Tuesday, 16 October 2018

TẠI SAO USMCA KHÔNG TỐT HƠN NAFTA MÀ CÒN TỆ HƠN TPP? (Jeffrey Frankel - Project Syndicate)




Jeffrey Frankel  -  Project Syndicate
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
16/10/2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Hiệp định Hoa Kỳ – Mexico – Canada (USMCA), mà nó nối tiếp Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), là một “thỏa thuận vĩ đại độc đáo nhất từng được ký kết”. Thật ra, hiệp định này không tốt bằng Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà ông Trump cho Mỹ rút lui ngay sau khi ông nhậm chức, Hiệp định USMCA cũng không phải là tốt hơn một cách quá đặc biệt so với Hiệp định NAFTA mà nó thay thế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hành động như thể là ông đã tạo nên một chiến thắng lừng lẫy bằng cách thay thế cho Hiệp định NAFTA – được ông cho là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng có” – với Hiệp định mới USMCA. Nhưng sự thật là, trong khi kết quả này tốt hơn là một sự kết thúc tự do mậu dịch ở Bắc Mỹ, Hiệp định USMCA không cải thiện qua việc duy trì hiện trạng.

Dĩ nhiên, đây là cách làm việc của ông Trump: ông đe dọa làm điều gì đó thảm khốc, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi mọi sự thể trở nên ít tồi tệ hơn một chút. Đó là những gì ông đã làm với Bắc Triều Tiên, khi ông thoá mạ nhà lãnh đạo của họ, Kim Jong-un, và đe dọa sẽ dùng “hoả công và cuồng nộ” cho Bắc Triều Tiên. So với cuộc xung đột về vũ khí hạt nhân, cuộc gặp gỡ của ông với ông Kim có vẻ như là một chiến thắng, mặc dù nó tạo ra ít tiến bộ trong thực tế.

Cách hiểu sai lầm của ông Trump về kết quả của cuộc họp đó là một tiêu chuẩn khác trong chiến thuật của ông Trump – vấn đề của một Bắc Triều Tiên có trang bị vũ khí hạt nhân mà ông đã khẳng định sai là đã “giải quyết” – Ông gọi Hiệp định USCMA là một thoả thuận vĩ đại độc đáo nhất từng được ký kết. Đối với ông Trump, tất cả việc mà Hiệp định NAFTA thực sự cần thiết là một cái tên mới – cái tên mà như Eswar Prasad chỉ ra, theo nghĩa đen đặt thay cho “Mỹ đầu tiên” – để cho phép ông giả vờ tạo cho những người ủng hộ tin rằng ông đã đạt được điều gì đó tích cực.

Để cho công bằng, cái tên gọi không phải là sự khác biệt duy nhất giữa Hiệp định USMCA và Hiệp định NAFTA. Bốn thay đổi đặc biệt đã thu hút sự chú ý.

Sự thay đổi đầu tiên là du nhập hai biện pháp liên quan đến ngành công nghiệp ô tô. Để tránh thuế, thỏa thuận yêu cầu 75% các mặt hàng của ô tô có nguồn gốc ở Bắc Mỹ – tăng từ 62,5% – để làm giảm nhập khẩu linh kiện từ châu Á. Thoả thuận cũng đòi hỏi vào năm 2023, 40-45% sản xuất do những công nhân được trả lương trung bình hơn 16 đô la một giờ, cao hơn mức lương của người Mễ.

Điều này sẽ mang lại một số lợi ích cho một số công nhân Mỹ trong ngành ô tô, nhưng gây tổn hại cho tất cả mọi người khác. Không chỉ người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn cho các ô tô; thậm chí sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng có hiệu năng trong hiện tại có thể khiến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ trở nên tệ hơn, vì nó làm suy yếu khả năng cạnh tranh quốc tế của xuất lượng ở Bắc Mỹ. Chi phí gia tăng đối với nhập lượng thuộc về nguyên liệu bằng thép và nhôm do thuế quan của ông Trump (bỏ qua việc trả đũa của nước ngoài) chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề của công nghiệp. Các điều khoản về ô tô theo Hiệp định USMCA là một bước lùi so với Hiệp định NAFTA.

