15/10/2018
Sự trổi dậy của Trung Quốc là đề tài đã được bàn cãi
sôi nổi hơn hai thập niên qua. Nhưng Trung Quốc đã trổi dậy như thế nào, mục
tiêu của họ là hòa bình hay hiếu chiến, và họ có đủ khả năng và có dám thách thức
Hoa Kỳ, để rồi chiến tranh có phải là điều không thể tránh khỏi trong ba thập
niên tới, là đề tài mà được thảo luận và phân tích rất nhiều trong thời gian gần
đây.
Trước hết là cách thức trổi dậy của Trung Quốc.
Một người đàng hoàng, không gian lận, biết và tôn trọng
luật chơi, chỉ sử dụng con đường chính trực để kinh doanh, và trở thành giàu có
và quyền lực bằng mồ hôi nước mắt và trí tuệ của mình, thì khó một ai có thể
phê bình người đó. Nhật Bản, sau Thế Chiến II, ít nhiều đã giành được sự ngưỡng
phục của thế giới vì tinh thần đó. Sự trổi dậy của Trung Quốc thì lại khác hẳn.
Trung Quốc, từ một quốc gia nghèo đói không đủ ăn, tụt hậu về mọi mặt vào các
thập niên 1950, 1960 và một phần của 1970, đã thay đổi bộ mặt từ khi bắt tay
bang giao với Hoa Kỳ năm 1972 vì đã được giúp đỡ, viện trợ và cố vấn về mọi mặt.
Kinh tế và hầu như mọi lĩnh vực khác ngày càng phát triển kể từ đó. Trong vòng
17 năm qua tổng sản lượng quốc gia đã tăng trưởng gấp 9 lần, trở thành nền kinh
tế thứ nhì của thế giới. Tất nhiên đó là điều tích cực cho quốc gia này, nhất
là người dân của họ không phải sống trong lầm than và tủi nhục như trước.
Nhưng hậu quả tiêu cực của sự phát triển bằng mọi
giá của giới lãnh đạo Trung Quốc trong các thập niên qua đối với chính người
dân của họ, đối với các quốc gia láng giềng, đối với nền an ninh khu vực, và đối
với nền trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo trong hơn bảy thập niên qua, là rất
quan ngại. Hoa Kỳ đã bị thiệt hại nặng nề trong mối bang giao này, nhưng lãnh đạo
hàng đầu của Hoa Kỳ không ai công khai chính thức lên tiếng một cách toàn diện
và hệ thống. Cho đến khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike
Pence phát biểu điểm mặt chỉ tên Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu
Hudson vào ngày 4 tháng 10 vừa qua.
Trong bài phát biểu này, ông Pence chính thức công bố
cho người dân Mỹ biết về sự chủ động và điều khiển một cách toàn diện của chính
quyền tại Bắc Kinh để gia tăng ảnh hưởng và hưởng lợi đối với Hoa Kỳ trong nhiều
thập niên qua. Họ đã sử dụng các dụng cụ quân sự, kinh tế và chính trị cho đến
tuyên truyền để tấn công Hoa Kỳ. Ông cho rằng ngày nay Trung Quốc đã áp dụng một
cách chủ động hơn trước nữa, tìm cách ảnh hưởng và can thiệp lên chính sách nội
địa và nền chính trị của Hoa Kỳ.
Một trong các thông điệp chính của ông Pence là rằng
Hoa Kỳ mong muốn một mối quan hệ trên tinh thần xây dựng với Bắc Kinh nơi hai
bên có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng và an ninh. “Sự cạnh tranh không nhất
thiết phải là thù nghịch”, và nó không cần phải là như thế. Ông biện luận rằng
trong khi Bắc Kinh đã đi xa từ viễn ảnh này, các lãnh đạo của Trung Quốc có thể
thay đổi phương hướng, trở lại tinh thần cải cách và mở mang mà đã biểu thị mối
quan hệ giữa hai quốc gia vào những thập niên trước. Người Mỹ không muốn gì hơn
các điều đó, và người Hoa xứng đáng không ít hơn thế.
Bài phát biểu rất chi tiết của ông Pence đặt lãnh đạo
Trung Quốc hiện nay vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Hiện nay người ta vẫn chưa rõ là Tổng thống Donald
Trump muốn chiến đấu (fight) hay muốn thỏa thuận (deal). Sau ba lần áp thuế nhập
khẩu tổng cộng lên 250
tỷ đô la, ông Trump còn có ý định gia tăng lên lượng hàng nhập khẩu tổng trị
giá 500 tỷ đô la, nếu cần. Giới chuyên gia và lãnh đạo Trung Quốc hiện nay muốn
biết ông Trump thật sự muốn gì, nhưng ông là người khó đoán. Nếu lãnh đạo Trung
Quốc chịu “thỏa thuận” thì ông Trump còn “chiến đấu” tiếp không? Theo một số
viên chức trong chính phủ Trump thì “không có thỏa thuận nào cả. Thuế quan là
điểm sau cùng”. Nhưng Ely
Ratner thuộc viện nghiên cứu CNAS, một trong các chuyên gia trẻ và nổi bậc
về Trung Quốc hiện nay, cho rằng dù có đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Hoa
Kỳ muốn nhiều hơn nữa. Làm sao để nền kỹ nghệ và kỹ thuật của Hoa Kỳ ít bị thiệt
hại do nạn ăn cắp và cưỡng chế từ Trung Quốc. Những tổn hại do sự tương thuộc
quá nhiều với Trung Quốc chính nó sẽ là vấn đề lớn, cho nên theo Ratner, chủ
trương và chính sách của chính quyền Trump hiện nay là tách rời (decouple), muốn
giảm bớt sự tương thuộc này. Nếu đọc kỹ các thông điệp trong toàn bộ bài phát
biểu của ông Pence thì thỏa thuận, nhất là về thuế nhập khẩu, chỉ là phần nhỏ đối
với các yêu cầu hay mục tiêu của Hoa Kỳ. Điều chính yếu là Hoa Kỳ muốn một quan
hệ kinh tế được tự do, công bằng và hỗ tương với Trung Quốc, và muốn Bắc Kinh
chấm dứt vĩnh viễn hành động ăn cắp sở hữu trí tuệ, chấm dứt các hành động bắt
buộc chuyển giao công nghệ. Tất nhiên đời nào mà Tập Cận Bình của Trung Quốc chấp
nhận một thỏa thuận như thế.
