Monday, 22 October 2018

NHAN SẮC, CHIẾN BINH & KẺ SĨ (Văn Lang)




Văn Lang
October 21, 2018

Trần Huỳnh Duy Thức (trái) từng là một doanh nhân đi đầu trong ngành công nghệ IT tại Việt Nam, kẻ sĩ này chỉ vì mong muốn cho một Việt Nam tự do dân chủ đã phải hứng chịu bản án 16 năm trong lao tù cộng sản. (Hình: Trang Trần Huỳnh Duy Thức)

Những người ưu tú của một quốc gia, về bề nổi có thể kể tới những người đẹp mà nhan sắc đã đời đời đi vào huyền sử, hay là những chiến binh quả cảm, đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Hoặc là đi vào chiều sâu là những kẻ sĩ, vốn sống là thể phách, thác là tinh anh.

Với nước Việt Nam thời cộng sản hay ‘tư bản hoang dã’ ngày nay, dù ai có trí nhớ thuộc hàng siêu phàm tới đâu cũng không thể nào nhớ xuể tên của các hoa hậu, từ vô số cuộc thi sắc đẹp. Có thể nói ngày nay, Việt Nam lại ở trong tình trạng loạn… hoa hậu.

Nhưng một người làm thơ trong nước đã cảm thán “Hàng năm vẫn tấp nập những cuộc thi nhan sắc, nhưng sao trong lòng vẫn vắng bóng một giai nhân?”

Nếu như trước kia, thời Việt Nam mới “he hé” mở cửa – kinh tế thị trường đã có vô số những lời đồn về việc những người đẹp là hoa hậu, diễn viên… hành nghề bán dâm, thì năm ngoái, năm kia công an đã bắt được nhiều đường dây bán dâm gồm toàn diễn viên, người mẫu, hoa hậu hành nghề “bán trôn” với giá một ngàn đô la.

Và năm nay, ngay trước thềm chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2018, một đường dây bán dâm gồm toàn người mẫu, MC, á hậu, á khôi lại bị công an “quả tó,” với giá bán dâm đã lên tới 7 ngàn – 25 ngàn đô la.

– Choa ơi! Không biết là nhan sắc Việt đang lên giá hay đang xuống giá?

Chỉ thấy rằng, nhiều cô hoa hậu, hoa khôi xuất thân gia đình cũng thuộc dạng “thường thường bậc trung,” vậy mà chỉ sau ít năm tham gia “thị trường nhan sắc,” đã khoe xe “siêu sang,” nhà “siêu biệt thự,” đi nước ngoài như… spa.

Rồi thì những cuộc tình chân dài – đại gia, tràn ngập các trang báo. Như thể để tô vẽ cho đời sống thời thượng của xã hội “kinh tế thị trường – định hướng XHCN.”

Bởi thế, cũng chẳng có gì lạ, khi có những em “lọ lem” dấn thân vào những cuộc thi hoa hậu, khi được Ban giám khảo hỏi lý do đi thi, có em không ngần ngại trả lời: Em đi thi hoa hậu, vì muốn được… đổi đời!

Cho nên, đừng ngạc nhiên khi một thiếu gia xuất thân “phố núi,” có mẹ xưa hành nghề đốn rừng, nay về Sài Gòn vung tiền chơi, có biệt danh là “C…đô-la,” đã thoải mái đốn các chân dài 3 miền như… đốn củi.

Lại nói về câu chuyện của những chiến binh – những người đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

Những buổi tưởng niệm những liệt sĩ VNCH, trong trận bảo vệ Hoàng Sa (1974). Hay liệt sĩ Việt Nam Cộng Sản, trong trận chiến Trường Sa (1988). Hoặc bị đàn áp, hoặc chỉ diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ.

Nhưng ngược lại, những “chiến binh trên sân cỏ” của môn túc cầu (bóng đá) thì lại được hân hoan đón chào, rầm rộ trên toàn quốc. Nhất là trong những trận cầu quốc tế, khi tuyển trẻ Việt Nam thắng cuộc thì ngoài triệu triệu con tim của người hâm mộ, còn có công điện chúc mừng của thủ tướng cộng sản. Và bà chủ tịch quốc hội thì khoe rằng, tuy đang công du tận Thụy Sĩ, nhưng vẫn theo dõi trận túc cầu của tuyển trẻ Việt Nam qua màn hình của điện thoại di động.