Sự thay đổi nổi bật thứ hai theo Hiệp định USMCA là các nhượng bộ trong nông nghiệp, đặc biệt là thỏa thuận của Canada để cho các nhà sản xuất Mỹ thâm nhập thị trường sữa tới mức 3,6%, trị giá khoảng 70 triệu đô la. Sự thay đổi này đáng chú ý vì cả Mỹ và Canada từ lâu đã bảo vệ nông dân chăn nuôi bò sữa khỏi sự cạnh tranh, thậm chí còn nhiều hơn trong khu vực còn lại của các ngành nông nghiệp của họ. Hiện nay, các nhà sản xuất sữa của Mỹ sẽ được hưởng một số lợi ích, với cái giá mà các nhà sản xuất sữa của Canada phải trả. Lợi cho Mỹ càng nhiều thì càng tốt.

Nhưng khoản tương nhượng này, tương đương với khoảng 0,00003% trong tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ, nó sẽ không có tác động rõ rệt nào đối với việc quân bình thương mại của Mỹ. Ộng Trump không thể tuyên bố một cách trung thực đó là một chiến thắng liên quan đến hiện trạng mà ông thừa hưởng – ngay cả đối với những người theo phái trọng thương và ủng hộ ông. Trên thực tế, Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump, đã điều động việc giành quyền tương nhượng về sữa tương tự như vậy từ Canada vào năm 2015 như một phần của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định mà ông Trump cho Mỹ rút khỏi ngay khi ông nhậm chức.

Nhìn chung, thậm chí nếu nhìn từ quan điểm trọng thương hẹp hòi, thì TPP sẽ tốt hơn so với Hiệp định USMCA. Tóm lại, trong các cuộc đàm phán của Hiệp định USMCA, Hoa Kỳ đã đồng ý cho Canada gia tăng việc thâm nhập thị trường sữa của Mỹ, cũng như trong hai khu vực nông nghiệp được bảo vệ cao nhất: đó là đậu phụng (và sản phẩm chế biến từ đậu phụng) và đường (kể cả các sản phẩm có chứa đường). Quan trọng hơn, theo TPP, chín quốc gia khác thuộc vùng Vành cung Thái Bình Dương (như Việt Nam) sẽ giảm rào cản quan trọng đối với các xuất khẩu của Mỹ.

Đặc điểm thứ ba của Hiệp định USMCA đã thu hút sự chú ý nhất liên quan đến các cơ chế giải quyết tranh chấp. Hoa Kỳ và Canada đã đồng ý hủy bỏ cách giải quyết tranh chấp cho nhà đầu tư và nhà nước, mà nhiều người đã chỉ trích vì đã cho phép các tập đoàn có nhiều quyền lực trong các cuộc đàm phán quốc tế, mà về mặt lý thuyết, họ có thể gia tăng các lợi ích của họ để gây sự tổn hại, thí dụ như là cho sức khỏe hoặc môi trường.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã đồng ý giữ thủ tục theo “Chương 19” của NAFTA để giải quyết các tranh chấp thương mại khác. Sự nhượng bộ này có vẻ đáng ngạc nhiên, bởi vì các nhà đàm phán của chính quyền Trump mong rằng, người Mỹ được chỉ định làm công tố viên, thẩm phán và bồi thẩm đoàn trong các vụ kiện chống bán phá giá và điều chỉnh thuế quan. Nhưng Canada sẽ không bao giờ chấp nhận phương sách một chiều như vậy, và đúng như vậy – đó là một kết quả tốt.

