.
.
-------------------------------------------------------------
Thứ Bảy, 10/27/2018 - 04:39 — nguyenhuuvinh
Có lẽ, trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của hệ thống
chính trị cộng sản mà tôi đã gặp, Giáo sư Chu Hảo để cho tôi nhiều ấn tượng nhất.
Ấn tượng đầu tiên, là dưới mái tóc bạc trắng phau của
ông, luôn thường trực một nụ cười thân thiện và dễ mến. Và sau đó, khi nói chuyện,
là một tấm lòng luôn đau đáu với vận mệnh đất nước, với những tiến bộ xã hội, với
những đau khổ của người dân Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản.
Dù khi đó, ông vẫn là một đảng viên cộng sản.
Tôi gặp Gs Chu Hảo khá nhiều lần. Mỗi lần gặp, câu
chuyện ông trao đổi vẫn là câu chuyện về hiện tình đất nước, một thao thức với
tấm lòng nhiệt huyết và trăn trở với thực tại xã hội, nhất là những khi nói về
những việc cần làm để cho xã hội có nhiều tiến bộ, cải thiện tình hình đất nước
trước nguy cơ nô lệ, trước những vấn nạn khó giải thoát dưới ách cộng sản, với
những người đang phải tù tội vì dám cất tiếng nói của mình cho sự thật, công
lý, hòa bình... ông như trẻ hơn nhiều so với tuổi tác và mái tóc bạc phơ của
ông.
Nói về những cống hiến cho đất nước của ông, có lẽ
nhiều người đã nói. Kể từ khi tham gia xây dựng Viện Vật lý Việt Nam, tiền thân
của Viện Khoa học Việt Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho đến khi
ông về hưu làm Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, những đóng góp của ông trong
lĩnh vực khoa học kỹ thuật rất lớn lao cho nước nhà.
Trong đó, có cả việc ông là một trong những người đã
góp phần quan trọng cho việc đưa Internet vào Việt Nam, một lối mở tri thức cho
người dân Việt Nam thoát khỏi bức màn sắt thông tin một chiều của Cộng sản – một
nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền độc tài, nhưng là một lối đi lên văn minh, tiến bộ
theo hướng đi của nhân loại.
Trong các câu chuyện hoặc các cuộc trao đổi, ông
luôn điềm tĩnh và khách quan, biết kiềm chế trong lời nói, cũng như sự thuyết
phục của ông đối với người khác khá lớn bởi tri thức, bởi những kinh nghiệm sống
và sự chính xác của một nhà khoa học.
Thế nhưng, điều cần nói, điều nổi bật ở ông, là ngay
cả khi đã có thể “kê cao gối mà ngủ” sau khi đã về hưu, lẽ ra, ông chỉ cần im lặng,
chỉ cần ngậm miệng nếu không muốn rầy rà, được yên ổn, được xưng tụng và nhiều
thứ khác nhau được ban từ đảng, thì ông lại không như muôn ngàn quan chức cộng
sản khác. Trái lại, ông vẫn muốn cống hiến những gì có thể cho đất nước, xã hội
được tốt đẹp hơn bằng sự hiểu biết, bằng sự ôn hòa và đoàn kết, bằng cách cung
cấp tri thức cho người dân được “thông não’.
Từ rất lâu, tôi đã có một nhận định rằng: Đừng hy vọng
gì ở các quan chức cộng sản có những người tốt. Bởi trong một cỗ máy rệu rã,
tàn tạ và mục nát này, thì một chiếc đinh ốc tốt, tự nó cũng sẽ phải văng ra
ngoài vì không thể tồn tại trong cỗ máy đó, nếu nó vẫn giữ nguyên tính chất của
nó.
Khi gặp Giáo sư Chu Hảo, đã có lúc tôi nghĩ rằng, với
một người mang thẻ đảng như ông, thì khó có thể kết luận rằng đã quan chức cộng
sản thì đều đểu giả, bẩn thỉu và thiếu liêm sỉ.
Thế nhưng, đến hôm nay, thì những suy nghĩ hiếm hoi
đó của tôi đã bị đánh đổ hoàn toàn khi ông vừa bị đảng hăm he kỷ luật vì “tự diễn
biến”.
