Tuesday, 23 October 2018

LUẬT SƯ TRỊNH HỘI VIẾT "TÔI MUỐN" (LS Trịnh Hội)




LS Trịnh Hội
Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
23 tháng 10 2018

Cũng lâu rồi tôi không viết lách gì cả. Phần bận bịu công việc, phần cũng chẳng thấy có điều gì đáng viết.

Luật sư Trịnh Hội trong một sinh hoạt gây quỹ cho hoạt động của tổ chức ông lãnh đạo. AFP

Nhất là khi quanh tôi, từ Facebook cho đến ngoài đời, đâu đâu cũng thấy có người viết hay hơn mình. Kể cả ở ý tưởng về những vấn đề mà tôi nghĩ tôi biết rõ cũng có người đã đi trước tôi hằng mấy thập niên.

Như hôm nọ đọc quyển 'Ký' của nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói về anh Trần Văn Bá, người đã bị nhà nước Việt Nam bắt xử tử vào đầu thập niên 1980. Đọc xong tôi mới được biết là trước khi anh quyết định từ bỏ gia đình, cuộc sống sung túc ở Paris để trở về Việt Nam kháng chiến, anh đã tuyên bố câu chuyện tỵ nạn chỉ chấm dứt một khi Việt Nam có tự do, dân chủ.

Thế vậy mà tôi phải đợi đến sau hơn 20 năm làm việc tỵ nạn mới nghiệm ra được điều này. Và cũng sau hơn hai mươi năm, ở độ tuổi 'tứ thập nhi bất hoặc' này, tôi mới thấy rõ, biết rõ và muốn nói rõ suy nghĩ của mình để từ đó mong là chúng ta có thể cùng nhau tìm ra một giải pháp cho dân tộc.

Điều thứ nhất tôi muốn nói rõ là ngày nào đất nước Việt Nam còn độc quyền chính trị thì ngày đó vẫn còn nhiều người Việt bỏ nước ra đi. Họ có thể ra đi vì miếng cơm manh áo, vì lo cho gia đình, vì tương lai con cái, hoặc vì không chịu đựng nổi sự đàn áp của chế độ.

Hoặc gần đây còn nổi lên những hình thức tỵ nạn mới, như tỵ nạn giáo dục, tỵ nạn y tế, tỵ nạn môi trường, đến từ những người bất an về tương lai của bản thân và gia đình trên mảnh đất bị phủ bóng bởi chế độ độc đảng.

Tựu trung lại, tất cả đều sẵn sàng đánh đổi những gì thân thuộc và quan trọng nhất, thậm chí cả mạng sống của mình, để mưu cầu tự do, hạnh phúc ở một nơi khác.

Và sẽ không có bất kỳ cá nhân, tổ chức, hoặc quốc gia nào có thể hoàn toàn khép lại câu chuyện tỵ nạn Việt Nam, cho dù họ cố gắng cách mấy đi chăng nữa.

Câu chuyện tỵ nạn chỉ có hồi kết một khi nhà nước Việt Nam thực thi và tôn trọng những quyền tự do căn bản nhất của tất cả mọi công dân. Đó là các quyền dân sự và chính trị bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tranh cử.

Kể từ bây giờ cho đến lúc ấy, mọi nỗ lực cứu giúp người tỵ nạn, tuy cần thiết và rất cần làm, chỉ là giải pháp nhân đạo tạm thời nhưng sẽ không giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, cá nhân tôi và tổ chức VOICE mà hiện tôi là Giám Đốc Điều Hành đã chú trọng hơn trong công việc đào tạo và giúp đỡ những nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước.

Họ là tiếng nói lương tâm của Việt Nam, là tương lai của một đất nước Việt Nam tự do và nhân bản. Nếu muốn thấy những thay đổi cụ thể, lâu dài và bền vững trong xã hội, chúng ta cần phải tìm cách hết sức giúp đỡ họ.

Từ một Đoan Trang dám nói thẳng, nói thật về những bất công trong xã hội cho đến Trần Huỳnh Duy Thức sẵn sàng tiếp tục ngồi tù với bản án 16 năm. Từ một Hoàng Đức Bình tranh đấu cho cả một cộng đồng ở Nghệ An trắng tay vì đại hoạ Formosa cho đến một Lê Công Định không chút sờn lòng dù có phải vào tù một lần nữa.

Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp cho những tiếng nói lương tâm ấy được đi xa hơn, đến với nhiều người hơn.

Nhưng. Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận ra rằng nếu chỉ có bấy nhiêu từng ấy người dám nói, dám làm, trong một đất nước có trên 92 triệu dân trong nước và 4 triệu người ở hải ngoại thì tôi nghĩ khó mà thấy được những thay đổi lớn lao trong xã hội. Phải có không chỉ một Đoan Trang mà là mười Đoan Trang, không chỉ một Hoàng Đức Bình mà là một trăm Hoàng Đức Bình, và một ngàn Trần Huỳnh Duy Thức, và một vạn người như Lê Công Định.
Chắc chắn khi ấy những quyền tự do căn bản nhất của một công dân mà tôi vừa nêu trên sẽ được thực thi và tôn trọng dưới bất kỳ thể chế nào.