Sự thay đổi đáng chú ý thứ tư trong Hiệp định USMCA là du nhập một điều khoản tái duyệt xét gia hạn. Ban đầu, chính quyền ông Trump đòi hỏi điều khoản thỏa thuận mới phải được gia hạn sau mỗi 5 năm, với việc kết thúc là lựa chọn mặc định – một đòi hỏi cực đoan sẽ làm tê liệt thương thảo. Tình trạng bất trắc thường xuyên về sự tồn tại của thỏa thuận sẽ làm giảm khả năng hoạch định cho các doanh nghiệp. Canada sẽ không bao giờ đồng ý với yêu cầu này.

Điều may mắn là Mỹ đã chịu lùi bước. Nhưng việc này đã bảo đảm một điều khoản ít nghiêm ngặt hơn: Hiệp định USMCA phải được tái tục, gia hạn 16 năm một lần. Người ta hy vọng rằng các việc tái duyệt xét trong tương lai sẽ diễn ra vào những thời điểm khi các nhà lãnh đạo thuần lý hơn sẽ đảm trách, và có lẽ họ sẽ loại bỏ các điều khoản tái duyệt xét.

Hiệp định USMCA bao gồm nhiều điều khoản khác mà nó sẽ mất thời gian để đánh giá. Đó là một điều khoản để tăng cường bảo vệ công nhân, mặc dù có ít phạm vi bảo vệ hơn trong TPP. Cũng nên nhớ lại rằng, TPP có những điều khoản cho nền kinh tế kỹ thuật số và mở rộng quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực như dữ liệu bản quyền và sinh học – làm cho các tập đoàn Mỹ thắng và các nhà chống toàn cầu hóa thất bại.

Cuối cùng, Hiệp định NAFTA được đổi tên là một bước đi theo hướng TPP mà ông Trump đã thoá mạ. Hiệp định USMCA không tốt như TPP, cũng không phải là một cải tiến toàn diện hơn Hiệp định NAFTA. Nhưng nó tốt hơn so với việc nổ tung thương mại ở Bắc Mỹ.

***
Tác giả Jeffrey Frankel là Giáo sư Trường Công quyền học Kennedy của Đại học Harvard, cựu thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton, Nghiên cứu viên tại US National Bureau of Economic Research, Thành viên của Business Cycle Dating Committee.

Nguyên tác: The New and Not Improved NAFTA. Tựa đề bản dịch là của người dịch.


------------------------------

Thứ Ba, ngày 16 tháng 10 năm 2018

Sau 14 tháng đàm phán, Mỹ, Canada và Mêhicô ngày 30/09/2018 đạt đồng thuận về một hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới. NAFTA bị khai tử, nhường chỗ cho USMCA. Hai hiệp định cũ và mới có gì khác nhau và phải chăng có lợi hơn cho kinh tế Hoa Kỳ như điều Nhà Trắng mong đợi ?

Đúng hạn định ngày 30/09/2018 ba nước Bắc Mỹ là Hoa Kỳ cùng với Canada và Mêhicô thông báo hoàn thành nhiệm vụ, đạt được thỏa thuận "mở cửa một thị trường rộng lớn hơn, tự do hơn và công bằng hơn" cho "người lao động, nông gia, giới chăn nuôi, và các doanh nghiệp" của ba nước. Thỏa thuận mới theo Washington, Ottawa và cả Mêhicô, mở ra viễn cảnh "tăng trưởng tươi sáng và vững mạnh cho khu vực".

Thỏa thuận mới sẽ được nguyên thủ ba nước chính thức ký kết vào cuối tháng 11/2018 và sẽ phải được Quốc Hội Mỹ, Canada và Mêhicô thông qua sau đó. USMCA là một thị trường 500 triệu dân quan trọng hơn cả là liên hệ giữa Mỹ và Canada : gần ba phần tư xuất khẩu của Canada hướng về Hoa Kỳ, đổi lại thì Canada cũng là khách hàng quan trọng nhất của 32 trong số 50 tiểu bang Mỹ.

