24/10/2018
Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh, người vừa tới Mỹ sau khi ra khỏi nhà tù Thanh Hóa, nói bà cảm
thấy buồn khi nghĩ đến cảnh phải sống lưu vong lúc biết tin sẽ được trả tự do.
Blogger bất đồng chính kiến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với bút danh Mẹ Nấm,
nói rằng bà không muốn rời Việt Nam và buồn khi phải đi sống lưu vong.
Blogger Mẹ Nấm, bút danh của bà Quỳnh, nói với
Reuters qua Skype rằng bà biết tin mình sẽ được ra tù trong chuyến thăm của một
nhân viên sứ quán Mỹ cách đây vài tháng. Người này cho bà biết rằng bà sẽ được
trả tự do để đến sống ở Mỹ.
“Nếu tôi có quyền lựa chọn, tôi sẽ ở lại Việt Nam nhưng tôi có hai đứa
con nhỏ nên tôi phải nghĩ về tương lai của chúng,” bà Quỳnh nói từ Houston, Texas, hôm 19/10.
Người mẹ 63 tuổi của bà Quỳnh là người chăm sóc con
gái 12 tuổi và con trai 6 tuổi của bà trong suốt thời gian bà bị giam trong tù.
Ngay sau khi được đưa ra khỏi nhà tù ở Thanh Hóa, bà
Quỳnh được đưa ngay tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, để cùng đi với thân mẫu và hai
con của bà trên chuyến bay tới Mỹ, quá cảnh Đài Loan. Bà và gia đình tới
Houston đêm ngày 17/10 trước sự chào đón nồng nhiệt của nhiều người Việt đang
sinh sống ở thành phố này.
Blogger Mẹ Nấm, người bị kết án 10 năm tù vì tội
“Tuyên truyền chống phá nhà nước” vào tháng 10/2016, được thả đúng vào dịp Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam.
Không biết liệu việc thả blogger bất đồng chính kiến
này có liên quan gì tới chuyến thăm của Bộ trưởng James Mattis hay không nhưng
bà Quỳnh nhận định với Reuters rằng chính quyền Việt Nam đã trì hoãn việc trả tự
do cho bà cho tới khi có chuyến thăm của người đứng đầu bộ Quốc phòng Mỹ.
Blogger Mẹ Nấm nói chuyện với phóng viên Reuters qua Skype từ Houston,
Texas.
Theo bà Quỳnh, chính phủ Mỹ đã dàn xếp việc trả tự
do cho bà từ trước đó và nhân viên sứ quán Mỹ thông báo về việc bà sẽ được thả
trong chuyến thăm bà tại trại giam ngày 24/7.
Blogger Mẹ Nấm được Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania
Trump trao giải thưởng Người phụ nữ can đảm năm 2017 vì "đã viết nhiều
blog về các vấn đề môi trường và nhân quyền ở Việt Nam, đưa ra các luận cứ chặt
chẽ để truyền cảm hứng cho thay đổi và minh bạch hơn".
Mỹ xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong bối
cảnh Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sức mạnh nhưng Washington đã luôn chỉ
trích thành tích nhân quyền của Hà Nội.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói ngoài
việc đã kêu gọi trả tự do cho bà Quỳnh, Washington còn kêu gọi trả tự do cho những
tù nhân khác ở Việt Nam đang bị giam cầm vì “thực thi các quyền con người và
các quyền tự do cơ bản.”
Bà Quỳnh không tin rằng việc thả tự do cho bà, hay
việc thả tự do cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài hồi tháng Sáu, cho thấy dấu
hiệu của bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách của Việt Nam đối với các tù
nhân chính trị.
Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch
nói Việt Nam đã áp dụng một chiến lược đàn áp về chính trị theo đó bắt giữ các
nhà hoạt động với các bản án “ma”, đưa ra các án tù dài hạn và sau đó trả tự do
cho họ đi lưu vong để lấy danh tiếng cho việc thả tự do đó.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng bà Quỳnh được thả vì
lý do nhân đạo và do đó án tù mười năm của bà được tạm thời ngưng lại, theo
Reuters.
No comments:
Post a Comment