Thế là đã rõ, cỗ máy cộng sản độc tài không thể dung
dưỡng một người có nhân cách và liêm sỉ như Giáo sư Chu Hảo, con ốc vít kia đã
phải văng ra khỏi bộ máy chính trị đầy bất nhân và bạo tàn.
Việc đảng cộng sản kỷ luật một người có nhân cách,
có tri thức và nhất là có một tấm lòng với quê hương, đất nước, biết đau nỗi
đau của dân tộc trước họa nô lệ, biết lo lắng tìm cách để dân tộc thoát sự tăm
tối của nạn thiếu tri thức, biết tìm cách để đưa đất nước ra khỏi bất công, bần
hàn và quyền con người được tôn trọng, được đông đảo người dân yêu mến như Giáo
sư Chu Hảo đã nói lên một điều: Rõ ràng, hệ thống độc tài man rợ này không thể
chấp nhận những con người tốt, những con người có nhân cách và liêm sỉ. Nó chỉ
dung dưỡng những tên rước voi về dày mả tổ, những tên cướp cạn bằng chính sách,
bằng cái miệng với công cụ của “nhà nước chuyên chính vô sản” nhằm vinh thân,
phì gia cho đám quan chức trong đó. Nó cũng không khác mấy với đám băng đảng lục
lâm thảo khấu trong các câu chuyện cổ tích năm xưa.
Chính việc nhà cầm quyền CSVN cho rằng: “Giáo sư Chu
Hảo đã tự diễn biến”, “trái với đường lối, chủ trương của đảng” đã thú nhận một
điều mà xưa nay nhiều người dù đã thấy, đã nghe nhưng chưa hẳn đã được chứng
minh cụ thể như trường hợp này: Đó là cái đường lối, chủ trương của đảng là những
thứ gì mà nó đối nghịch với quyền con người, với sự tiến bộ của xã hội cũng như
việc đưa đất nước thoát vòng nô lệ?
Cái gọi là “chống tự diễn biến”, tai ác thay lại
chính đảng cộng sản đang tự vả vào mồm mình khi tuyên thệ “lấy Chủ nghĩa Mác –
Lenin làm kim chỉ nam, làm nền móng tư tưởng cho xã hội Việt Nam”. Bởi chính Chủ
nghĩa Mác – Lenin đã cho rằng: Con người, sự vật luôn luôn vận động, đứng im có
nghĩa là chết, là không thể tồn tại và nó luôn vận động theo hình xoáy trôn ốc,
nghĩa là mức độ lặp lại ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Bởi khi “lượng”
đổi, dẫn đến “chất” đổi, đó là một quy luật.
Thế cho nên, khi đảng đã cố gắng chống lại quy luật,
thì điều tất yếu là đảng sẽ bị quy luật nghiền nát – Điều này cũng chính Chủ
nghĩa Mác – Lenin khẳng định.
Đó cũng chính là hành động tự cởi truồng của đảng
trước quốc dân đồng bào, trước bàn dân thiên hạ.
Và hậu quả đã ngay lập tức hiển hiện trước mặt đảng.
Hàng loạt các đảng viên đua nhau bỏ đảng không thương tiếc. Họ là nhà khoa học,
nhà giáo, nhà văn, là sĩ quan quân đội, là đảng viên trong nhiều lĩnh vực khác
nhau.
Họ đã vứt bỏ không thương tiếc một cách công khai, khi
việc Kỷ luật một con người như Gs Chu Hảo là một minh chứng cụ thể nhất rằng:
Cái đảng này đã thật sự phản bội lại dân tộc, đất nước và nhân dân này. Cái đảng
này cũng đang chống lại các nguyên tắc, quy luật mà chính nó tuyên truyền, rao
giảng bấy lâu nay để thực hiện bằng được việc cướp bóc, trấn lột người dân. Thực
chất, nó là một băng đảng của bóng tối và ma quỷ.
Vậy thì không có lý do gì, để những người có lương
tri, có nhân cách lại có thể đứng chung hàng ngũ với những kẻ tham nhũng, cướp
bóc, dối trá và chỉ bao gồm những thành phần cơ hội, cặn bã trong xã hội vô
luân, vô pháp mang danh XHCN.
Nhìn hiện tượng bỏ đảng rầm rộ những ngày qua, sự
hân hoan của cộng đồng mạng trước việc các đảng viên “quay đầy về với nhân
dân”, người ta mới thấy rõ một điều: Lòng dân đã như sóng cuộn tràn bờ.
