Thứ Hai, 10/08/2018 - 18:26 — canhco
Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm
đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn
60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Những lời hứa mật
ngọt ban đầu đã khiến không ít người hy vọng có cuộc sống tươi đẹp hơn khi được
là công dân của Khu Đô thị mới vì nhà nước hứa sẽ dành riêng 160 hecta để cất
nhà cho những gia đình bị giải tỏa. Họ chưa kịp vui thì tin … buồn ập tới, họ
không được phân lô trong khu vực của Đô thị mới Thù Thiêm mà được UBND thành phố
cấp một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Bình Trưng, Cát
Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa quê quán của họ hơn mười cây số.
Người dân Thủ Thiêm lúc ấy nhận được mức đền bù
18.380.000 VND một mét vuông vào năm 2009, và họ cay đắng khi biết được rằng chủ
đầu tư có đất của họ đã bán lại với giá 350 triệu đồng một mét vuông. Cảm giác
bị bóc lột tận xương trên con đường luân lạc đeo đẳng hơn 20 năm, sự uất ức đè
nặng lên từng gia đình cho dù họ có cố tìm quên trong đời sống mới.
Hàng trăm hộ không chấp nhận sự bóc lột tàn tệ đã
bám trụ lại và bị dồn vào những căn nhà ổ chuột để chờ đợi. Chờ đợi gì sau bao
năm mòn mỏi khiến họ quên mất, cái họ đang sống cùng là những căn nhà không thể
gọi là nhà, nó có 20 m2 cho một hộ gia đình có đến 8 tới 10 nhân khẩu. Ai đã từng
xem phim Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) của Ấn Độ sẽ hiểu thế nào là
khu ổ chuột, nhưng cái khác nhau là tại Ấn Độ người nghèo vì nhiều nguyên nhân
nhưng nguyên nhân bị chính quyền lấy đất và đẩy họ vào sống tại khu ổ chuột thì
hoàn toàn không có.
Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã
có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công
ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận
vì họ hiểu rằng phía sau những tờ giấy mà họ nhận được từ chính quyền thành phố
là những âm mưu, những trò lách luật, những ve vuốt lẫn hăm dọa trên chữ nghĩa
phải được trả lại sự thật. Họ tin vào một điều gì rất mơ hồ, không phải là Đảng
mà nhiều gia đình Thủ Thiêm từng bảo bọc, không phải là niềm tin Cách mạng mà
cách đây hơn 40 họ gắn bó. Họ khiếu kiện vì biết chắc chắn bị bọn cường hào đỏ
áp bức, mà bị áp bức thì phải tranh đấu, đó là thuộc tính của con người.
Hầu như năm nào thì vụ Thủ Thiêm cũng được mang ra mổ
xẻ nhằm làm dịu cơn đau của những nạn nhân mất đất. Mỗi lần như vậy người dân lại
thấy thêm một thủ thuật của chính quyền trong vấn đề hứa hẹn. Đại biểu Quốc hội
đơn vị tp HCM, kiêm chủ tịch HĐND thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người gắn
bó với vụ án Thủ Thiêm không phải vì sự oan khuất của họ mà bởi bà là chiếc loa
của thành phố, gần như phát ngôn viên chính thức về mọi vấn đề mà thành phố đưa
ra.
Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà
người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho
họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng
vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp
pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần
chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ
không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm
vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do
VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan
khuất đến mức nào.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối
rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn “tâm sự”:
"Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói
vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu
nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh
thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm".
5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ
day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết
vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi
mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà
hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc
tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn
ngân sách.
Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ
Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này.
Không khó để nhận ra “Quyết Tâm” tên của bà, từ nay
đã trở thành “Nhẫn tâm” dưới mắt người dân. Không những tại Thủ Thiêm mà
trên khắp nước, bởi nơi nào người dân còn tấm lòng thiện lương sẽ phát hiện
ngay sự nhẫn tâm của bà trong câu nói tưởng chừng rất “vô tội vạ” cốt đánh
bóng, tuyên truyền cho nhà nước một dự án như hàng ngàn dự án vô bổ khác trên
khắp đất nước này.
Nước mắt và tiếng than khóc của người dân Thủ Thiêm
đã và sẽ còn ám ảnh cho bất cứ ai nhớ tới. Trong cái nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc
tế ấy có tiêu chuẩn nào được tính cho sự ác độc, tàn bạo của kẻ cầm quyền hay
không?
Người dân nào sẽ vào cái nhà hát “Giao hưởng” ấy khi
nó mọc lên từ hoang tàn của lòng nhân đạo và nỗi ám ảnh bị cướp bóc còn hằn sâu
trong lòng người mua vé vào xem.
Người Cộng sản xem ra rất phù hợp với hai câu
thơ khuyến khích những hoạt động cách mạng trong xu thế hiện đại:
“Bất nhân nào cũng vượt qua / Nhân dân nào cũng đánh
thắng”
No comments:
Post a Comment