Đặc biệt, trận chung kết tranh tài của giải trẻ Á Châu, tại Thường Châu (Trung Quốc). Tuyển trẻ U23 Việt Nam tuy nhỏ “xíu” con vẫn đá một trận “tưng bừng khói lửa” với tuyển Uzbekistan, trong bối cảnh trên sân tuyết rơi rất dày. Thậm chí trận đấu phải tạm dừng cả nửa tiếng để dọn tuyết. Tuy thua sát nút ở những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2, nhưng đội U23 Việt Nam đã làm thỏa lòng mong đợi của hàng triệu triệu người mê túc cầu.

Một chuyến chuyên cơ đặc biệt của được đưa sang Trung Quốc đón các cầu thủ trẻ về nước. Họ, những cầu thủ U23 được mọi người đón chào như những “người hùng.” Một dàn người đẹp bận bikini, đã “chiêu đãi” các cầu thủ một cách hậu hĩ ngay trên chuyến chuyên cơ…

Sẽ không có gì để phàn nàn về những đêm nhan sắc được đăng quang trên những sân khấu rực rỡ ánh đèn, với nước mắt tràn mi trên những dung nhan diễm tuyệt. Càng không có gì để càm ràm, khi hàng triệu triệu con tim của người Việt hân hoan lăn theo trái bóng tròn của những cầu thủ nhỏ con mà khéo léo, ngoan cường trên sân cỏ… Nếu như, Việt Nam đừng có những vùng quê tăm tối, với hàng ngàn, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu dân oan.

Như vùng Thủ Thiêm, nhìn từ bên đây Sài Gòn. Hơn 20 năm qua, đảo kim cương, miền đất hứa ấy, vẫn là một vùng tăm tối. Nước mắt dân oan không ai giải quyết, ngoài những lời hứa…gió bay. Và mới đây Hội Đồng Nhân Dân thành phố Sài Gòn đã ra nghị quyết, xây nhà hát giao hưởng trên vùng đất đẫm nước mắt ấy. Thâm ý, chắc là muốn dùng “tiếng hát át…tiếng khóc” của dân oan?

Chính vì một xã hội còn đầy rẫy những áp bức, bất công mà không thể không nhắc tới những kẻ sĩ – Lương tâm của một quốc gia.

Trong những tiếng reo hò của một đất nước đang lên cơn sốt bóng đá. Trong tiếng vỗ tay rào rào chào đón một hoa hậu vừa đăng quang… Mấy ai chú ý tới những tin tức trên mạng Internet, về việc Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực.

Trần Huỳnh Duy Thức, có thể nói là lứa doanh nhân trẻ đầu tiên, nếu không nói là đi tiên phong thời sau mở cửa. Đã thành công trong ngành công nghệ IT, đã mở rộng thị trường sang tận Singapore, thời mà Việt Nam còn như con vịt xấu xí quen bơi trong ao làng. Nhưng anh và các “đồng chí” của anh đã dám dấn thân cho đất nước, dù biết có thể sẽ mất tất cả. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói tới “thái độ dấn thân,” chứ không bàn tới “cách làm chính trị” hay lý thuyết “Chấn” của nhóm Trần Huỳnh Duy Thức.

Nhóm của Trần Huỳnh Duy Thức đều là những người có học thức, và còn trẻ (trước lúc bị bắt). Trong số họ, có người có vợ, có người mới chỉ có người yêu…

Nhóm của Trần Huỳnh Duy Thức chọn dấn thân cho đất nước. Vì họ hiểu rằng nhan sắc không thay đổi được thế giới (như với vương quốc hoa hậu Venezuela). Hay bóng đá cũng không thể thay đổi số phận của một dân tộc (như cường quốc bóng đá Brasil).

Một bông hồng cho những kẻ sĩ sau chấn song sắt nhà tù như Trần Huỳnh Duy Thức! (Văn Lang)







No comments:

Post a Comment

View My Stats