Tuesday, 30 October 2018

CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG : CÓ TRÁNH ĐƯỢC CHIẾN TRANH KHÔNG? (Thông Luận tổng hợp)




30/10/2018

Tập Cận Bình : ‘Hãy chuẩn bị cho chiến tranh’ ở Biển Đông
(VOA, 30/10/2018)
Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc ra lệnh Bộ Chỉ Huy Nam Hải, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, thẩm định tình hình và tăng cường khả năng chiến đấu để có thể đối phó với mọi tình huống khẩn cấp, tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết.

Tư liệu : Ảnh ngày 13/7/2018, chụp quả địa cầu và các đảo trên Biển Đông với 'đường 9 đoạn' , vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, trưng bày trong một tiệm sách ở Bắc Kinh. (AP Photo/Andy Wong, File)

Bản tin của SCMP thuật lại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thanh tra Bộ Chỉ Huy Nam Hải hôm thứ Năm 25/10, và một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu phải xây dựng một lực lượng quân sự có khả năng "chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến" thời hiện đại.
Ông Tập Cận Bình nói :
"Chúng ta phải tăng cường các chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh".
Ông nói Bộ Chỉ Huy Nam Hải đã phải gánh vác một "trách nhiệm quân sự nặng nề", phải "nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp".
Tờ China Daily dẫn lời ông Tập nói :
"Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảovệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy".
Nhà lãnh đạo đầy quyền uy của Trung Quốc đã đặt nỗ lực củng cố và hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào thứ tự ưu tiên hàng đầu.

Trong khi ông Tập đọc bài diễn văn tại tỉnh Quảng Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa cũng lên tiếng cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ "một tấc đất" nào, và nói thêm rằng những hành động "thách thức" quyến chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan có thểbuộc Bắc Kinh phải sử dụng vũ lực quân sự.

Mới đây Hải quân Hoa Kỳ đã đưa hai tàu chiến Mỹ đi ngang qua eo biển Đài Loan, một động thái đã làm Bắc Kinh giận dữ, tương tự như các chuyến bay để khẳng định quyền tự do hàng không trên Biển Đông.
Trong mấy tháng gần đây, căng thẳng đã leo thang đặc biệt trên Biển Đông, với sự xuất hiện thường xuyên của các máy bay ném bom B-52 của Mỹ trên khắp khu vực, và những cuộc đối đầu khi tàu hải quân Trung Quốc thách thức tàu chiến Mỹ và máy bay Mỹ bay gần các vùng lãnh hải mà Trung Quốc đang chiếm đóng trên tuyến đường biển đang trong vòng tranh chấp.

Tư lệnh Quân đội Philippine Carlito Galvez Jr., trái, và Đô Đốc John Richardson, Tư Lệnh Hải quân Mỹ bắt tay trước một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp gỡ ở Quezon city, đông-bắc Manila

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, hôm thứ Hai tuyên bố hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải, và sẽ tiếp tục thách thức "những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải không chính đáng".

Hồi đầu tháng này, một tàu khu trục Trung Quốc suýt nữa đã va vào một tàu chiến Mỹ trong vùng biển tranh chấp. Phía Mỹ lên án động thái "không an toàn và không chuyên nghiệp" của Trung Quốc trong một cố gắng nhằm cảnh cáo Mỹ, và buộc tàu Mỹ rời khỏi khu vực.
Các nhà quan sát quân sự nhận định rằng phát biểu của ông Tập, ra lệnh chuẩn bị cho chiến tranh, là nhằm lên tinh thần binh sĩ và tái khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông.

*
*
Đô đốc Richarson : Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông
(RFI, 30/10/2018)

Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để chống lại "những đòi hỏi chủ quyền không chính đáng" của Trung Quốc. Trên đây là tuyên bố của đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, hôm qua, 29/10/2018, trong một cuộc họp báo tại Manila, Philippines, theo tin của hãng AP.

Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur (DDG 73) hoạt động tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 13/10/2016. Reuters/Courtesy Diana Quinlan/U.S. Navy

Tuyên bố nói trên của đô đốc Richardson được đưa ra sau khi vào cuối tháng 9 vừa qua, một khu trục hạm của Trung Quốc đã tiến đến sát một cách nguy hiểm chiến hạm USS Decatur của hải quân Mỹ đang tuần tra bảo vệ tự do hàng hải gần Đá Ga Ven, đảo do Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông. Thao tác "thiếu chuyên nghiệp và không an toàn" đó đã khiến chiến hạm Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm với tàu Trung Quốc.

Theo AP, Bắc Kinh ngay lập tức đã có phản ứng về tuyên bố của tham mưu trưởng Hải quân Mỹ. Đến thăm thành phố Davao ở miền nam Philippines, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm qua tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng "một số quốc gia ngoài khu vực" đang gây rối loạn ở các vùng biển đang tranh chấp và "đã phô trương lực lượng của họ". Ông Vương Nghị nói thêm là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cần "cảnh giác" với sự can thiệp từ bên ngoài.

Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc cùng với đồng nhiệm Philippines Teodoro Locsin đã cam kết sẽ cùng nỗ lực thúc đẩy cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), một cơ chế nhằm làm giảm căng thẳng ở vùng biển này. Mãi đến năm nay, ASEAN và Trung Quốc mới mở các cuộc đàm phán chính thức về COC. Bắc Kinh hy vọng sẽ kết thúc đàm phán vào năm 2021. Nhưng theo lời ngoại trưởng Phililippines, có thể là hai bên sẽ không đạt đến một bộ quy tắc mang tính ràng buộc về pháp lý. Úc, Nhật và Hoa Kỳ đã yêu cầu ASEAN và Trung Quốc bảo đảm làm sao COC phải mang tính ràng buộc về pháp lý, vì nếu không thì bộ quy tắc này sẽ không có hiệu quả.
Trước mắt, hai lực lượng tuần duyên của Trung Quốc và Philippines đã lập đường dây điện thoại nóng để hai bên liên lạc nhanh chóng với nhau nhằm ngăn ngừa xung đột. Theo lời ông Vương Nghị, Bắc Kinh và Manila đang thảo luận lập một đường dây tương tự cho các chiến hạm và phi cơ hai nước.

Thanh Phương

*
*
Nhật - Ấn thắt chặt hợp tác quốc phòng
(RFI, 30/10/2018)

Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục siết chặt quan hệ với chuyến công du Tokyo của thủ tướng Modi. Trong thượng đỉnh lần thứ 13, diễn ra hôm qua, 29/10/2018, hai bên cam kết nỗ lực trong hàng loạt lĩnh vực, từ tài chính, công nghệ, an ninh mạng, y tế, không gian, và đặc biệt là về quốc phòng, vì các lợi ích song phương, vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "hòa bình, ổn định và thịnh vượng".

Thủ tướng Nhật Shinzo Anbe và đồng nhiêm Ấn Độ Narendra Modi (trái) với tài liệu vừa được ký kết. Ảnh nhân cuộc họp báo chung ngày 29/10/2018. Kiyoshi Ota/via Reuters

Truyền thông Nhật Bản chú ý đến việc thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã thỏa thuận hai bên sẽ tiến hành các đối thoại theo cơ chế 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa. Đối thoại 2+2 là một cơ chế thường chỉ được thiết lập giữa các quốc gia có quan hệ đồng minh mật thiết.
Thông cáo chung giữa New Delhi và Tokyo cũng cho biết hai bên sẽ hoàn tất đàm phán để Hải Quân hai nước có thể sử dụng một số căn cứ và dịch vụ quốc phòng của nhau (thỏa thuận ACSA), trong đó có việc phía Ấn Độ sẽ được phép sử dụng căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti (châu Phi), hay phía Nhật được tiếp cận với các quân cảng Ấn Độ tại các đảo Andaman và Nicobar, trên Ấn Độ Dương, sát với eo biển chiến lược Malacca. Hai bên dự kiến sớm đúc kết thỏa thuận này, để chuẩn bị cơ sở hậu cần cho các cuộc tập trận song phương, dự kiến diễn ra trong hai năm tới, 2019-2020.