Với hiệp định USMCA, ba nước Bắc Mỹ tạm khép lại giai đoạn căng thẳng. Nhưng về thực chất, giới phân tích cho rằng, hiệp ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới mang tên Hiệp Định Mỹ, Mêhicô và Canada chỉ là một dạng "bình mới rượu cũ". Hơn một năm trời đàm phán để chung cuộc, ba bên chỉ "tân trang" lại cho một hiệp định đã lưu hành từ năm 1994. Khác biệt quan trọng nhất là hiệp định mới chỉ có hiệu lực trong vòng 16 năm, sau đó các bên sẽ đàm phán lại.

Dù vậy, theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California, hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới là một thắng lợi của chính quyền Trump.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Đây là một thắng lợi của chính quyền Donald Trump nhưng ít được báo chí Mỹ nói tới vì họ ghét ông ta và bị ông ta quạt lại. Từ khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đả kích hiệp ước NAFTA được áp dụng từ đầu năm 1994 là gây bất lợi cho Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại với hai láng giềng. Donald Trump hứa hẹn nếu đắc cử, ông sẽ cho xét lại, tức là thương thuyết lại hay hủy bỏ luôn. Thật ra, lời hăm dọa hủy bỏ chỉ là một chiến thuật thương thuyết, chứ hành pháp chẳng có quyền đó nếu không được Quốc Hội đồng ý. Việc thương thuyết giữa ba nước kéo dài cả năm mà không đạt thỏa thuận. Chính quyền Trump bèn dùng chiến thuật khác.

Trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với hai láng giềng thì Mêhicô ở vào thế yếu hơn là Canada nên chính quyền Trump đàm phán trước với chính quyền của tổng thống Enrique Pena Nieto. Nhưng họ cũng kẹt kỳ hạn là phải đạt thỏa thuận trước khi tổng thống tân cử là Adres Manuel Lopez Obrador nhậm chức vào ngày 1/12/2018 để đương kim tổng thống Enrique Pena Nieto ký kết trước khi mãn nhiệm. Chính quyền Trump thành công vì ký kết ngày 28/09/2018 rồi dùng đó làm đòn bẩy để ép Canada phải thương thuyết ngay để cứu lấy NAFTA. Kết cuộc thì Canada cũng nhượng bộ vào giờ chót, tức là trước thời hạn 30/09/2018. Nhờ vậy, hành pháp có thể đệ trình Hiệp ước USMCA cho Quốc Hội phê chuẩn trọn gói chứ không thể xét lại từng điều thỏa thuận và trước khi có bầu cử giữa nhiệm kỳ là ngày 06/11/2018.

Khác biệt giữa hai hiệp định NAFTA và USMCA

Nguyễn Xuân Nghĩa :Về căn bản thì không khác gì vì giữ nguyên nhiều khoản cũ, nhưng một số thay đổi thì có lợi cho phía Hoa Kỳ. Thay đổi đáng chú ý nhất là trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi. Hoa Kỳ đòi tăng tỷ trọng sản xuất các cơ phận riêng trong ba nước này chứ không được mua của ở ngoài rồi chế biến thành sản phẩm mua bán trong phạm vi NAFTA như trước.
Thứ hai là 40% cơ phận phải được sản xuất ở những nơi trả lương cao. Mêhicô đồng ý như vậy, Canada cũng thế và điều này được các nghiệp đoàn Mỹ ủng hộ dù họ thiên về đảng Dân Chủ.
Một thắng lợi khác của Mỹ là làm Canada phải mở thị trường sản xuất sữa xưa nay vẫn được Ottawa bảo vệ và giúp cho nông gia Mỹ có thể bán chừng 3,5% số tiêu thụ của thị trường Canada. Ngoài ra, Canada cũng giảm dần việc can thiệp vào thị trường sữa để giữ ưu thế cạnh tranh.
Một điều thứ ba là kỳ hạn thỏa thuận, Mêhicô đồng ý trước và Cadana chấp nhận sau là cam kết giữa ba nước chỉ có giá trị trong 16 năm thôi. Tới hạn kỳ thì họ có thể xét lại và cứ sáu năm một lần, Washington, Mêhicô và Ottawa cùng nhau rà soát lại kết quả.
Quan trọng hơn cả là hai điều khoản được chính quyền Trump đòi hỏi. Thứ nhất, các thành viên phải thông báo cho cả nhóm sáu tháng trước khi đàm phán hiệp ước thương mại với một quốc gia không có quy chế kinh tế thị trường. Điều này rõ là nhắm vào Trung Quốc dù không nêu đích danh. Điều khoản kia là không nước nào được phép lũng đoạn hối đoái, nôm na là phá giá đồng bạc để có lợi thế xuất cảng hàng rẻ hơn.
Cũng phải nói thêm rằng Hoa Kỳ có nhượng bộ Canada thí dụ như với Chương 19 về thủ tục khiếu nại của nhà đầu tư, theo đó một ủy ban hỗn hợp sẽ xét đơn khiếu nại thay vì nhà đầu tư kiện quốc gia kia là gây thiệt hại cho họ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã kiện Canada tội bảo vệ ngành sản xuất gỗ xúc trong khu vực lâm sản.