Chính quyền Trump có lẽ muốn đưa chính quyền Tập Cận
Bình vào thế triệt buộc.
Điều đáng ghi nhận nhất ở đây là gần như toàn bộ bài
phát biểu của ông Pence phản ánh hầu hết mối quan tâm và nghiên cứu sâu sắc của
Tiến sĩ Michael Pillsbury trong tác phẩm “Một trăm năm chạy đua” (được
phát hành đầu năm 2015 và được giới học giả chuyên gia đánh giá rất cao). Ông
Pillsbury hiện đang là Giám đốc của Viện Nghiên cứu Hudson, nơi ông Pence đến
phát biểu. Trong phần mở đầu, ông Pence trân trọng chào riêng ông Pillsbury và
trong phần phát biểu có trích vài ý của ông Pillsbury. Ông Pillsbury không phải
là một chuyên gia bình thường. Ông đã từng nắm vai trò Phụ tá Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng Hoa Kỳ thời của cố Tổng thống Ronald Reagon. Ông là người nói và tranh luận
tiếng Hoa lưu loát, làm việc sát cánh với CIA và FBI trên bốn thập niên, đã phục
vụ qua bao nhiêu đời tổng thống Hoa Kỳ, và đã tiếp xúc trực tiếp các lãnh đạo
chính trị và quân sự hàng đầu của Trung Quốc ngay từ ban đầu khi Hoa Kỳ tái lập
quan hệ với Trung Quốc, nên tác phẩm trên của ông có nhiều thông tin mật mà ít
ai biết hay ít được tiết lộ trước đây. Ông Trump đánh giá ông Pillsbury
là một
thẩm quyền hàng đầu về Trung Quốc. Những ai đã đọc tác phẩm sẽ thấy rằng phần
lớn các quan điểm và bằng chứng mà ông Pence trình bày là dựa vào các dữ kiện
đã được giới tình báo Hoa Kỳ đúc kết và rút tỉa kinh nghiệm từ hơn bốn thập
niên đối phó với Trung Quốc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ông
Pillsbury.
Phần cuối của cuốn sách, ông Pillsbury đã trình bày
tổng cộng 12 đề nghị chiến lược cho các chính quyền Hoa Kỳ trong tương lai. Ông
Pillsbury là người hiểu rõ thế cờ vây và các chiến lược trí trá mà giới lãnh đạo
chính trị và quân sự Trung Quốc đã và đang áp dụng, từ thời chiến quốc cũng như
hơn bốn thập niên qua, để trổi dậy. Chính quyền Trump đang tiến hành một số đề
nghị chiến lược này. Ông Pence đã bắn phát súng đầu tiên chính thức cảnh báo cuộc
chạy đua của Trung Quốc và công bố các chính sách mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện để đối
phó với sự trổi dậy có nhiều vấn đề của Trung Quốc.
Ông Pence chọn Viện Nghiên cứu Hudson để bắn phát
súng này, trong khi biết rõ Trung Quốc đã đọc tác phẩm và nắm rõ các đề nghị của
Pillsbury, chính nó cũng là một quyết định chiến lược để gửi thông điệp quan trọng
này đến lãnh đạo Trung Quốc.
Đây là cuộc chiến không lạnh, chưa nóng, có thể ấm,
nhưng sức công phá sẽ không nhỏ. Nó sẽ lâu dài, có lúc ngấm ngầm, có lúc bộc
phá, và cũng sẽ có mất mát. Thử thách nào cũng tiềm ẩn cơ hội trong đó. Đây là
cơ hội để Việt Nam thoát Trung, nếu muốn. Hoa Kỳ đã bật đèn xanh nhiều lần. Còn
lãnh đạo Việt Nam có muốn hay không là chuyện khác.
Tôi sẽ bàn về 12 đề nghị chiến lược của ông
Pillsbury trong bài tới.
(Úc Châu, 15/10/2018)
-------------------------------
FOREIGN POLICY | Issued on: October 4, 2018
The
Hudson Institute
Washington, D.C.
Washington, D.C.
11:07 A.M. EDT
No comments:
Post a Comment