Nguyễn Đình Cống
28/10/2018
Trước đây đã có nhiều người công khai từ bỏ ĐCSVN. Gần
đây, nhân sự việc ông Chu Hảo bị luận tội, có một số đảng viên tuyên bố ly khai
như Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang, Trần Nam, Hoàng Tiến Cường, Hà Quang Vinh (và
có thể thêm nhiều người khác). Phải chăng đó chỉ là chuyện của một cá nhân?
Đúng là chuyện cá nhân, nhưng lại liên quan rất nhiều đến nhận thức và hành động
của xã hội.
Về chuyện Chu Hảo, có nhiều ý kiến cho rằng Đảng đã
tự bôi tro, trát trấu vào mặt hoặc tự cởi truồng. Về chuyện một số đảng viên ly
khai hoặc bị khai trừ vì “tự chuyển hóa”, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng
như Trần Độ, Trần Xuân Bách, Lê Hồng Hà, Lê Hiếu Đằng, Tống Văn Công, Tương Lai
v.v… là những cú đánh vào sự vinh quang và sáng suốt của một tổ chức phạm nhiều
sai lầm, đang tan rã. Phải chăng đó chỉ là chuyện cá nhân?
Tôi đặt ra câu hỏi và rất muốn được nhiều người suy
nghĩ để tự trả lời. Chẳng là nhân chuyện từ bỏ Đảng của Nguyên Ngọc và nhiều
người khác, tôi nhận được thông tin từ anh bạn T, người đã từng giữ chức vụ cao
trong chính quyền, rằng từ khi về hưu anh xin nghỉ sinh hoạt đảng vì lý do tuổi
tác, như vậy anh không còn là đảng viên ĐCSVN. Tôi nói, nhiều người xin nghỉ
sinh hoạt, vì già yếu, nhưng hàng tháng vẫn đóng đảng phí thì trong danh sách của
chi bộ vẫn có tên và mỗi năm vẫn được tính thêm một tuổi đảng (để trong điếu
văn vẫn có nhiều chục năm tuổi đảng). Anh bạn T nói rằng đã không đóng đảng phí
12 năm, như vậy có lẽ chi bộ đã tự động gach tên anh khỏi danh sách. Anh nói với
tôi rằng, chuyện từ bỏ Đảng là của cá nhân, không muốn để ai biết làm gì. Thế
cho nên mấy lâu nay tôi cứ tưởng nhầm anh vẫn trong đảng, những người đọc các
bài viết của anh vẫn nghĩ là bài viết của một đảng viên kỳ cựu, cao cấp, đang tự
diễn biến.
Nhiều người, trong đó có bạn bè của tôi đã chọn việc
từ bỏ đảng một cách âm thầm, lặng lẽ với ý nghĩ đó là việc cá nhân, theo phương
châm: “Giận kẻ trần ai, ai chẳng biết; một mình mình biết, một mình hay”.
Trước khi từ bỏ đảng, tôi cũng đã suy nghĩ nhiều và
so sánh để chọn phương án âm thầm hay công khai. Mỗi phương án đều có ưu và nhược
điểm. Ban đầu tôi đã chọn âm thầm, sau chuyển sang công khai. Tuy vậy, cá nhân
tôi và gia đình phải chịu một số bất lợi, nhưng nó hợp với tính cách của tôi và
hy vọng nó sẽ có tác động tích cực đến một số người. Tôi cho rằng những đảng
viên tuyên bố công khai từ bỏ đảng cũng có những suy nghĩ gần như thế.
Âm thầm để bỏ đảng có 2 cách. Cách thứ nhất là xin
chuyển sinh hoạt và không nạp hồ sơ nơi đến. Cách thứ 2 là, trước hết làm đơn
xin nghỉ sinh hoạt vì già yếu, rồi lặng lẽ không nạp đảng phí. Ai chứ tôi không
thể làm đơn như vậy vì sau khi nghỉ hưu thể chất tôi vẫn khỏe mạnh, trí tuệ vẫn
minh mẫn, tinh thần vẫn thích hoạt động và thực tế tôi vẫn hoạt động. Khi đang
còn là U80 mà lấy lý do già yếu để xin nghỉ sinh hoạt đảng tôi sẽ phạm vào lỗi
thiếu trung thực. Tôi vẫn dạy cho con cháu và học trò sự trung thực, tôi không
muốn vi phạm.
Tôi đã xin rút hồ sơ khỏi Đảng bộ Phường K để chuyển
về cơ quan X. Chẳng là tôi vừa ký với họ một hợp đồng làm tư vấn về khoa học.
Tôi không nạp hồ sơ cho Đảng bộ cơ quan X và tôi hoàn toàn có thể từ bỏ đảng một
cách lặng lẽ. Nhưng rồi tôi đã thay đổi ý đồ, đã chiến thắng sự lo sợ mà tuyên
bố công khai. Tôi làm thế với hy vọng việc làm ấy sẽ có một tác dụng tích cực
nào đó.