Và cơ ngơi, số phận của đảng cộng sản đang dần đến
ngày được định đoạt từ chính người dân Việt Nam.
Ngày 27/10/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
J.B Nguyễn Hữu Vinh
-------------------------------------
Thứ Sáu, 10/26/2018 - 13:49 — Kami
Mấy bữa này nghe người ta nhắc đến Việt Vương Câu Tiễn
bên nước Tàu, người từng nếm mật nằm gai, thậm chí là chấp nhận nếm phân cho
Phù Sai để lấy lại cơ đồ. Nghĩ mà tủi cho dân Việt.
Càng ngày càng chẳng có hy vọng gì về sự thay đổi
chính trị ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lực lượng đối lập chính trị đúng
nghĩa thì hầu như chưa hình thành. Còn lại thì toàn loại chống đối sai sách,
thiếu tổ chức và năng lực. Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước đa phần đấu
tranh kiểu đánh tiếng, nhằm gây tiếng vang. Không chú trọng đến tính hiệu quả.
Tuy vậy, trong những ngày này, bỗng nhiên cá nhân
tôi có linh tính, sẽ có sự thay đổi lớn. Và điều đó nếu có nó sẽ ập đến rất
nhanh. Nếu...
Nhớ lại trong quá khứ, vào cuối thời Lê Trung
Hưng, bối cảnh xã hội thời ấy cũng nát bét y như chính sự Việt Nam ngày hôm
nay. Khi đó triều chính rối ren, thối nát; tranh giành quyền bính; quan lại
tham nhũng tràn lan; nhân dân đói khổ, lại thêm nạn kiêu binh gây rối nhiễu
nhương. Khi ấy, Cụ Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã chỉ ra năm (5) nguy cơ có thể mất
nước. Đó là, "Trẻ không kính già; Trò không trọng thầy; Binh kiêu
tướng thoái; Tham nhũng tràn lan; Sĩ phu ngoảnh mặt"
Thời ấy, trong bối cảnh rối ren, chán cảnh thế sự, cộng
với bệnh tật Cụ Lê Quý Đôn trả ấn từ quan về quê để sống những ngày cuối đời.
Và chẳng bao lâu sau nghĩa quân Tây Sơn được sự ủng hộ của đông đảo dân
chúng vùng lên khởi nghĩa, và triều đại cũ đã đổ sụp.
Đến nay, nếu đối chiếu với năm nguy cơ có thể mất nước
như vừa kể, thì thấy không sai một ly, thậm chí còn trầm trọng hơn thời ấy. Nhận
định của cây đại thụ Nhà văn Nguyên Ngọc, đại tá quân đội, nguyên Phó tổng
thư ký Hội nhà văn, nguyên tổng biên tập báo Văn Nghệ trong thư tuyên bố
ra khỏi Đảng CSVN đã viết rằng, "Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng
ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ
chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức
như vậy." đã cho thấy điều đó.
Trong một thể chế chính trị nửa dơi, nửa chuột như ở
Việt Nam hiện nay, trong một thời gian dài, đã hình thành một nhà nước kiểu tư
bản hoang dã, được nằm trong cái khuôn định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Hệ thống
chính quyền ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những phần tử cơ hội, biến chất
thoái hóa, với phương châm cái gì lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích là họ sẵn
sàng làm, bất kể lợi ích của đất nước và nhân dân. Lãnh đạo đảng và chính quyền
ở mọi cấp, từ trung ương cho đến địa phương coi dân chúng như cỏ rác. Những tiếng
nói phản biện đều bị dập tắt. Hậu quả dẫn đến là, pháp luật không nghiêm minh,
công lý bị xóa bỏ tạo ra một xã hội vô luân, vô pháp hỗn loạn.
Tuy vậy, nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN đang ở trong
một giai đoạn rệu rã, bởi một cuộc thanh trừng khốc liệt nhất để tranh giành
quyền lực tuyệt đối, của một bộ phận trong đảng. Điều đáng lo ngại nhất là, với
sự hậu thuẫn tích cực từ Trung Nam Hải. Đằng sau những con số tỷ lệ phần trăm bằng
hay xấp xỉ 100% là những cơn sóng ngầm. Những cơn sóng ngầm đó không chỉ từ nội
bộ đảng CSVN, mà nó còn là những cơn sóng của lòng dân.