Công việc không dễ dàng

Tôi muốn thấy điều đó xảy ra trong tương lai, trong một thời gian gần nhất. Và vì vậy tôi mong là trong những năm tháng sắp tới sẽ có nhiều tổ chức, hội đoàn trong và ngoài nước chú trọng hơn trong công việc đào tạo, giúp đỡ các nhà hoạt động trẻ và những dự án của họ.

Dĩ nhiên tôi cũng biết đây không phải là một công việc dễ dàng. Đào tạo một thế hệ trẻ có đủ các kỹ năng, kiến thức và nhất là tầm nhìn trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay cần một sự đầu tư nghiêm túc, dài hạn và đa dạng.

Nghiêm túc có nghĩa là chương trình đào tạo cần phải được chuyên nghiệp hoá, có giảng viên kinh nghiệm, thật lòng, có sự liên kết với các tổ chức quốc tế khác để cho các em có cơ hội làm việc thực tập trước khi về nước.

Dài hạn có nghĩa là chương trình đào tạo có thể kéo dài một hoặc hai tuần nhưng nó cũng có thể lâu hơn, sáu tháng hoặc dài hơn nữa tuỳ vào trình độ và kỹ năng của các thực tập sinh được chọn.

Và đa dạng có nghĩa là phong trào xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam cần có nhiều chuyên gia hơn nữa trong nhiều lãnh vực khác nhau như báo chí, luật pháp, tự do tôn giáo, môi trường, v.v…

Điều đó cũng có nghĩa là nó sẽ tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Nhưng sau hơn 20 năm học và làm việc trên nhiều lãnh vực cũng như vùng miền khác nhau trên thế giới, tôi không thấy có cách nào khác hơn để có thể đảm bảo cùng một lúc những thay đổi lớn lao mang tính cách bước ngoặt trong xã hội Việt Nam nhưng lại tránh được bạo loạn.

Sự biến mình tự thay đổi từ chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Nam Phi hay từ thể chế độc tài quân phiệt của Nam Hàn và Đài Loan sang tự do, dân chủ trong hai thập niên 1970 - 1990 là những thí dụ điển hình cho thấy bất kỳ dân tộc nào cũng có thể đạt được giấc mơ dân chủ mà không phải trải qua cảnh đao binh, khói lửa.

Miễn là họ có quyết tâm lớn lao thực hiện kế hoạch đó.

Luật sư Trịnh Hội (bìa phải) và bà Vũ Minh Khánh (vợ luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, thứ ba, phải qua) trong một chuyến vận động quốc tế

Và đó cũng là điều cuối cùng tôi muốn nói. Tôi muốn thấy ở chính bản thân tôi có một sự đầu tư chín chắn cho vấn đề này. Không phải chỉ trong phạm vi của một tổ chức như VOICE mà là cho cả một phong trào xã hội dân sự độc lập trong nước. Để nó đảm bảo được rằng cho dù có bất kỳ biến động nào trong tương lai, Đảng Cộng Sản Việt Nam hay bất kỳ đảng phái nào khác lên cầm quyền sau khi thắng cử, họ sẽ phải bị những định chế dân chủ kiểm soát và cân bằng quyền lực.

Những định chế ấy chắc chắn chỉ sẽ được xây dựng và nuôi dưỡng bởi một nền xã hội dân sự độc lập, mạnh mẽ, đa dạng.

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể đạt được điều đó? Tôi đã có một kế hoạch cụ thể nào chưa?

Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được điều đó nếu như cộng đồng chúng ta quan tâm hơn về công việc đào tạo, làm việc nhiều hơn với các tổ chức quốc tế khác có cùng mối quan tâm như Civil Rights Defender, Taiwan Foundation for Democracy, Open Society Foundations.

Và quan trọng hơn hết là huy động được một số vốn lớn nhằm mục đích đầu tư dài hạn để mỗi năm phong trào xã hội dân sự độc lập sẽ có một nguồn tài chính hỗ trợ lâu dài, vững chắc mà không phải trông đợi vào bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào.

Tuỳ vào sự nhiệt tâm góp ý của các bạn đọc xa gần sau bài viết này, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những cảm nghĩ của tôi. Để mong là mỗi người một việc, chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau đi đến một giải pháp chung cho đất nước.

Bài viết thể hiện thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà vận động từ Úc hiện sống tại Hoa Kỳ. Các bạn có ý kiến đồng ý hoặc phản biện lại xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.







No comments:

Post a Comment

View My Stats