USMCA, một công cụ để cô lập Trung Quốc ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ngày càng rõ là chính quyền Trump cứ dọa già các bạn hàng mà cũng là đồng minh chứ thật ra đều dàn xếp tay đôi, thí dụ như với Nam Hàn, rồi Canada và Mêhicô, nay mai là với Nhật Bản cùng các nước Liên Âu.
Hôm 06/10/2018, tổng trưởng Thương Mại Mỹ là Wilbur Ross nói thẳng ra điều ấy khi nhắc tới Hiệp ước NAFTA mới thỏa thuận vì cho Hoa Kỳ cái quyền phủ quyết nếu hai xứ kia manh nha đàm phán với Bắc Kinh. Ông Wilbur Ross gọi điều khoản quái ác đó là “viên thuốc độc”. Chúng ta sẽ theo dõi chuyện này trong cuộc đàm phán sắp tới với Nhật và Âu châu.

Kết luận nào về lập trường thương mại của chính quyền Trump ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ông Trump kết hợp an ninh với kinh tế và trong quan hệ kinh tế với các nước thì muốn có sự công bằng và hai chiều, có đi có lại mới toại lòng nhau. Nhưng cách đàm phán với các nước dân chủ và đồng minh của Mỹ thì chỉ có vẻ giơ cao mà đánh khẽ, chứ không triệt để riết róng như với Trung Quốc. Nội các và ban tham mưu của Trump hay có lối tuyên bố nước đôi, ôn hòa thì có tổng trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin hay cố vấn Larry Kudlow, cứng rắn thì có tổng trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại sứ Thương Mại Robert Lighthizer hay cố vấn Peter Navarro. Có lẽ họ thủ vai ông Thiện và ông Ác trong nghệ thuật đàm phán của Donald Trump.
Nhưng ngần ấy người đều khá quyết liệt với Bắc Kinh và trận đánh sẽ còn tiếp tục nhiều năm sau khi ông Trump hết còn là tổng thống vì đấy cũng là lập trường của đa số dân biểu nghị sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Giữa tình trạng phân cực hiện nay của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, Bắc Kinh lại tạo ra một sự đồng thuận bất ngờ.

----------------------------------

XEM THÊM

Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 02-10-2018

Thỏa thuận trao đổi thương mại Bắc Mỹ - USMCA (the United States-Mexico-Canada Agreement) ngày 01/10/2018 được các nhật báo Pháp chú ý phân tích trong số ra hôm nay, 02/10.

Le Monde đánh giá cuộc đàm phán gay go đến phút chót qua hàng tựa trên trang nhất : « Trump giật được một thỏa thuận tự do thương mại mới từ Canada ». Le Figaro và La Croix đồng loạt nêu sự lấn át của tổng thống Mỹ với hàng tựa : « Trump áp đặt Canada một thỏa thuận mới ». Les Echos đánh giá : « Donald Trump vẽ lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ ».