Thực chất chế độ ở Việt Nam hiện nay mục ruỗng
lắm rồi, trực chỉ ngày sụp đổ nếu có đủ điều kiện. Chỉ cần một tia lửa. Lòng
dân hôm nay ví tựa như một kho thuốc súng, chỉ chờ một tia lửa là có thể tiêu hủy
một chính quyền buôn dân bán nước. Việc người dân vui mừng, hoan hỉ hay sung sướng
mỗi khi có lãnh đạo cao cấp chết, hay dém giầy vào mặt người đại diện của chính
quyền là những chỉ dấu rõ nhất của lòng dân. Tôi chưa thấy ở bất kỳ quốc gia
nào, mà người dân có thứ tình cảm "khốn nạn" như thế đối với lãnh đạo
quốc gia.
Chợt mơ tới một đám tang vĩ đại như của Cụ Phan Châu
Trinh, một cuộc biểu dương lực lượng hùng vĩ của quần chúng yêu nước, báo hiệu
những chuyển động xã hội sẽ không còn gì ngăn cản được. Sự kiện ngày 04/4/1926
đã có tới 100.000 người đã đi theo linh cữu Cụ Phan Châu Trinh, kéo dài trên 2
cây số. Được biết khi ấy, tổng dân số cả Sài Gòn và Chợ Lớn chỉ là khoảng
345.000 người. Nghĩa là đã có tới hơn một phần tư người Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống
đường, để tiễn đưa nhà ái quốc yêu quý của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhắc tới đám tang của Cụ Phan Châu Trinh, vì thấy có
tên Nhà Văn Nguyên Ngọc và Giáo sư Chu Hảo trong ban lãnh đạo Quỹ Văn Hóa Phan
Chu Trinh. Đây hai tên tuổi lớn đang nóng trong ngày hôm nay.
Thấy bạn Trương Duy Nhất ca thán rằng, "Hiện
tượng Chu Hảo. Liệu đã đủ để đánh rung những trí thức cấp tiến với tư duy
"phản biện trung thành"? Liệu có tạo nên một phong trào phản tỉnh để
thoát đảng.". Chợt nghĩ, "Thoái đảng chỉ là sự phản đối.
Lập chính đảng mới, mới là sự thách thức, xem chúng nó dám làm gì? Hỡi các cây
Đại thụ của dân tộc!"
Đêm 26 tháng 10 năm 2018
©
Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
-------------------------------
Chủ Nhật, 10/28/2018 - 02:40 — truongduynhat
Nghe nói, đang có một “thư ngỏ” vận động giới nhân
sĩ, trí thức ký tên yêu cầu Bộ Chính trị và Uỷ ban kiểm tra trung ương rút lại
quyết định kỷ luật giáo sư Chu Hảo.
Đây không chỉ lần đầu. Tôi dị ứng với các loại “thư”
này. Ngạc nhiên là, nó luôn được khởi xướng từ những “bộ óc cấp tiến”.
Tôi quí, phục cách từ đảng như Nguyên Ngọc, Mạc Văn
Trang... Ngược lại, không đoái hoài, xé vứt ngay các loại "thư ngỏ” kia.
Trân quí anh Chu Hảo. Phản đối việc kỷ luật anh.
Nhưng phản kháng bằng phương cách “thư ngỏ” thế là phi chính trị, nhàm chán, lẩm
cẩm, cổ hủ.
Tôi quen, thân nhiều vị trong lớp này. Nhiều người từng
tạo cho tôi, thế hệ chúng tôi kiến thức, sự đam mê và kỳ vọng. Nhưng giờ thất vọng
quá.
Không thể không nói, dù biết rằng sẽ làm mất lòng
nhiều vị.
Những “bộ óc cấp tiến”, lớp “tinh hoa” trong nhóm phản
tỉnh mà vẫn tư duy vậy, khó thoát đảng.
Đến họ cũng không thoát nổi, nói chi thoát cho dân tộc,
quốc gia.
Tôi đã sai, khi quá kỳ vọng vào lớp nhân sĩ này. Họ
già quá rồi. Phải hướng về lớp trẻ thôi.
No comments:
Post a Comment