Lê Mạnh Hùng
October 24, 2018
Gián điệp quốc tế và ám sát từ xưa vẫn là những công
cụ của các quốc gia. Nhưng bất chấp những gì viết trong các tiểu thuyết gián điệp
hoặc những lời đồn đoán của các nhà báo, các hoạt động này bao giờ cũng bị kiểm
soát chặt chẽ, với những thỏa thuận bất thành văn, giết người ở mức độ tối thiểu,
đặc biệt là tại nước ngoài.
Nhưng sau một tuần mà ta thấy việc bắt cóc và có thể
nói hầu như là chắc chắn giết một nhà báo Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc mất
tích của một quan chức người Trung Quốc hiện đang đứng đầu tổ chức Hình Cảnh Quốc
Tế (Interpol) và một bản tố cáo của phương Tây về các hoạt động của cơ quan
tình báo quân sự Nga, có vẻ rằng những quy luật cũ về tình báo đang mau chóng
thay đổi.
Nhưng chế độ độc tài chuyên chế – không phải chỉ có
Nga mà Trung Cộng, Việt Nam, Saudi Arabia cũng như nhiều nước khác – đang siết
chặt sự đàn áp của họ trong nước và triển khai các hành động gián điệp, bắt cóc
và sát nhân ra nước ngoài một cách càng ngày càng công khai.
Sau một thời gian làm ngơ, các nước phương Tây nay
đang tìm cách phản ứng. Tuần trước ta thấy việc công bố cùng một lúc – có vẻ đã
được phối hợp trước – của các chính phủ Anh, Hòa Lan và Mỹ, các báo cáo về hoạt
động tình báo và phá hoại của Nga tại phương Tây. Đặc biệt báo cáo của Hòa Lan,
kể lại một cố gắng của bốn điệp viên Nga tìm cách xâm nhập Tổ Chức Chống Vũ Khí
Hóa Học có rất nhiều chi tiết cụ thể kể cả việc công bố số xe họ sử dụng và các
hồ sơ tên tuổi cá nhân của những người này.
Thế nhưng mục tiêu của các hoạt động gián điệp này
cũng đã bị thay đổi và mở rộng ra. Theo truyền thống, mục tiêu của các hoạt động
gián điệp là nắm lấy các bí mật quốc gia của đối phương. Tuy rằng đây vẫn là một
nguy cơ chính đặc biệt là với thế giới mạng hiện này, các cuộc tấn công qua mạng
có thể lấy được của đối phương những khối lượng dữ liệu khổng lồ mà trước kia
khó có thể tưởng tượng được, nhưng nay các cơ quan phản gián cũng càng ngày
càng quan tâm đến việc làm méo mó tiến trình dân chủ qua việc tạo ra những câu
chuyện chính trị giả đối có mục tiêu phá hoại.
Và đối với những điệp viên của các chế độ độc tài
thì không có gì quan trọng hơn là bảo đảm cho chính quyền của họ có thể đạt tới,
đe dọa và đôi khi giết những kẻ chống đối họ dù có tìm cách lánh nạn tại nước
ngoài.
Và chính điều chót này có vẻ là hoạt động đang gia
tăng nhanh nhất. Chứng tỏ cho người ta thấy tầm mức với xa của điện Kremlin và
qua đó đe dọa những người Nga sống ở nước ngoài dù là tài phiệt, bất đồng
chính kiến hay là cựu điệp viên được coi như là lý do chính cho việc dùng độc
chất tấn công não bộ Novichok vào cựu điệp viên nhị trùng Sergei Skripal và con
gái ông tại Salisbury vào đầu năm nay.
Vụ này theo sau một loạt các cái chết của những người
Nga lưu vong mà môt số cái chết cũng bị nghi ngờ là do cơ quan tình báo Nga thực
hiện. Moscow thì luôn luôn bác bỏ những tố giác này, nhưng tuy rằng ông
Vladimir Putin vẫn còn là lãnh tụ bị quy trách nhiệm nhiều nhất về những cái chết
hoặc mất tích đáng ngờ tại nước ngoài, những người khác cũng mau chóng đuổi cho
kịp ông.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ tin rằng nhà
báo Saudi Jamal Khashoggi bị giết vào hôm 2 Tháng Mười bên trong tòa lãnh sự của
Saudi Arabia tại Istanbul do một tổ đặc nhiệm vốn bay vào Thổ trong ngày đó.
Chính phủ Saudi thì phủ nhận mọi dính líu đến việc giết này, nhưng những đoạn
phim thu được từ các máy quay phim theo dõi (CCTV) được các phương tiện truyền
thông Thổ công bố cho thấy rõ ràng ông Khashoggi đi vào trong tòa lãnh sự và
sau đó không ra nữa.
Vấn đề là càng ngày các quốc gia độc tài càng bất chấp
thế giới, không thèm quan tâm đến những phủ nhận của họ có được tin hay không.
Trái lại họ có vẻ còn muốn truyền bá ra cho mọi người cái thông điệp của họ rằng
không ai có thể thoát được tầm tay của họ, đặc biệt là các công dân nước họ.
Điều đó không bắt buộc lúc nào cũng phải giết. Đôi
khi đe dọa được thực hiện dưới một hình thức tế nhị hơn. Chính quyền Trung Công
từ lâu vẫn tìm cách bịt miệng những người bất đồng chính kiến tại nước ngoài, đặc
biệt là những người Hồi Giáo Uighur thiểu số qua việc đe dọa trả đũa gia đình họ
tại Hoa Lục.
Mùa Hè năm nay một số người nước ngoài (không phải
người Trung Cộng) hoạt động cho nhân quyền tại Hồng Kông cho biết gia đình
họ tại Anh và nơi khác đã nhận được những thư nặc danh đe dọa. Bắc Kinh cũng
tìm cách lấy sự hợp tác của chính phủ nước ngoài trong việc tịch thu tài sản tại
nước ngoài của các quan chức và doanh gia bị tố cáo là tham nhũng.
Các quốc gia phương Tây hiện vẫn còn chưa dứt khoát
biết mình phải làm gì để chống lại những hành động này. Nhiều biện pháp được
nói là đang được xét đến, trong đó ít nhất có một biện pháp nhằm ngăn chặn việc
rửa tiền của Trung Cộng, Nga và các nước độc tài khác qua các trung tâm tài
chánh như Luân Đôn. Ngoài ra, các chính phủ Anh và Hòa Lan báo cáo về hoạt động
gián điệp của Nga cho thấy có vẻ việc phổ biến cho mọi người biết các hoạt động
bí mật của họ cũng được coi là một vũ khí lợi hại.
Liệu những biện pháp này có đủ mạnh để tạo ra một
thay đổi trong cung cách hành xử của họ lại là một vấn đề khác. Vào lúc này,
các quốc gia độc tài trên thế giới có vẻ biết một cách chính xác họ muốn gì: họ
muốn cả thế giới biết khả năng đe dọa của họ. (Lê Mạnh Hùng)
No comments:
Post a Comment