Tranh luận căng thẳng bên phía Canada kéo dài đến phút chót. Chỉ khoảng 30 phút trước khi tối hậu thư của tổng thống Mỹ hết hạn, các nghị sĩ Canada mới chấp nhận gia nhập thỏa thuận thương mại đã được Mỹ và Mêhicô ký kết để thay thế NAFTA có hiệu lực từ 25 năm qua. Ottawa đành nhân nhượng một số điểm, nhưng tiếp tục duy trì được một số điều khoản khác mà tổng thống Trump muốn xoá bỏ, như cơ chế xử lý tranh chấp song phương.

Năm điểm chính trong thỏa thuận

Vậy thỏa thuận thương mại mới nói gì ? Nhật báo kinh tế Les Echos điểm lại một số nội dung chính trong thỏa thuận USMCA, tập trung vào nông nghiệp và công nghiệp, và sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

Thứ nhất, nông phẩm Mỹ được đảm bảo đầu ra. Đây là điểm không thể thương lượng được của tổng thống Mỹ, vì ông muốn giữ số cử tri nông dân đang bị tác động vì chiến tranh thương mại. Canada đã phải nhân nhượng, mở thị trường sữa nước này qua việc nới lỏng hệ thống kiểm tra sản xuất, hạn ngạch và mức thuế có thể lên đến 275%. Canada sẽ mua nông phẩm Mỹ nhiều hơn và mở thêm 3,4% thị trường nước này.

Điểm thứ hai liên quan đến lĩnh vực xe hơi. Thuế hải quan sẽ không bị áp dụng với các loại xe được lắp ráp từ ít nhất 75% phụ tùng được sản xuất tại Bắc Mỹ (thay vì 62,5% theo NAFTA). Thêm vào đó, từ 40% đến 45% số phụ tùng trên phải do công nhân có mức lương « ít nhất là 16 đô la/giờ » sản xuất. Điều khoản này có lợi cho Mỹ và Canada, buộc Mêhicô phải tăng cường đàm phán với các nghiệp đoàn của nước này vì nhân công Mêhicô luôn có giá rẻ và quyền lợi của người lao động ít được bảo vệ. Canada và Mêhicô sẽ thoát được đe dọa của Mỹ đánh thêm 25% thuế trong lĩnh vực xe hơi.

Thứ ba, tòa giải quyết xung đột, được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận NAFTA hiện hành, sẽ tiếp tục hoạt động. Washington muốn xóa cơ chế độc lập này, trong khi đó với Ottawa, đây là điểm không nhân nhượng được vì là công cụ đáng tin cậy duy nhất để phản đối các biện pháp thuế mà Hoa Kỳ áp đặt.

Thứ tư, cứ sáu năm (thay vì 5 năm như yêu cầu của tổng thống Trump), ba nước sẽ họp bàn về tương lai của thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận này sẽ mất hiệu lực sau 16 năm, nếu không được thương lượng lại hoặc không tiếp tục triển khai.

Cuối cùng, mức thuế đánh thêm nhắm vào nhôm và thép được chính quyền Mỹ áp dụng hồi tháng 03/2018, tiếp tục được duy trì « cho tới khi ấn định một hệ thống mới », có thể là áp dụng hạn ngạch, theo như phát biểu ngày 01/10 của tổng thống Mỹ.

Thỏa thuận với Washington khiến Trudeau yếu thế ở Québec

Với thủ tướng Trudeau, « đây là một ngày tốt đẹp cho Canada » ngay sau khi thỏa thuận thương mại với Mỹ được thông qua. Tuy nhiên, theo Le Figaro, chỉ vài giờ sau, thỏa thuận USMCA đã khiến các nhà nông Québec phẫn nộ, vì Canada sẽ phải mở thêm 3,59% thị trường sữa, vẫn được bảo hộ, cho các nhà sản xuất Mỹ.

