn
ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của mỗi dân tộc. Cách tiếp cận “bức tranh khảm khắc,
ghép mảnh” (the mosaic approach) được sao chép từ Liên bang Xô viết và đã biến
Tân Cương thành một “khu tự trị”, trong đó, về mặt lý thuyết, người Duy Ngô Nhĩ
được hưởng các quyền và một sự đại diện lớn hơn.
Một trại cải huấn ở Hotan, Trung Quốc. Chiến dịch cải
huấn nhằm mục đích tiêu diệt tất cả những đức tin Hồi giáo và bất kỳ khao khát
nào về sự độc lập cho Uighur. Ảnh: NYT
Nhưng vào những năm 1990, các học giả Trung Quốc tư
vấn cho chính phủ (cộng sản TQ) đã có một lập luận mới rằng những chính sách
này đã góp phần vào sự tan rã của đế chế Liên bang xô viết bằng cách khuyến
khích chủ nghĩa ly khai dân tộc. Để tránh những rắc rối tương tự, họ lập luận rằng
Trung Quốc nên áp dụng các biện pháp không cần biện hộ nhằm mục đích hòa trộn
các dân tộc thiểu số vào một bản sắc dân tộc rộng lớn hơn.
Ông Hồ Liên Hợp (Hu Lianhe = 胡 联 合), một nhà nghiên cứu thuộc nhóm này, trong một báo
cáo mà ông ta cũng là đồng tác giả, cho biết rằng “Cái gọi là ‘giới tinh hoa
dân tộc thiểu số’ không bao giờ được trao cho cơ hội để trở thành những người
lãnh đạo của nhóm có xu hướng ly khai, phân liệt.
Ông Hồ giờ đây giờ đã có một tiếng nói có trọng lượng
trong việc hoạch định chính sách cho Tân Cương với tư cách là một quan chức cấp
cao trong Cơ quan Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan của đảng cộng sản
(TQ) có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ trong khu vực (Tân Cương).
Ông Hồ này được xác định là một mục tiêu tiềm năng của
các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hồi tháng Tám, ông đã kịch liệt bác bỏ các báo
cáo về các hành vi lạm dụng ở Tân Cương trong một buổi điều trần tại Liên Hợp
Quốc. “Không có việc ‘tẩy não Hồi giáo’” (“there is no ‘de-Islamization’”), ông
ta nói.
Đến năm 2016, tờ báo chính thức (chắc là tờ Nhân dân
nhật báo – người dịch) của đảng cộng sản (TQ) tuyên bố rằng chiến dịch “tẩy não
tư tưởng cực đoan” (“deradicalization”) đã thành công; không có hành vi bạo lực
chống chính phủ nghiêm trọng nào được báo cáo kể từ chuyến thăm của ông Tập tới
Tân Cương.
Nhưng tại các diễn đàn ít được chú ý hơn, các quan
chức đã đưa ra những đánh giá đáng sợ hơn. Một số người nói rằng những người
Uighur thanh niên ngày nay xa lánh, xa lạ với người Trung Quốc (người Hán – người
dịch) hơn so với những người Uighur cao tuổi hơn của họ; những người khác lại cảnh
báo rằng những người Uighur đã du hành đến Trung Đông, đôi khi đã chiến đấu ở
Syria, đã mang về (Tân Cương) những tư tưởng cực đoan và kinh nghiệm chiến đấu.
Những cảnh báo như vậy đã thuyết phục ông Tập và các
nhà lãnh đạo khác ủng hộ những biện pháp khắc nghiệt hơn. Hồi tháng Tám năm
2016, họ đã điều động ông Trần Toàn Quốc từ Tây Tạng về nhận nhiệm vụ tại Tân
Cương. Ông Trần đã trở thành quan chức đảng (cộng sản TQ) đầu tiên từng là nhà
lãnh đạo của cả hai vùng lãnh thổ (Tây Tạng và Tân Cương).
Ở Tây Tạng, một vùng biên giới khác đã từng trải qua
xung đột sắc tộc, ông Trần đã mở rộng các lực lượng an ninh, điều động các quan
chức đảng đến ba cùng trong các thôn làng và siết chặt quyền kiểm soát đối với
các tu viện và các đền thờ Phật giáo.
