Saturday, 27 October 2018

ĐINH NGUYÊN KHA - 'MẶT THƯ SINH, TÍNH MẠNH MẼ' (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
26 tháng 10 2018

Bạn bè đánh giá Đinh Nguyên Kha là người có "mặt thư sinh, tính mạnh mẽ" và khâm phục anh ham học hỏi dù mới trải qua 6 năm tù vì vi phạm Điều 88.

Đinh Nguyên Kha nói: "Tôi thấy mình tự tin, trưởng thành hơn sau 6 năm tù". FB KIMLIEN THI NGUYEN

Ông Kha, thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, ra tù hôm 11/10 và được ghi nhận "về nhà bằng xe cấp cứu" do mắc cùng lúc bệnh trĩ, thoát vị đĩa đệm và cao huyết áp trong tù.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục bị quản chế 3 năm.

Ngay khi có tin, nhiều blogger trong giới hoạt động, trong đó có đại diện Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã đến Long An mừng ông trở về.


'Mặt thư sinh, tính mạnh mẽ'

Hôm 25/10, ca sĩ, blogger Nguyễn Tín, một trong những người bạn cùng gia đình đi đón Kha trở về, nói với BBC:

"Lần đầu được gặp Kha nhưng tôi có cảm giác anh em thân với nhau như gặp từ lâu rồi."
"Trước đó, qua lời kể của anh Đinh Nhật Uy, tôi nghĩ Kha là một khó gần gũi vì ít nói. Nhưng khi gặp thì thấy Kha rất thân thiện cởi mở và hòa đồng với mọi người."
"Theo cảm nhận của tôi, Kha là một người mạnh mẽ dù có gương mặt thư sinh. Tính anh ấy rất bộc trực, không ngại khó khăn và áp bức."
"Tôi cũng nghe kể rằng Kha đã giúp đỡ được rất nhiều những bạn tù "mồ côi" [không có gia đình thăm nuôi] và anh em đấu tranh trong quá trình giam chung. Có thể anh ấy cũng tác động được người khác nhờ có thái độ sống tích cực, không nản chí."
"Ngoài ra, tôi quý Kha vì anh ấy là người ham học hỏi. Dù mới ra tù chưa bao lâu, nhưng Kha đã đăng ký học các khóa tiếng Anh để nâng cao trình độ, với mong muốn bắt kịp nhịp sống xã hội."
"Điều đó cho thấy anh rất mạnh mẽ và luôn cầu tiến. Hy vọng trong tương lai gần Kha sẽ là một nhân tố tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tại tại Việt Nam."

Blogger Nguyễn Tín nói anh "dành sự ngưỡng mộ và khâm phục cho Đinh Nguyên Kha. FB NGUYEN TIN

'Mục tiêu cả đời'

Trả lời BBC qua điện thoại, ông Đinh Nguyên Kha nói:

"Hiện tại, tôi vẫn chưa ổn định. Trước mắt, tôi dự định tập trung chữa trị bệnh tật."
"Sau đó là tìm công việc phù hợp để mưu sinh."
"Tôi cũng dự định đi học lập trình, đồ họa vì theo như tôi hiểu, lĩnh vực này có nhiều cơ hội tìm việc."
"Và dù có làm gì, gặp trở ngại đến đâu thì tôi đã quyết rằng mình vẫn theo con đường đấu tranh, tiếp tục đồng hành cùng các nhà hoạt động khác."
"Vì với tôi, dân chủ hóa đất nước là mục tiêu cả đời."
"Trong bối cảnh luật An ninh mạng sắp được thực thi, tất nhiên là tôi sẽ cố gắng tìm cách thức đấu tranh khôn ngoan hơn."
"Tôi cũng mới lập trang Facebook cá nhân để thực thi quyền tự do ngôn luận."

Đinh Nguyên Kha nói về bà Kim Liên: "Mẹ tôi là người rất kiên cường và tôi rất biết ơn bà" . FB KIMLIEN THI NGUYEN

Kể với BBC về 6 năm tù, Đinh Nguyên Kha nói:

 "Lúc đầu vô tù, tôi có nhiều tiếc nuối về một quãng thời gian của tuổi trẻ bị giam hãm, nhưng sau đó, tôi tập thích nghi và không còn tiếc nữa."
"Tôi thấy mình tự tin, trưởng thành hơn nhờ học hỏi được nhiều từ tinh thần và chí khí của những người tù mà tôi từng bị giam chung: Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu..."
"Các anh ấy đã dạy cho tôi nhiều điều, không chỉ kiến thức mà còn là bản lĩnh, sự kiên định với mục tiêu của đời mình cho dù có gặp thử thách nghiệt ngã đến đâu."
"Những ngày trong tù, tôi tự hào vì mình đã tham gia phong trào tuyệt thực đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức."
"Tôi cũng không ngại nói một số nhà bất đồng, nhà hoạt động như Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Đài, Hồ Văn Hải (Bác sĩ Hồ Hải) là thần tượng của mình."