An ninh của đảng đã chất vấn Đảng ủy phường K, họ trả
lời không biết, không ngờ, không chịu trách nhiêm vì tôi đã chuyển đi từ lâu. Hỏi
Đảng ủy cơ quan X, họ trả lời không biết, không chịu trách nhiệm vì tôi chưa
chuyển hồ sơ đến. Cơ quan X nhận được lệnh bằng miệng phải cắt bỏ mọi quan hệ đối
với tôi.
Chắc rằng việc âm thầm từ bỏ đảng đã có nhiều đảng
viên thực hiện từ lâu và hiện nay vẫn có nhiều người tiếp tục. Việc bỏ đảng công
khai, trường hợp được nhiều người biết, được dư luận quan tâm vào loại sớm nhất
có lẽ là của Đại tá Bùi Tín vào năm 1990. Sau đó, với Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng
và nhiều người khác thì việc công khai từ bỏ đảng không còn là việc quá đặc biệt.
Sau sự việc Chu Hảo, một số đảng viên đã tuyên bố
công khai từ bỏ Đảng. Đầu tiên là Nguyên Ngọc. Theo nhà văn Hoàng Hưng thì: “Nhà
văn Nguyên Ngọc đã ra Đảng từ lâu, nay mới tuyên bố thôi”.
Trong bài “Việc phải đến với ông Nguyên Ngọc”, tác giả Kông Kông
viết: “Nhưng muộn còn hơn không. Rất mong qua tâm sự của ông Nguyên Ngọc những
đảng viên âm thầm bỏ đảng sẽ công khai. Chí ít là để xác nhận con đường theo đảng
là sai lầm, vì đó là con đường gây đại họa cho dân tộc.”
Võ Văn Tạo cho rằng: “quyết định công khai từ bỏ
ĐCSVN của anh Nguyên Ngọc là hoàn toàn đúng đắn”. Trong bài “Viết nhân chuyện ông Chu Hảo bị kỷ luật đảng” tôi trình
bày: “Tôi biết nhiều người đã từ bỏ ĐCS một cách lặng lẽ. Như vậy đã là tốt.
Sẽ tốt hơn khi có số đông tuyên bố bỏ đảng một cách công khai. Có lẽ nhân chuyện
của anh Chu Hảo nhiều đảng viên tự cho là có hiểu biết sẽ chọn cách xử sự xứng
với lòng trung thực và dũng cảm”.
Đặng Xương Hùng, một cán bộ ngoại giao cao cấp, đã từ
bỏ đảng vào năm 2013 viết bài “Hãy bỏ đảng”,
kết thúc bằng lời kêu gọi “Những làn sóng bỏ đảng như hiện nay đang làm
cho những kẻ gây tội ác run sợ, đồng thời nó cũng làm vững tin cho những đảng
viên chân chính đang ấp ủ một hướng đi chính nghĩa, đó là quay về với nhân dân.
Hãy bỏ đảng. Hãy bỏ thật nhanh, thật nhiều, thật dứt khoát” Trong 3 chữ
“thật dứt khoát” của ông Hùng tôi đọc được ý “phải công khai “.
Xem qua một số sự việc như trên thấy rằng bỏ đảng là
việc cá nhân, có thể thực hiện một cách âm thầm, nhưng khi công khai sẽ có tác
dụng lớn, thúc đầy nhanh quá trình sụp đổ của độc tài và làm cho những kẻ gây tội
ác run sợ. Ở Ba Lan vào năm
1989 đã có gần 50% đảng viên công khai bỏ đảng.
Nhiều đảng viên đã thấy rõ Đảng đang dẫn dân tộc đi
sai đường, rất muốn từ bỏ. Họ không lo sợ gì cho cá nhân, nhưng chưa dám công
khai từ bỏ đảng vì lo sợ ảnh hưởng đến con cháu. Tôi và nhiều người công khai từ
bỏ đảng cũng đều có con cháu. Tôi có nói ý đồ cho vợ và con cháu biết, hỏi ý kiến.
Tất cả đều trả lời đại ý: Ông là trí thức, biết rõ việc đúng sai, ông hãy làm
theo điều lương tâm mách bảo, mọi người trong gia đình tôn trọng quyết định của
ông. Nếu vì thế mà những người thân có bị ảnh hưởng gì thì họ sẽ tìm cách khắc
phục hoặc thích nghi. Kết quả, chỉ có tôi chịu một vài khó khăn do an ninh đảng
gây ra và đã khắc phục được, còn con cháu, tuy ban đầu có vài lấn cấn nhỏ,
nhưng không có ảnh hưởng gì đáng kể. Tất cả đều vui vẻ, làm việc và học hành
bình thường.
Trong số cháu gọi tôi bằng ông có đứa còn đưa nhận
xét: Sau này khi đất nước thoát được Chủ nghĩa Mác Lê, có được xã hội thật sự
dân chủ, tự do, cháu chắt ông Cống có chuyện kể với nhau (nhân dịp giỗ ông), rằng
chúng đã có một người ông, người cụ như thế.
No comments:
Post a Comment