Ngành sản xuất sữa sử dụng 220.000 lao động, trong đó một nửa số này sống tại vùng Québec, với doanh thu 16 tỉ đô la trên quy mô quốc gia. Sự phẫn nộ của nông dân Canada còn chưa nguôi, vì vào năm 2016, nước này đã phải mở cửa thị trường cho các nhà nông châu Âu. Nông dân Québec chỉ trích chính phủ bỏ rơi nhà nông để cứu lĩnh vực sản xuất xe hơi, tập trung chủ yếu ở vùng Anh ngữ Ontario.

Việc thông qua thỏa thuận mới với Mỹ diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc bầu cử nghị viện vùng Québec. La Croix đánh giá liên minh chính trị của thủ tướng Trudeau tại Québec có nguy cơ bị tác động. Đảng Tự do Québec (PLQ), nắm quyền ở Québec từ 15 năm nay, có thể sẽ bị Liên minh vì Tương lai Québec (CAQ), một đảng trung tả chủ trương tự trị, đánh bại. Còn theo Le Figaro, trong cuộc bầu cử năm 2019, có thể người dân Québec sẽ bỏ phiếu chống thủ tướng Justin Trudeau.

-----------------------------

Đăng ngày 02-10-2018

Sau khi hai chính phủ Hoa Kỳ và Canada đạt thỏa thuận thương mại mới (AEUMC/USMCA) trong gang tấc, ngày 01/10/2018, lãnh đạo ba nước Bắc Mỹ đồng loạt ca ngợi hiệp định này. Tuy nhiên, hiệp định còn phải chờ Quốc Hội ba nước phê chuẩn.

Theo AFP, tổng thống Mỹ Donald Trump hết lời tán dương đây là thỏa thuận thương mại « quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ ». Đồng nhiệm Mêhicô, tổng thống Enrique Peña Nieto, thì nói đến một thỏa thuận mà « ba bên cùng có lợi ». Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định đây là một thỏa thuận « hoàn toàn có lợi » cho toàn dân Canada.

Tổng thống Mỹ có lẽ là người hài lòng nhất về thỏa thuận nói trên, bởi chính Donald Trump là người khởi xướng việc hủy bỏ hiệp định tự do do thương mại Bắc Mỹ cũ (NAFTA/ALENA), mà ông cho là hết sức có hại cho Hoa Kỳ, để thay thế bằng một thỏa thuận mới. Theo Donald Trump, hiệp định mới sẽ cho phép Hoa Kỳ trở lại vị thế của một đại cường công nghiệp.

Về phần mình, thủ tướng Canada nhấn mạnh là Ottawa đã bảo vệ được lằn ranh đỏ, tức là duy trì « cơ chế giải quyết tranh chấp », từng cho phép Canada nhiều lần giành thắng lợi trước Hoa Kỳ. Theo người đứng đầu chính phủ Canada, đàm phán với một đối tác có nền kinh tế lớn hơn đến 10 lần là điều không dễ dàng. Thủ tướng Jusin Trudeau cũng nhấn mạnh là hiệp định ba nước Bắc Mỹ hiện vẫn chưa có hiệu lực, và « vẫn còn một số lo ngại », cho dù đây là « một bước tiến lớn ».

Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ chính thức phê chuẩn hiệp định cùng lãnh đạo hai láng giềng, vào cuối tháng 11, trước khi tổng thống Mêhicô mãn nhiệm ngày 01/12. Kết quả bầu cử giữa kỳ đầu tháng 11 tại Mỹ sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai của hiệp định AEUMC/USMCA, nếu đảng đối lập Dân Chủ giành lại được đa số. Donald Trump bảo đảm đã sẵn sàng một số giải pháp thay thế, nếu Quốc Hội Mỹ không chấp thuận hiệp định mới, nhưng ông không nêu chi tiết.

Hiệp định Mỹ-Mêhicô-Canada chính thức thành hình, với thỏa thuận giữa Mỹ và Canada hôm qua, tiếp theo thỏa hiệp giữa Mêhicô và Mỹ hồi cuối tháng 9/2018. Hiệp định dự kiến sẽ kéo dài 16 năm, và cứ mỗi sáu năm sẽ được xem xét lại.







No comments:

Post a Comment

View My Stats