Thursday 18 October 2018

NHÀ HOẠT ĐỘNG LÊ ĐÌNH LƯỢNG BỊ TÒA PHÚC THẨM TUYÊN Y ÁN 20 NĂM TÙ GIAM (tổng hợp)





Hôm nay 18/10/2018, cái gọi là tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Vinh đã mở phiên xét xử phúc thẩm đối với ông Lê Đình Lượng, một người yêu nước sinh sống tại Việt Nam. Phiên tòa này diễn ra trong bối cảnh công luận đang vui mừng trước thông tin blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thoát khỏi nhà tù, cùng với mẹ và hai con nhỏ sang tị nạn ở Mỹ.

Trước đó, ngày 16/8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm và kết án ông Lượng 20 năm tù giam, 5 năm quản chế với tội danh được gán ghép là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 79 BLHS năm 1999.

Anh Lê Đình Lượng

Vẫn là quang cảnh quen thuộc của nhiều phiên tòa chính trị khác, bên ngoài khu vực trụ sở tòa án, dày đặc an ninh, mật vụ canh gác. Các ngả đường, tuyến phố hướng đến tòa án đều bị phong tỏa, cấm các phương tiện giao thông qua lại.

Hai luật sư tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng là Hà Huy Sơn và Đặng Đình Mạnh.

Theo tin từ luật sư Đặng Đình Mạnh thì ngoài hai luật sư được gia đình nhờ bào chữa, tòa án chỉ định thêm một luật sư, “nhưng ông Lượng đã từ chối để luật sư chỉ định ra về sau phần thủ tục”.

Phiên tòa diễn ra trong buổi sáng ngày 18/10 và vội vã kết án ông 20 năm tù giam, 5 năm quản chế. Tức là y án so với phiên sơ thẩm.

Được biết, giống như phiên sơ thầm, ông Lượng đã thể hiện ý chí bảo vệ lẽ phải đến cùng và khí phách đáng kính phục của một người yêu nước. Bản án 20 năm tù giam là bản án nặng nề nhất mà một người đấu tranh cho tự do, dân chủ từng nhận trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. 

Chúng ta cùng nghe lời nói cuối cùng của ông Lượng khi nhận bản án kinh khủng này: “Việc của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do, dân chủ”.

Xin nhận ở chúng tôi sự kính trọng và cảm phục về khí phách của một con người. Khí phách Lê Đình Lượng.



-----------------------------

BBC News Tiếng Việt
18/10/2018

Hôm 18/10, tòa án phúc thẩm Nghệ An vẫn quyết định y án 20 năm tù 5 năm quản chế cho nhà hoạt động nông dân Lê Đình Lượng.

Y án 20 năm và cấm ứng cử?

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết phiên tòa phúc thẩm diễn ra một cách nhanh chóng.
Ông Lượng, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, "luôn rất ôn hòa, hết sức bình thản, nhẹ nhàng, lúc nào cũng gần như đang cười, mặc dù cương quyết không nhận tội."

Có một điều đặc biệt là hội đồng xét xử lại bổ sung hình phạt đó là cấm đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang trong 5 năm.

"Bản thân nội dung hình phạt bổ sung đã nói lên ý định của chế độ đối với ông ấy. Dù 20 năm nữa thì ông ấy cũng hơn 70 tuổi rồi, không thích hợp để đảm đương chức vụ nhà nước, dân cử, nhưng có lẽ họ vẫn không muốn xảy ra khả năng đó," ông Mạnh nói.
"Ở thành phố Vinh, thật ra ông Lượng không được nhiều người biết đến, nhưng tại huyện Yên Thành, thật ra ông ấy giống như là một lãnh tụ tinh thần,"
"Ông đã làm rất nhiều điều có ích cho người dân, tranh đấu với chính quyền về những bất công tại địa phương. Và rất có thể điều đó đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền."

Ông Mạnh cho biết, cũng tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, hàng trăm người dân tại giáo xứ của ông Lượng cũng đã kéo đến cả một góc đường, vì "họ nghĩ là phiên tòa công khai thì họ sẽ được vào dự".
Tuy nhiên chỉ có vợ, con trai và con dâu của ông Lượng được vào sau khi có sự can thiệp vất vả của phía luật sư.

Hình ảnh thân mẫu của ông Lê Đình Lượng tại buổi lễ cầu nguyện cho ông tại giáo xứ Vĩnh Hòa sáng 18/10.  Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm/Facebook

Được người dân yêu mến, kính trọng

Ông Lượng là nhà hoạt động nông dân và cũng là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới Việt - Trung.

Tháng 7/2017, ông bị bắt sau khi đi thăm gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Trước khi bị bắt, gia đình cho biết ông Lượng đã nhiều lần bị đánh đập uy hiếp bởi an ninh địa phương.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người cũng gọi ông Lượng là chú họ, cho biết, ông Lượng đã tham gia đòi chống lạm thu thuế nông nghiệp, lạm thu học đường cho người dân, buộc chính quyền đã thừa nhận và trả lại tiền.
Ông Lượng còn hay giúp các cựu chiến binh như ông làm đơn để khiếu nại, hay cũng như đòi quyền lợi.