Theo một báo cáo chính thức thì chưa đầy ba tuần sau
khi đến nhận công tác tại Tân Cương, ông Trần đã công bố một kế hoạch “tái động
viên” (“remobilization”) để tăng cường an ninh, nói rằng có các mệnh lệnh từ
ông Tập đưa xuống. Các quan chức ở Tân Cương được yêu cầu chuẩn bị cho một chiến
dịch mà sẽ kéo dài nhiều năm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công khai các trại cải huấn, nhưng
ông đã ra lệnh thay đổi chính sách lớn đối với Tân Cương, nhấn mạnh những nỗ lực
để đồng hóa các dân tộc thiểu số thành một "quốc gia Trung Quốc" lớn
hơn. Ảnh: NYT
Hồi tháng Ba năm 2017, chính quyền khu vực (Tân
Cương) đã ban hành các quy định “phi cực đoan hóa” (“deradicalization”) im lặng,
ngấm ngầm đồng ý cho một sự mở rộng các trại giam giữ, nhưng không ban hành luật
pháp cho phép thực hiện các vụ bắt giữ theo yêu cầu của hiến pháp Trung Quốc.
Các quan chức địa phương đã sớm bắt đầu báo cáo về số lượng ngày càng tăng những
người Uighur bị bắt giữ hoặc giam giữ vì các hoạt động truyền bá (chắc là các
tư tưởng cực đoan, theo sự nhìn nhận của nhà cầm quyền – người dịch).
Hồi năm ngoái, một quan chức được giao phụ trách
thành phố Hòa Điền (Hotan = 和 田 市), một khu vực nằm ở phía nam
Tân Cương, đã báo cáo rằng “Kể từ khi cuộc bạo động quyết liệt nổ ra vào năm
2017, đã có nhiều người bị giam giữ, bao gồm nhiều người mà cuối cùng đã bị kết
án. Số người bị gửi đến các trung tâm cải huấn cũng khá cao”.
Trong khi các trại cải huấn và các nỗ lực giám sát
được mở rộng, Bắc Kinh đã chu cấp các nguồn tài chính mới cho Tân Cương, nơi mà
chi tiêu cho an ninh tăng gần gấp đôi trong năm 2017 so với năm trước, lên 8,4
tỷ đô la, theo số liệu được công bố vào hồi đầu năm nay.
“Cấp trung ương cuối cùng sẽ chi trả cho tất cả, vì
vậy có một sự đồng thuận nào đó chắc chắn đã được đưa ra”, Adrian Zenz, một học
giả tại Trường Văn hóa và Thần học châu Âu ở Đức, người đã nghiên cứu về các trại
cải huấn này đã nói như vậy.
Jessica Batke, một nhà phân tích tại Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ cho biết rằng quy mô, phạm vi của sự giam giữ tại khắp vùng Tân Cương có
thể đã vượt xa tầm mức dự kiến ban đầu. “Họ đã phải sử dụng các nhà ga xe lửa
và những địa điểm ngẫu nhiên khác để cầm giữ mọi người, bởi vì họ không ngờ rằng
con số bị giam giữ lại nhiều đến thế”.
Một định nghĩa quá rộng về “chủ nghĩa cực đoan tôn
giáo” - bao gồm cả những hành vi đơn giản như cố gắng thuyết phục mọi người bỏ
rượu và hút thuốc lá, cũng như những sự vi phạm nghiêm trọng hơn - đã cho phép
các nhà chức trách rộng tay trừng phạt cả những người Hồi giáo ôn hòa ngoan đạo.
Các quan chức địa phương như bà Maimaiti chắc sẽ
không được tưởng thưởng một khi có các hoạt động kiềm chế; những người bị phát
hiện là có dính líu vào các cuộc đàn áp đã được gọi tên và đã bị trừng phạt.
Công chúng đã được yêu cầu chuẩn bị cho một chiến dịch
lâu dài, mà một quan chức địa phương tuần trước gọi đó là “chiến dịch giải
phóng tư tưởng”. Chính quyền Tân Cương đã tuyên bố vào hồi cuối năm ngoái rằng
chiến dịch an ninh sẽ kéo dài năm năm trước khi đạt được “sự ổn định toàn diện”.
No comments:
Post a Comment