Trong lĩnh vực tài chính, Nhật Bản và Ấn Độ thỏa thuận lập hợp đồng hoán đổi tiền tệ (currency swap), với tổng trị giá 75 tỉ đô la, được cho là chưa từng có đối với một thỏa thuận song phương trên thế giới. Việc hoán đổi tiền tệ này cho phép hai nước chủ động về nguồn tài chính hơn, bớt phụ thuộc vào đô la. Toykyo cũng quyết định cấp thêm tín dụng lên đến 2,7 tỉ đô la, với lãi suất thấp, để hỗ trợ Ấn Độ hoàn thành dự án đường sắt cao tốc chiến lược Mumbai-Ahmedabad, và một số dự án khác. Nhật Bản và Ấn Độ cũng dự kiến triển khai nhiều dự án với sự tham gia của các quốc gia châu Á khác, như Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka…, hay châu Phi.

Trọng Thành

*
*
Mỹ dọa đánh thuế toàn bộ hàng Trung Quốc
(BBC, 30/10/2018)

Mỹ chuẩn bị công bố gói thuế quan mới vào đầu tháng 12, đánh lên toàn bộ hàng Trung Quốc nếu hội đàm giữa ông Trump và ông Tập thất bại, theo SCMP.
Hội đàm giữa lãnh đạo hai cường quốc dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, mục tiêu nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Mỹ chuẩn bị công bố gói thuế quan mới vào đầu tháng 12, đánh lên toàn bộ hàng Trung Quốc nếu hội đàm giữa ông Trump và ông Tập thất bại

Tuyên bố vào đầu tháng 12 về một danh sách mới các hàng hóa bị Mỹ đánh thêm thuế có nghĩa rằng thời điểm chính sách này có hiệu lực - 60 ngày sau khi lấy ý kiến rộng rãi - sẽ trùng với lễ đón năm mới của Trung Quốc vào tháng 2/2019, nguồn tin ẩn danh cho tờ SCMP biết.
Danh sách này sẽ áp dụng cho hàng nhập khẩu chưa được bao gồm trong các đợt thuế quan trước đó - có thể trị giá lên tới 257 tỷ đô la Mỹ.
Giới chức Mỹ đang chuẩn bị cho một kịch bản như vậy trong trường hợp một cuộc họp Trump-Tập dự kiến không đem lại tiến bộ gì bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra ở Buenos Aires vào tháng 11.
Động thái này cho thấy chính quyền Trump vẫn sẵn sàng leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ngay cả khi các công ty phàn nàn về thuế quan tăng cao và thị trường tài chính tiếp tục lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, theo bài báo trên SCMP.

Ông Trump từ lâu đã đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, trị giá hơn 257 tỷ đô la, nếu Bắc Kinh không đáp ứng được nhu cầu của Hoa Kỳ về những thay đổi sâu rộng đối với chính sách thương mại, chuyển giao công nghệ và bảo trợ công nghiệp, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã áp thuế lên gói hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la Mỹ.
Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng đánh thuế trị giá 110 tỷ đô la lên hàng hóa Mỹ.
Mỹ phải mất ít nhất hai tháng để chính thức áp các gói thuế quan trước đây lên hàng Trung Quốc sau khi danh sách hàng hóa bị đánh thuế được công bố để lấy ý kiến ​​công chúng.
Các đợt thuế quan trước đây tập trung vào tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian của Trung Quốc, nhưng gói thuế quan mới sẽ tấn công vào các sản phẩm tiêu dùng bao gồm điện thoại di động, máy tính, quần áo và giày dép.







No comments:

Post a Comment

View My Stats