Trước đó, hôm 16/8, tòa án sơ thẩm Nghệ An đã tuyên án ông Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội "Lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật hình sự.

Ông Lượng là người ít được biết đến trong phong trào đấu tranh dân chủ trên cả nước, theo luật sư Nguyễn Văn Đài.
"Nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu," ông Đài nói.

Luật sư Đài cho rằng có nhiều tình tiết bí ẩn khiến cho bản án của ông Lượng cao hơn bản án 17 năm do Viện Kiểm sát đề nghị.

Giáo dân Giáo xứ Vĩnh Hòa cầu nguyện cho ông Lê Đình Lượng sáng 18/10 tại Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An.  UGC

'Đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm'

Theo báo Nghệ An, Lê Đình Lượng là "đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố 'Việt Tân'"
Tờ báo địa phương cho rằng ông Lượng đã tuyên truyền, lôi kéo những người dân "có tư tưởng chống đối ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân".
"Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về 'vai trò người lãnh đạo' và 'truyền thông báo chí', do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam,"

Ông Lượng hay làm các biểu ngữ tự chế để thể hiện quan điểm của mình. Paul Trần Minh Nhật/Facebook

Bản cáo trạng cũng cho rằng ông Lê Đình Lượng đã lôi kéo "Nguyễn Văn Oai, Đinh Hữu Toàn, Ngô Văn Mai, Nguyễn Viết Dũng... tham gia vào tổ chức Việt Tân, nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Tuy nhiên bài báo ngày 18/10 của Báo Nghệ An, không đề cập đến hình phạt bổ sung dành cho ông Lượng.

Trong khi đó Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam đảo ngược bản án và trả tự do cho ông Lượng ngay lập tức.

Theo Phil Robertson, Phó giám đốc HRW khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là không thể chấp nhận được, bao gồm việc phản đối liên quan đến tôn giáo và môi trường.
"Ông Lượng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, kể cả việc phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan, xả thải ra biển làm ô nhiễm bãi biển miền Trung Việt Nam, gây ra cái chết hàng loạt của hải sản và tàn phá môi trường."

*
Tin liên quan
·        
.
.

-----------------------------------
RFA
2018-10-18

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tòa phúc thẩm giữ y án 20 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên xử diễn ra vào sáng ngày 18 tháng 10 tại Nghệ An.

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8/2018.  AFP

Luật sư Đặng Đình Mạnh thuộc đoàn luật sư TPHCM nhận bào chữa cho ông Lê Đình Lượng tại phiên phúc thẩm trả lời Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng phiên tòa chỉ diễn ra trong khoảng 3 tiếng với lý do là Viện Kiểm sát (VKS) không mặn mà tranh luận và cũng không triệu tập 2 nhân chứng đã phản cung ở phiên sơ thẩm.

“Ông Lượng vẫn không nhận tội và không khai báo gì, tòa sẽ công bố những lời khai. Do phiên tòa lần này họ không triệu tập 2 nhân chứng nữa và cũng không chiếu những clip về quá trình cơ quan điều tra lấy lời khai nên thời gian ngắn đi rất là nhiều.
Cái thứ hai là sự đối đáp qua lại của luật sư và VKS rất là hời hợt. Bên VKS họ hầu như là tranh luận cho có, rất nhẹ nhàng và không gay gắt, cho nên mặc dù chúng tôi đã rất nhiệt thành tranh luận nhưng cũng như đấm vào thinh lặng vậy. Cho nên phiên tòa đã kết thúc rất là sớm!”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho biết thêm, lời nói sau cùng của ông Lượng trước khi tòa nghị án đã làm luật sự thực sự rất cảm động.

Nguyên văn lời ông Lê Đình Lượng nói như sau: “Việc tôi làm lịch sử sẽ phán xét! Tôi rất vui lòng ở trong lao tù nếu như đất nước tôi lớn lên, có tự do, dân chủ.”

Trước phiên tòa một ngày , tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án hà khắc 20 năm đối với nhà hoạt động dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng.

Human Rights Watch cho rằng đây là cơ hội để tòa án sửa chữa sai lầm bằng cách phân biệt giữa việc chỉ trích chính phủ với những đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của con người.

Ông Lê Đình Lượng, năm nay 53 tuổi, từng là cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc.