Đề cập về một trong những thử thách của giới hoạt động là việc mưu sinh thường bị gây khó dễ, ông Kha nói:

"Tôi mới ra nên chưa nắm được tình hình kinh tế của các nhà hoạt động khác thế nào. Riêng đối với tôi thì luôn có sự yểm trợ từ người mẹ."
"Mẹ tôi là người rất kiên cường và tôi rất biết ơn bà, từ chuyện miệt mài đi thăm nuôi tôi trong tù mỗi tháng, đến chuyện bà từng đi nước ngoài để vận động trả tự do cho con trai."

Đinh Nguyên Kha (áo đen) và các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. FB KIMLIEN THI NGUYEN

Bình luận về việc mình vừa mãn hạn tù trong bối cảnh một số nhà hoạt động như blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) và trước đó là Luật sư Nguyễn Văn Đài được trả tự do để đi tỵ nạn nước ngoài, Đinh Nguyên Kha nói:

 "Về vấn đề nhà hoạt động bị tù chọn đi tỵ nạn hay ở lại, tôi thấy rằng nếu như bản thân họ vẫn giữ được ý chí và tâm huyết với đất nước thì ở đâu hoạt động cũng được."
"Bởi lẽ, giờ đây cô Facebook và YouTube thì khoảng cách không còn là vấn đề cho việc lên tiếng, bày tỏ quan điểm nữa."

Trong một bài viết dịp Tết 2017, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha nói với BBC:

"Con trai tôi rất khẳng khái, có được giảm án cũng không cần".
"Điều tôi mong muốn nhất trong năm mới là các tù nhân lương tâm có án dài được các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp để họ được trả tự do sớm."

Hồi tháng 8/2018, bà Kim Liên viết trên trang cá nhân: "Nếu thằng Kha con tui nó mà chịu ký cam kết, thỏa thuận với trại tù K3 Xuyên Mộc, là gia đình tôi đi đón nó về rồi đó."
"Nhưng không! Nó không thèm, nó nói nó chung đủ tù, chấp nhận bị kỷ luật."

Ngày Kha ra tù, bà cũng hài hước viết trên trang cá nhân rằng: "Kha đã tốt nghiệp trường tù với tấm bằng "hạng chót."

Bà Kim Liên và ông Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, trong một chuyến thăm Kha. FB KIMLIEN THI NGUYEN

'Đầy ắp ý tưởng mới mẻ'

Trả lời BBC từ Pháp, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu nói:

 "Kha là một chàng trai rất thông minh và luôn đầy ắp ý tưởng mới mẻ và khó chấp nhận lối mòn, máy móc. Bởi vậy, việc bước qua 6 năm giam cầm trong không gian cứng ngắc gần như mọi thứ là rất đáng khen ngợi."
"Kha và tôi có thời gian cả năm trời buồng giam ở sát vách nhau tại K3, trại giam Xuyên Mộc, Vũng Tàu. Chúng tôi cùng với Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã cộng tác với nhau trong việc đấu tranh như viết đơn tập thể, tuyệt thực tập thể.... buộc Ban giám thị trại giam phải chấm dứt cách hành xử vô nhân đạo với người tù."
"Đơn cử việc một vài sự thay đổi cơ bản trong số nhiều điều khác nhau giữa trước và sau quá trình chúng tôi kiên trì tranh đấu cùng nhau."
"Kha kể lại khi tôi chưa đến trại, có lần cậu ấy tuyệt thực phản đối bất công, trại giam đã ra lệnh cắt toàn bộ điện, nước... và khi dừng tuyệt thực thì phải viết đơn xin ăn cơm. Nhưng sau này, trại giam đã buộc phải chấm dứt thói cậy quyền, quan liêu đó."
"Thậm chí trước đó, cả khu giam không được phép nói chuyện giữa các buồng giam với nhau, nhưng sau này chúng tôi thoải mái nắm tay, bá vai và chuyện trò cả buổi với nhau mỗi dịp cắt tóc định kỳ."
"Trong những lần đấu tranh chung, Đinh Nguyên Kha là người được anh em ủy quyền chuyển tải thông điệp, tin tức thông qua gia đình khi vào thăm gặp."
"Riêng với bản thân tôi, do bị cắt quyền được thăm gặp nên không thể liên lạc trực tiếp với gia đình nên Kha là người giúp tôi trong vấn đề này."
"Nhờ vậy những đấu tranh của chúng tôi trong nhà tù, được cộng đồng biết tới để tạo thêm áp lực buộc chế độ phải nhượng bộ. Cảm ơn bản thân Đinh Nguyên Kha và gia đình cậu ấy."

Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên ngày ra tòa hồi năm 2013.  AFP

Hồi tháng 8/2013, ông Đinh Nguyên Kha cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị tòa án tỉnh Long An đưa ra xét xử.
Ông Kha và cô Uyên bị bắt vì hành động rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, TP.Hồ Chí Minh và dán khẩu hiệu ở các tỉnh Long An, Bình Thuận.

Thời điểm phiên tòa diễn ra, Giáo sư Tương Lai nói với BBC: "Những người như Phương Uyên và Nguyên Kha đang đấu tranh cho tự do, dân chủ".
"Vai trò của blogger, cách mạng thông tin đem lại sức mạnh rất mới cho cuộc đấu tranh hiện nay," ông nói.

Câu chuyện về Đinh Nguyên Kha nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.

Độc giả muốn chia sẻ những nét đặc thù, hay những nhân vật nổi trội của cộng đồng mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk





No comments:

Post a Comment

View My Stats