Đúng như dự đoán và mong đợi, Chu Hảo đã tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam bằng một lá
thư thẳng thắn, rõ ràng và đầy đủ. [1]
Thẳng thắn ở chỗ ông không ngần ngại khẳng định, tổ
chức chính trị mà ông tham gia 45 năm trước – Đảng Cộng sản Việt Nam – đã
“không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày
càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân
loại.”
Rõ ràng ở chỗ ông chỉ ra có một kế hoạch gần 10 năm
nhằm triệt hạ ông, bất chấp mọi ý kiến của cấp ủy cơ sở, phớt lờ mọi nguyên tắc
dân chủ được tuyên xưng, chỉ nhằm đưa ra một bản cáo trạng mà ông cho là “vô
căn cứ và thâm độc.”
Cuối cùng, lá thư đầy đủ ở chỗ, và cũng là điểm thú
vị nhất, khẳng định nguyên nhân sâu xa mà Chu Hảo từ bỏ đảng cộng sản, chẳng phải
vì cái án kỷ luật vớ vẩn, mà là vì ông nhận thấy ánh sáng từ một con đường
khác, thông qua một con người khác.
Con đường đó là “dân tộc, dân chủ và phát triển” bằng
“khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Con người đó là Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh và câu nói của ông. Ảnh: Luật Khoa
Và đây có lẽ chính là điểm gặp nhau giữa Chu Hảo và
những người bỏ đảng khác như Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang – họ từ bỏ một con đường
đơn giản là vì nhìn thấy một con đường khác sáng rạng hơn cho tiền đồ dân tộc.
Mà đã nhắc tới Phan Châu Trinh trong câu chuyện này
thì thật khó để không liên tưởng tới lá thư [2] gần trăm năm trước Phan Châu
Trinh từ Marseille gửi Nguyễn Ái Quốc – người sau này sáng lập ra cái đảng mà
Chu Hảo vừa từ bỏ.
Trong thư, Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Ái Quốc nên
từ bỏ lối “nương náu ngoại bang để rung chuông, gõ trống” mà phải trở về “ẩn
náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền
áp chế.”
Không tranh cãi với Nguyễn Ái Quốc việc chủ nghĩa
Mác-Lê là đúng hay sai, song Phan Châu Trinh tin tưởng mãnh liệt vào lựa chọn của
mình, “dựa vào lý thuyết nhân quyền để cổ động sĩ khí dân tình”, “kết đoàn hợp
xã, dân tình thức tỉnh, kháng thuế cự sưu, tố giác tham quan lại nhũng, lại bất
hợp tác từ cái này đến cái nọ, đến chừng đông tay vỗ nên tiếng mà đoạt lại lợi
quyền.”
Và đáng quý thay, ngay cả khi biết trước nhiều rủi
ro sẽ đến với mình vì nhà cầm quyền sẽ “vin cớ này, cớ nọ để mà làm tội làm
tình”, Phan Châu Trinh vẫn chấp nhận với niềm tin “chẳng may mà bị sa cơ, thế tất
chẳng có người nối tiếp mình thức tỉnh nhân quần; bằng cái lối đó, chắc là cuồn
cuộn dâng lên, rồi một ngày kia khác nào như ngọn thủy triều lôi cuốn mất cường
quyền áp chế.”
Cuối thư, Phan Châu Trinh hẹn Nguyễn Ái Quốc “thấy mặt
nhau ở quê hương xứ sở.”
Lịch sử dẫn những lối thật bất ngờ. Nguyễn Ái Quốc,
vô tình hay hữu ý, đã làm theo lời khuyên của Phan Châu Trinh, trở về Việt Nam,
ẩn nơi núi rừng, hô hào quốc dân, để rồi vạch một con đường cho dân tộc Việt
Nam dưới bóng đảng cộng sản mà ông góp công sáng lập.
Phan Châu Trinh ba năm sau đó về lại Việt Nam để rồi
mãi mãi nằm lại Sài Gòn trong một quốc tang thực thụ đầu tiên và duy nhất của
người Việt. Ông đã không thấy mặt Nguyễn Ái Quốc như lời hẹn cuối thư, và lại
càng chẳng thể “gặp” Hồ Chí Minh ở bất kỳ nơi đâu trên đường tìm lối thăng tiến
cho dân tộc.
Không hội ngộ cố nhân nhưng có lẽ Phan Châu Trinh giờ
đây sẽ ngạc nhiên lắm nếu “thấy mặt” biết bao người đang “nối tiếp mình thức tỉnh
nhân quần” đúng như lời dự đoán. Trớ trêu, và cũng thú vị thay, rất nhiều người
trong số đó, như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, và còn nhiều người khác nữa, đã, đang và
sẽ đến với Phan Châu Trinh sau khi bước qua và từ bỏ cả con đường lẫn tổ chức
mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra và sáng lập.
—
[1] Toàn văn Tuyên bố Từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam của
Chu Hảo
https://bit.ly/2PsDzoW
https://bit.ly/2PsDzoW
[2] Thư PCT gửi NAQ 1922
https://nghiencuulichsu.com/2016/05/16/thu-gui-nguyen-ai-quoc-cua-phan-chau-trinh/
https://nghiencuulichsu.com/2016/05/16/thu-gui-nguyen-ai-quoc-cua-phan-chau-trinh/
No comments:
Post a Comment