Ông bị bắt vào tháng 7 năm 2017 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam khi trước đó ông có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân Formosa cũng như xuống đường phản đối việc công ty Đài Loan này xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, mặc dù trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc phẩm, ông Lê Đình Lượng đã không thừa nhận hành vi của mình, tuy nhiên, trên cơ sở tài liệu chứng cứ, lời khai của nhân chứng, Hội đồng xét xử nhận thấy đủ căn cứ xác định ông Lê Đình Lượng là người hoạt động tích cực của tổ chức Việt Tân tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Vì vậy theo hãng thông tấn Quốc gia, trực thuộc Chính phủ Việt Nam cho rằng bản án đối với ông Lê Đình Lượng là bài học, lời cảnh tỉnh cho những ai còn có âm mưu chống phá, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân.

Hai nhân chứng đã phản cung tại phiên tòa sơ thẩm và không được triệu tập đến phiên phúc thẩm theo yêu cầu là tù nhân Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng. Thân nhân của cả hai tù nhân trẻ này cho biết sau khi phản cung tại phiên sơ thẩm, hai anh Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng bị đánh đập trong tù.

Anh Nguyễn Văn Hóa hiện đang phải thụ án 7 năm tù giam và anh Nguyễn Viết Dũng 6 năm với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88’ Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

--------------------------
18/10/2018

Nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng bị tòa phúc thẩm y án 20 năm tù và 5 năm quản chế, theo tin từ gia đình.

Bà Cảnh, mẹ của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, sờ lên hình con trai, trước thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho ông tại nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hoà, giáo phận Vinh, gần nơi diễn ra phiên phúc thẩm sáng hôm 18/10/2018. Photo Nguyễn Xoan.

Bà Nguyễn Xoan, con dâu của ông Lê Đình Lượng, cho VOA biết vào sáng ngày 18/10, một phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội xét xử ông Lê Đình Lượng tại tòa án Tỉnh Nghệ An với mức án như phiên sơ thẩm hôm 16/8.

Trang VietnamNet loan tin tòa y án vì: “cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian dài để răn đe, giáo dục.”

Trước đó, người bào chữa cho ông Lượng, Luật sư Đặng Đình Mạnh, nói với VOA rằng bản án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế dành cho ông Lượng là một “bản án bất công” và tòa án “không đủ chứng cứ” để kết tội ông Lượng theo tội danh trong cáo trạng, chưa kể 2 nhân chứng được triệu tập trong phiên xử sơ thẩm cũng bất ngờ phản cung và cho biết họ đã bị bức cung để chống lại ông Lượng.

VIDEO :

Nhiều tổ chức quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và bảo vệ môi trường này.

Phó giám đốc Văn Phòng Châu Á của Human Rights Watch (HRW), ông Phil Robertson, trong một thông cáo ra ngày 17/10 chỉ ra rằng bản án 20 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên cho ông Lê Đình Lượng, là “một trong những bản án hà khắc nhất trong quá trình đàn áp của Việt Nam nhắm vào những nhà hoạt động ôn hòa.”

HRW kêu gọi Việt Nam “đảo ngược bản án” và “trả tự do ngay” cho ông Lượng, người đã bị tuyên án tù dài ngày với tội danh “hoạt động nhằm âm mưu lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

“Đây là một cơ hội để tòa án điều chỉnh sự sai trái này, và làm rõ sự khác biệt giữa việc chỉ trích chính phủ và đe dọa an ninh quốc gia, và bảo vệ cho quyền tự do phát biểu của người dân”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc HRW nói trong tuyên bố đưa ra hôm 17/10.

Ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một nhà hoạt động tranh đấu để bảo vệ môi trường ở Nghệ An. Ông từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối công ty thép Formosa-Hà Tĩnh, thủ phạm đã gây ra thảm họa môi trường biển lớn nhất từ trước đến nay ở các tỉnh miền Trung, và cộng tác với các giáo xứ Công giáo trong việc hỗ trợ người dân đòi bồi thường.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, EU và nhiều tổ chức phi chính phủ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về “tội danh mơ hồ” đối với ông Lượng và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và cho phép họ được bày tỏ ý kiến một cách tự do và tụ họp ôn hòa mà không sợ bị trả thù.

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Thành tại phiên tòa ở Bình Dương ngày 17/10/2018. Photo VOV.

Hôm 17/10 vừa qua, một tòa án ftỉnh Bình Dương đã xử phạt nhà hoạt động Nguyễn Đình Thành, 27 tuổi, nhân viên y tế thị xã Thuận An, 7 năm tù giam vì đã in 3.300 tờ truyền đơn, kêu gọi biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế hồi tháng 6. Anh Nguyễn Đình Thành bị cáo buộc là đã “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu và các vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước” theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Báo Pháp Luật trích cáo trạng cho biết từ năm 2013 khi đang là sinh viên trường Đại học y Hà Nội, Nguyễn Đình Thành “thường xuyên lên mạng đọc các bài viết có nội dung xuyên tạc nói xấu, vu khống Đảng, Nhà nước.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói trong thông cáo gửi cho VOA ngày 17/8: “Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và các bản án khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam là ‘đáng lo ngại’.”

VIDEO :








No comments:

Post a Comment

View My Stats